Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 21 Tháng 4 2012 18:38

Thế Giới Nhìn Từ Vatican 13-20/4/2012 – Bẩy Năm Triều Giáo Hoàng Bênêđíctô Thứ 16

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  “Tôi loan báo với anh chị em một niềm vui lớn lao. Chúng ta đã có Giáo Hoàng mới. Mục tử đáng kính của Hội Thánh Công Giáo La Mã là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, lấy tên hiệu là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16”. Trong bảy năm qua, ngài đã thực hiện 23 chuyến đi quốc tế tới 23 quốc gia và 26 chuyến đi khác nhau trên đất Ý. Ngài đã triệu tập bốn thượng Hội Đồng Giám mục và ba Ngày Giới trẻ Thế giới. Ngài đưa ra 3 tông huấn và vô số các bài diễn văn và các hoạt động thuộc huấn quyền khác. Ngài đã cùng Giáo Hội cử hành Năm Thánh Phaolô và Năm Linh Mục.

 

 

1. Bẩy năm trước đây

Ngày 16 Tháng 4, 2005 Đức Hồng Y Joseph Ratzinger bước qua tuổi 78 tuổi. Hai ngày sau đó, ngài đã tham gia trong mật nghị Hồng Y để bầu ra người kế nhiệm Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Những điều đã xảy ra 24 giờ sau đó, bây giờ là một phần của lịch sử nhân loại.

“Annuntio vobis Gaudium magnum, Habemus Papam. Eminentissimum ac Reverendissimum Dominum, Dominum Josephum Sanctae Romanæ Ecclesiae Cardinalem Ratzinger qui sibi nomen imposuit Benedicti XVI “

“Tôi loan báo với anh chị em một niềm vui lớn lao. Chúng ta đã có Giáo Hoàng mới. Mục tử đáng kính của Hội Thánh Công Giáo La Mã là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, lấy tên hiệu là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16”.

Trong bảy năm qua, ngài đã thực hiện 23 chuyến đi quốc tế tới 23 quốc gia và 26 chuyến đi khác nhau trên đất Ý. Ngài đã triệu tập bốn thượng Hội Đồng Giám mục và ba Ngày Giới trẻ Thế giới. Ngài đưa ra 3 tông huấn và vô số các bài diễn văn và các hoạt động thuộc huấn quyền khác. Ngài đã cùng Giáo Hội cử hành Năm Thánh Phaolô và Năm Linh Mục.

Như là một cách để kỷ niệm sinh nhật Đức Thánh Cha, tại quảng trường Nhà thờ chính tòa Regensburg vào ngày 20 Tháng Tư, dân chúng được mời uống bia miễn phí. Cùng ngày, Dàn nhạc giao hưởng Leipzig sẽ biểu diễn tại Vatican. Và trong thị trấn Marktl trong miền Bavarian nơi ngài sinh ra, một con tem đặc biệt đã được thiết kế để tất cả các lá thư gửi ngày hôm đó, sẽ hiển thị hình ảnh của Đức Thánh Cha.

“Trên tất cả mọi sự, tôi sẽ cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và noi gương ngài, tôi cũng sẽ cố gắng để đem Chúa Kitô đến cho nhiều người.”

“Tôi chúc Đức Thánh Cha sức khỏe tốt và thanh thản. Xin cho ngài luôn luôn có sức mạnh để trình bày đức tin qua lời nói, văn hóa và những chuẩn bị sâu sắc cho Giáo Hội. “

“Tôi muốn nói: Chúc mừng sinh nhật Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16. Con muốn cảm ơn ngài rất nhiều vì tất cả những việc ngài đã làm cho Giáo Hội. “

“Cầu chúc Đức Giáo Hoàng có nhiều thời gian hơn cho chính mình trong những ngày này. Tôi hy vọng ngài được tận hưởng những ngày này với bào huynh của mình. “

Kể từ năm 2005, tháng Tư đã luôn luôn có một ý nghĩa đặc biệt với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vì vừa là dịp sinh nhật của ngài, vừa là dịp kỷ niệm ngài được bầu làm Giáo Hoàng.

