Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 14 Tháng 11 2014 14:48

Tĩnh tâm linh mục giáo phận BMT ngày (10 -13. 11. 2014)-3

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tĩnh tâm linh mục giáo phận BMT ngày (10 -13. 11. 2014)-3

Bài 5: NIỀM VUI GIỮA THỬ THÁCH

Đức Cha giảng phòng đã khởi đầu đề tài “Niềm vui giữa thử thách” bằng hình ảnh rất đẹp của một bông hoa nhỏ sống trên khe đá, cũng như bài học về niềm vui trọn hảo của thánh Phanxicô Assisi khi ngài cùng với một anh em trong dòng đến thăm một tu viện của dòng, để cho thấy ngay giữa những gian nan thử thách, chúng ta vẫn có thể tìm thấy niềm vui.

Nhiều linh mục cho biết rằng đời sống linh mục có nhiều lúc tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, nhưng vẫn không tránh khỏi những thử thách, đau khổ của thân phận con người và của ơn gọi linh mục. Đó là quy luật của cuộc sống: không có gì là hoàn hảo trên trần thế này. Tuy nhiên, không phải vì những thử thách, những đau khổ của thân phận con người mà người linh mục trở nên bi quan, lo lắng, nhưng hãy nhìn vấn đề này dưới khía cạnh tích cực.

1. Chấp nhận những thách đố của kiếp người.
Đã là người thì không tránh khỏi sinh lão bệnh tử. Những thử thách đó lại có ích cho con người giống như vàng thử lửa. Những khó khăn thử thách đó giúp cho con người trưởng thành hơn, có bản lãnh hơn. Nếu là linh mục thì những điều đó tăng lên gấp đôi. Những khó khăn thử thách cho thấy bản lãnh của người linh mục và thanh luyện họ, bởi người linh mục không đặt niềm hy vọng trên cuộc đời này mà là phần thưởng ở đời sau, là ơn cứu độ muôn đời. Phần thưởng chỉ đến cho những ai vượt qua thách đố của cuộc đời này. Thánh Phêrô đã nói rằng:

2. Chấp nhận những thách đố của đau khổ, thất bại, thập giá vốn đeo đuổi con người.

Đã là con người có tránh né kiểu gì cũng không thoát khỏi những đau khổ. Thế nên, chúng ta cần nhìn những điều đó theo hướng tích cực. Chúa Giêsu dạy rằng những ai muốn theo Ngài, phải đi vào con đường từ bỏ, chấp nhận phải chết đi, mục nát đi như hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất. thánh Phêrô đã nói: “được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1Pr 4,13).

3. Chấp nhận những thách đố của đời tu.
Chúa nói ai muốn theo Ngài làm môn đệ, phải từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo, phải bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, nhà cửa… Đây không phải là một điều áp đặt mà là tự nguyện. Giáo hội Việt Nam vẫn còn nhiều ơn gọi tu trì, điều này cho thấy lời mời gọi của Chúa vẫn còn sức hấp dẫn, dù xã hội hôm nay mời mọc con người hưởng thụ lạc thú. Khi chọn con đường tu trì, người linh mục không phải nhắm đến vinh quang trần thế mà là vinh quang thiên quốc. Chắc chắn đời linh mục có nhiều thánh giá, đòi sự hy sinh bỏ mình, nhưng linh mục sẵn sàng chấp nhận. Thánh Phaolô đã diễn tả những hy sinh này bằng câu nói: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gì còn thiếu trong những gian nan của Đức Kitô, tôi hoàn tất nơi thân xác tôi, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).

