Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 03 Tháng 4 2021 06:39

Đạo gạo: Nỗi trăn trở khi nghĩ đến người nghèo

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  ĐẠO GẠO : NỖI TRĂN TRỞ KHI NGHĨ ĐẾN NGƯỜI NGHÈO


Trước hết, cần phải nói với nhau về chuyện nghèo. Có những cái nghèo do dịch bệnh, do thiên tai, do khuyết tật, do thất mùa ... Nhưng rồi cũng có những cái nghèo lo lười lao động.
Nhiều và nhiều tấm gương của những người dù khuyết tật nhưng họ vẫn vượt lên chính mình. Ngay cả những người tự kỷ hay mắc bệnh down thì họ vẫn kiếm sống bằng sức lao động của mình. Những người vướng bệnh down vẫn có thể bưng cà phê mang cho khách cũng như mang trà, mang đá cho khách ở vài quán mà bỉ nhân đã đến.
Với những cái nghèo do lười lao động, do ỷ lại cũng là vấn đề nan giải và nan giải nhất cho những ai hay suy nghĩ.
Khi ở với vùng nghèo, chuyện chia sẻ, lo cho người nghèo là chuyện tất nhiên nhưng cạnh đó bản thân cực sợ rơi vào cảnh đạo gạo.
Nhỏ tuổi, không sống vào cái thời hay cái vùng mà người ta gọi là đạo gạo, đạo ông Diệm nhưng ít nhiều gì cũng cảm nếm được phần nào của sự phụ bạc, của sự quay lưng lại với tôn giáo mà người ta chỉ đến để hưởng lợi. Đến khi mà tôn giáo không còn cấp phát vật chất nữa thì họ quay lưng luôn.
Ở cái vùng ven Sài Gòn, nơi mà bỉ nhân đến sống sau ngày lãnh sứ vụ. Không ngạc nhiên cho lắm vì khi còn mài ghế Học Viện cũng đã từng xuống đó. Nơi đó, có gia đình theo đến 5 đạo. Đạo dừa, đạo nhảy, đạo Tin Lành, đạo Cao Đài, Đạo Phật Giáo, Đạo Công Giáo cùng một lúc hiện diện nơi vùng đất ấy. Tâm lý thì Nhà Chùa và Nhà Thờ cũng như các nơi thờ tự luôn luôn chạnh lòng thương với những mảnh đời bất hạnh hay khó khăn.
Ngạc nhiên khi thấy hình bát quái và bàn thờ Phật nằm ở góc phòng trong Nhà Thờ. Hỏi ra thì gia đình kia theo Chúa nên rồi mang bàn thờ Phật gửi Nhà Thờ. Một thời gian sau đó không lâu, họ lại mang Chúa và Đức Mẹ ra trả lại vì Nhà Thờ không còn chu cấp cho họ những điều họ muốn nữa. Thế là coi như bỏ đạo dù đã rửa tội hẳn hoi. Đơn giản là chu cấp thì họ sẵn sàng thưa tin 3 lần để làm con Chúa dù rằng giáo lý cũng như Kinh Thánh không biết nửa chữ. Chả biết vì lý do nào đó mà cứ đồng ý rửa.
Thời gian đó thấy hay lắm ! Cứ đến đêm Phục Sinh là rửa cả trăm người. Hôm nào có các đấng bậc vị vọng của Hội Thánh xuống thì con số rửa càng tăng lên gấp bội.
Thật ngạc nhiên khi về đó nhìn số tín hữu đến Nhà Thờ. Ngày thường thì độ mười đến mười hai người. Chúa Nhật tính luôn 2 Lễ thì tầm 20% tham dự. 80% kia đi đâu dù rằng chung quanh đó không có nhà thờ. Mà điều lạ là khi có quà thì Nhà Thờ đâu ra xuất hiện thật đông.
Mới đây, ăn cơm xong, một giáo dân người Kinh kỳ cựu ở cái vùng nghèo này nói : "Nói ra con sợ 2 Cha ở TT buồn chứ trước đây thì quả thật dân theo đông lắm. Giờ nhìn loe ngoe sao mà thương quá ! Ngay như ở đây, Cha X đến cho đồ họ theo Chúa. Sau đó Hòa Thượng TTY đến cho. Họ theo Chùa. Kinh hồn nhất là Tin Lành. Ban đầu họ cũng ráng theo dù bên Tin Lành không cho uống rượu. Thế nhưn rồi đến khi không còn gạo nữa thì rượu cũng uống tuốt. Và dĩ nhiên là họ bỏ đạo. Thấy thương 2 Cha quá ! Không chu cấp nên bà con dần dần bỏ hết !"
Một tâm tình rất thật. Nghe ra xem nó đắng lắm nhưng thuốc đắng thì dã tật và sự thật thì mất lòng.