2. Bẩy năm triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16

Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo Hoàng khi đã 78 tuổi. Nhiều người tự hỏi sau nhiều năm được đánh dấu bởi thương tật của người tiền nhiệm tuyệt vời của ngài, triều đại giáo hoàng của ngài sẽ như thế nào, và với tư cách là một nhà thần học đã lãnh đạo một bộ chuyên biệt về giáo lý trong một thời gian dài như vậy, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16

sẽ làm thế nào để có thể thực hiện những nhiệm vụ rất khác nhau trong việc quản trị mục vụ của Giáo Hội hoàn vũ.

Trong bảy năm, chúng ta đã chứng kiến 23 chuyến đi quốc tế tới 23 quốc gia và 26 chuyến đi khác nhau trên đất Ý. Chúng ta đã thấy bốn thượng Hội Đồng Giám Mục và ba Ngày Giới trẻ Thế giới. Chúng ta đã có 3 tông huấn và vô số các bài diễn văn và các hoạt động thuộc huấn quyền khác. Chúng ta đã tham gia trong Năm Thánh Phaolô và Năm Linh Mục. Chúng ta thấy Đức Giáo Hoàng đối mặt với sự can đảm, khiêm nhường, và quyết tâm – có nghĩa là, với một tinh thần Phúc Âm rõ ràng – trong những tình huống khó khăn của Giáo Hội, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.

Chúng ta đọc một cái gì đó mới và nguyên thủy trong các trước tác của ngài về Chúa Giêsu Nazareth và cuốn “Ánh sáng thế gian.” Trên tất cả, chúng ta đã học được từ một bố cục mạch lạc và nhất quán trong giáo huấn của ngài rằng ưu tiên của các sứ vụ cho Giáo Hội và cho nhân loại phải là để hướng dẫn cuộc sống con người đến với Thiên Chúa, là Đấng đã được mạc khải trọn vẹn cho chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô. Ngài cũng nhấn mạnh đến quan hệ hỗ tương của đức tin và lý trí trong việc tìm kiếm sự thật, và gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống con người là nguy hiểm nghiêm trọng trong thời đại hôm nay.

3. Đức Giáo Hoàng trở lại Vatican sau chuyến đi nghỉ

Sau khi nghỉ một vài ngày ở Castel Gandolfo, Đức Giáo Hoàng đã trở lại Vatican bằng trực thăng vào chiều thứ Sáu.

Đức Giáo Hoàng đã quyết định rút ngắn kỳ nghỉ của mình để gặp bào huynh của ngài là Đức Ông Georg Ratzinger năm nay đã 88 tuổi tại Vatican.

Theo chương trình ban đầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ trở lại Vatican vào Chúa Nhật, nhưng vì bào huynh của ngài, đang sống tại Đức muốn thăm viếng Rôma trong thời gian đó nên Đức Thánh Cha đã trở lại Vatican sớm hơn.

Những tuần gần đây Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã rất bận rộn. Ngài chỉ có một vài ngày để hồi phục sau chuyến tông du đến Mễ Tây Cơ và Cuba, trước khi chủ sự tất cả các nghi lễ của Tuần Thánh.

Ngay sau khi ban thông điệp “Urbi et Orbi” vào Chúa Nhật Phục Sinh, Đức Giáo Hoàng đã đi nghỉ tại nơi biệt điện mùa hè tại Castel Gandolfo. Nhưng thực tế trong kỳ nghỉ rất ngắn của mình, Đức Giáo Hoàng vẫn còn làm việc. Hôm thứ Tư, ngài đã đi từ Castel Gandolfo đến Vatican, để chủ trì buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Hôm Chúa Nhật 15 tháng Tư, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã xin anh chị em tín hữu cầu nguyện cho ngài nhân kỷ niệm 7 năm triều Giáo Hoàng của ngài.

4. Buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha đã không đề cập đến ngày sinh nhật thứ 85 của ngài tổ chức vào ngày 16 tháng Tư nhưng ngài xin anh chị em nhớ cầu nguyện cách riêng cho ngài trong ngày 19 tháng 4.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

“Thứ năm, sẽ là kỷ niệm lần thứ bảy của cuộc bầu cử tôi vào sứ vụ người kế vị Thánh Phêrô. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi, xin Chúa ban cho tôi sức mạnh để thực thi các trách vụ đã được ủy thác cho tôi “,

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 giải thích rằng Kitô giáo không phải chỉ nhớ về quá khứ, cũng không phải là một kinh nghiệm thần bí. Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng nói đó là một cuộc gặp gỡ tích cực với Chúa Kitô Phục sinh.

“Đó là một cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh, Đấng sống trong chiều kích của Thiên Chúa, vượt thời gian và không gian. Ngài thực sự hiện diện trong cộng đoàn nhân loại và nói với chúng ta qua Kinh Thánh. “

Vào ngày Chúa nhật đầu tiên sau Lễ Phục Sinh, Giáo Hội Công Giáo kính nhớ Lòng Thương Xót Chúa, là ngày lễ Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhiệt thành cổ vũ.

Dịp này Đức Thánh Cha nói:

“Chúng ta hãy chào đón ân sủng bình an mà Chúa Giêsu Phục sinh ban cho chúng ta. Chúng ta cần phải đong đầy tim ta với lòng thương xót của Ngài. “

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã kêu gọi hàng chục ngàn người đứng chật quảng trường Thánh Phêrô hãy trở nên những chứng nhân đích thực của đức tin Kitô giáo, đặc biệt là chứng nhân cho hòa bình, mà đức tin ấy có thể mang đến cho cuộc sống hàng ngày.

5. Hồng Y đoàn chúc mừng sinh nhật thứ 85 của Đức Thánh Cha.

Hôm 16 tháng 4, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bắt đầu ngày sinh nhật thứ 85 của ngài với thánh lễ tại nhà nguyện Pauline của Vatican. Hiện diện trong thánh lễ có đông đảo các vị Hồng Y trong giáo triều Rôma và các Giám Mục Đức đang có mặt tại Vatican.

Thay mặt cho các vị Hồng Y, Đức Hồng Y Angelo Sodano là niên trưởng Hồng Y đoàn đã chúc mừng sinh nhật thứ 85 của Đức Thánh Cha.

Trước khi cử hành thánh lễ, các vị Hồng Y và Giám Mục khác cũng cầu chúc Đức Thánh Cha một ngày sinh nhật đầy hồng ân.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhận xét rằng đối với ngài, kỷ niệm ngày sinh của ngài và ngày chịu phép rửa tội luôn luôn chìm đắm trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm thập giá và sống lại, “Đặc biệt là ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, ngày Thiên Chúa im lặng, ngày dường như là cái chết của Thiên Chúa, nhưng mà cũng chính ngày ấy lại là ngày mà Tin Mừng Phục sinh được công bố. “

6. Một đoàn đại biểu đến từ quê hương Bavaria chúc mừng sinh nhật thứ 85 của Đức Thánh Cha.

Nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 85 của Đức Giáo Hoàng, một đoàn đại biểu đến từ quê hương Bavaria của ngài đã viếng thăm Vatican để làm cho Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cảm thấy gần gũi với quê hương.

Cùng với anh trai của ngài là Đức Ông Georg Ratzinger, hôm 16 tháng Tư Đức Giáo Hoàng đã thưởng thức một loạt các điệu nhảy truyền thống trong vùng Bavaria do một nhóm trẻ em trình diễn tại Hội trường Clementine của Vatican.

Những người đồng hương của ngài cũng tặng cho Đức Thánh Cha một cây thánh giá và một cái giỏ đầy đủ các mặt hàng điển hình từ quê hương Đức của ngài.

