Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 24 Tháng 12 2023 07:12

"Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được"

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  “VÌ ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC” | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm B

 

TMĐP- Có những việc con người là không thể làm được, nhưng đối với Thiên Chúa là người cha toàn năng trong tình yêu, thì “không có gì là không thể làm được”.

Tin Mừng chúa nhật cuối cùng của Mùa Vọng dẫn chúng ta đi thẳng vào mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, ở đó, tất cả đều là những gì không thể làm đuợc đối với con người, nhưng “đối với Thiên Chúa, thì không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37), như lời sứ thần Gabrien qủa quyết với Đức Maria trong buổi Truyền Tin.

Không thể đối với con người khi trinh nữ mà làm mẹ; không thể đối với con người, khi Thiên Chúa trở thành bào thai trong lòng một người phàm; không thể đối với con người, khi Con của Đấng Tối Cao trên trời lại xuống thế gian làm con của một thôn nữ nghèo, vô danh tiểu tốt; không thể đối với con người, khi công cuộc cứu thế lớn lao, vĩ đại lại được quyết định và khởi sự qua lời “Xin Vâng” đơn sơ, kín đáo của một thiếu nữ tự nhận là nữ tỳ hèn mọn của Chúa (x. Lc 1,38); và không thể đối với con người khi vợ chồng già Dacaria – Êlisabét, hết thời sinh đẻ , “vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng” (Lc 1, 36).

Trước những “không có thể đối với con người”, nhiều người đã không tin, vì cho là phi lý, trái tự nhiên, phản khoa học; số khác quy chụp, dè bỉu khinh chê và kịch liệt lên án những người tin là mê tín, nhẹ dạ cả tin, bị thuốc phiện tôn giáo đầu độc.

Thực vậy, đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa, không phải ai cũng có thể tin, và có thể đón nhận, bởi đức tin không thuộc quyền sở hữu của con người, nhưng là hồng ân được ban bởi chính Thiên Chúa. Vì thế, nhiều người mới vấp ngã trước mầu nhiệm Thiên Chúa, như cụ già Simêôn đã nói với Đức Maria, mẹ của Hài Nhi Giêsu, khi hai ông bà đem con tiến dâng cho Thiên Chúa trong Đền Thờ Giêrusalem: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 34-35). Cũng vậy, Đức Giêsu trên đường truyền giáo sau này đã khẳng định: mầu nhiệm Thiên Chúa chỉ được mặc khải cho những người Thiên Chúa muốn khi Ngài cất tiếng cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,25-26), và liền sau đó Ngài nói với đám đông: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11, 27).

Như thế, tuy Tin Mừng được loan báo, Đức Giêsu Kitô được rao giảng cho mọi người, và “mầu nhiệm được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa” (Rm 16,26), nhưng không phải hết mọi người được loan báo đã tin vàvâng phục Thiên Chúa. Điều này làm chứng: để nhận được đức tin hầu tin vào mầu nhiệm được Thiên Chúa mặc khải, chúng ta phải đáp ứng một số đòi hỏi, điều kiện.

Trước hết, noi gương Đức Maria, là người Kitô hữu đầu tiên và hoàn hảo, chúng ta phải trang bị một tâm hồn cởi mở, ngoan nguỳ để có thể sẵn sàng thay đổi tâm tình của mình hầu mang vào mình tâm tình của Thiên Chúa, như Đức Maria lúc đầu đã “bối rối và sợ hãi” khi sứ thần vào nhà và truyền tin, nhưng khi nghe sứ thần nói: “Thưa bà Maria, xin bà đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30), thì Mẹ đã tin tưởng, bình an thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34).

Noi gương Đức Maria trong buổi truyền tin, người Kitô hữu cần một trái tim biết chăm chú lắng nghe Lời Thiên Chúa, nghĩa là mở lòng đón nhận Tin Mừng là “mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín từ ngàn xưa, nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh” (Rm 16,25-26).

Sau cùng là tâm tình khiêm hạ, tín thác vào Lời Hứa và đường lối mầu nhiệm của Thiên Chúa qua chọn lựa quả cảm và dấn thân liều lĩnh của đức tin, như Ápraham đã tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa Giavê và liều lĩnh lên đường đi tới đất Thiên Chúa sẽ chỉ cho ông (x. St 12,1), cũng như Đức Maria đã không chỉ thưa “Xin Vâng”, mà còn liều lĩnh nói với sứ thần: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38).

Tóm lại, đời người Kitô hữu là con đường đức tin, trên đó người môn đệ Đức Giêsu không ngừng mở rộng trái tim để ngoan ngoãn mặc lấy tâm tình của Thiên Chúa, và khiêm hạ, tín thác như tôi tớ hèn mọn chăm chú lắng nghe và sẵn sàng liều lĩnh đi theo đường lối mầu nhiệm của Thiên Chúa, là người cha yêu thương luôn dành sẵn cho con cái những gì tốt đẹp nhất, kể cả những việc đối với con người là không thể làm được, nhưng đối với Thiên Chúa là người cha toàn năng trong tình yêu, thì “không có gì là không thể làm được”.

Jorathe Nắng Tím

Read 107 times Last modified on Chủ nhật, 24 Tháng 12 2023 12:27