Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 20 Tháng 4 2024 06:38

Mục Tử nhân lành

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  MỤC TỬ NHÂN LÀNH

 

 

21.4 Chúa Nhật thứ Tư Mùa Phục Sinh

Cv 4:8-12; Tv 118:1-8-9,21-23,26-21-29; 1 Ga 3:1; 2 Ga 10:11-18

MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Dân Do Thái là dân du mục. Cuộc đời họ gắn liền với đoàn vật và những đồng cỏ. Nên khi Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh người mục tử và đoàn chiên, người Do Thái hiểu ngay tức khắc. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc ấy để nói lên mối liên hệ của ta với Người và của Người với ta. Người là Mục tử nhân lành. Ta là đoàn chiên của Người. Người lãnh đạo đoàn chiên không phải bằng uy quyền áp chế, bằng kỷ luật khắc nghiệt, nhưng bằng tình yêu tha thiết. Tình yêu của Người được biểu lộ qua ba khía cạnh: hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Tình yêu của Chúa Giêsu là tình yêu hiểu biết. Sự hiểu biết này không phát xuất từ lý trí, do học hỏi, nhưng phát xuất từ trái tim, do tình yêu. Khi yêu, trái tim trở nên vô cùng nhậy bén đến độ hiểu được hết những âm thanh của tâm hồn và tai người thường không nghe thấy, nhìn thấy hết những gì ẩn kín trong tâm hồn mà mắt thường không nhìn thấy, cảm nhận được hết những chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn mà không một nhà tâm lý học nào có thể cảm được.

Khi Chúa Giêsu nói: “Ta biết chiên Ta” có nghĩa là Người hiểu biết từng người trong chúng ta. Người không chỉ hiểu rõ hoàn cảnh sinh sống của chúng ta, mà còn thấu rõ tâm tư tình cảm của ta. Người biết những gánh nặng mà ta đang phải gánh. Người thông cảm với những đau đớn mà ta đang phải chịu. Người đau những nỗi đau trong tâm hồn ta. Người khổ những nỗi khổ đang dày vò ta. Người nhức nhối trong vết thương của tâm hồn ta.

Tình yêu của Chúa Giêsu là tình yêu quan tâm chăm sóc. Sự hiểu biết sâu xa đến từ sự quan tâm chăm sóc. Sự quan tâm chăm sóc cũng phát xuất từ tình yêu. Có yêu mới quan tâm. Có quan tâm mới hiểu biết nhu cầu. Có hiểu biết nhu cầu mới biết đường chăm sóc. Chúa Giêsu yêu thương ta nên Người quan tâm đến ta. Người biết rõ những nhu cầu của ta. Người chăm sóc ta. Có những tình yêu muốn chiếm hữu. Đó là thứ tình yêu ích kỷ. Có những chăm sóc khiến ta trở nên ấu trĩ, yếu ớt, không lớn lên được. Đó là thứ chăm sóc độc đoán ràng buộc.

Chúa Giêsu chăm sóc không phải để ràng buộc ta nhưng để giúp ta sống trong tự do. Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên ấu trĩ, nhưng là để giúp ta trưởng thành. Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên yếu ớt nhút nhát, nhưng là để giúp ta mạnh mẽ, tự tin. Vì thế, Nguơì cung cấp cho ta những lương thực lành mạnh. Người đưa ta đến những đồng cỏ non, đến những giòng suối trong. Lương thực Người mang đến, đó là Lời Chúa, là Mình Máu Thánh Chúa, là Thánh ý Chúa Cha. Những lương thực ấy sẽ cho ta được sống và sống dồi dào.

Tình yêu của Chúa Giêsu là tình yêu hy sinh. Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất của một tình yêu. Càng yêu mến nhiều càng sẵn sàng hy sinh nhiều. Yêu đến sẵn sàng hy sinh mạng sống là một tình yêu cao cả không có gì sánh được. Chúa Giêsu đã xác nhận điều ấy khi Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Người đã thực hiện điều ấy. Người là Mục tử nhân lành sẵn sàng liều mạng, một mình chống lại sói dữ để bảo vệ đoàn chiên. Người đã tự hiến mạng sống vì ta. Người đã chấp nhận chết đi để ta được sống.

Hạnh phúc cho ta được là đoàn chiên của Người. Ta được an ủi vì Người hiểu ta. Ta an tâm vì Người hằng quan tâm chăm sóc ta. Ta sung sướng vì Người yêu thương đến nỗi chết vì ta.

Chúa Giêsu nói: “Tôi chính là người mục tử nhân lành, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đàn chiên… Chúng sẽ nghe tiếng Tôi và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên”. Nói cách khác, Chúa Giêsu chính là nhân vật mà Ngôn sứ Ezêkiel đã tiên báo. Giống như Đavít, người Mục Tử nhân lành, Ngài chăm sóc những con chiên yếu đuối, bơ vơ, chữa lành những con bệnh tật và tìm kiếm những con lạc đường. Hơn nữa, Ngài hiến mạng sống cho đàn chiên của Ngài.

