Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 05 Tháng 6 2015 13:17

Thánh Vịnh 1

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Ban Biên Tập gxthohoang.net tiếp tục trân trọng giới thiệu bài luận văn về Thánh Vịnh  của Hủ Tíu, người con của giáo xứ..... 
  1. A.DẪN NHẬP

Nhìn vào thực trạng xã hội ngày hôm nay con người đang chạy theo những nhu cầu vật chất, sống vội vã, cái gì cũng vội vã từ đi đứng, làm việc, ăn uống… Thế giới xung quanh ồn ào náo nhiệt cũng làm cho những người muốn có những giây phút yên tĩnh cũng thật khó khăn. Chính vì bối cảnh như thế mà đời sống cầu nguyện của con người cần phải được biến chuyển để có những tác động lên chính mình và cho người khác. Một trong những cách thức cầu nguyện được Giáo Hội mời gọi, khuyến khích tất cả mọi người tín hữu tham gia đó chính là cầu nguyện bằng Thánh vịnh. Trước đây, Thánh vịnh là lời cầu nguyện riêng tư hay những khúc ai ca tập thể, nói lên những thử thách của cộng đoàn tín hữu thuộc mọi thời kỳ với những giọng điệu khác nhau và Thánh vịnh phát xuất từ nước Do thái cổ xưa, diễn tả những phong tục, tập quán của người dân du mục chăn nuôi súc vật, hay gặp chiến tranh, giết chóc, trả thù, tiêu diệt… Ngày hôm nay, các Thánh vịnh này đã trở thành một phương tiện tối ưu giúp cho mọi thành phần dân Chúa cầu nguyện[1]. Thánh vịnh là lời cầu nguyện mà Thiên Chúa cũng như Giáo Hội muốn con cái dùng để cầu nguyện, ca tụng Thiên Chúa Cha, noi gương Chúa Kitô, và xin Thánh Thần thánh hoá con người.

  1. B.NỘI DUNG
    1. I.ĐỊNH NGHĨA TỪ NGỮ THÁNH VỊNH

Tập Thánh vịnh – Biblos Psalmon hay Psalmoi.

Trong bản Septante, chữ psalmos dịch từ tiếng Hipri mizmor (do zamar) có nghĩa là các bài ca được hát có đệm đàn, gọi là huyền ca. Do đó, codex Alexandrinus gọi sách Thánh vịnh là Psaltérion, nguyên nghĩa là một nhạc cụ dây, hòa theo bài hát, cuối cùng chỉ sưu tập các bài huyền ca.

Tiếng Hipri gọi bộ sưu tập Thánh vịnh là Tehillim (do halal: Ca tụng - Thánh thi). Thế nhưng danh xưng này chỉ hợp cho một số Thánh vịnh. Người ta còn gọi là những bài Thánh Ca Chúc Tụng (sepher Tehillim). Như vậy, có thể nói Thánh vịnh là những bài hát có nhạc cụ đi kèm.

  1. II.PHÂN LOẠI THÁNH VỊNH

Có 7 thể loại Thánh vịnh, nhưng với bài viết này sẽ đề cập đến 3 thể loại :

  1. 1.

Thánh vịnh van xin nhiều nhất trong bộ Thánh vịnh. Đó là những lời của kẻ gặp nguy hiểm hoặc đau khổ về vật chất và tinh thần, con người bày tỏ nỗi khổ với Chúa và xin Người thương cứu giúp.

  1. vAi ca cá nhân

Đây là những lời than van rên siết của cá nhân trong hoàn cảnh bi đát, muốn bày tỏ niềm đau khổ với Thiên Chúa để xin Người ra tay cứu vớt.

