Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 31 Tháng 12 2023 08:35

Mẹ Thiên Chúa-Mẹ chúng ta

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  MẸ THIÊN CHÚA – MẸ CHÚNG TA


Lc 2:16-21
Giáo Hội Công giáo có một lòng sùng kính Mẹ Maria một cách đặc biệt. Mẹ đã được ca ngợi trong phụng vụ với nhiều tước hiệu khác nhau. Một trong những tước hiệu tuyệt vời nhất, đó là tước hiệu Mẹ Thiên Chúa. Tước hiệu này phát sinh từ niềm tin của Giáo Hội nơi Chúa Giêsu, người con sinh ra từ cung lòng Mẹ, là Con Thiên Chúa làm người. Ngài là người nhưng đồng thời cũng là Thiên Chúa.

Hôm nay, Giáo Hội dành ngày đầu năm dương lịch để cầu nguyện cho thế giới hoà bình trùng vào ngày kính trọng thể Đức Maria Mẹ Thiên Chúa như lời Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết trong tông huấn Marialis Cultus, khi người dời thánh lễ kính trọng thể Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vào ngày 01.01 mỗi năm như sau: “Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng Giêng với ngày thứ tám sau lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày thế giới hoà bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hoà bình đã phát sinh trong lòng nhiều người”.

Thiên Chúa từ trời cao đã giáng trần và cư ngụ trong lòng Mẹ và nhập thể trong Người Con mà Mẹ đang ẵm trên tay. Mẹ bồng Hài Nhi Giêsu, con nhìn mẹ và mẹ nhìn con âu yếm. Đức Maria trong thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, và là Mẹ chúng ta, luôn đồng hành để dẫn chúng ta về với Thiên Chúa. Bước theo Mẹ trong cuộc sống của lòng tin bằng thái độ tín thác vào Chúa, hoàn toàn vâng phục thánh ý Ngài, chúng ta sẽ được Mẹ dìu đưa đến với Chúa, đến Nước Trời. Mẹ mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận Chúa Giêsu, cưu mang Người bằng cách lắng nghe và sống theo Lời Người, để thực sự trở nên người có phúc, người thân của Chúa như Mẹ.

Tước hiệu Đức Maria Mẹ Thiên Chúa là một tước hiệu đã có từ lâu đời trong Giáo Hội. Đây là một tước hiệu xứng hợp ơn mọi tước hiệu khi nói về Đức Trinh Nữ Maria.

Mẹ Thiên Chúa là Mẹ của Lời Hứa, Mẹ của Giao Ước mới, Mẹ của Ơn Cứu Độ trần gian mà Thiên Chúa đã hứa, đã trao ban cho con người tự ngàn xưa qua miệng các ngôn sứ, cách riêng qua những khẳng định của các thánh, đặc biệt nơi các thánh tông đồ.

Thánh Phao lô đã khẳng định với ta về Giao Ước mới: Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.

Vào thế kỷ V, Nestôriô đã nổi lên chống đối tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Theo Nestôriô, chỉ nên gọi Maria là Mẹ của Đức Giêsu Kitô, chứ không được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Một cuộc xung đột lớn đã xảy ra trong Giáo Hội xoay quanh việc Ngôi Hai nhập thể. Thế nên, vào năm 431, Hội Thánh đã triệu tập Công đồng Ephêsô dưới sự chủ toạ của thánh Cyrillô, các nghị phụ trong công đồng này đã tuyên bố cất chức Nestôriô và đánh đổ lạc thuyết của ông ta. Công đồng Ephêsô đã định tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì thực sự Mẹ đã sinh ra Con-Thiên-Chúa-làm-người.