4. Chấp nhận những thách đố đến từ chính bản thân.
Mặc dù người linh mục đã cố gắng vươn lên, muốn hoàn thiện mình theo lời kêu gọi của Chúa, nhưng vẫn cảm thấy sức ì của thân xác. Linh mục có được phép chán nản, thất vọng không? Câu trả lời là không, vì Thiên Chúa lớn hơn nỗi yếu hèn của con người, Ngài không chấp nhất những lỗi phạm, bất trung của chúng ta. Linh mục được phép đau khổ về chính sự yếu hèn của chính mình, nhưng đó là sự đau khổ thánh thiện, đau khổ trong an vui, vì biết rằng Chúa vẫn tha thứ và chờ đợi linh mục chỗi dậy và tiếp tục tiến bước. Chúa không bao giờ đặt dấu chấm hết cho con người còn đang sống.

5. Chấp nhận những thách đố đến từ thế gian.
Thế gian ở đây là những kẻ thù nghịch với thập giá Đức Kitô, là những người ghét Thiên Chúa và ghét lây đến cả những linh mục nữa. Chúa Giêsu đã báo trước về sự ghen ghét này: người ta ghét Thầy, họ cũng ghét các con, người ta bách hại Thầy, họ cũng bách hại các con (x. Ga 5,18-21). Linh mục là hiện thân của Đức Kitô, là ánh sáng soi vào đêm tối thế gian. Nếu linh mục sống công chính, thế nào cũng bị người ta ghen ghét, giống như bóng tối ghét ánh sáng và tìm cách triệt hạ ánh sáng. Hiện nay có rất nhiều trang Web chống đạo, vu cáo Giáo hội, linh mục. Nhiều khi linh mục bị ghét cách vô cớ. Nhưng giữa các thử thách này, linh mục vẫn có thể an nhiên tự tại. Người linh mục có thể tìm thấy những khích lệ cho cuộc sống của mình qua những gì mà Thánh Phao lô đã viết cho cộng đoàn Côrintô (x. 2 Cr 6,4;8-10).

6. Chấp nhận những thách đố đến từ chính những tín hữu, giáo dân của mình.
Do bất đồng ý kiến, do mặc cảm vì cách xử sự của linh mục mà người giáo dân cho là chèn ép, bất công. Rất khó có thể tránh những điều này, bởi thân phận linh mục phải “làm dâu trăm họ”, phải hứng chịu mọi mũi dùi dư luận, được lòng người này thì mất lòng người kia. Nếu người linh mục luôn tỉnh táo, xem -xét –làm theo như tâm, theo giáo huấn của Giáo hội, thì người linh mục vẫn giữ được niềm vui và bình an giữa những thách đố, bất công đó.

Đời linh mục chắc chắn có những thử thách, cam go. Chỉ những ai có bản lãnh mới cấp nhận vượt qua. Chính vì thế, Đức Cha giảng phòng mời gọi anh em linh mục hãy lấy lời của Đức hồng y Thuận để thưa lên với Chúa: “thành công, con cám ơn Chúa. Thất bại con cũng cám ơn Chúa. Hãy vui tươi luôn, vì chính khi thất bại là lúc Chúa muốn thử xem con làm vì Chúa hay vì ý riêng con. Vui vẻ, can đảm lúc gặp khó khăn hơn hân hoan lúc xuôi tay” (Đường Hy Vọng. số 537)

Bài 6 : NIỀM VUI LOAN BÁO TIN MỪNG

Bình tâm mà nói, con người thời nay khó có niềm vui, cho dù họ được bao bọc bởi các thú vui do cuộc sống văn minh kỹ thuật, đầy đủ tiện nghi vật chất. Trong lúc những người có cuộc sống sung túc, đầy đủ vật chất không cảm thấy hạnh phúc, thì người nghèo có khi lại là những người cảm thấy hạnh phúc nhất, bởi họ tuy nghèo về vật chất, nhưng lại giàu về tinh thần.

Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận định rằng: “Xã hội kỹ thuật của chúng ta đã tạo ra vô số điều kiện để hưởng thụ, nhưng lại rất khó tạo ra niềm vui” (EG, số 7). Một số chuyên gia tâm lý nhận định rằng những người có niềm tin tôn giáo là những người vui sống, bình an, hạnh phúc và sống thọ nữa.