  1. vAi ca tập thể

Ai ca tập thể thường bắt nguồn từ một biến cố đau thương nào đó của dân tộc Israel, của toàn đất Do thái: chiến tranh, bại trận, thành và đền thờ bị xâm lăng, nghèo đói, mất mùa, người nghèo bị áp bức…

Thánh vịnh 16

  1. a.Xác định thể loại

Thánh vịnh 16 là thánh vịnh thuộc thể loại than van của cá nhân. Tâm tình nổi bật của thể loại thánh vịnh này là lòng tin tưởng cách tuyệt đối vào Thiên Chúa : dù cho bất cứ chuyện gì, hay đang trong hoàn cảnh bi đát nào, thì vịnh gia vẫn một lòng tín nhiệm, phó thác vào Chúa, trông cậy vào lòng thương xót nhân hậu của Chúa. Vì chính Ngài là Đấng yêu thương và quan phòng.

Đọc qua Thánh vịnh 16, ta có cảm nhận tác giả là một tư tế phục vụ trong Đền Thờ Giêrusalem và rất thông thạo, rành mạch lề luật của Chúa. Vịnh gia tin tưởng hoàn toàn vào giao ước của Thiên Chúa. Khi vịnh gia đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, một Thiên Chúa trung thành với lời Giao Ước và là phần gia nghiệp duy nhất thì ông muốn truyền giao lại cho con người. Thánh vịnh này được sáng tác sau thời lưu đày Babylon.

  1. b.Bố cục và nội dung:

Thánh vịnh được chia thành 5 phần

Phần I: Tín thác nơi Thiên Chúa (câu 1-2)

Phần II: Thái độ dứt khoát từ bỏ tà thần (câu 3-4)

Phần III: Thiên Chúa chăm sóc các tôi trung của Ngài (câu 5-6)

Phần IV: Hạnh phúc được sống trong tình yêu của Chúa (câu 7-9)

Phần V: Hướng về cuộc sống mai hậu (câu 10-11)

  1. c.Phân tích :

Câu 1-2: “Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài con đang ẩn náu. Con thưa cùng Chúa, Ngài là Chúa con thờ. Ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc?”

Mở đầu, vịnh gia tuyên xưng niềm tin của mình cách chắn chắn vào Thiên Chúa. Ngoài Thiên Chúa thì không có hạnh phúc, vì Ngài chính là cùng đích của hạnh phúc, một hạnh phúc bất diệt.

Câu 3-4: “Còn thần ngoại xứ này, những thần linh xưa con sùng mộ, vẫn gia tăng tàn phá, và thiên hạ tới tấp chạy theo. Máu tế thần con quyết chẳng dâng, tên của thần môi con không tụng niệm!”.

Dân Itrael sống giữa các dân ngoại, và có một số người đã tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa nhưng vẫn bị các thần cũ cám dỗ. Tuy nhiên, tác giả đã chọn Thiên Chúa là Đấng duy nhất tôn thờ thì cho dù những thần ngoại có đuổi theo lôi kéo thì tôi vẫn một lòng trung thành với Thiên Chúa. Bởi thế, tác giả không bao giờ tham dự vào lễ tế thần cũng như không kêu cầu các thần ấy trợ giúp. Các tín hữu ngày hôm nay đang sống trong một xã hội đề cao hưởng thụ vật chất nên cũng đang phải đương đầu với cám dỗ này. Vì thế mà hơn bao giờ hết người Kitô hữu cần phải trung thành và giữ vững niềm tin của mình bằng đời sống tình yêu, tình bạn với Chúa cách mật thiết hơn.

Câu 5-6: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thoã mãn”.

Chén phúc lộc dành cho con” nghĩa là Chúa là thức ăn, thức uống cho con, tác giả hiểu rằng cơn đói khát thiêng liêng của mình sẽ được thoã mãn trong Chúa. Ngày hôm nay thức ăn, thức uống đó chính là Mình và Máu Đức Kitô đã và đang nuôi sống chúng ta. Bên cạnh đó, Vịnh gia muốn nói về phần đất cha ông trúng thăm và đó chính là gia nghiệp của ông là phần tốt nhất: “Là chính Chúa[2]. Đối với người Kitô hữu, gia nghiệp chúng ta chính là ơn cứu độ được Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Kitô (Ep 1,11).

