Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 10 Tháng 10 2012 07:23

Năm Đức Tin: Cần Thiết Nghe Lời Chúa Và Lãnh Các Bí tích

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Năm Đức Tin sẽ chính thức mở ra trong toàn Giáo Hội từ ngày 11-10-2012 đến ngày 24-11-2013. Trong Năm Đức Tin này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đặc biệt nhấn mạnh đến việc tân Phúc Âm hoá để quảng bá đức tin Kitô giáo (New Evangelization for the transmission of Christian Faith).

   Tân Phúc Âm hoá có nghĩa là đọc lại Lời Chúa cách thấu đáo hơn để từ đó thêm biết sống niềm tin Kitô giáo cách thiết thực và có sức thuyết phục người khác tin yêu Chúa để cùng hưởng hạnh phúc Nước Trời như lòng Chúa mong muốn “cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4).

Phúc Âm Sự Sống (Gospel of Life) mà Chúa Kitô đã rao giảng trên 2.000 năm trước đây đang bị văn hoá của sự chết” thách đố nặng nề, vì nó đang lôi cuốn được nhiều người sống theo nó kể cả những người đã lãnh Phép Rửa để được tái sinh trong sự sống mới, nhưng nay đang bị “văn hoá của sự chết” lôi kéo vào hố diệt vong vì thực chất vô luân vô đạo của trào lưu tục hoá thế giới hiện nay. Hậu quả là có nhiều người Công giáo - cách riêng giới trẻ - đã không thực hành đức tin như tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật, xưng tội, rước Mình Máu Chúa Kitô. Có người cò bỏ theo Tin Lành, Baptist, Methodist…

Do đó, cần thiết phải được tái Phúc Âm hoá, nghĩa là được nghe lại lời Chúa Kitô, vì chỉ có Người “mới có những lời đem lại sự sống đời đời” như Phêrô đã trả lời Chúa một ngày kia sau khi nhiều môn đệ khác “đã rút lui, không còn đi với Ngài nữa” (Ga 6,66.68).

Họ rút lui vì cho là chướng tai khi nghe Chúa nói Ngài là Bánh từ trời xuống cho những ai ăn thì sẽ được sống đời đời.

I. Sự cần thiết phải nghe Lời Chúa

Thiên Chúa đã nói với con người qua miệng các ngôn sứ ( prophets) trong thời Cựu Ước như ông Môsê đã nói với dân Do Thái xưa như sau:

Đức Chúa phán với ông Môsê: Hãy ra lệnh cho con cái Israel và nói với chúng lời của Ta: “Vào đúng thời đúng buổi, các ngươi sẽ chăm lo dâng lên Ta lễ vật, lương thực dưới hình thức hoả tế nghi ngút hương thơm, làm thoả lòng Ta” (Ds 28,1-2).

Lại nữa, qua miệng ngôn sứ Êdêkien (Ezekiel) Thiên Chúa đã phán những lời cảnh cáo kẻ gian ác ở mọi thời đại và mọi nơi trên mặt đất này như sau:

“Phần ngươi, hởi con người. Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác chắc chắn ngươi phải chết” mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó. Nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã bảo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 33,7-9).

Thiên Chúa phán dạy dân Do Thái trước tiên và cũng nói cho mọi dân trên toàn thế giới biết Thánh Ý của Ngài để họ biết sống xứng đáng hầu được cứu rỗi và vui hưởng hạnh phúc Nước Trời. Hạnh phúc Nước Trời là được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chúa trên nơi vĩnh hằng, sau khi mọi người phải trải qua cái chết trong thân xác vì hậu quả của tội lỗi. Những cái chết về thể lý không quan trọng bằng cái chết của linh hồn, nếu trong cuộc sống trên trần thế này con người đã tự do chọn lựa con đường đưa đến cái chết đáng sợ đó. Cứ nhìn vào thực trạng của con người sống hiện nay, ta có thể hình dung được ai là người muốn sống hạnh phúc vinh cửu với Thiên Chúa trên Nước Trời và ai là những người đang tự ý khước từ hạnh phúc đó. Họ chính là những kẻ đang làm ngơ hay từ chối lời mời gọi của Chúa vào dự Bàn Tiệc Nước Trời vì nhiều lý do riêng tư. Có những người đang mải mê tìm tiền bạc và mọi vui thú vô luân vô đạo để hưởng thụ trong giây phút hiện tại mà không thắc mắc gì về số phận mai sau. Có những kẻ đang sống trong hận thù, ghen ghét, chia rẽ, chém giết người khác về thể lý hay về tinh thần, dâm ô, nhất là ấu dâm (child prostitution), một tội ác rất nghê tởm và khốn nạn của con người thời nay. Đây là con đường đưa đến sự chết đời đời nhưng lại có nhiều người muốn đi và đang ung dung đi trên đó ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Trước thực trạng đáng buồn này, là tín hữu Chúa Kitô, chúng ta phải sống đức tin có Chúa như thế nào để phân biệt chúng ta với những người không có niềm tin hay có mà đã đánh mất niềm tin ấy vì những cạm bẫy của văn hoá sự chết?