7. Buổi triều yết chung Thứ Tư 18 tháng Tư.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sáng thứ Tư 18 tháng Tư Đức Thánh Cha đã có buổi triều yết chung hàng tuần với 22,000 tín hữu hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha đã dành bài huấn đức của ngài để nói về lời cầu nguyện của cộng đoàn tiên khởi xin cho ơn can đảm rao giảng Lời Chúa.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về các kinh nguyện Kitô giáo, giờ đây chúng ta chuyển từ lời cầu nguyện của Mẹ Maria và các Tông Đồ đang chờ Chúa Thánh Thần đến trong Lễ Hiện Xuống để bước sang một “Lễ Hiện Xuống nhỏ” được mô tả trong chương thứ tư của sách Tông Đồ Công Vụ. Sau khi Thánh Phêrô và Gioan bị bắt và được thả ra, cộng đoàn hiệp nhau trong lời cầu nguyện và “nơi họ đang tập hợp lại với nhau bị rung chuyển, và họ tất cả đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần và nói lời Chúa với sự dạn dĩ”.

Lời cầu nguyện này cho thấy sự hiệp nhất của cộng đoàn tiên khởi, đang hiệp nhau để cầu khẩn chỉ một điều duy nhất là được can đảm rao giảng Lời của Thiên Chúa không chút sợ hãi khi phải đối mặt với đàn áp. Lời cầu nguyện này tìm cách để phân biệt các sự kiện hiện tại trong ánh sáng của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và việc thực hiện lời các tiên tri trong mầu nhiệm Chúa Kitô.

Lời cầu nguyện này cũng xin quyền lực Thiên Chúa đồng hành với mình trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Cầu xin cho lời cầu nguyện của Giáo Hội sơ khai có thể linh hứng cho lời cầu nguyện của chúng ta. Xin cho chúng ta biết tìm kiếm để nhận ra kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa trong ánh sáng của Chúa Kitô và được đón nhận hồng ân của Chúa Thánh Thần, Đấng mang đến những hy vọng không bao giờ biến thành thất vọng.

Tôi nhiệt liệt chào đón Tổng Tu Nghị Dòng Anh Em Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel. Tôi cũng chào thăm nhóm đến từ Phân Khoa Giáo Luật trường Đại Học Thánh Phaolô tại Ottawa Canada. Tôi cám ơn các ca đoàn đã tán tụng ngợi khen Thiên Chúa trong buổi triều yết chung hôm nay. Với tất cả những người hành hương nói tiếng Anh và du khách, bao gồm những người từ Anh, Ireland, Phần Lan, Nam Phi, Indonesia, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam, Trinidad, Canada và Hoa Kỳ, xin Chúa ban niềm vui và bình an của Chúa Phục Sinh cho anh chị em.

8. Phát hành cuốn “Em tôi là Giáo Hoàng”.

Đức Ông Georg Ratzinger là bào huynh của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 và là người thân duy nhất của Đức Thánh Cha vẫn còn sống. Trong cuốn sách mới của mình “My Brother, The Pope,” nghĩa là “Em tôi là Giáo Hoàng”, ngài đã kể về câu chuyện lịch sử cá nhân của hai vị kéo dài gần 9 thập kỷ.

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã được sinh ra vào năm 1927 ở thị trấn nhỏ Marktl trong miền Bavarian. Ngài là con trai của một sĩ quan cảnh sát trong một gia đình Công Giáo. Đức Giáo Hoàng là người trẻ nhất trong trong gia đình với ba người con: Georg, là anh trai của ngài là anh cả trong gia đình, tiếp đến là chị Maria, sau đó mới đến Đức Giáo Hoàng.

Cả hai vị Georg và Joseph Ratzinger đều gia nhập chủng viện cùng với nhau sau khi trở về nhà sau chiến tranh. Các ngài về đến nhà, thì thấy một nước Đức rất khác với những gì trong ký ức của mình.

