Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 17 Tháng 5 2013 19:54

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 10/5 - 16/5 - Lễ Phong Thánh Đầu Tiên Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 10/5 - 16/5 - Lễ Phong Thánh đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô



Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong thánh cho hai nữ tu Tây Ban Nha: Mẹ Lupita từ Mexico và Mẹ Laura từ Colombia, cùng với khoảng 800 vị tử đạo Ý ở Otranto giữa một rừng cờ Mỹ Latinh và Ý Đại Lợi phất phới trên quảng trường Thánh Phêrô.

1. Giáo Hội cử hành Ngày Truyền Thông Thế Giới

Hôm Chúa Nhật 12/05/2013, Giáo Hội đánh dấu Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội nhằm khuyến khích người Công Giáo ở các quốc gia trên toàn cầu sử dụng tốt hơn các phương tiện truyền thông và các hình thức thông tin khác để chia sẻ Tin Mừng cho tất cả mọi người nam nữ. Năm nay, sứ điệp của Đức Giáo Hoàng được Đức Bênêđíctô thứ 16 viết và công bố vào tháng Giêng, trong đó nêu bật tầm quan trọng của các trang mạng xã hội như là "cổng thông tin của sự thật và đức tin", và là "không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng".

Trong sứ điệp, Đức Giáo Hoàng Danh Dự, người đã mở tài khoản Twitter Giáo hoàng đầu tiên vào cuối năm ngoái, đã mời gọi mọi người công nhận tiềm năng của các mạng truyền thông xã hội và thúc giục các tín hữu trong Năm Đức Tin này, cân nhắc xem làm thế nào để sự hiện diện của mình trên các mạng có thể giúp truyền bá thông điệp Tin Mừng của tình yêu Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Hồi tháng Giêng, sau khi công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 47, Philippa Hitchen đã có cuộc trò chuyện với Đức Cha Paul Tighe, Thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội.

Ông Philippa Hitchen nói: "Trong 4-5 năm qua, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra rất nhiều tài liệu suy tư về các phương tiện truyền thông mới khi chúng xuất hiện… đó là một thực tại thay đổi… và tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha lưu tâm đến điều đó, vì vậy năm nay ngài chuyển sang đề tài tương đối mới, các mạng xã hội, vốn trở thành nét đặc trưng phân biệt cách thức thông truyền xảy ra…

Đây có phải là nguyên nhân nảy sinh việc mở tài khoản Twitter của ngài không? Tôi nghĩ điều này đưa ra một lý giải triết học hay thần học cho lý do tại sao đó không phải là một sự kiện xảy ra một lần rồi thôi, nhưng đó là một tuyên bố rất quan trọng … về tầm quan trọng mà ngài gán cho phương tiện truyền thông mới…

Đức Thánh Cha đang đặt ra hai vấn đề cơ bản … Thứ nhất, làm thế nào phương tiện truyền thông mới có thể đóng góp cho sự tiến bộ của nhân loại. Thứ hai, Kitô hữu chúng ta có thể làm gì trong lĩnh vực đó để giúp đỡ và hỗ trợ sự phát triển của các mạng xã hội theo chiều hướng tích cực... Người ta thường nói 'người sử dụng tạo ra nội dung' nhưng tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng đang hướng dẫn chúng ta hướng đến 'người sử dụng tạo ra văn hóa'... Chúng ta cần đặt câu hỏi xem làm thế nào chúng ta có thể giúp thăng tiến sự hiểu biết lẫn nhauvà tình liên đới... nếu những nơi này trở thành các mạng xã hội, sẽ không có chỗ cho sự chống đối xã hội, cho sự quấy nhiễu hay bắt nạt người khác... không phải cứ lớn tiếng, cứ ào ào là được... nhưng căn bản là phải tôn trọng khi dự phần và đối xử với tha nhân.

2. Đức Thánh Cha chào đón anh chị em diễu hành phò sự sống tại Rôma

Trưa Chúa Nhật 12 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hướng dẫn buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương với hơn 80,000 anh chị em tín hữu trong đó khoảng một nửa là những tham dự viên của cuộc tuần hành Phò Sự Sống tại Rôma. Cuộc tuần hành này phỏng theo cuộc tuần hành thường niên tại Washington Hoa Kỳ, và nhận được sự tham dự của đông đảo các đoàn đại biểu trên thế giới.

Đức Thánh Cha cám ơn họ về những nỗ lực kiên trì bảo vệ cho các thai nhi là những người yếu đuối nhất.

