Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 21 Tháng 11 2013 19:59

Tĩnh tâm linh mục sáng ngày 20. 11.2013 (3)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tĩnh tâm linh mục sáng ngày 20. 11.2013 (3)

 

Bài III. TẬP TRUNG VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA (Mc 1,14-15)
Trong buổi tĩnh tâm thứ 3, Đức Cha giảng phòng đã giúp các linh mục suy gẫm về khía cạnh khác trong linh đạo Tân Phúc Âm hóa đó là Tập trung vào nước Thiên Chúa:
Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 14-15)
Tập trung vào Nước Thiên Chúa, là đòi hỏi thứ 3 trong linh đạo Tân Phúc Âm Hóa.
Evangelium = Phúc Âm hay Tin Mừng, là một từ đã được dùng thời đế quốc Roma, nó có nghĩa là sứ điệp bao hàm những mệnh lệnh của hoàng đế. Thánh Sử đã sử dụng từ này để diễn tả sứ điệp mà Chúa Giêsu đã rao giảng, và nội dung cốt lõi của sứ điệp đó là Nước Thiên Chúa đã đến gần.

Vậy Nước Thiên Chúa là gì?
Theo Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, trong dòng lịch sử, có 3 chiều kích giải thích hay diễn tả về nước Thiên Chúa:
- Chiều kích quy Kitô: Đức Kitô chính là nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa không phải là sự vật, một mầu nhiệm thần bí, nhưng là một Đấng có tên là Giêsu Nazareth. Qua lời rao giảng của Chúa Giêsu về nước Thiên Chúa, người ta khám phá nơi Đức Giêsu nước Thiên Chúa đang ở giữa họ.
- Chiều kích thần bí: nơi chốn của nước Thiên Chúa là tâm hồn con người: “nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (x. Lc 17,21). Nước tôi không thuộc về thế gian này có nghĩa là người ta không tìm thấy nước Chúa trên bản đồ địa lý, nước đó không được xây dựng theo kiểu những vương quốc trần gian, nhưng nước đó ngự trị trong mỗi con người để từ đó chiếu tỏa ánh sáng ra bên ngoài.
- Chiều kích Giáo Hội: Nước Thiên Chúa và Hội Thánh là những thực tại liên hệ với nhau qua nhiều cách thế. Đấy là cách giải thích và hiểu về Hội Thánh trong những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhiều khi cách giải thích đó đi quá đà, làm cho người ta đồng hóa Giáo Hội với Nước Thiên Chúa.

tt1

Ngày nay, chúng ta hiểu rằng Giáo Hội là bí tích, là dấu chỉ và khí cụ của nước Thiên Chúa.
Trong suy tư thần học Công giáo, Đức Bênêdictô XVI đề cập đến một tiến trình nguy hiểm khi nói về Nước Thiên Chúa:
Lúc đầu, người ta coi Đức Kitô là trung tâm, có ý kiến cho rằng nếu như vậy thì làm sao đối thoại với các tôn giáo không nhìn nhận Đức Kitô. Vì vậy để phục vụ cho việc đối thoại với các tôn giáo khác, người ta chuyển từ Đức Kitô là trung tâm sang Thiên Chúa là trung tâm. Nhưng làm sao để đối thoại với những người không cùng niềm tin tôn giáo, người ta đâu có nhìn nhận Thiên Chúa đâu. Chính điều này, người ta lại chuyển một bước nữa từ Thiên Chúa là trung tâm sang Nước Chúa là trung tâm. Tuy nhiên, khi đề cập đến Nước Chúa - vương quốc, thì điều này cho thấy người ta chỉ nhấn mạnh đến chiều ngang thôi; nước Chúa trở thành một dự án thuần túy mang tính chính trị và xã hội. Vì vậy, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI là người cố gắng giúp cho người tín hữu ý thức lại về Thiên Chúa (chiều dọc). Ngài nhấn mạnh rằng trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã rao giảng về Nước của Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu rao giảng về nước Thiên Chúa thì Người loan báo về Thiên Chúa và cũng loan báo chính Người là Thiên Chúa đang hiện diện sống động giữa dân của Người, đang hành động cụ thể trong thế giới này và trong lịch sử này. Và cũng chính vì vậy, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô 16 đề nghị khi dịch nước Thiên Chúa cần nhấn mạnh đến vương quyền của Thiên Chúa.

tt2

Với những suy tư về Nước Thiên Chúa như thế, câu hỏi đặt ra để các linh mục suy nghĩ là: Tại sao trong linh đạo Tân Phúc Âm Hóa, lại tập trung vào Nước Thiên Chúa?

Một số gợi ý được đặt ra là:
1. Tập trung có nghĩa là để Thiên Chúa làm chủ toàn bộ cuộc sống của con người, và từ con người làm chủ thế giới và nhân loại. Sự làm chủ này bắt đầu ngay từ hôm nay và viên mãn trong thời cánh chung.
Sứ điệp của Liên hội đồng Giám mục Á Châu về Tân Phúc Ấm hóa đã cho biết: không tách thế giới ra khỏi nước Thiên Chúa. Không tách đời sống vật chất khỏi tôn giáo, cũng không làm cho đời sống đức tin xa lìa nghĩa vụ làm thay đổi đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Sở dĩ nhấn mạnh điều đó là vì trong lịch sử Giáo Hội cho đến ngày hôm nay luôn có 2 nguy cơ:
- Nhìn nước Thiên Chúa chỉ là thiên đàng mai sau, không có liên hệ gì đến hiện tại. Cho nên, người ta phê bình Giáo Hội không khuyến khích con người xây dựng xã hội ở trần gian.
- Chỉ thấy nước Thiên Chúa ở chiều ngang, không có một chân trời nào khác. Cho nên sứ vụ của Giáo Hội chỉ dấn thân cách nhiệt tình vào khía cạnh chính trị thuần túy.

2. Việc để Thiên Chúa làm chủ toàn bộ đời sống con người phải khởi đi từ việc để Thiên Chúa làm chủ tâm hồn, từ đó đưa đến tác động trong cuộc sống xã hội. Bởi lẽ mọi sự khởi đi từ lòng người.
3. Hội Thánh không phải là cứu cánh tự tại, nhưng Hội Thánh là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của Thiên Chúa.

Qua cái nhìn và những suy tư về vấn đề tập trung vào nước Thiên Chúa. Đức Cha giảng phòng đã gợi ra các vấn đề liên quan trức tiếp đến đời sống của các linh mục:
1. Nếu linh đạo Tân Phúc Âm hóa tập trung vào nước Thiên Chúa, vào vương quyền của Thiên Chúa. Vậy đối với con người, Thiên Chúa có thực sự làm chủ cuộc đời của người linh mục không hay người linh mục đang đi tìm một gia nghiệp khác, một ai khác làm chủ cuộc đời của mình?
2. Khi nhấn mạnh đến chiều kích thần bí, tức liên quan đến tâm hồn, thì Thiên Chúa có làm chủ tâm hồn của người linh mục không hay chỉ là những việc bên ngoài. Người linh mục có tôn trọng những ranh giới trong nhiều lĩnh vực liên quan đến đời sống của người linh mục không?
3. Làm thế nào để cộng đoàn giáo xứ nơi mình phục vụ trở thành dấu chỉ và khí cụ của nước Thiên Chúa?

tt3

giaophanbanmethuot.vn

Phó tế Vinh Sơn Phạm Tiến Duẩn, OP

Read 1756 times Last modified on Thứ sáu, 22 Tháng 11 2013 05:33