Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 23 Tháng 12 2011 07:29

Một Đôi Nét Văn Hoá Ứng Xử

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
vanhoa.1

      Mỗi đất nước, mỗi vùng, miền đều có những nền văn hoá ứng xử đặc trưng khác nhau. Có nền văn hoá ứng xử được hình thành từ rất xa xưa, và cũng không ít nền văn hoá ứng xử còn rất non trẻ. Song, dù lâu đời hay mới mẻ cũng có những cái hay cái đẹp của riêng nó. Ở đây, người viết không có ý đưa ra một so sánh nào về sự hơn thua, hay dở đối với nền văn hoá ứng xử của nước này hay nước nọ, vùng này hay vùng kia, nhưng chỉ xin nói một vài nét về văn hoá ứng xử nơi xứ người.

Thoạt tiên mới đặt chân nơi xứ người, xứ sở mà người ta gọi cái tên rất đặc trưng, xứ sở Chuột túi (Kangaroo), tôi rất đổi ngạc nhiên và tự hỏi tại sao người ta lại có được sự ý thức về cách ứng xử trong cộng đồng cao đến độ người người như đang sống trong một gia đình. Trước hết xin nói đến cái văn hoá của người tham gia giao thông. Mọi người tham gia giao thông trên đường lộ, ai nấy đều giữ đúng luật, không chạy nhanh, vượt ẩu. Như người ta thường nói, các tín hiệu giao thông trên đường là một mệnh lệnh, mà đã là mệnh lệnh thì mọi người đều phải chấp hành. Mỗi khi kẹt xe giữa các ngã ba, ngã tư mọi người tự ý thức nhường nhau, kẻ này đi trước người nọ đi sau mà chẳng cần đến một anh cảnh sát giao thông nào cả. Cứ thế mọi việc trở nên tốt đẹp. Sự chen lấn dường như không có chỗ tồn tại trong những trường hợp như vậy. Tất nhiên ở đây, người viết không đề cập đến những trường hợp ngoại lệ.
Kế đến là cái đẹp của văn hoá ứng xử nơi công sở. Một điều cũng hết sức thú vị nơi xứ sở văn minh này là khi bạn ra những nơi công sở, ngân hàng, trụ sở công quyền để làm một việc gì đó, mọi người đều phải sắp hàng chờ đợi đến lượt mình. Người ta đã rất quen thuộc với việc làm này. Cứ tưởng tượng như thời còn đi học cấp một, trước khi vào lớp tất cả học sinh đều phải sắp thành từng hàng để chờ cô giáo gọi tên mới được vào lớp. Nói như vậy không có nghĩa việc sắp hàng là hành động của trẻ con. Sắp hàng ở đây thể hiện một đời sống văn minh nơi công sở với ý thức cao độ của con người. Ai đến trước được phục vụ trước, ai đến sau được phục vụ sau. Cứ thế mọi việc được giải quyết rất trật tự và nhanh chóng mà không có một rào cản nào làm chậm trễ đến công việc cả.
Bên cạnh đó, còn có cách ứng xử chào hỏi xã giao cũng rất phong phú và đa dạng. Mặc dù cuộc sống mưu sinh làm cho mọi người rất bận rộn song người ta không quên gởi đến nhau một lời chào, một câu hỏi thăm, nở một nụ cười mỗi khi gặp nhau. Nói vậy không hẳn người ta đã quen biết nhau từ trước nên mới chào hỏi. Thật sự, người hàng xóm bên cạnh nhà còn không biết đến nhau dù chỉ cái tên, việc làm. Ấy vậy mà nguời ta vẫn giữ được tính nhân văn mỗi khi gặp nhau. Bước ra khỏi nhà gặp người lạ hay quen, gặp người thân hay chưa hề biết tên, câu đầu tiên là một lời chào hỏi rất thân mật. “Xin chào! Bạn khỏe không?” Và chắc chắn người hỏi sẽ nhận được câu trả lời rất chân tình, “Cám ơn! Tôi khoẻ” hoặc “Tôi cũng bình thường”. Đáp lại, người đó cũng không quên hỏi bằng một lời đơn giản tương tự “Còn bạn thì sao, khoẻ không?”