Đức ông Georg Ratzinger nói:

“Vào thời điểm đó, mỗi người lính trở về từ chiến tranh đều phải chứng minh rằng mình có một công việc, để đảm bảo rằng không có ai là nhàn rỗi, nhưng tất cả mọi người tham gia vào xây dựng lại đất nước mà phần lớn bị phá hủy.”

Những câu chuyện như thế được kể trong cuốn sách mới “Em tôi là Giáo Hoàng”. Cuốn sách kể về những câu chuyện đã diễn ra trong đời của anh em Đức Giáo Hoàng, nói về tất cả mọi thứ từ thời gian của họ trong chủng viện, và cha mẹ của họ đã phản ứng ra sao khi họ thông báo họ sẽ đi tu làm linh mục.

Đức ông Georg Ratzinger cho biết:

“Song thân chúng tôi nói rằng ta không nên ảnh hưởng đến con cái trong sự lựa chọn ơn gọi, cùng lắm là tư vấn cho họ, nhưng con trẻ phải được sống cuộc sống của mình. Khi đề cập đến việc tìm kiếm ơn gọi của con cái, cha mẹ nên không xác định hoặc từ chối những gì con cái của họ muốn. “

Đức ông Georg Ratzinger cũng đưa ra một cái nhìn có vẻ cá nhân đối với hình tượng công chúng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, cho biết quan hệ huynh đệ của hai vị đã phát triển như thế nào. Ngài cũng nói về những thói quen hàng ngày của Đức Giáo Hoàng mà chúng ta thường không được biết.

Đức ông cho biết là Đức Giáo Hoàng thực sự không có nhiều thời gian để giải trí.

“Ngài đi ngủ sớm. Một số người cho rằng ngài làm việc thâu đêm, nhưng không phải. Ngài phải đi ngủ sớm. Những người khác nghĩ rằng ngài là người thức dậy sớm, cũng không đúng sự thật. Ngài cần khá nhiều thời gian cho giấc ngủ. Và điều khác là ngài biết rằng cần phải tiếp tục hoạt động thể chất. Ngài đánh giá cao việc đi bộ hàng ngày của mình. “

Các câu chuyện trong sách được kể bởi Georg Ratzinger cùng với tác giả và nhà báo Đức Michael Hesemann.

9. Hai Giám Mục Anh Giáo tại Canada đã trở lại với Giáo Hội Công Giáo

Hôm 15 tháng Tư nhân Chúa Nhật kính lòng thương xót, Đức Giám Mục Peter Wilkinson và Đức Giám Mục Carl Reid của Anh Giáo tại Canada đã trở lại với Giáo Hội Công Giáo cùng với toàn thể các giáo đoàn của các vị. Các buổi lễ tiếp nhận đã được tổ chức tại Ottawa, thủ đô của Canada và tại Victoria trên bờ biển phía tây của quốc gia này.

Theo Tông Hiến Anglicanorum Coetibus được Đức Thánh Cha ban hành ngày 4 tháng 11 năm 2009, anh chị em Anh Giáo này sẽ sinh hoạt trong các giáo hạt tòng nhân. Họ hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo nhưng có thể giữ các Phụng Vụ truyền thống của Anh Giáo.

Đức Tổng Giám Mục Terrence Prendergast của Ottawa đã hân hoan chào mừng biến cố trọng đại này và gọi đó là một bước ngoặc lịch sử.

10. Khai mạc cuộc hành hương kính Áo Thánh Chúa Giêsu

Vào ngày Thứ Sáu trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh, đặc sứ của Đức Thánh Cha là Đức Hồng Y Marc Ouellet, đã chủ sự nghi thức khai mạc cuộc hành hương kính Áo Thánh Chúa Giêsu, được gìn giữ tại nhà thờ chánh tòa Trier tại Đức. Thánh tích này, được tin là ‘áo choàng không có đường may’ mà Chúa Kitô đã mặc trong cuộc thương khó của Ngàị

Đây là lần triển lãm thứ tư trong một trăm năm vừa qua. Theo truyền thuyết, Áo Thánh đã được Thánh Helena, mẹ của Đại Đế Constantine tìm thấy tại Giêrusalem vào năm 327 hay 328 và đã được bà đã gởi đến Trier – lúc ấy là thủ đô của Gaul.