Bắt đầu từ công đồng Ephêsô tước hiệu Maria Mẹ Thiên Chúa đã trở thành tước hiệu chính thức của Đức Trinh Nữ Maria. Đây là tước hiệu trổi vượt trên mọi tước hiệu mà Giáo Hội đã ca tụng và tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria. Thánh công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Tín lý về Hội Thánh đã viết: “Từ những thời xa xưa, Đức Trinh Nữ đã được tôn kính dưới tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Người trong mọi cơn gian nan khốn khố”. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã viết khi lập thánh lễ kính trọng thể Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa ngày 11.10 nhân dịp kỷ niệm 1500 năm công đồng Ephêsô vào năm 1931: “Tín điều Mẹ Thiên Chúa là một mối nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng Người lên một địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa”.

Tin mừng đã nhiều lần nói đến mối quan hệ giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh cho thấy mối quan hệ ấy không phải chỉ là mối quan hệ theo huyết thống. Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu không phải chỉ vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu tại hang đá Bêlem, đã bú mớm và nuôi dưỡng Ngài tại Nagiarét, mà hơn thế nữa vì Mẹ chính là người đã lắng nghe và thực hiện lời Chúa.

Đức Maria nhớ lại Lời Chúa đã dùng Ngôn sứ Nathan mà thề hứa với vua Đavit xưa. Nhưng điều mà Mẹ không bao giờ nghĩ tới là mình có thể có vai trò gì trong việc thực hiện lời tiên tri ấy. Chuyện “không thể” được đầu tiên là làm sao mình sinh con được vì đã quyết “không biết đến chuyện vợ chồng” để sống trọn vẹn cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Sau khi được Sứ thần giải thích rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Maria khiêm nhường thưa lại: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Và thế là Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong lòng Đức Trinh Nữ. Và thế là Đức Maria khiêm nhường đã trở thành thánh mẫu của Thiên Chúa.

Mối quan hệ chính yếu Chúa Giêsu muốn thiết lập, đó chính là mối quan hệ của việc thực thi lời Chúa, bất luận người đó là ai, dù là người Samaria mà dân Do Thái vốn coi rẻ, cho là hạng lai căng, lạc đạo, nhưng đã biết chăm sóc cho kẻ bị cướp đánh trọng thương, vứt bỏ bên lề đường, hay đã cho kẻ đói có cái ăn, kẻ khát có cái uống, kẻ trần truồng có cái mặc. Những việc làm nằm trong ý của Chúa thì người đó đã ở trong quan hệ cứu chuộc với Chúa.

Đức Maria đã trở thành Mẹ của Chúa qua thái độ khiêm nhường và lời đáp xin vâng phát xuất từ lòng tin của Mẹ. Do đó, khi tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta không chỉ hiểu chức làm mẹ đó chỉ thuộc về thân xác mà thôi, nhưng nhìn nhận Đức Maria là Mẹ do hành vi tin hoàn toàn tự do của Ngài, như bà Êlisabet đã thốt lên: “Phúc cho em vì đã tin những lời Chúa phán”. Chúa Giêsu có lần đã tuyên bố: “Mẹ và anh em Ta là những ai biết lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa” (Lc 8,21).

Maria ‘tuân giữ’, qua việc đón nhận cách trọn vẹn và tham gia cách tích cực, việc Thiên Chúa tỏ hiện lòng thương xót cứu độ của Ngài. Đón nhận nào sâu xa và trọn vẹn cho bằng với trọn cả tâm trì và cõi lòng: tâm trí Maria đã nhảy mừng và lòng dạ Maria đã cưu mang; và có tham gia nào thực tế cho bằng người mẹ đã cưu mang để đem tình thương cứu độ đó trao ban lại cho toàn thể nhân loại? Maria đã làm được điều đó và làm cách xuất sắc hơn hết thảy mọi người trong tư thế một người mẹ. Đức Giêsu có lẽ đã ám chỉ điều này khi Người lên tiếng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?... Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3:31-35).