Đối với các linh mục, những người đang gắn bó và đặt nền tảng cuộc sống của mình nơi Đức Kitô, từ niềm vui được là linh mục của Chúa, họ sẽ thể hiện niềm vui đó khi thi hành tác vụ thánh của mình trong nhiệt tình để phụng sự Chúa và Giáo hội, ngay cả trong những hoàn cảnh đầy thử thách và đau khổ. Đồng thời, người linh mục cũng không quên sứ mạng thiết yếu gắn liền với sứ vụ linh mục là rao giảng Tin Mừng, và sẽ thực hiện sứ vụ này cùng với niềm vui sướng.

Trong bài chia sẻ cuối cùng, Đức Cha mời gọi anh em linh mục tập trung vào những điểm thiết yếu trong sứ vụ loan báo Tin Mừng mà tông huấn Evangelii Gaudium đề ra, để từ đó có thể có được niềm vui trong sứ vụ của mỗi linh mục.

1. Niềm vui loan báo Tin Mừng không chỉ là cảm giác chủ quan, nhưng phát xuất từ chính bản chất của Tin Mừng.
Khi ai đó có một tin vui thì tự nhiên họ muốn chia sẻ, loan báo cho người khác cùng biết, không thể giữ kín được, không thể giữ riêng cho mình. Nhìn lại nhưng trang Tin Mừng ta thấy ngay điều đó: dụ ngôn người chăn chiên tìm được con chiên lạc; người phụ nữ tìm được đồng tiền đánh mất; hai môn đệ trên đường Emmau; Anrê khi đã gặp được Chúa thì vui mừng dẫn em của mình là Phêrô đến với Chúa; hay người phụ nữ Samaria sau khi chuyện trò với Chúa đã chạy về báo cho dân làng biết để họ cũng gặp được Chúa và sau đó tin vào Ngài.

2. Niềm vui là bạn đồng hành với sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Một nhà truyền giáo dấn thân biết niềm vui vì mình là nguồn nước phun trào và làm tươi mát người khác. Chỉ người nào cảm thấy hạnh phúc khi tìm kiếm điều thiện hảo cho người khác, ước muốn hạnh phúc cho người khác, người ấy mới có thể là một nhà truyền giáo. Tấm lòng rộng mở như vậy là nguồn hạnh phúc, bởi vì “cho đi thì có phúc hơn nhận” (Cv 20, 35)

3. Loan báo Tin Mừng là giới thiệu ơn cứu độ do Đức Kitô đem lại, và mời gọi người anh em tin theo.
Nhà truyền giáo phải là người đầy xác tín vào Đức Giêsu, vào Tin Mừng cứu độ của Ngài và đầy nhiệt huyết. Có nhiệt huyết mà thiếu xác tín thì công cuộc loan báo Tin Mừng cũng không đem lại kết quả.

4. Tuy công việc truyền giáo vẫn còn nhiều khó khăn cản trở, Giáo hội vẫn cố gắng trong khả năng hạn hẹp của mình, bằng cách này cách khác. Người linh mục không được phép thất vọng, nản lòng.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khích lệ mỗi người linh mục rằng: Những thách đố hiện nay là để vượt qua. Chúng ta hãy là những người thực tế, nhưng đừng đánh mất niềm vui, dũng khí và sự dấn thân trong hy vọng tràn trề của chúng ta. Đừng để mình bị cướp mất nhuệ khí truyền giáo (EV, số 109).

5. Trong việc loan báo Tin Mừng, niềm vui cùng với sự nhiệt tình sẽ mở ra những sáng kiến mới, hình thức mới, phương pháp mới phù hợp với hoàn cảnh riêng biệt của từng nơi, từng hạng người.
Chúng ta hãy nhìn vào Giáo hội Hàn Quốc, họ đã có rất nhiều sáng kiến, nhiều cách thức trong việc truyền giáo. Thời nay là thời giáo dân truyền giáo, đi tiên phong. Mỗi gia đình công giáo cần lưu tâm đến một gia đình khác, mỗi người cố gắng đem một người vào đạo. Giáo hội Việt Nam, có kế hoạch “Phúc âm hóa đời sống giáo xứ và cộng đoàn”. Vậy một câu hỏi đặt ra là Giáo phận, giáo xứ chúng ta có sáng kiến, hình thức, phương pháp, con đường nào mới mẻ để loan báo Tin Mừng?