Cuộc hành hương năm nay đánh dấu lần kỷ niệm thứ 500 của việc triển lãm đầu tiên cho công chúng vào năm 1512. Trong thế kỷ vừa qua các lần triển lãm được tổ chức vào những năm 1933, 1959 và lần cuối cùng là 1996. Mỗi lần triển lãm lôi cuốn hàng triệu tín hữu hành hương.

Trong một điện văn gửi cho Đức Giám Mục Stephan Ackermann, giám mục Trier, Đức Thánh Cha Benedict nói ngài sẽ hiện diện trong tinh thần với tất cả mọi khách hành hương đến tôn kính thánh tích. Đức Thánh Cha nói Áo Thánh là một biểu tượng của Giáo Hội, sống động “không bằng chính sức mạnh của mình mà qua sự tác động của Thiên Chúa.” Đức Thánh Cha nói: “Áo này là quà tặng không bị phân rẽ của Đấng bị đóng đanh cho Giáo Hội, một Giáo Hội mà Người đã thánh hiến bằng máu của mình. Vì lý do này, Áo Thánh nhắc nhớ cho Giáo Hội về phẩm giá cao trọng của mình.”

Dự trù sẽ có hàng triệu khách hành hương viếng thăm Trier trong bốn tuần lễ từ 13 tháng 4 đến 13 tháng 5, khi Áo Thánh sẽ được triển lãm.

11. Tòa Thánh phản bác những cáo buộc mới về vụ mất tích của Emanuela Orlandi.

Hôm 16 tháng Tư, cha Federico Lombardi, Giám Đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã phản bác cáo buộc cho rằng Tòa Thánh đã thờ ơ và không làm hết sức mình trong vụ mất tích của Emanuela Orlandi.

Emanuela Orlandi sinh ngày 14 tháng Giêng năm 1968. Cô là người Ý nhưng có quốc tịch Vatican vì thân phụ là một viên chức tại giáo triều Rôma. Cô đã được ghi nhận là mất tích từ ngày 22 tháng 6 năm 1983 sau khi tan học một lớp học thổi sáo tại trường Tommaso Ludovico Da Victoria thuộc Học Viện Giáo Hoàng về Thánh Nhạc.

Cảnh sát Italia tin rằng vụ mất tích của cô có liên quan đến nhóm khủng bố đã ám sát Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị hơn hai năm trước đó. Ngày 13 tháng 5, sau khi bắn vào Đức Gioan Phaolô đệ Nhị, tên khủng bố người Thổ Nhĩ Kỳ là Mehmet Ali Ağca đã bị bắt giam.

Đồng bọn của tên này đã bắt cóc cô Emanuela Orlandi và đưa ra yêu sách trao đổi lấy Mehmet Ali Ağca.

Cha Federico Lombardi cho biết là chỉ một tuần sau khi cô bị bắt cóc, trước hàng chục ngàn người tham dự trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 3 tháng Bẩy 1983, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thỉnh cầu bọn bắt cóc hãy trả tự do cho cô Emanuela và xin các tín hữu có mặt cầu nguyện cho cô.

Quốc vụ khanh Tòa Thánh lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Agostino Casaroli cũng tuyên bố sẵn sàng đàm phán với bọn bắt cóc.

Tuy nhiên, sau vài lần điện thoại lại nhà cô Emanuela, và các cơ quan của Tòa Thánh, bọn bắt cóc biệt vô âm tín.