Câu 7-9:Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường lòng dạ nhắn nhủ con. Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên chẳng nao núng bao giờ. Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn”.

Cảm nhận được tình thương của Chúa, sự hiện diện của Chúa luôn ở bên và hoàn toàn tin Chúa không bỏ rơi mình. Đồng thời, nói lên lòng tín nhiệm nơi Chúa: Có Chúa ở bên thì luôn luôn được bình an, và tha thiết, ước mong được ở với Chúa mãi mãi.

Câu 10-11: “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ. Chúa sẽ dạy cho con biết đường về cõi sống: Trước thánh nhan ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi!”

Với một lòng trung tín vào Thiên Chúa, người Kitô hữu tin chắc rằng cái chết không phá vỡ được mối tương quan với Thiên Chúa. Tác giả Thánh vịnh tin rằng tất cả những gì mình gặp rồi cũng sẽ qua và ông được đưa về cõi sống. Ngay từ đầu người Kitô hữu đã hiểu rằng các lời này được áp dụng cho Chúa Giêsu Phục Sinh (Cv 2,25; 13,35). Vì là người Tôi Trung tuyệt hảo của Cha Người, Đức Giêsu được Chúa Cha gìn giữ khỏi cảnh hư nát trong phần mộ.

Đây là một trong những Thánh vịnh diễn tả lòng tín nhiệm thẳm sâu của người tín hữu đối với Thiên Chúa của họ. Trong sự gắn bó với Chúa tác giả mong được sống mãi với Người[3]. Như thế, khi đối diện với cái chết các tín hữu hoàn toàn tín thác và hy vọng sau khi chết sẽ được sống lại và được ở trong vinh quang của Thiên Chúa. Đặc biệt những người được thánh hiến cần tín nhiệm vào Chúa cách mạnh mẽ và lấy Thánh vịnh này để cầu nguyện và giúp mọi người nhận ra rằng Ơn Cứu Độ duy nhất đến từ Đức Kitô.

  1. 2.Thánh Vịnh Vương Quyền Của Thiên Chúa

Trong ngày lễ phụng vụ Israel, (theo Babylone→tổ chức cho thần Mardouk), thế nhưng Israel xác định niềm tin vào một Thiên Chúa-vua tối cao. 

-         Israel nhận biết vương quyền Thiên Chúa và tôn sùng trong các nghi lễ (Xh 15,18; Ds 23,21; Đnl 33,5; Tl 8,22; 1Sm 8,7…)

-         Phụng vụ Israel gồm ba chiều kích: quá khứ, hiện tại và tương lai. Cả ba nối kết trong cùng một cử hành.

Thánh vịnh 24

  1. a.Xác định thể loại

Thánh vịnh 24 được xác định thuộc Thánh vịnh vương quyền của Thiên Chúa, pha với Thánh vịnh giáo huấn. Thánh vịnh này có lẽ được hát trong nghi lễ rước hòm bia về Giêrusalem thời Đavit (2Sm 6), và sau đó được dùng trong cuộc rước long trọng vào đền thờ.

  1. b.Bố cục và nội dung

Thánh vịnh được chia làm 4 phần

Phần I: Ca tụng Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và làm chủ vũ trụ (câu 1-2).

Phần II: Những câu hỏi của người hành hương đền thờ (câu 3).

Phần III: Điều kiện để được ra trước thánh nhan Đức Chúa (câu 4-6).

Phần IV:  Nghi lễ rước Hòm Bia Giao Ước vào đền thờ (câu 7-10).

  1. c.Phân tích

Câu 1-2: “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư. Nền trái đất Ngài dựng trên biển cả, đặt vững vàng trên làn nước mênh mông”.