Đức Thánh Cha nói:

"Tôi thật là vui khi thấy rất nhiều giáo xứ Ý đã tham gia vào chiến dịch vận động lấy chữ ký ủng hộ sự sống. Sáng kiến này có tiêu đề [thai nhi] ‘Là một trong chúng ta,’ đấu tranh để bảo đảm sự bảo vệ pháp lý của phôi thai, bảo vệ cuộc sống của con người từ khi bắt đầu."

Vào giữa tháng Sáu, Tòa Thánh sẽ tổ chức một cuộc vận động phò sự sống. Vì vậy, Đức Giáo Hoàng khuyến khích anh chị em hãy chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ kéo dài trong hai ngày.

Đức Thánh Cha nói:

"Đó sẽ là một thời điểm đặc biệt đối với những ai nghiêm chỉnh bảo vệ sự sống con người và tính thánh thiêng của nó. Ngày Tin Mừng Sự Sống sẽ được tổ chức ở đây tại Vatican như một phần của Năm Đức Tin, vào ngày 15 và 16 tháng Sáu."

Virginia Coda Nunziante, phát ngôn viên của cuộc diễn hành, cho hay: so sánh với cuộc diễn hành năm ngoái, là cuộc diễn hành có khoảng 15,000 người tham dự, thì cuộc diễn hành năm nay có “nhiều hứng khởi và nhiều phái đoàn ngoại quốc tham dự hơn”. Cô cho hay: “Cuộc diễn hành tại Rôma đang trở thành một cuộc diễn hành quốc tế chính thức, với sự tham dự của anh chị em từ khắp nơi trên thế giới”.

3. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ phong thánh đầu tiên

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong thánh cho hai nữ tu Tây Ban Nha: Mẹ Lupita từ Mexico và Mẹ Laura từ Colombia, cùng với khoảng 800 vị tử đạo Ý ở Otranto giữa một rừng cờ Mỹ Latinh và Ý Đại Lợi phất phới trên quảng trường Thánh Phêrô, Mẹ Laura Montoya là người Colombia đầu tiên được nâng lên bàn thờ. Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh hoạt động không biết mệt mỏi của Mẹ Laura Montoya trong cả hai lãnh vực giáo dục và rao giảng Tin Mừng trong các cộng đồng bản địa.

Đức Thánh Cha nói:

"Thánh Laura Montoya là một khí cụ truyền giáo. Đầu tiên trong tư cách một giáo viên và sau đó như là một người mẹ thiêng liêng của cộng đồng bản địa. Mẹ mang lại cho họ hy vọng, bằng cách chỉ họ tình yêu Mẹ học được từ Thiên Chúa. Mẹ dẫn họ đến Thiên Chúa với một phương pháp sư phạm hiệu quả và không đối nghịch với văn hóa riêng của họ. "

Vị thánh mới của Mexico, Mẹ Lupita, đã cống hiến cuộc đời mình để giúp đỡ người nghèo. Đức Giáo Hoàng nói rằng gương sáng của Mẹ khích lệ những người khác giúp đỡ người nghèo.

Ngài nói:

"Thánh nữ María Guadalupe García Zavala đã biết rõ điều đó. Khi từ bỏ một cuộc sống tiện nghi thoải mái. Cuộc sống đó cộng với thái độ trưởng giả của tâm hồn đã mang lại bao nhiêu thiệt hại. Khi từ bỏ cuộc sống tiện nghi như thế để theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, thánh nữ dạy ta yêu mến sự thanh bần, để có thể yêu mến người nghèo và bệnh nhân hơn nữa. Mẹ Lupita đã quì xuống trên nền nhà thương trước những bệnh nhân và người bị bỏ rơi để phục vụ họ với lòng dịu dàng và cảm thương. Và điều này có nghĩa là động chạm đến thân xác Chúa Kitô. Các bệnh nhân, người nghèo, người sắp chết là thân mình Chúa Kitô. "

Đề cập đến 800 vị tử đạo người Ý, Đức Thánh Cha nói:

“Hôm nay, Giáo Hội đề nghị cho chúng ta tôn kính một đoàn binh các vị tử đạo, đã được cùng nhau kêu gọi đạt tới chứng tá tột đỉnh về Tin Mừng vào năm 1480. Khoảng 800 người, sống sót sau cuộc bao vây và xâm lăng của quân Ottoman ở thành Otranto, đã bị chém đầu gần thành phố ấy. Họ khước từ không chối bỏ đức tin và đã chịu chết trong lúc tuyên xưng Chúa Kitô phục sinh. Từ đâu họ tìm được sức mạnh để trung thành như thế? Thưa chính là nơi đức tin, làm cho họ nhìn xa hơn những giới hạn của cái nhìn con người, vượt xa hơn biên cương của đời sống trần thế, đức tin làm cho họ chiêm ngắm ”các tầng trời mở rộng” như thánh Stephano đã nói - và Chúa Kitô sống động ở bên hữu Chúa Cha”.