Cũng thông cảm, khi nhà mình nghèo quá mà hở ai cho cái gì đó thì cũng đến nhận thôi. Lúc nhận quà thì ờ ờ gật gật rửa tội cho nó xong thôi. Bản chất của họ không xấu nhưng chính khi người đi truyền đạo đã làm cho họ thành người xấu.
Với tình hình thực tại, nhất là tránh chuyện đạo gạo. Anh em ở đây quyết định với nhau là tự thân anh em đến từng nhà nào có hoàn cảnh khó khăn thật sự. Đặc biệt không bao giờ bỏ những người già yếu và khuyết tật. Chắc chắn với cách làm như thế này sẽ không thu hút người ta nhưng đành chịu. Giờ có mang nghìn tấn gạo hay nghìn nghìn thùng mì gói về đây chắc có lẽ cũng không đủ đâu vào đâu. Đơn giản là tính ra ai ai cũng nghèo cả nhưng chưa hẳn phải chết đó. Nếu không cẩn thận vì lý do nào đó mà mình cung cấp hoài cho họ thì mình cũng sẽ làm hư đi tâm hồn trong trắng của họ. Làm như vậy thì cách nào đó họ cứ nghĩ là đến Nhà Thờ là có tiền, có gạo và có mì tôm.
Ngay cả Nhà Thờ người Kinh, một linh mục tâm sự : "Người ta đến Nhà Thờ quét dọn nhà thờ và hỏi đến nhà thờ có 100 ngàn không ?"
Tưởng nghĩ rằng đời sống ngày càng khó khăn nên nhiều người khó khăn. Thế nhưng rồi không phải vì thế mà mình lại trở thành trung tâm phát chẩn. Dĩ nhiên làm việc bác ái là đỉnh điểm của đời sống bác ái Kitô giáo. Thế nhưng rồi không khéo sẽ có nhiều hệ lụy kèm theo.
Phải nói là đứng trước cảnh nghèo của bà con, đây đâu thể nào ngủ yên cho lành. Thế nhưng rồi cứ trăn trở làm thế nào cho đúng, cho phải đạo không phải là chuyện đơn giản.
Cha Batôlômêô đến vùng đất này có hơn 20 năm chia sẻ : "Ngày trước mình đến đây dân còn khổ hơn bây giờ mà. Dân thời đó còn đi hốt phân bò đi bán mà. Giờ thì khá hơn rồi đó chứ ! Nhưng họ bỏ đạo là bỏ đạo"
Ưu tư về vật chất, ưu tư về truyền giáo nơi cái vùng nghèo này chắc chẳng phải là chuyện riêng ai. Có lẽ cũng nghĩ nhiều nhưng không biết phải làm sao để người ta hiểu đúng về đạo để họ trở về với Chúa và tham dự Thánh Lễ cũng như sống đạo thời vàng son rửa tội hàng ngàn người.
Và, nên chăng nhìn vào thực tế để cùng nhau tìm cách làm mới lại tâm hồn cũng như tìm hướng đi phù hợp với hoàn cảnh thực tại cho truyền giáo. Sợ và sợ lắm chương trình truyền giáo trên hội nghị và lý thuyết cũng như sợ và sợ lắm cái kiểu ăn mày quá khứ và tôn vinh chính mình mà không chịu đương đầu với thực tại. Khó và cực khó về vật chất, về sống đạo và giữ đạo ở cái nơi nghèo khổ này.
Để kết thúc tâm tình, xin gửi lại đây tâm tình của một giáo dân chia sẻ chân tình cho bỉ nhân về vật chất, về chia sẻ : Đúng như cụ nói, trong tôn giáo cũng có bệnh thành tích, cách nay khoảng chục năm khi biết 2 anh em mình (tụi con, 2 chú ) vẫn có tí tẹo cho người khó khăn trong GX cụ chủ tịch xứ tới kêu gọi đóng góp, ông anh mình đành nghiến răng giao cho cụ 50 phần, cụ lên tòa giảng phán cụ quyên góp được 250 phần quà chia cho 5 giáo họ, cụ chẳng cần biết có giáo họ nhiều người nghèo, có giáo họ không, (đương nhiên chẳng có người nào bên lương vì với cụ xứ họ chẳng phải là tha nhân) cụ có con số báo cho TGM, từ đó ông anh mình (con) nghỉ chơi với ông cụ xứ, sống ở đó từ năm 1959 đủ biết ai khó khăn thật, ai không cứ thế mà làm, không phân biệt lương giáo.
Thứ Sáu Tuần Thánh
Lm. Anmai, CSsR

Read 287 times