. Nếu hai người đã quen biết nhau từ trước, sau lời chào hỏi xã giao còn bắt thêm một vài câu chuyện khác. Còn hai người chưa hề quen biết nhau, sau lời chào xã giao thì đường ai nấy đi, việc ai nấy làm. Mỗi khi nhờ ai làm việc gì, người ta thường nói bằng giọng điệu rất nhẹ nhàng rằng bạn có thể làm ơn giúp tôi việc đó, việc kia hay lấy cái này, cái nọ. Ngay cả khi đến hàng quán mua một ly cà phê người ta cũng nói với nhân viên phục vụ với giọng điệu rất dễ nghe, “Bạn làm ơn lấy cho tôi một ly cà phê” hoặc “Tôi có thể mua một ly cà phê không?”. Song song với những cách ứng xử nói trên, cụm từ xin lỗi cũng được sử dụng rất đa dạng trong nhiều lãnh vực, nhiều giới khác nhau. Xin lỗi được áp dụng trong tất cả mọi giới nam nữ, lớn nhỏ, già trẻ không phân biệt. Nghĩa là người ta không phân biệt đến chuyện người nhỏ phải xin lỗi người lớn, người trẻ phải xin lỗi người già. Xin lỗi tất nhiên là một công cụ cần thiết để nhận được sự tha thứ của người khác. Bởi thế, mọi người đều hiểu rằng lỗi thuộc về ai thì người đó phải nói lên lời xin lỗi, không nhất thiết là phải tuân theo quy luật từ dưới lên hay từ trên xuống. Người ta cũng không khắt khe nhiều lắm về phía người có lỗi. Thế nên, sau lời xin lỗi mọi việc lại trở nên tốt đẹp như xưa. Bên cạnh đó, nguời ta cũng thể hiện rõ tấm lòng biết ơn của mình đối với người khác một cách rất chân thành. Mọi người đều nói lên lời cám ơn mỗi khi nhận được sự hỏi thăm, sự giúp đỡ, sự chăm sóc, sự quan tâm của người khác. Xin lỗi và cám ơn được mọi người sử dụng thường xuyên như ăn cơm bữa vậy. Có lẽ là ngôn từ tiếng Anh một phần nào đó dễ nói lên hai tiếng xin lỗi và cám ơn hay do môi trường văn hoá ứng xử được nung nấu từ thuở nhỏ trong mỗi gia đình, trường học và cả ngoài môi trường thực tiễn. Trong mỗi gia đình, cha mẹ và con cái nói chuyện với nhau như những người đã trưởng thành, chứ không như người lớn nói chuyện với trẻ nhỏ. Cách dùng từ, cử chỉ và kể cả thái độ thật lịch sự nhưng ẩn chứa đầy đủ tính chất thân mật của một gia đình. Cha mẹ nói “Xin lỗi con”, “Cám ơn con”, “Con làm ơn” …, và ngược lại con cái cũng nói với cha mẹ như vậy khi gặp những trường hợp tương tự. Đó cũng là bài vở lòng mà những đứa con học được từ khi mới chào đời nơi môi trường gia đình. Đối xử với nhau như vậy nói lên sự tôn trọng lẫn nhau của mỗi thành viên trong gia đình.
Văn hoá ứng xử nơi xứ người thực ra cũng rất giản dị trong cách ăn, cách mặc, cách đối xử với nhau nhưng để thực hiện đầy đủ tính chất mà nền văn hoá ứng xử đó chứa đựng trong lòng xã hội hiện nay không phải là chuyện ngày một ngày hai. Mấy ai trong đời hoàn hảo đến độ thể hiện được những tinh hoa của nền văn hoá ứng xử giữa người với người mà không phải kinh qua một vài lần nhận được sự khen chê. Như vậy có nghĩa là ai cũng phải kinh qua, phải trãi nghiệm mới thực sự thể hiện hoàn hảo những đòi hỏi của nền văn hoá nơi mình đang sống.
Nói tóm lại, dẫu nền văn hoá ứng xử mới ra đời hay đã được hình thành từ rất lâu đều mang những cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa của riêng nó. Vấn đề là người ta áp dụng cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa của nền văn hoá đó như thế nào và trong hoàn cảnh nào cho phải phép.

Úc Châu những ngày cuối năm.
 Trần Đình Khẩn

Read 1690 times Last modified on Thứ sáu, 23 Tháng 12 2011 18:49