Cha Federico Lombardi khẳng định rằng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã rất quan tâm đến trường hợp mất tích của cô Emanuela Orlandi và Tòa Thánh thật sự đã làm hết mọi khả năng. Nhưng cho đến nay, các viên chức Tòa Thánh không hề biết cô Emanuela Orlandi còn sống hay đã chết. Khẳng định này của cha Lombardi cũng nhằm bác bỏ một giả thuyết của báo chí Ý và đài truyền hình RAI cho rằng Tòa Thánh đã tìm được Emanuela Orlandi và hiện nay cô đang tu trong một dòng kín bí mật để bảo đảm an toàn cho cô.

Tưởng cũng nên biết thêm là trước khi Emanuela Orlandi bị bắt cóc, 40 ngày trước đó, một cô gái khác là Mirella Gregori sinh ngày 7 tháng 10 năm 1967, quốc tịch Italia cũng bị bắt cóc và đến nay cảnh sát Ý cũng không biết là cô ta còn sống hay đã chết.

12. Hội nghị Thế giới về gia đình tại Milan

Hai mươi sáu gia đình có nguồn tài chính hạn chế vẫn có thể tham dự Hội nghị Thế giới về gia đình tại Milan nhờ sự hỗ trợ của những người khác trong một chương trình liên đới.

Các gia đình đăng ký tham dự Hội nghị Thế giới về gia đình tại Milan có thể lựa chọn để đóng góp cho những người khác không đủ khả năng vận chuyển hoặc đóng các chi phí cho hội nghị.

Nhờ sáng kiến này $ 40.000 đã được quyên góp để giúp đỡ 12 gia đình từ Belarus, 10 từ Haiti và 4 từ Zimbabwe đến Milan tham dự cuộc họp.

Hội nghị Thế giới về gia đình tại Milan sẽ bắt đầu từ ngày 30 tháng 5 và kết thúc ngày 03 tháng 6. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ có mặt tại hội nghị này.

13. Tiến sĩ Scott Hahn trình bày về sức thu hút của đạo Công Giáo

Một trong những diễn giả chính trong diễn đàn Đại Học UNIV tại Rôma là Tiến sĩ Scott Hahn và phu nhân là bà Kimberly.

Phát biểu tại Đại học Thánh Giá, hai vợ chồng Tiến sĩ Scott đã nói về những câu chuyện riêng của họ và làm thế nào vị cựu mục sư Tin Lành này đã tìm thấy đức tin Công Giáo.

Tiến sĩ Scott Hahn nói:

“Chủ đề của diễn đàn Đại Học này là ‘The Truth of Beauty – Sự Thật về Vẻ Đẹp’ nhắc nhở chúng ta rằng vẻ đẹp không phải là một cái gì đó mà chúng ta chế tác ra được. Chân lý của đức tin không thể áp đặt bởi quyền lực. Nó cần được cảm nghiệm trong một cách thế nhân bản”.

Tiến sĩ Hahn đã từng là mục sư Tin Lành trước khi chuyển sang đạo Công giáo trong lễ Phục sinh năm 1986. Ông nói về câu chuyện cải đạo của mình cũng như của người vợ ông là đồng tác giả cuốn sách “Sweet Home Rome – Rôma mái nhà ngọt ngào” của họ. Ông nói rằng việc nhiều người cải đạo sang Công giáo phải là một niềm tự hào cho Giáo Hội.

Ông nói:

“Tôi thấy rằng rất nhiều người cải đạo sang Công Giáo đang làm giàu truyền thống trí tuệ Công giáo”

Sau khi đã cải đạo sang Công Giáo, ông đã thiết lập một nhóm hỗ trợ cho hàng giáo sĩ không Công giáo đang có ý định theo đạo Công giáo. Ông rất ngạc nhiên trước những phản ứng nồng nhiệt mà ông nhận được.

“Chúng tôi đã thành lập Mạng Coming Home khoảng 17 hoặc 18 năm trước đây với hy vọng sẽ có hàng chục người tham gia, nhưng cuối cùng không phải là hàng chục người, nhưng có hàng trăm mục sư, và cả những nhà truyền giáo tham gia”.

