Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 04 Tháng 2 2024 07:18

Sống yêu thương

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    SỐNG YÊU THƯƠNG

 

5.2 Thánh Agatha, Đttđ

1 V 8:1-7,9-13; Tv 132:6-7,8-10; Mc 6:53-56

SỐNG YÊU THƯƠNG

Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ kính thánh Agatha, đồng trinh, tử đạo.

Trường hợp thánh Agatha cũng như trường hợp của Thánh Anê đồng trinh tử đạo thời Giáo Hội tiên khởi, chúng ta không có được những dữ kiện lịch sử chắc chắn, ngoại trừ sự kiện việc ngài chịu tử đạo ở Sicily trong thời kỳ cấm đạo của hoàng đế Rôma là Decius năm 251.

Theo truyền thuyết, ngài được sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có. Ngay từ khi còn trẻ, Agatha đã muốn tận hiến cuộc đời của mình cho Thiên Chúa, chính vì thế mà Ngài từ chối mọi lời cầu hôn của bất cứ một người nào muốn yêu thương thương Ngài.

Truyền thuyết cũng kể lại, vào lúc đó có một thống đốc vùng là Quintian, một người có địa vị cao trong xã hội, thấy Agatha một người con gái mới lớn, lại có vẻ đẹp đầy quyến rũ thì để lòng yêu thương muốn chiếm hữu. Bị Agatha cương quyết từ chối, Quintian tưởng có thể dùng quyền thế mình để ép buộc thánh nữ.

Thế nhưng dù bị ép buộc như thế, Agatha vẫn một mực khước từ. Thấy không ép buộc người con gái mình say mê và biết Agatha là một người Kitô Hữu nên ông ra lệnh bắt giữ và đưa ra xét xử. Ông hy vọng Agatha vì sợ hãi sự tra tấn cũng như cái chết, mà đành phải trao thân gửi phận cho ông chăng. Thế nhưng ông đã lầm. Một lần nữa Agatha ngài nhất quyết khước từ. Agatha tin tưởng vào Thiên Chúa, và cầu nguyện rằng: "Lạy Ðức Giêsu Kitô, là Chúa mọi sự! Ngài đã thấy lòng con, Ngài biết con muốn gì. Xin hãy làm chủ toàn thể con người của con. Con là chiên của Ngài; xin giúp con vượt qua sự dữ này."

Sau khi âm mưu của mình thất bại, Quintian cho tống Agatha vào nhà gái điếm với hy vọng người con gái này sẽ thay đổi ý định. Nhưng rồi sau một tháng đánh đập và sỉ nhục, Quintian vẫn thất bại. Tức giận quá Quintian đưa Agatha ra xét xử. Agatha vẫn không lay chuyển, luôn can đảm tuyên xưng niềm tin vào một mình Chúa Giêsu.

Trước thái độ đó Quintian cay cú đến tột độ. Ông lại tống Agatha vào ngục một lần nữa. Ông ra lệnh tra tấn người con gái thật dã man, thế nhưng sức mạnh của niềm tin và tình yêu vẫn chiến thắng. Quintian đành phải nuốt hận và kết thúc cuộc đời của vị anh hùng.

Tục truyền trước khi chết, Agatha đã cầu nguyện thật sốt sắng như sau: "Lạy Chúa, là Ðấng dựng nên con, Ngài đã gìn giữ con từ khi con còn trong nôi. Bởi tình yêu, Ngài đã dẫn dắt con và ban cho con sự kiên nhẫn để chịu đựng đau khổ. Xin hãy nhận lấy linh hồn con." Agatha qua đời tại Catania, Sicilia năm 251.

Ngài được coi là quan thầy của xứ Palermo và Catania.

Những phép lạ hóa bánh ra nhiều (6,34-44) và đi trên mặt biển (6,45-52) chưa làm các tông đồ tin vào Chúa , nay Chúa đưa họ vào đất dân ngoại đề tiếp tục dạy dỗ thêm.