4. Buổi triều yết chung thứ Tư 15 tháng Năm

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Chúa Nhật 19 tháng 5 tới đây là lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành buổi triều yết chung hôm thứ Tư 15 tháng 5 để đề cập đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc dẫn đưa Giáo Hội và mỗi người trong chúng ta đến với sự viên mãn của chân lý.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định rằng nếu chúng ta mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần như Mẹ Maria thì Ngài sẽ tác động để cảm thức đức tin ban đầu của chúng ta dẫn dắt chúng ta đến với một đức tin trưởng thành và sống động.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

"Trong bài giáo lý của chúng ta về Kinh Tin Kính, chúng ta đã xem xét ngôi vị và công việc của Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu gọi là "Thần Khí Sự Thật"(x. Ga 16:13). Trong một thời đại hoài nghi về sự thật, chúng ta tin rằng sự thật không những tồn tại, nhưng hơn thế nữa sự thật còn có thể được tìm thấy nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể. Chúa Thánh Thần đưa chúng ta tới Chúa Giêsu, Ngài dẫn đưa toàn thể Giáo Hội đến sự viên mãn của chân lý.

Là "Đấng Bảo Trợ", Người được Chúa Phục Sinh gửi đến để trợ giúp chúng ta, Ngài nhắc nhở chúng ta về lời Chúa Kitô và thuyết phục chúng ta về chân lý cứu độ của những lời ấy. Là nguồn mạch cho cuộc sống mới của chúng ta trong Chúa Kitô, Ngài lay động con tim chúng ta rằng “cảm thức đức tin” siêu nhiên, là điều nhờ đó chúng ta vững tin nơi lời Thiên Chúa, sẽ đưa chúng ta đến với một sự hiểu biết sâu sắc hơn về ý nghĩa của đức tin, và áp dụng đức tin ấy trong cuộc sống hàng ngày của mình. Chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi có thực sự mở lòng ra cho quyền năng của Chúa Thánh Thần như Đức Trinh Nữ Maria hay không? Ngay cả lúc này đây, cùng với Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Thánh Thần đang ngự trong tâm hồn chúng ta.

Chúng ta hãy xin Ngài hướng dẫn chúng ta đến với chân lý và giúp chúng ta trưởng thành trong tình bạn với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện hàng ngày, qua việc đọc Kinh Thánh và việc cử hành các bí tích.

5. Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha và Giáo Chủ của Giáo Hội Chính Thống Coptic Ai Cập

Vị Giáo Chủ của Giáo Hội Chính Thống Coptic Ai Cập đã tới Vatican để viếng thăm Đức Giáo Hoàng Phanxicô và lên tiếng bày tỏ một nhu cầu cấp thiết cho một sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu tại Trung Đông.

Các Giáo Hội Công Giáo và Coptic đã phân rẽ trong thế kỷ thứ năm vì các quan điểm thần học bất đồng về bản tính của Chúa Giêsu.

Cả hai Giáo Hội, tuy nhiên, đang trở thành nạn nhân cuả nạn phân biệt đối xử sau khi Hosni Mubarak bị lật đổ, đặc biệt là với sự nổi lên của phong trào Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập.

Chuyến thăm Vatican của vị giáo chủ Chính thống giáo Ai Cập là quan trọng bởi vì ngài là vị lãnh đạo cuả một Giáo Hội Kitô giáo lớn nhất ở Ai Cập với mười triệu giáo dân (10 phần trăm dân số Ai Cập), so với Công Giaó chỉ có 165.000, và về mặt lịch sử thì đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Rome sau 40 năm.

Vị tiền nhiệm cuả đức Tawadros II, cố giáo chủ Shenouda III, đã viếng thăm Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vào tháng 5 năm 1973 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đáp trả bằng một cuộc viếng thăm Ai Cập hồi năm 2000.

Giáo chủ Tawadros được bầu kế vị cố Giáo Chủ Shenouda III hồi tháng 11 năm 2012.

Từ khi lên ngôi Giáo chủ, đức Tawadros đã tỏ ra có nhiều dấu hiệu muốn tái lập quan hệ với Vatican. Tháng trước Ngài đã đến tham dự lễ nhậm chức của Đức Thượng Phụ Công Giáo Coptic Ai Cập là Đức Giám Mục Ibrahim Sidrak. Đây là một cử chỉ chưa từng có.