Lại còn hơn thế nữa, Ngài đã sống lại từ cõi chết và chia sẻ sự sống Phục Sinh của Ngài cho đàn chiên. Đây chính là điều Thánh Gioan đã nói trong bài đọc 2 hôm nay: “Nhờ sự chết và sống lại của Chúa Kitô, không những chúng ta được ơn tha thứ tội lỗi, được cứu thoát mà còn được nên giống như Thiên Chúa, được đồng vinh quang với Thiên Chúa nữa”. Và trong bài đọc, Thánh Phêrô cũng quả quyết trước công nghị: “Không có Đấng Cứu Độ nào khác ngoài Chúa Giêsu. Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất, vì dười bầu trời này, ơn cứu độ không gặp được ở một ai khác”.

Như thế, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, chúng ta hiểu được ý nghĩa của dụ ngôn người Mục Tử nhân lành một cách sâu xa hơn: Chúa Kitô đã chết và đã sống lại, ngài đã cứu chúng ta là đàn chiên của Ngài khỏi phải chết. Ngài đang hiện diện giữa thế giới chúng ta để tập họp chúng ta lại thành một đàn chiên của Ngài và ban cho chúng ta sự sống đời đời, để chiên của Ngài nghe tiếng Ngài, đi theo Ngài, thì ” không bao giờ phải diệt vong, không ai có thể giựt khỏi tay Ngài được”(Ga 10,28).

Chúa Nhật hôm nay được chọn làm ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục, Tu sĩ. Cầu nguyện và hoạt động để có nhiều, có thêm số các mục tử. Làm mục tử là chăn dắt với Chúa Kitô, phụ một tay cho Chúa Kitô, chia sẻ công việc chăn dắt của chính Chúa Kitô. Chỉ có Chúa Kitô là Mục Tử nhân lành duy nhất, còn các mục tử khác chỉ là thay mặt Ngài mà chăn dắt đàn chiên của Chúa.

Hơn nữa người mục tử vẫn là chiên của Chúa Kitô, cũng phải được chính Chúa Kitô chăn dắt. Như thế, không phải chỉ có các giám mục, linh mục mới là mục tử, nhưng mọi tín hữu cũng là “mục tử” theo gương người Mục Tử nhân lành là Chúa Kitô, vì Ngài đã trao phó trách nhiệm chăn dắt đàn chiên cho chúng ta, cho từng người tín hữu trong phạm vi, trong lãnh vực của mình.

Dù là giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ hay giáo dân, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm về những người chung quanh, và do đó, chúng ta là “mục tử” trong mức độ trách nhiệm của chúng ta: cha mẹ có trách nhiệm với lợi ích thể xác và tinh thần của con cái; các thành viên trong gia đình có trách nhiệm với nhau. Các thầy, cô có trách nhiệm với các học sinh ở trường, lớp. Các viên chức từ xã đến chủ tịch hay tổng thống đều có trách nhiệm nặng nề với nhân dân.

Cũng thế, cha sở có trách nhiệm vơí mọi người trong họ đạo, gồm cả người chưa tin, người trễ nãi, người bỏ đạo. Các tu sĩ nam nữ phụ trách các cộng đoàn lớn nhỏ đều có trách nhiệm với các thành viên của cộng đoàn và các thành viên của cộng đoàn giáo xứ, dòng tu, cũng có trách nhiệm với nhau. Đức Giám Mục cũng có trách nhiệm với mỗi người trong giáo phận của ngài. Đức Giáo Hoàng có trách nhiệm trên toàn thế giới. Trách nhiệm vô cùng nặng nề!

Và vì là mục tử, chúng ta phải biết đến nhu cầu của người khác. Biết nhìn, biết chăm lo, biết dấn thân phục vụ đến độ sẵn sàng thí mạng sống cho anh em theo gương người Mục Tử nhân lành, như Đức Tổng Giám Mục Rômêrô đã hiến mạng sống cho giáo dân trong Giáo phận San Salvador của ngài.

Với ý thức trách nhiệm mục tử, người tín hữu không còn sống cho riêng mình nữa, không còn được phép mưu lợi cho cá nhân mình nữa. Là Kitô hữu, linh mục, tu sĩ hay giáo dân, tôi phải là mục tử, tôi phải chăn dắt đàn chiên Chúa giao phó cho tôi: gia đình tôi, cộng đoàn tôi, giáo xứ tôi, giáo phận tôi, đồng nghiệp, đồng bào tôi. Có hoàn thành trách nhiệm chăn dắt theo ý Chúa, tôi mới tìm được hạnh phúc đích thực hoàn toàn.

Huệ Minh

Read 35 times Last modified on Chủ nhật, 21 Tháng 4 2024 07:39