Thánh vịnh mở đầu với lời chúc tụng Chúa là Đấng Sáng Tạo. Tất cả vũ trụ bao gồm cả muôn vật, muôn loài trong đó đều thuộc về Chúa, vì tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng. “Nền trái đất Ngài dựng trên biển cả” người Do thái tin rằng mặt đất nằm trên một đại dương bao la. Mặc dù, thuở khai thiên lập địa đại dương này vẫn nổi cơn giận giữ, nhưng Chúa đã thuần phục và đặt nền trái đất vững vàng trên làn nước mênh mông. Cho thấy quyền năng cao vời và sức mạnh uy quyền của Thiên Chúa.

Câu 3: “Ai được lên núi Chúa? Ai được ở trong đền thánh của Người?”.

Những người hành hương đền thờ hô vang những câu hỏi khi họ đến gần các cửa đền thờ. Itrael biết Đền Thánh là nơi Chúa hiện diện.

Câu 4-6: “Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối. Người ấy sẽ được Chúa ban phúc lành, được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng. Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm người, tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Giacóp”.

Điều kiện trước tiên để được ở trong đền thánh Chúa đó là tuân giữ Lề Luật, Vâng Phục và sống theo lệnh truyền của Chúa. Thứ hai là không để những lạc thú trần gian chi phối đời sống, và trung thực là điều kiện thứ ba để được vào trước nhan Chúa. Những người sống trọn vẹn những điều kiện ấy sẽ được Chúa chúc lành, được thưởng công và được ngắm nhìn thánh nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.

Câu 7-10: “Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên…chính Người là Đức vua vinh hiển”.

Đám rước đến cửa đền cửa này được nhân cách hoá, chúng được mời cất cao hơn nữa để đón Chúa cao cả. “Hỡi cửa đền hãy cất cao lên” là lời mời gọi hãy mở rộng tâm hồn để mời vua vinh hiển là Đức Giêsu Kitô đến ngự trong chúng ta và hướng dẫn cuộc đời mỗi chúng ta.

Thánh vịnh này ca tụng Chúa là Đấng tạo thành vũ trụ, Đấng uy quyền. Đồng thời, nhắc nhở người Kitô hữu đặc biệt là những người theo Chúa muốn được chiêm ngắm tôn nhan Chúa phải có đời sống xứng đáng là mở rộng tâm hồn, tuân giữ các lệnh truyền của Chúa, thánh hoá cuộc sống của mình, đó chính là bổn phận của những người tìm kiếm Chúa. Như vậy, có thể nói Thánh vịnh này nói lên vinh quang của Thiên Chúa và bổn phận của những ai tôn kính Người.

  1. 3.Thánh Vịnh Lên Đền

Trong bộ Thánh vịnh: Tv120-134 gọi là Thánh vịnh lên đền. Theo sách Mishna, các thầy Lêvi xướng, hát các Thánh vịnh tại 15 bậc tiến về cửa Nicanor của Đền Thờ. Các khúc ca này thường được khách hành hương hát mỗi dịp lên Giêrusalem.

Thánh vịnh phác họa các giai đoạn khác nhau của hành trình lên Đền Thánh; từ lúc kêu gọi (Tv 120) đến khi bỏ đền thánh về đời sống thường nhật (Tv 134). Thánh vịnh được sưu tập lại từ nhiều nguồn khác nhau và xếp theo trình tự lên đền.

Thánh vịnh 130

  1. a.Xác định thể loại

Thánh vịnh 130 thuộc thể văn “ van xin” của cá nhân: đã họa lại cuộc hành hương bằng lời nguyện đi kèm hy lễ đền tội, xin tha thứ những tội bất trung, phản nghịch của giao ước[4]. Đây là một Thánh vịnh sám hối, nhưng hơn thế nữa, là lời cầu nguyện đầy lòng cậy trông vào Thiên Chúa.

Thánh Vịnh này được xếp trong số 15 thánh vịnh “lên đền”(120-134) - Thánh vịnh nhằm họa lại chặng đường của các cuộc hành hương lên Giêrusalem; tất cả muốn diễn tả cấp độ “đi lên’ khỏi đất lưu đày Babylon và cuộc “đi lên” vào thời cánh chung,  khi mọi dân tộc tiến lên núi thánh của Đức Chúa[5].