Chuyến viếng thăm này cũng là dấu hiệu mới nhất của cuộc đối thoại đại kết ngày càng gia tăng sau khi thượng phụ của Constantinople, Bartholomew, là nhà lãnh đạo tinh thần chính thống đầu tiên đến tham dự lễ đăng quang của Đức Giáo Hoàng vào tháng Ba.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bộ áo màu trắng và Giáo Chủ Tawadros trong bộ áo màu đen, đã họp tại hội trường Clementine trong Cung điện Vatican chừng 15 phút rồi cùng nhau cầu nguyện chung cho hòa bình tại nguyện đường Redemptoris Mater Chapel khoảng 20 phút trong một nghi lễ đơn giản với nhiều bài thánh ca bằng tiếng Ả Rập.

6. Đức Thánh Cha tiếp Tổng Thống Colombia

Sau khi cử hành lễ phong thánh đầu tiên của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos hôm thứ Hai 13 tháng Năm.

Sau khi chụp hình lưu niệm, Đức Thánh Cha và Tổng Thống đã đàm đạo với nhau về nhiều đề tài liên quan đến xã hội Colombia và sứ vụ của Giáo Hội Công Giáo tại đây. Tổng Thống Juan Manuel Santos đã giới thiệu các thành viên trong đoàn đại biểu Colombia sang Rôma để dự lễ phong thánh cho vị thánh tiên khởi của quốc gia này.

"Đây là thị trưởng thành phố Medellin", Tổng Thống giới thiệu.

"Tôi đã gặp anh trước đây," Đức Thánh Cha nhớ ra ngay.

Viên thị trưởng đã xin Đức Thánh Cha ban phép lành cho một bức ảnh:

"Xin Đức Thánh Cha ban phép lành cho con?"

Tổng Thống Juan Manuel Santos đã tặng Đức Thánh Cha cuốn sách "Trăm năm cô đơn” của văn hào Gabriel García Márquez, người đã từng đoạt giải Nobel và một bức tượng thủ công Đức Mẹ Maria và Hài Nhi Giêsu.

Tổng Thống nói:

"Thưa Đức Thánh Cha, đây là cuốn sách của García Márquez. Đây là cuốn sách duy nhất có hình minh họa nghệ thuật độc đáo này. "

Đức Giáo Hoàng đã tặng Tổng Thống ba huy chương triều đại Giáo Hoàng của ngài khắc hình Vatican.

Sau cuộc họp với Đức Thánh Cha, Tổng thống Colombia đã gặp gỡ giới báo chí trên đường phố Via della Conciliazione gần đó. Khách bộ hành đã dừng lại xem. Ông nói rằng hai vị đã nói chuyện về cách cả hai quốc gia đang làm việc để đạt được hòa bình ở Colombia.

Tổng thống Colombia nói:

"Chúng tôi đã nói chuyện về hòa bình. Về sự cần thiết phải theo đuổi hòa bình bằng mọi giá. Đức Thánh Cha nói với tôi 'Chỉ có người dũng cảm mới kiên quyết rằng rằng mục tiêu này là khả thi. Cam go lắm mới có được, nhưng đó là điều đáng làm. "

Tổng thống cũng đã mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Colombia. Nhưng Đức Giáo Hoàng nói với ông rằng ít nhất là trong năm nay, ngài chỉ hy vọng thăm được Brazil trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Tổng thống Juan Manuel Santos nói:

"Đức Giáo Hoàng phải chọn những quốc gia ông đến thăm rất cẩn thận. Là người ở châu Mỹ La tinh, tôi nghĩ ngài có khuynh hướng ghé thăm phần này của thế giới, là điều tôi hoàn toàn hiểu được. Ngài cũng nói với tôi rằng ngài thích đi đây đó. Nhưng ít nhất là lúc này, chuyến đi của ngài tại Mỹ Châu La Tinh được ấn định chỉ giới hạn tại Brazil mà thôi. "

Đức Giáo Hoàng là một người hâm mộ bóng đá, cả hai nhà lãnh đạo đã nói về đội San Lorenzo của Argentina.

Tổng thống Colombia nói:

"Ngài nhắc nhở tôi rằng ngài là một ủng hộ viên của đội San Lorenzo. Tôi nói với ngài về hai ngôi sao Colombia, Córdoba và 'Cayman' Sanchez là cầu thủ San Lorenzo. Cuộc trò chuyện rất thú vị. "

Vào cuối cuộc họp của họ, Đức Giáo Hoàng khuyến khích Tổng Thống thúc đẩy tinh thần hòa bình và thống nhất tại Colombia.

7. Niên Giám Giáo Hội Công Giáo 2013

Sáng thứ Hai 13 tháng 5, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh đã trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô Niên Giám Tòa Thánh 2013 và Thống Kê Giáo Hội Thường Niên (Annuarium Statisticum Ecclesiae) năm 2011.