Chúng ta có lắng nghe lời Thiên Chúa phán bảo qua các ngôn sứ thời Cựu Ước và nhất là qua Chúa Giêsu vào thời sau hết hay không, vì Thiên Chúa đã “phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, và đã đặt gười làm Đấng thừa hưởng muôn loài muôn vật” (Dt 1,2).

Nghĩa là qua Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã mặc khải trọn vẹn Thánh Ý Người cho nhân loại, cho nên: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy... Và lời anh em nghe đây. Không phải là của Thầy nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 14,23.24).

Chúa Giêsu đã chọn các Tông đồ và sai họ đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và chữa lành cho các bệnh nhân như ta đọc thấy trong Kinh Thánh Tân Ước. Chúa đã trao cho các ông trọng trách thay mặt Chúa để đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân để ai nghe các ngài thì cũng nghe Lời Chúa như Chúa đã quả quyết:

“Ai nghe anh em là nghe Thầy, và ai khước từ anh em là khước từ Thầy. Mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10,16).

Như thế, nghe lời dạy của các Tông đồ xưa và nghe Giáo Hội ngày nay là người kế vị các Tông đồ, dạy với Quyền Giáo Huấn (Magisterium) là nghe chính Chúa Kitô. Mà nghe Chúa Kitô là nghe Chúa Cha, Đấng đã sai Chúa Kitô đến trần gian làm Con Người “để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 10,45).

Do đó, đọc kỹ Kinh Thánh, chúng ta sẽ nghe lại Lời Chúa cách sâu sắc hơn, để từ đó thêm xác tín vào Chúa Kitô, hiện thân của Chúa Cha khi Người đến trần gian đi rao giảng và dạy dỗ chân lý như Chúa đã trả lời Tổng trấn Philatô xưa như sau:

“Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này. Đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Tôi” (Ga 18,37).

Sự thật mà Chúa Giêsu nói ở đây là sự thật có Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành muôn loài muôn vật hữu hình và vô hình, trong đó có con người được Thiên Chúa yêu thương đến nỗi đã trao nộp chính Con Một Người là Chúa Kitô để cho muôn người được cứu độ nhờ máu Người đã đổ ra trên thập giá làm Hy Tế đền tội thay cho muôn dân. Đây là sự thật mà người tín hữu chúng ta phải tin và tuyên xưng bằng hành động biết ơn thiết thực là yêu mến Chúa trên hết mọi sự và xa tránh mọi tội lỗi vì chỉ có tội mới cắt đứt tình thân giữa ta và Thiên Chúa. Và cũng chỉ có tội mới đóng đinh Chúa Kitô một hay nhiều lần nữa trong tâm hồn chúng ta. Cho nên, sống cho sự thật này là sống đức tin có chiều sâu thực sự và có sức thuyết phục người khác.

Vì thế, để bồi dưỡng cho đức tin ấy trong Năm Đức Tin này, mỗi người tín hữu chúng ta cần đọc lại và suy gẫm Lời Chúa trong các Tin Mừng để biết Chúa yêu thương chúng ta đến mức nào, để từ đó thêm quyết tâm sống đức tin, đức cậy và đức mến cách sống động hơn nữa hầu chống lại những ảnh hưởng tai hại của văn hoá sự chết đang lan tràn khắp nơi và đầu độc biết bao người già trẻ, nam, nữ.

II. Sự cần thiết năng lãnh nhận các Bí tích Thánh Thể và Hoà Giải

Ngoài việc chú tâm đọc lại Lời Chúa để hiểu rõ hơn thánh ý của Người cho mỗi người chúng ta, việc năng lãnh nhận các Bí tích Thánh Thể và Hoà Giải cũng quan trọng không kém trong Năm Đức Tin này.

