Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 12 Tháng 7 2012 06:31

Khóa Thường Huấn Linh Mục Giáo Phận Banmêthuột (tt)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Ngày 10. 7. 2012, khóa Thường huấn các linh mục GP. Banmêthuột được cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng tiếp tục thuyết giảng đề tài 3 và 4.

 Đề tài 3 : Nguyên tắc thứ hai

NGUYÊN TẮC CÔNG ÍCH (LE PRINCIPE DU BIEN COMMUN)

1. Công ích và thăng tiến con người 
Nguyên tắc công ích : mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích nếu muốn đạt tới ý nghĩa trọn vẹn nhất, công ích xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người. Trách nhiệm đạt tới công ích không những thuộc về các cá nhân mà còn là trách nhiệm của Nhà Nước. Công ích chỉ có giá trị khi liên quan với việc thực hiện các mục tiêu tối hậu của con người và lợi ích chung của toàn thể thụ tạo.

2. Hệ lụy từ công ích
Hệ lụy rút ra từ công ích quan trọng nhất là nguyên tắc của cải có mục tiêu phổ quát. Quyền sử dụng của cải dựa trên nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải là quyền tự nhiên được ghi trong bản tính. Nguyên tắc của cải có mục tiêu phổ quát mời gọi triển khai một tầm nhìn kinh tế được gợi hứng từ các giá trị luân lý, từ đó tạo ra một thế giới công bằng và liên đới. Cần nỗ lực chung hầu tạo cho mỗi người và mọi dân tộc những điều kiện cần thiết để phát triển toàn diện làm cho thế giới nhân bản hơn.

3. Mục tiêu phổ quát của của cải và quyền tư hữu
HTXH kêu gọi nhìn nhận vai trò xã hội của quyền tư hữu dưới bất cứ hình thức nào, mối quan hệ tất yếu giữa tư hữu với công ích, bổn phận sử dụng của cải thế nào. Của cải có thể mang lại nhiều hứa hẹn hảo huyền, là nguồn cám dỗ nhiều người, thành ngẫu tượng biến chủ nhân thành nô lệ.

4.Lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo
Sự khốn khổ là dấu chỉ thân phận tự nhiên con người thật yếu đuối và cần được ơn cứu độ. Lòng yêu thương người nghèo được cảm hứng từ Tin Mừng, từ Chúa Giêsu (nghèo vật chất, văn hóa, tôn giáo)

Nguyên tắc thứ ba

1. NGUYÊN TẮC BỔ TRỢ
Là nguyên tắc quan trọng nhất của triết học xã hội: mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có thái độ trân trọng giúp đỡ (subsidium) tức là hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển các xã hội thuộc trật tự thấp hơn. Bổ trợ hiểu theo nghĩa tích cực và tiêu cực. Nhờ bổ trợ, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi những lạm quyền của chính quyền.

2. SỰ THAM GIA
Tham gia của đời sống cộng đồng là một trong những cột trụ nâng đỡ mọi trật tự dân chủ và là một trong những bảo đảm quan trọng cho hệ thống dân chủ luôn bền vững. Chính thể dân chủ do dân ủy thác quyền hành và nhiệm vụ, thi hành các điều ấy nhân danh nhân dân, quan tâm đến nhân dân và thay mặt nhân dân.

Nguyên tắc thứ tư

NGUYÊN TẮC LIÊN ĐỚI
Liên đới là một nguyên tắc xã hội và là một đức tính luân lý. Liên đới là một quyết tâm chắc chắn và kiên định muốn dấn thân cho công ích: đức tính xã hội căn bản nằm trong phạm vi công bằng, sẳn sàng liều mất bản thân mình vì người khác. Chúa Giêsu làm mối dây liên kết sự liên đới với bác ái được sáng tỏ trước mặt mọi người : trao ban hoàn toàn vô điều kiện, tha thứ và hòa giải.

Đề tài 4 : CÁC GIÁ TRỊ CĂN BẢN CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

1. Sự thật
Mọi người có nghĩa vụ đặc biệt là phải luôn hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm. Sống trong sư thật, tìm kiếm sự thật.

2. Tự do
Tự do là dấu chỉ cao đẹp nhất nơi con người cho biết phẩm giá tuyệt vời của mỗi người. Quyền thể hiện tự do là một đòi hỏi không thể bỏ được trong phẩm giá con người (≠ tự do theo viễn ảnh hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa)
Giá trị của tự do sẽ được tôn trọng khi mọi thành phần trong xã hội có điều kiện hoàn thành ơn gọi riêng của mình (trong khung cảnh pháp lý vững chắc). Bày tỏ sự tự do như một khả năng biết khước từ điều tiêu cực về mặt luân lý.