6. Trong việc loan báo Tin Mừng, cần phải chuyển đổi từ một nền mục vụ thuần túy bảo tồn sang một mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã liệt kê ba đối tượng mục vụ của việc loan báo Tin Mừng:
- Mục vụ cho người đang giữ đạo.
- Mục vụ cho người đang lơ là đạo.
- Mục vụ cho người chưa biết đạo.
Chúng ta đều được yêu cầu vâng theo tiếng gọi của Chúa là ra đi khỏi khu vực tiện nghi của mình để đến mọi vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng. Tuyệt đối phải ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi, mọi lúc, không do dự, không miễn cưỡng hay sợ hãi. Niềm vui của Tin Mừng được dành cho mọi người, không thể loại trừ ai.

Đức Giáo hoàng còn quyết liệt hơn: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, bị thương tích và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Hội Thánh yếu nhược vì tự giam mình và bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh quan tâm đến việc được ở vị thế trung tâm và rồi rốt cuộc bị vướng mắc vào một mạng lưới của những nỗi ám ảnh và thủ tục.” (EV số 49)
Người linh mục không thể cứ ngồi đợi thuận dịp, không đợi người ta xin mà phải tự mình dẫn thân, đi bước trước.

Kết thúc bài chia sẻ, Đức Cha giảng phòng mời gọi anh em linh mục hãy lưu tâm đến lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Hoán cải mục vụ và truyền giáo”. Những dịp tĩnh tâm như thế này là cơ hội cho mình xem xét công việc mục vụ của mình, công việc truyền giáo của mình, để có những điều gì tốt mình phát huy, những điều gì chưa tốt thì tìm cách sửa chữa. Đức Cha cũng mời gọi anh em linh mục xem xét quan điểm và hành động của mình đối với công cuộc loan báo Tin Mừng ở trong giáo xứ, trong trách nhiệm của mình, để mạnh dạn hành động, không thụ động, không thờ ơ, bàng quan, và sẵn sàng thay đổi. Để được như vậy, mỗi linh mục hãy để cho Chúa Thánh Thần hoạt động nơi mình, cũng như hiệp nhất với anh em linh mục dưới sự hướng dẫn của Giám mục giáo phận. Hy vọng công cuộc loan báo Tin Mừng tại giáo phận Banmêthuột sẽ đặt được những thành quả tốt đẹp.

Lúc 16g30 ngày 13. 11. 2014, Đức cha Giáo phận đã long trọng chủ sự giờ chầu Thánh Thể tạ ơn thật sốt sắng. Hình ảnh thật cảm động, khi hai Đức cha và các linh mục, từ mái đầu xanh đến những mái tóc bạc phơ, từng hai người quỳ gối đặt tay trên Sách Thánh với quyết tâm chọn Chúa làm gia nghiệp, các ngài lặp lại lời hứa ngày lãnh nhận sứ vụ linh mục, nguyện suốt đời sống niềm phó thác cậy trông nơi Thiên Chúa.

"Tôi xin chọn Người, tôi xin chọn Người làm gia nghiệp tôi mãi mãi. Trọn đời tôi trót cả đời tôi, trọn tuổi xuân dâng cả tình yêu luôn với ước mơ. Trọn niềm tin yêu với sướng vui, cùng nghìn đau thương với đắng cay thăng trầm thay đổi. Dù thời gian núi lở sông bồi, Tôi xin chọn Người…Tôi xin chọn Người"

 tt1

tt2

tt3

 

Mời xem hình

 

gpbanmethuot.vn

Read 2156 times Last modified on Thứ sáu, 14 Tháng 11 2014 15:02