Được làm Mẹ Thiên Chúa sướng và hạnh phúc thật, nhưng với Giêsu và Maria, đó không phải là một địa vị, một đặc ân, nhưng là một tư thế trước Tin Mừng cứu độ. Và hình như Đức Giêsu cũng muốn mỗi người chúng ta tham gia vào cái ‘vinh dự’ đó thì phải, đơn giản là vì mỗi Kitô hữu đều phải có một tư thế của riêng của mình trước Tin Mừng cứu độ: mỗi người đều phải biết ‘nghe và tuân giữ’ Lời Cứu Độ của lòng thương xót theo cách thức của mình.

Thánh Gioan đã đại diện cho nhân loại để nhận Mẹ làm Mẹ của chúng sinh. Từ nay Mẹ sẽ tiếp tục nâng đỡ chúng ta. Mẹ sẽ tiếp tục yêu thương chúng ta. Mẹ sẽ tiếp tục hiện diện trong cuộc đời chúng ta để chăm sóc, lo lắng và chở che cuộc đời chúng ta. Chúng ta có thể cảm nghiệm về tình Mẹ Thiên quốc qua hình ảnh người mẹ trần thế. Mẹ trần thế yêu thương con đến nỗi dám đánh mất chính mình cho con được lớn lên thế nào, thì người mẹ thiên quốc cũng lo cái lo của con cái dưới thế, cũng đau vời đau đau của nhân loại, cũng sẵn sàng làm tất cả đế cứu vớt nhân loại lầm than.

Mừng lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta cũng nhìn lại mối quan hệ của chúng ta đối với Đức Kitô. Bí tích Rửa tội và tất cả những bí tích chúng ta lãnh nhận một cách máy móc không đủ để đặt chúng ta vào trong quan hệ với Đức Kitô. Mang danh hiệu là người Kitô hữu, có tên trong sổ rửa tội mà thôi chưa đủ, bởi vì chúng ta chỉ thực sự gắn bó với Ngài khi lắng nghe và thực thi ý Chúa, bởi vì như lời Chúa đã khẳng định: Chỉ kẻ nào làm theo thánh ý Thiên Chúa, thì mới là mẹ, là anh chị em với Ngài mà thôi.

Nhìn lại cuộc đời của Mẹ Maria ngày hôm nay mà ta tôn kính với đặc ân mà Thiên Chúa ban cho Mẹ - như Giáo Hội cũng như các môn đệ đã xác tín - chúng ta lại thấy rằng cả cuộc đời của Mẹ vẫn gói ghém trong niềm tin và tình yêu với Thiên Chúa. Mẹ tin yêu Chúa bằng cả cuộc đời, bằng cả tấm lòng, bằng cả con người, bằng cả tâm hồn của mẹ.

Với tư cách là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ có uy quyền đáng kính nể, đó là điều thông thường và dễ hiểu, bởi vì một người mẹ nào có con làm lớn và nhiều quyền, thì người mẹ đó cũng có nhiều uy quyền và được mọi người kính nể. Đàng khác, trên đời này chúng ta chỉ trông cậy người nào có thế và có lòng, vì có hai yếu tố đó họ sẽ giúp chúng ta đạt được những điều chúng ta mong muốn. Đức Maria có cả hai yếu tố đó và có một cách tuyệt vời. Đức Mẹ có thế, vì là Mẹ Thiên Chúa, chẳng có sự gì Đức Mẹ cầu bầu cho chúng ta mà không được. Đức Mẹ lại có lòng, tấm lòng của một bà mẹ, hoàn hảo hơn hết người mẹ. Vì thế, chúng ta hãy đến với Đức Mẹ và năng cầu xin mẹ cứu giúp.

Và rồi ta hãy đến, hãy xin Mẹ Maria cầu bầu cho chúng ta hôm nay, ngày đầu năm mới và suốt cả những tháng ngày kế tiếp, để trong năm mới nay, chúng ta sẽ sống gắn bó với Chúa và Mẹ. Như thế, năm mới này sẽ là một năm bình an và hạnh phúc. Đó cũng là lời cầu chúc tôi xin gửi đến với anh chị em.

Huệ Minh

Read 114 times Last modified on Thứ hai, 01 Tháng 1 2024 08:53