3. Công lý
Công lý là ước muốn kiên định và vững chắc trả những gì mình mắc nợ Chúa và tha nhân. Chủ thể : thái độ muốn nhìn nhận người khác như một ngôi vị ; khách thể tạo nên những tiêu chuẩn mang tính quyết định cho biết giá trị luân lý của một hành vi trong quan hệ liên chủ thể và xã hội. Hình thức cổ điển : công lý giao hoán, phân phối, pháp lý. Công lý xã hội nhằm điều hòa các quan hệ xã hội theo tiêu chuẩn tuân thủ luật pháp.
Công lý hướng về liên đới và yêu thương.

A. CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU

Tình yêu là tiêu chuẩn cao nhất và phổ quát nhất của toàn bộ nền đạo đức xã hội. Chính từ nguồn cội yêu thương sâu xa ấy mà các giá trị như sự thật, tự do và công lý đã khai sinh và phát triển.

  B. CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ
1. Sự cai trị của Thiên Chúa
Đức Giêsu gián tiếp lên án mọi toan tính biến quyền bính trần gian thành quyền bính thần linh hay tuyệt đối : Đức Giê su đã phản đối và đã vượt thắng sự cám dỗ của chủ nghĩa cứu thế bằng chính trị, mà điển hình là bắt các dân tộc chịu khuất phục mình.

2. Các cộng đồng Kitô hữu sơ khai
Khi quyền hành nhân loại vượt quá giới hạn Chúa muốn, quyền hành ấy tự biến mình thành một loại thần thánh và đòi con người phải tùng phục tuyệt đối; nó trở nên giống như Con Thú trong sách Khải Huyền, một hình ảnh biểu thị quyền lực của nhà vua bách hại, khát máu các thánh và các vị tử đạo của Đức Giêsu.

3. Cộng đồng chính trị, con người và dân tộc
Con người là nền tảng và mục tiêu của đời sống chính trị. Cộng đồng chính trị đạt được chiều hướng đích thực của mình là nhờ biết tham khảo nhân dân. . Các dân tộc thiểu số cũng là những tập thể có quyền lợi và nghĩa vụ chính xác: quyền tồn tại, quyền duy trì nền văn hoá của mình, kể cả ngôn ngữ, và những niềm tin tôn giáo, bao gồm cả hình thức thờ phượng.

4. Bênh vực và phát huy các quyền con người
Phải nỗ lực làm cho phẩm giá con người được nhìn nhận và tôn trọng, bằng cách bênh vực và phát huy các quyền căn bản và không thể tước đoạt của con người. Không nên để xảy ra tình trạng một vài cá nhân hay một vài tập thể xã hội được hưởng lợi thế do các quyền của họ được bảo vệ một cách ưu tiên.

5. Tình hữu nghị giữa các công dân
Điều răn bác ái của Tin Mừng soi sáng cho các Kitô hữu thấy ý nghĩa sâu xa nhất của đời sống chính trị. “Không có cách nào tốt hơn là… cổ vũ ý thức nội tâm về công lý, lòng nhân hậu và việc phục vụ công ích, đồng thời củng cố các niềm xác tín nền tảng về bản chất đích thực của cộng đồng chính trị, về việc thực thi cách đúng đắn và về các giới hạn của công quyền”.

C. QUYỀN HÀNH CHÍNH TRỊ
1. Nền tảng của quyền hành chính trị
. Quyền hành chính trị phải được thi hành trong khuôn khổ luân lý và nhân danh công ích theo đúng trật tự pháp lý được luật pháp công nhận. Khi thực hiện được như thế, các công dân bị buộc tự trong lương tâm phải tuân hành. Chủ thể của quyền hành chính trị là chính nhân dân, được nhìn một cách tổng quát như những người đang nắm chủ quyền. Dưới hình thức này hay hình thức khác, nhân dân này chuyển việc thi hành chủ quyền đó cho những người được họ tự do lựa chọn làm đại biểu của mình, nhưng vẫn giữ đặc quyền là bày tỏ chủ quyền của mình mỗi khi đánh giá công việc của những người có trách nhiệm cai trị.

2. Quyền hành xét như một sức mạnh luân lý
Chính quyền phải ban hành các luật công bằng, tức là những luật phù hợp với phẩm giá con người và phù hợp với những gì lý trí đúng đắn đòi hỏi. Khi luật đi ngược lại lý trí, nó được xem là luật bất công; trong trường hợp ấy, nó không còn là luật mà thay vào đó, nó trở thành một hành vi bạo lực.