Cả hai cuốn đều đã được soạn thảo bởi Đức Ông Vittorio Formenti, phụ trách Văn phòng thống kê Trung ương của Giáo Hội, Giáo sư Enrico Nenna và cộng tác viên khác. Đức Thánh Cha đã bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những đóng góp của các vị biên soạn.

Thống kê của Tòa Thánh cho thấy số người Công Giáo trên toàn cầu nhìn chung vẫn ở mức 1.214 tỷ, tăng chỉ cao hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu trong giai đoạn 2010/2011.

Số linh mục dòng và triều đã gia tăng, chủ yếu là do sự gia tăng ơn gọi ở châu Á và châu Phi đã giúp cân bằng xu hướng tiếp tục suy giảm ở châu Âu (-9% trong thập kỷ qua).

Tuy nhiên, tình trạng không được lạc quan mấy đối với số lượng nữ tu đã giảm đến 10% trong thập kỷ qua.

Số liệu thống kê đáng ngạc nhiên nhất được nêu trong Niên Giám Tòa Thánh năm 2013 là sự bùng nổ trong ơn gọi phó tế vĩnh viễn, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, nơi số phó tế đã tăng hơn 40% trong thập kỷ qua.

Niên Giám Tòa Thánh 2013 đã ghi lại các dữ liệu chính trong đời sống của Giáo Hội Công Giáo trên thế giới, trong năm 2012, cho đến cuộc bầu cử Giáo Hoàng vừa qua. Trong thời gian này Giáo Hội có thêm 11 Tòa Giám Mục, 2 giáo hạt Tòng Nhân, 1 hạt đại diện tông tòa và 1 miền phủ doãn tông tòa.

Bên cạnh đó một miền phủ doãn tông tòa đã được nâng lên bậc giáo phận và 2 miền phũ doãn dành cho các tín hữu theo nghi lễ Đông Phương được nâng lên hàng giáo phận.

Số người Công Giáo trên toàn thế giới đã tăng từ 1.196 tỷ trong năm 2010 đến 1.214 tỷ trong năm 2011, tức tăng 1.5%. Sự tăng trưởng này là chỉ cao hơn một chút so với sự tăng trưởng dân số của thế giới là 1.23%. Sự hiện diện của người Công Giáo trên thế giới chủ yếu vẫn không thay đổi, tức là vẫn ở mức 17.5%.

8. Triều đại Giáo Hoàng được dâng hiến cho Đức Mẹ Fatima

Hôm thứ Hai 13 tháng Năm, Đức Hồng Y Policarpo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha đã chủ sự thánh lễ dâng hiến triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Đức Mẹ Fatima.

Tưởng cũng nên nhắc lại, chỉ vài giờ sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một yêu cầu đặc biệt với Đức Hồng Y José Policarpo của Bồ Đào Nha. Đức Thánh Cha xin Đức Thượng phụ Lisbon hãy dâng hiến triều đại giáo hoàng của Ngài cho Đức Mẹ Fatima.

Trong tháng Tư, các Giám mục Bồ Đào Nha đã tổ chức hội nghị thường niên, và các ngài đã quyết định thực hiện buổi lễ dâng hiến này theo ý Đức Thánh Cha.

9. Đức Thánh Cha thể hiện linh đạo Dòng Tên, loại bỏ mọi thứ vật chất

Việc bầu chọn Đức Phanxicô trở thành Giáo hoàng gây bất ngờ cho nhiều người, trong đó có các linh mục dòng Tên trên khắp thế giới. Không ai nghĩ rằng các vị Hồng Y sẽ chọn một giáo sĩ dòng Tên trở thành Giáo hoàng. Đối với vị Bề trên Tổng quyền Dòng Tên thì Đức Giáo Hoàng là một tu sĩ Dòng Tên 100%, và phong cách của ngài bộc lộ điều đó.

Cha Adolfo Nicolas, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên cho biết: "Tôi nghĩ chúng ta đã nhận thấy những biểu hiện của ngài. Chẳng hạn, chúng ta thấy ngài bộc lộ một số điểm trong quá trình khẳng định mình là một Giáo hoàng. Vào Thứ Năm Tuần Thánh, ngài nói với các linh mục rằng người mục tử cần phải ngửi thấy mùi chiên. Đó là một hình ảnh tuyệt vời thể hiện sứ vụ của giáo sĩ, dù là giám mục hay linh mục".