Thật vậy, tình trạng sống Đạo của nhiểu người ở nhiều nơi thật đáng buồn. Số người đi lễ ngày Chúa Nhật và xưng tội chiều thứ bảy đã giảm sút đáng quan ngại. Rật nhiều người có dư giờ đi du hí, nhảy nhót, ăn uống vui chơi thiếu lành mạnh cuối tuân, thâu đêm, nhưng lại không có giờ đi lễ, đi cầu nguyện! Như thế thì làm sao chứng tỏ mình có đức tin giữa những người không tin?

Ta không thể nói như một số người rằng đạo tại tâm, không cần thực hành bề ngoài. Lại nữa, có xưng tội thì xưng với Chúa chứ không cần qua linh mục.

Đây là những quan niệm rất sai lầm về việc sống Đạo của người tín hữu Công giáo thời nay Chúa Kitô đã ban các Bí tích cho chúng ta như phương tiện cứu rỗi rất cần thiết, nên trong Năm Đức Tin này, cần phải đặc biệt nói đến 2 Bí tích quan trọng nhất là Thánh Thể và Hoà Giải.

Với Bí tích Thánh Thể, chúng ta trước hết được tham dự Hy Tế của Chúa Kitô cử hành trên bàn thờ ngày nay cùng thể thức và mục đích của Hy Tế Chúa đã dâng lên Chúa Cha xưa trên thập giá. Nên mỗi lần tham dự tích cực vào Thánh lễ, chúng ta cũng hiệp dâng với Chúa Giêsu hiện diện bí tích nơi thừa tác viên con người là giám mục hay linh mục để dâng lại Hy Tế Người đã một lần dâng trên Thập giá để xin ơn tha thứ và cứu chuộc cho toàn thể nhân loại. Cho nên, tham dự Thánh lễ cách tích cực là thể hiện đức tin cách sống động, vì không có việc đạo đức nào đẹp lòng Chúa hơn là dâng và hiệp dâng Thánh lễ Tạ ơn để cùng với Giáo Hội ca ngợi và cảm tạ Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần.

Khi tham dự Thánh lễ, ta được nghe Lời Chúa và được ăn Mình, uống Máu Chúa Kitô để được sống đời đời như Chúa Giêsu đã hứa: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54).

Liên quan đến việc chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng để rước Chúa vào lòng, Giáo Hội khuyên nhủ các tín hữu năng xưng tội qua Bí tích Hoà Giải để được tha mọi tội năng và nhẹ đã mắc phạm vì yêu đuối con người. Người Công giáo không thể nói như anh em Tin Lành là chỉ cần trực tiếp xưng tội trực tiếp với Chúa, chứ không qua trung gian của ai. Nói thế là chối bỏ điều Chúa Giêsu đã nói rõ trong Phúc Âm Thánh Gioan:

“Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22).

Trước đó, Chúa cũng đã trao cho Phêrô quyền tháo gỡ và cầm buộc, tức là được tha tội cho con người nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi):

“Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo gỡ điều gì, trên trời cũng sẽ tháo gỡ như vậy” (Mt 16,19).

Như thế, rõ ràng Chúa Kitô đã trao quyền tha tội cho các Tông đồ trước tiên và cho Giáo Hội ngày nay, cụ thể là cho các giám mục và linh mục được quyền tha tội cho mọi hối nhân nhân danh Chúa.

Do đó, đi xưng tội với một linh mục là nói lên niềm tin vào Lời Chúa đã dạy trên đây. Cũng cần nói thêm là linh mục, dù bất xứng ra sao trước mặt người đời, nhưng khi nhân danh Chúa Kitô để tha tội cho ai thì người ấy được tha vì chính Chúa Kitô tha tội cho người ấy qua tay linh mục là thừa tác viên thay mặt Chúa. Cho nên, đừng ai nghi ngại việc này mà không năng đến với Chúa Kitô qua Bí tích Hoà Giải. Năng xưng tội, năng rước Mình Thánh Chúa là phương thế hữu hiệu nhất để trở nên giống Chúa và có hy vọng chắc chắn được cứu rỗi để sống hạnh phúc vĩnh cửu trên Nước Trời mai sau.

Tóm lại, Năm Đức Tin là thời cơ thuận tiện cho chúng ta tái xác định lòng tin vững vàng vào Chúa, lòng mến yêu Người thiết tha và hy vọng chắc chắn được “thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian này” (1 Pr 1,4).

Chúng ta cùng cầu xin cho sự thành công của Năm Đức Tin để canh tân đời sống đức tin của toàn thể dân Chúa trong Giáo Hội.

Lm. P.X. Ngô Tôn Huấn

Read 1647 times Last modified on Thứ hai, 29 Tháng 10 2012 15:55