Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 24 Tháng 12 2023 07:18

Niềm vui ơn Cứu Độ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ | Suy Niệm Lễ Giáng Sinh Năm B


TMĐP- Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui cứu độ.

Bao nhiêu Mùa Vọng đã qua, bao nhiêu lễ Giáng Sinh đã trở lại, nhưng không biết lòng chúng ta đã vui được mấy lần, đã mừng được mấy khoảnh khắc, dù hy vọng luôn mang lại niềm vui, và Thiên Chúa cứu độ mãi là Tin Mừng trọng đại?

Quả thực, các bài đọc phụng vụ trrong Mùa Vọng đều nhắc chúng ta “Hãy vui lên trong Chúa!”, và trong lễ đêm Giáng Sinh, tất cả đều tràn ngập, và ngân vang niềm vui vô cùng lớn lao, trọng đại: “Thiên Chúa xuống thế làm người và ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23).

Khởi đầu là ngôn sứ Isaia khấp khởi tuyên sấm niềm vui ngày Chúa đến để giải thoát, cứu độ: “Chúa đã ban chan chứa niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gẫy… Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một nguời con đã được ban tặng cho ta” (Is 9, 2-3. 5), điều mà chính Đức Giêsu đã khẳng định với ông Nicôđêmô trong Tin Mừng Gioan: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).

Thánh Phaolô cũng không nhắc nhở môn đệ Titô của mình điều gì khác ngoài niềm vui ơn cứu độ nhận được từ “Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 2, 13). Chính Người giải thoát và thanh luyện chúng ta để “chúng ta trở thành dân riêng của Người” (Tt 2,14).

Đặc biệt trong đêm Giáng Sinh ở Bêlem, giữa hào quang của Thiên Chúa chiếu tỏa, sứ thần báo tin vui cho các mục đồng: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít. Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2, 10-11).

Như thế, niềm vui Giáng Sinh là niềm vui cứu độ: niềm vui của người nô lệ được giải phóng; niềm vui của kẻ bị đàn áp, trù giập bất công được minh oan, trả lại công bằng; niềm vui của trẻ mồ côi, đàn bà goá bụa được săn sóc, ủi an; niềm vui của người cơ nhỡ, bị bỏ rơi được cảm thông, che chở; niềm vui của kẻ tù đày được trắng án, tha bổng; niềm vui của kẻ mù biết họ được sáng mắt; niềm vui của người đau ốm, tật nguyền được chữa lành; niềm vui của kẻ chết được sống lại; niềm vui của tội nhân được thương xót, thứ tha; niềm vui của kẻ đáng phải chết bất ngờ được cứu sống.

Vâng, đây chính là niềm vui của những ngày mùa vọng trông đợi Đức Giêsu đến, và hạnh phúc trong đêm Giáng Sinh được đón Ngôi Lời Thiên Chúa vào đời và “ở giữa loài người chúng ta”, và niềm vui này đã được chính Đức Giêsu xác nhận, và hạnh phúc cũng được chính Ngài đứng ra bảo đảm trong bài giảng Tám Mối Phúc Thật: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Lc 6,20-23).

Nhưng nếu niềm vui được giải thoát, cứu độ và hạnh phúc được yêu thương, no thoả luôn luôn và mãi mãi được công bố và bảo đảm tuyệt đối bởi chính Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ từ bi nhân hậu, thì tại sao niềm vui Giáng Sinh của chúng ta chưa bao giờ trọn vẹn? Và hạnh phúc có Thiên Chúa làm người ở cùng chúng ta cho đến tận thế cũng chưa bao giờ đầp ắp trong tâm hồn ta?

Có phải vì chúng ta nghĩ: lòng thương xót và ơn cứu độ của Đức Giêsu chỉ dành cho “toàn dân”, nghĩa là cho một đối tượng khổng lồ nhưng vô hình, vĩ đại nhưng không tưởng, chẳng khác gì “bánh vẽ”, không có thực? Có phải vì chúng ta nghi ngờ khả năng và hiệu quả vô cùng của ơn cứu độ, khi cho rằng trái tim thương xót của Chúa không nhớ đến cá nhân mình, không tìm ra đường đến nhà mình, không quan tâm chạnh lòng trước thân phận đáng bỏ đi của mình? Cũng có thể chúng ta sợ hãi Thiên Chúa đến độ không dám tin vào lòng thương xót và ơn cứu độ của Ngài, vì tội lỗi chúng ta quá nặng nề ?

Trong mọi trường hợp và mọi lý lẽ, biện luận của chúng ta, Hài Nhi Giêsu vẫn tha thiết mời gọi mỗi người chúng ta hãy quảng đại mở rộng cõi lòng để chung niềm vui trọng đại được yêu thương, và sống trọn vẹn hạnh phúc được cứu độ với những người chăn chiên nghèo khổ, hèn mọn, thuộc hạng cùng đinh trong xã hội thời ấy, vì họ đã nhận ra Thiên Chúa, Đấng cứu độ họ qua dấu chỉ mà sứ thần đã báo trước: “Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12).

Đây cũng là dấu chỉ sứ thần nói với mỗi người để chúng ta nhận ra Thiên Chúa yêu thương mọi người và từng người vô cùng và đến cùng, bằng một tình yêu khiêm hạ tận cùng để không một ai trên cõi đời này, dù khốn cùng, cơ cùng, rốt cùng, và tội lỗi tột cùng đến đâu bị Thiên Chúa bỏ quên, mà không quan tâm tìm đến yêu thương, cứu độ họ.

Jorathe Nắng Tím

Read 73 times Last modified on Chủ nhật, 24 Tháng 12 2023 12:27