Cha Bề trên cho rằng việc bầu chọn một giáo sĩ Dòng Tên trở thành Đức Giáo Hoàng không có bất kỳ tác động nào đối với các thành viên của Dòng. Cha cho biết: "Một điều rất rõ ràng đối với chúng tôi là không có gì thay đổi, thực sự chẳng có gì. Đức Giáo Hoàng là người mà các vị Hồng Y đã chọn trong số họ vì họ nghĩ rằng ngài có thể dẫn dắt Giáo Hội. Vì vậy, chúng tôi vâng phục và làm việc với ngài theo cách mà chúng tôi đã từng làm với các vị Giáo hoàng khác".

Mặc dù lời khấn khó nghèo luôn là phương châm cơ bản cho các tu sĩ dòng Tên, nhưng cha Adolfo Nicolás cho rằng quan niệm này trở nên quan trọng đối với Giáo Hội ở thời điểm hiện nay.

Cha Bề trên Dòng Tên nhận định: "Đức Hồng Y Hummes cũng nhắc Đức Thánh Cha như thế đừng bao giờ quên người nghèo là một phần của Giáo Hội. Và đó là điều tốt đẹp. Nó tốt đẹp bởi vì Thánh Phaolô đề cập trong những lá thư của ngài rằng: thật là tốt đẹp, chúng ta hoạt động trong sự tự do, bởi vì Chúa Kitô ban cho chúng ta tự do, nhưng chúng ta đừng bao giờ quên người nghèo. Ngài nói rằng đây là một trong những dấu chỉ nhận biết người Kitô hữu".

Kể từ khi bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã có nhiều câu hỏi về những thay đổi có thể xảy ra bên trong Tòa Thánh. Nhưng cha Bề trên giải thích rằng linh đạo của Thánh Inhaxiô có thể dẫn dắt họ theo một đường hướng khác: "Nếu con người không thay đổi thì cho dù cơ chế điều hành có thay đổi thế nào đi nữa cũng chẳng đi đến đâu. Chúng ta vẫn phải đối mặt với bất công, áp bức, bạo lực, và tất cả những vấn đề mà chúng ta từng thấy cho đến ngày hôm nay. Kinh nghiệm từ thế kỷ 20 cho thấy rõ điều này. Nói cách khác, các chế độ đã thay đổi, chúng ta đã có các chế độ mới thay thế, nhưng chúng ta vẫn không giảm bớt được bất công và bạo lực. Ngược lại, có vẻ như chúng ngày càng gia tăng".

Việc bầu Đức Phanxicô vào ngôi Giáo Hoàng đưa Dòng Tên vào địa hạt mới trong lịch sử 500 năm thành lập dòng. Nhưng việc bầu chọn này cũng làm cho phong cách nguyên thủy của Dòng Tên được nhiều người biết đến.

10. Các linh mục Boston thông cảm cách hành xử của cảnh sát tại khu vực bị đánh bom Marathon

Hai linh mục Công Giáo bị từ chối cho tiếp cận hiện trường của vụ đánh bom Marathon, Boston cho hay họ hiểu được lý do tại sao cảnh sát không cho phép họ tiếp cận các nạn nhân bị thương của vụ đánh bom.

Cha Tom Carzon, OMV, nhận định rằng các tường thuật của giới truyền thông thể hiện sự căng thẳng giữa cảnh sát và các linh mục chỉ là sự nhầm lẫn. Ngài phát biểu với tờ Boston Pilot, là tờ tạp chí của Tổng Giáo phận, rằng ngài hiểu các cảnh sát viên mong muốn giữ mọi người tránh xa những khu vực vẫn được xem là các vùng nguy hiểm.

Cha John Wykes, OMV, một linh mục khác bị từ chối cho tiếp cận hiện trường, đồng ý rằng cảnh sát đã làm hết sức mình để ngăn chặn sự nguy hiểm và hỗn loạn ở hiện trường vụ đánh bom. Cha phát biểu với tờ The Pilot: "Nhưng tôi nghĩ rằng đã có một thời mà một linh mục nếu mặc áo có cổ cồn thì sẽ được cho vào hiện trường bất chấp tình huống xảy ra khẩn cấp hay khó khăn tới đâu". Cha Wykes đề nghị các linh mục phải được tạo cơ hội thi hành mục vụ trong các trường hợp khẩn cấp.

Tờ báo của Tổng Giáo phận tường thuật rằng các linh mục tuyên úy đã có mặt tại bệnh viện địa phương để ban các bí tích cho các nạn nhân còn sống sót của vụ đánh bom.

11. Đức Hồng Y Đức 'bị sốc' trước tình trạng sức khoẻ suy sụp của Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô thứ 16

Theo tường thuật của Thông tấn xã Công Giáo Đức KNA, hôm 9 tháng 5, Đức Hồng Y Joachim Meisner, Tổng Giám Mục Cologne, cho biết ngài đã bị sốc trước tình trạng sức khỏe suy giảm nhanh chóng của Đức Bênêđíctô thứ 16.