Một số những người tham dự hội nghị này cũng đã cải đạo sang Công Giáo. Họ chia sẻ cảm nghiệm với Tiến sĩ Hahn và vợ của ông nói rằng sức thu hút của đạo Công Giáo nằm ở đức tin tinh tuyền không lung lay trước những giao động trong xã hội.

14. Chia sẻ của cha Lombardi về Tuần Thánh tại Vatican

Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã nhận định như sau về Tuần Thánh tại Vatican.

Tạ ơn Chúa về các Chặng Đàng Thánh Giá! Trong số các sự kiện khác nhau và các cử hành của Tuần Thánh, có lẽ cảm động nhất, làm rung động lòng người nhất, là các Chặng Đàng Thánh Giá. Không có gì phải ngạc nhiên. Thật vậy, Chúa Giêsu đã đến với tất cả mọi người nam nữ trong mọi thời đại, trong các đau khổ của họ, cho dù đau khổ ấy là do tội lỗi của họ gây ra hay là hậu quả tội lỗi của kẻ khác. Và đau khổ là một phần cơ bản, đôi khi là phần chủ yếu trong cuộc sống. Có thể mang đau khổ đó đến gần, và thậm chí hiệp thông sự đau khổ ấy trong mầu nhiệm đau khổ và cái chết của Chúa Kitô, là một ân sủng lớn lao cho tất cả mọi người. Có thể đặt đau khổ của mình trong mầu nhiệm đã mở ra hy vọng và sự sống lại là một ân sủng Thiên Chúa ban cho các tín hữu.

Năm nay, những ý tưởng suy niệm tại các Chặng Đàng Thánh Giá tại Colosseum do một cặp vợ chồng cao niên viết thật tuyệt vời và đầy cảm hứng, và là một bước đáng kể trong việc chuẩn bị cho cuộc họp thế giới của các gia đình ở Milan vào cuối tháng Năm tới đây.

Giáo Hội kiên trì dấn thân bảo vệ gia đình, tại một thời điểm khi con người đương đại đang có xu hướng hạ thấp giá trị của gia đình hay thậm chí nhạo báng lòng chung thủy của hôn nhân và sự ổn định của gia đình. Chúng ta phải giúp đỡ các gia đình là những tế bào quan yếu của xã hội bằng cách đề xuất một linh đạo mạnh mẽ có thể đồng hành với gia đình trong những lúc khó khăn, không chỉ khó khăn về vật chất hay bệnh tật mà còn trong những khó khăn – đôi khi sâu sắc và đau đớn giữa vợ chồng, hoặc khi có sự hiểu lầm và rạn nứt giữa cha mẹ và con cái, hoặc khi phải đối mặt với sự cô đơn xuất phát từ cái chết của một người phối ngẫu. Giúp đỡ con người ngày nay có đủ can đảm để hình thành một gia đình luôn luôn tin vào sức mạnh của tình yêu: đây là lý do để Con Đường Thập Giá của gia đình có thể cùng đồng hành với Chúa Kitô, hướng tới Phục Sinh.

15. Tòa Thánh bày tỏ lo ngại về việc công an Cuba đã lại bắt giam nhà bất đồng chính kiến Andrés Carrion vì những phát biểu hòa bình của ông.

Trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tại Cuba, Andrés Carrion đã hô to khẩu hiệu “Đả đảo Cộng sản. Kết thúc ngay chế độ độc tài “, trong khi đứng rất gần với Raúl Castro trước Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành tại Maceo Antonio Plaza ở Santiago de Cuba.

Andrés Carrion là một trong số những nhà bất đồng chính kiến mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã cố gắng giúp đỡ trong cuộc họp với Raul Castro.

Ông đã được thả trước khi Đức Thánh Cha sang Cuba, rồi bị bắt lại hôm 28 tháng Ba sau khi hô vang các khẩu hiệu chống cộng sản, được trả tự do hôm 13 tháng Tư và mới bị bắt trở lại hôm 15 tháng Tư.

VietCatholic

Read 1450 times Last modified on Thứ năm, 01 Tháng 11 2012 20:11