3. Quyền phản kháng
Học thuyết xã hội của Giáo Hội có đưa ra những tiêu chuẩn để thi hành quyền phản kháng: "Những nguy hiểm trầm trọng mà việc sử dụng bạo lực có thể đưa tới đã khiến ngày nay người ta thích áp dụng biện pháp kháng cự thụ động hơn, vì đây là "một phương cách phù hợp hơn với các nguyên tắc luân lý và cũng không phải là không có nhiều cơ may thành công".

4. Chế tài
Chế tài mang hai mục đích. Một đàng, khuyến khích việc đưa người bị kết án tái hội nhập vào xã hội. Đàng khác, cổ vũ cho một nền công lý mang tính hoà giải, một nền công lý có khả năng khôi phục lại sự hoà hợp trong các quan hệ xã hội đã bị hành vi tội ác phá vỡ.
Phải luôn nhớ nguyên tắc pháp lý: không được bắt chịu hình phạt khi tội ác chưa được chứng minh. Nguyên tắc phải luôn luôn giả định là vô tội cho đến khi bị kết án.

5. Dân chủ
Một nền dân chủ đích thực: phẩm giá của mỗi người, tôn trọng nhân quyền, dấn thân cho công ích như là mục tiêu và tiêu chuẩn hướng dẫn đời sống chính trị. Tự căn bản, dân chủ là một "hệ thống”, và trong tư cách ấy, dân chủ chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Giá trị "luân lý" của dân chủ không phải tự nhiên mà có, nhưng tuỳ thuộc ở chỗ nó có phù hợp với luật luân lý mà nó phải tuân theo hay không, như bất cứ hình thức ứng xử nào khác của con người.
Trong hệ thống dân chủ, mọi cơ quan nắm giữ quyền hành chính trị đều phải trả lời trước nhân dân.

6. Các công cụ để tham gia chính trị
Các đảng phái chính trị có nhiệm vụ tạo điều kiện cho có sự tham gia chính trị cách rộng rãi và cho mọi người có thể tiếp cận với các trách nhiệm chung. Một công cụ khác để mọi người tham gia chính trị là trưng cầu dân ý, qua đó coi như đây là một hình thức để các công dân có thể trực tiếp đưa ra những quyết định chính trị.

7. Thông tin và dân chủ
Thông tin là một trong những công cụ chính yếu để tham gia dân chủ. Cần phải bảo đảm cho có một sự đa nguyên thật sự.
Một khía cạnh khác rất quan trọng là đòi hỏi các nền công nghệ mới phải tôn trọng những khác biệt chính đáng về văn hoá.

XÃ HỘI DÂN SỰ
Cộng đồng chính trị chủ yếu là để phục vụ xã hội dân sự và nếu phân tích tới cùng, là phục vụ những con người và những tập thể làm nên xã hội dân sự. Nhà Nước phải cung cấp một khung pháp lý thích đáng để các chủ thể xã hội được tự do tham gia vào các hoạt động khác nhau của họ, cũng như Nhà Nước phải sẵn sàng can thiệp khi thấy cần, mà vẫn tôn trọng nguyên tắc bổ trợ, để sự tương tác giữa các hiệp hội tự do và đời sống dân chủ luôn nhắm tới công ích.

CỘNG ĐỒNG TÔN GIÁO
Công đồng Vatican II đã trao cho Giáo hội Công giáo nhiệm vụ thúc đẩy tự do tôn giáo. Chính phẩm giá của con người và chính bản chất của công cuộc tìm kiếm Thiên Chúa đòi phải để cho mọi người được tự do không bị một áp lực nào trong lĩnh vực tôn giáo.

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Công đồng Vatican II đã long trọng tái xác nhận rằng "cộng đồng chính trị và Giáo Hội độc lập với nhau và hoàn toàn tự trị trong địa hạt riêng của mình. Giáo Hội được tổ chức theo những cách thức có thể giúp đáp ứng các nhu cấu tâm linh của các tín hữu, còn các cộng đồng chính trị đưa ra các mối quan hệ và định chế nhằm phục vụ mọi sự có liên quan tới công ích trên trần gian. Dù với danh nghĩa khác nhau, nhưng cả hai bên đều phục vụ thiên chức vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội của cùng một con người.
Giáo Hội và Nhà Nước phải xác định những hình thức bền vững để hai bên tiếp xúc với nhau và những phương thế thích hợp để bảo đảm cho quan hệ giữa hai bên được hài hoà.

Ban VHTT - GP BMT

nguồn: 

http://gpbanmethuot.vn/content/kh%C3%B3a-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-hu%E1%BA%A5n-linh-m%E1%BB%A5c-gi%C3%A1o-ph%E1%BA%ADn-banm%C3%AAthu%E1%BB%99t-2

Read 1607 times Last modified on Thứ năm, 01 Tháng 11 2012 17:01