Theo bài báo của hãng Thông tấn xã Công Giáo Đức thì trong một cuộc hội kiến giữa hai vị hôm 18 tháng Ba tại Castel Gandolfo, Đức Hồng Y Meisner nói rằng ngài rất sửng sốt khi thấy Đức Bênêđíctô thứ 16 gầy ốm đến như vậy.

Đức Hồng Y Meisner cho hay ban đầu ngài phản đối tuyên bố thoái vị của Đức Bênêđíctô thứ 16 đưa ra hôm 11 tháng Hai. Trong thời cận đại, không vị Giáo Hoàng nào đã đơn phương tuyên bố thoái vị. Đức Giáo Hoàng cuối cùng từ nhiệm là Đức Gregory XII. Ngài tuyên bố thoái vị vào năm 1415.

Nhưng kể từ khi gặp vị Đức Giáo Hoàng Danh Dự 86 tuổi, Đức Cha Meisner khẳng định "sự dè dặt của tôi đã tan biến".

Đức Hồng Y nói thêm rằng, dù sức khoẻ ngài sút giảm nhưng trí tuệ của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 vẫn còn "rất tinh tường, như trước đây".

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã quay trở lại Vatican vào tuần trước sau khi trải qua hai tháng tĩnh tâm ở Dinh thự Castel Gandolfo.

Đây là lần đầu tiên hai vị giáo hoàng - một đã về hưu, một đang tại vị cùng sinh sống đằng sau tường thành Vatican.

12. Loan báo Tin mừng bằng các phương tiện truyền thông

Nhân ngày Quốc tế truyền thông năm nay, Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội mời gọi mọi người trên khắp thế giới cùng tham dự vào “Mesa Comun” (Bàn ăn Chia sẻ). Sáng kiến cho phép các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo chia sẻ các tài nguyên mục vụ dạng nghe/nhìn lên mạng.

Chủ đề của ngày Truyền thông năm nay: cửa ngõ của chân lý và đức tin; không gian mới để loan báo Tin mừng”, sẽ nêu bật việc sử dụng các trang mạng truyền thông xã hội, chẳng hạn như YouTube, Facebook, và Twitter, như những phương tiện loan báo Tin mừng trên khắp thế giới.

Hội đồng Giáo hoàng đang tiếp tục mở rộng lời mời gọi đến các Văn phòng Truyền thông xã hội của các Hội đồng Giám mục, các giáo phận và các cộng đoàn dòng tu để gởi các tài liệu của họ trước ngày 12/5, các tài liệu này sẽ được chia sẻ trên trang mạng chính thức.

Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội khẳng định: sáng kiến này là “Lãnh vực mới để hiệp thông và chia sẻ”.

13. Đức Thánh Cha nói về truyền giáo: “Không dám bước đi vì sợ vấp ngã là sai lầm tệ hại hơn”

Trong Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta hôm 08/05/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục các tín hãy noi gương Thánh Phaolô, một mẫu gương hàng đầu khi nói đến truyền giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Khi Giáo Hội mất hết lòng nhiệt thành tông đồ, Giáo Hội trở nên một Giáo Hội ngừng trệ, một Giáo Hội gọn đẹp. Một Giáo Hội trông đẹp mắt đấy, nhưng không sinh hoa kết quả, vì không có can đảm vươn ra bên ngoài, nơi có rất nhiều người là nạn nhân của ngẫu tượng, của sự tục hóa, của những ý tưởng yếu kém về nhiều thứ".

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng Giáo Hội cần xây những chiếc cầu, thay vì xây những bức tường trong xã hội. Ngài nhấn mạnh thêm rằng sự thật chỉ được khám phá qua việc tìm kiếm Chúa Giêsu và dõi theo những bước chân Ngài. Đức Thánh Cha kêu gọi các Kitô hữu hãy xóa tan đi nỗi sợ phạm phải sai lầm.

Đức Thánh Cha giảng giải: "Anh em có thể nói ‘Nhưng thưa Cha, chúng con có thể vấp phạm sai lầm’. Tôi sẽ trả lời: ‘À, thế thì đã sao? Hãy tiến lên, nếu anh em vấp phạm, hãy đứng dậy và đi về phía trước, cứ như thế'. Những ai không bước đi vì sợ vấp ngã, thì sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng hơn".