Tin Mừng hôm nay ghi lại việc Đức Giê-su chữa lành nhiều bệnh nhân để trình về sứ vụ cứu thế của Người và để củng cố niềm tin cho các Tông Đồ.

Khi Chúa Giêsu vừa lên bờ đến miền dân ngoại là Ghenêxaret, người ta đã nô nức kéo nhau đến với Chúa. Khi người đi đến đâu thì người ta cũng khiêng những người bệnh tật đến đấy, xin cho chạm vào áo Người. Tất cả những ai được chạm vào áo Người đều được khỏi bệnh. Chúa Giêsu luôn tỏ ra yêu thương và quan tâm đến con người, nhất là những người đau khổ và yếu đuối. Không ai đến với Người mà phải thất vọng.

Nơi Đức Giêsu, chúng ta có thể thấy một sức sống lan tỏa đến vô cùng từ con tim tràn ngập tình yêu thương của Người. Có thể nói, Người không từ chối bất kì lời khẩn cầu nào đến nỗi bất cứ ai chạm vào tua áo choàng của Người đều được khỏi.

Về mặt thể lý, chắc hẳn là khi Người đến với ai hoặc ai có thể tiếp cận Người thì người đó mới được chữa lành. Có một sự kết nối kì diệu giữa Thiên Chúa và con người. Con người bị cuốn hút bởi sức sống vô biên nơi Thiên Chúa và con người cố gắng vươn tới, đến gần hầu có thể chạm vào.

Chúng ta ngày nay vẫn có thể chạm vào chính Chúa qua bí tích Thánh thể. Chúa Giêsu tự hiến thân trên bàn thờ thập giá và ở cùng Giáo hội cho đến ngày tận thế. Thánh thể trở nên linh dược cho sự sống đời này và bảo đảm cho sự sống đời sau. Tuy vậy, nhiều người vẫn thờ ơ, vô tâm trước ơn trọng đại này trong khi đó, được rước Chúa đã là một phần thưởng lớn lao mà không có thứ lương thực nào có thể thay thế được ở trần gian. Phải chăng, sự què quặt của linh hồn thì không đáng lo ngại bằng sự khiếm khuyết về thể xác? Những bệnh nhân thời Chúa Giêsu phải nhờ người khiêng họ tới Chúa để được chữa lành. Còn chúng ta, trong một thể xác lành lặn, chúng ta còn chưa thấy việc chữa lành tâm linh là điều cần thiết.

Chúng ta được mời gọi đón nhận Chúa với cả nỗ lực của đức tin: vượt lên trên những trở ngại của cuộc sống nhân sinh. Chúng ta chỉ mong chạm đến Người, trong khi đó Người đã ôm choàng tất cả chúng ta bằng tình thương của Người. Nhưng nhiều khi chúng ta còn chán nản, bi quan thoái lui dù chỉ một bước cũng có thể “chạm” vào Người. Hãy tìm mọi cách để chạm vào Chúa: bằng việc rước lễ cách xứng đáng, bằng việc tin nhận chắc chắn là Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi những ai khao khát Người.

Chúng ta vẫn thường hát: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời, đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người...” Phải, nơi nào có Chúa, nơi đó có niềm vui, bình an, trông cậy và chữa lành. Cụ thể là như bài Tin mừng hôm nay nói tới, Chúa Giêsu có mặt ở đâu, thì người ta chen nhau tới với Người để được ân sủng Người chữa lành. Sự hiện diện của Chúa Giêsu là sự hiện diện của tình yêu và lòng bác ái. Ngài gần gũi và quan tâm đến con người, đặc biệt những người đau khổ và yếu đuối.

Thế nên, Chúa Giêsu mời gọi mọi người chúng ta sống chiều kích hiện diện đầy yêu thương, đem đến bình an và thực thi đức bác ái, hầu xoa dịu sự đau khổ của kiếp người. Chính sự hiện diện đó làm cho mọi người cảm kích mà chạy đến với Chúa, tựa như bông hoa tỏa hương thu hút muôn loài đến với nó.

Huệ Minh

Read 79 times Last modified on Thứ hai, 05 Tháng 2 2024 18:58