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ có Đức Hồng Y Francesco Coccopalmerio dâng lễ cho các nhân viên làm việc trong văn phòng Thống Đốc và Tòa Án thành Vatican

14. ĐTC tiếp kiến bề trên các dòng nữ: Chị em là những người mẹ thiêng liêng

Hôm 08/05/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến hơn 800 Bề trên Tổng quyền các dòng nữ tại Vatican. Các vị là những đại diện của các dòng nữ khác nhau đang viếng thăm Rôma trong những ngày qua. Trước khi ban huấn từ, ĐứcThánh Cha đã đưa ra một vài nhận xét thân thiện về vị thư ký vừa mới được bổ nhiệm của Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến.

Ngài nói: "Tôi muốn cảm ơn hiền huynh thân yêu của tôi, Đức Hồng Y Joao Braz de Aviz vì những lời chào mừng của ngài. Tôi cũng rất vui mừng khi gặp vị Thư ký của Thánh Bộ, tên của ngài là Pepe".

Trong huấn từ của mình, Đức Thánh Cha đã nói về đức vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh. Ngài cho hay rằng lời khấn khiết tịnh có thể sinh hoa quả cho những người con thiêng liêng. Đức Thánh Cha nhắc rằng người sống đời thánh hiến không phải là người phụ nữ độc thân, nhưng là người mẹ thiêng liêng.

Ngài cũng nói về sự phục vụ, nhận xét thêm rằng mục tiêu hướng đến của những người sống đời thánh hiến không phải là sự nghiệp, mà là sự phục vụ. Sau đó, Đức Thánh Cha đề cập đến tầm quan trọng của Giáo Hội, và nhấn mạnh rằng người ta không thể tách rời Chúa Giêsu ra khỏi Giáo Hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ các vị. Ngài nói: "Hãy mừng vui lên, vì thật là tốt đẹp khi theo Chúa Giêsu. Thật là đẹp khi suy tư về hình ảnh của Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Hội Thánh của chúng ta, là một Giáo Hội theo phẩm trật".

Chủ đề của hội nghị mà các Bề trên Tổng quyền đến Rôma tham dự chính là sứ vụ của quyền bính theo tinh thần của Tin Mừng.

15. Mẹ Laura Montoya, vị thánh tiên khởi của Colombia

Ngày 12 tháng Năm là một ngày quan trọng trong lịch sử đất nước Colombia, khi Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh cho Mẹ Laura Montoya, vị thánh tiên khởi của quốc gia này.

Mẹ Laura Montoya sinh năm 1874 ở Jericó, Antioquia. Mẹ đã tận hiến đời mình để bảo vệ quyền lợi của người bản xứ Colombia. Năm 1914, Mẹ đã thành lập một dòng tu chuyên về giáo dục và đào tạo dành cho những người bị gạt ra bên lề xã hội. Công việc của Mẹ đã được chính quyền Colombia công nhận ngay khi Mẹ còn sống.

Ông German Cardona Gutierrez, Đại sứ Colombia cạnh Tòa Thánh cho hay: "Một điều thú vị đáng nêu ở đây là mối liên hệ giữa Tổng thống Eduardo Santos, là người đã lãnh đạo Colombia trong thập niên 1940 và Mẹ Laura. Tổng thống là bác của Mẹ. Thời đó, Tổng thống Eduardo đã trao cho cho Mẹ Laura huân chương Boyocá Thập Tự Bội Tinh, là huy chương cao quý nhất dành cho công dân Colombia. "

Dòng tu do Mẹ thành lập được biết đến với danh xưng là Dòng Thừa Sai Mẹ Laura hoạt động trên hơn 20 quốc gia ở Mỹ châu Latinh và Phi châu. Họ chăm sóc cho những người mà Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc đến như là "những kẻ bên lề" của thế giới.

Mẹ Laura cũng có một cảm nhận mãnh liệt như thế.

Silvia Correale, Cáo thỉnh viên án phong thánh cho Mẹ Laura Montoya nhận xét: "Mẹ Laura cảm nhận tình phụ tử của Thiên Chúa rất mãnh liệt. Và Mẹ nhận thấy Chúa mời gọi nơi Mẹ một tình mẫu tử thiêng liêng dành cho người bản xứ. Đó là điều đã thúc đẩy Mẹ tiếp tục công việc của mình".

Mặc dù Mẹ đã qua đời vào năm 1949, di sản của Mẹ vẫn tồn tại theo thời gian nhờ Dòng tu của Mẹ, cũng như thông qua hàng trăm bài suy niệm và các bài viết. Di sản của Mẹ còn đi xa hơn khi các tu sĩ truyền giáo của Mẹ đã thực hiện mạng lưới xã hội nhằm loan truyền những dấn thân xã hội của Mẹ Laura, vị thánh tiên khởi của Colombia.

vietcatholic (Theo youtube)

Read 1273 times Last modified on Thứ bảy, 18 Tháng 5 2013 16:16