Tv 130: Tv sám hối, từ vực thẳm tội lỗi, tác giả hết lòng mong đợi ơn tha thứ của Chúa, lời cầu đi kèm hy lễ đền tội. Trong thực tế ta quen dùng Thánh vịnh này để cầu cho người chết, vì thế mà chhúng ta mặc cho Thánh vịnh này một ý nghĩa buồn thảm. nhưng thhực ra đây là một Thánh vịnh đầy hân hoan và hy vọng.

  1. b.Bố cục và nội dung

Thánh vịnh được chia làm 4 phần:

Phần I : Kêu cứu (câu 1-2).

Phần II : Xin tha thứ (câu 3-4).

Phần III: Cậy trông (câu 5-6).

Phần IV: Mở rộng tầm nhìn ra Itrael (câu 7-8).

  1. c.Phân tích

Câu 1-2: “Từ vực thẳm, con kêu lên ngài, lạy chúa, muôn lạy chúa, xin ngài nghe tiếng con dám xin ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu”.

Mở đầu thánh vịnh là tiếng kêu vọng lên từ vực sâu của sự dữ và lỗi lầm, chính là lời cầu khẩn dâng  lên  thiên chúa trong cảnh khốn cùng, những từ và ý được nhắc đi nhắc lại một cách tiệm tiến đã làm cho câu1 và 2 trở thành cặp song đối thuận cách hoàn hảo: Con kêu lên ngài, xin ngài nghe tiếng con; lạy Chúa, muốn lạy Chúa; xin Ngài lắng tai, nghe lời con. Đây là lời kêu cứu cấp bách, lời kêu cứu não ruột từ lòng người, bời vinh gia đã nhìn nhận mình có tội, và tất cả những gì còn làm được là tha thiết nguyện cầu lòng thương xót chúa, khong dám xin tha cách trực tiếp mà chỉ là gián tiếp, nhưng tất cả trong một niềm tin tưởng vào lòng chúa yêu thương.

Câu 3-4: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài”. Cặp song đối nghịch được thể hiện; lòng kính sợ chúa chính là được đứng vững một cách kỳ diệu trong ân sủng trước nhan thánh thiên chúa- đấng “chậm giận và giàu lòng xót thương” , chính điều này đã giúp vịnh gia luôn giữ một lòng kêu xin cho dù phải mỏi mòn chờ đợi. Đồng thời, ở đây chúng ta thấylòng đạo đức của Itrael có chiều hướng cộng đồng rõ rệt “để chúng con…”

Câu 5-6: “Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông”. Lời này thật đúng cho trương hợp những người do thái đang mong chơ được giải thoát. Như thế, đây không chỉ là một Thánh vịnh sám hối, mà hơn nữa còn là lời cầu nguyện đầy lòng cậy trông vào Thiên Chúa: “ mong đợi, hết lòng mong đợi, hơn lính canh mong đợi hừng đông”. Tuy không rõ ràng nhưng câu 5 và 6 cũng phần nào đó thể hiện là cặp song đối thuận tiếp theo ở Câu 7 và 8 cũng vậy, toàn bài đã thể hiện rõ đặc tính của thi ca Do thái là “song đối”.

Tâm tình này nổi bật trong Thánh vịnh “van xin” là lòng tin tưởng tín nhiệm vào Thiên Chúa, Vịnh gia vẫn một niềm cậy trông và tin tưởng rằng Chúa là Đấng quyền năng, đầy yêu thương và trung thành.

Câu 7-8: “Trông cậy Chúa đi, Itrael hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Chính Người sẽ cứu chuộc Itrael cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn”. Vậy là từ vực thẳm tối tăm tội lỗi, lời van xin “De Profundis” đã vang tới chân trời rạng ngời của thiên Chúa – Đấng “đầy xót thương và ơn cứu chuộc”, nhưng không chỉ dành riêng cho cá nhân mà còn cho toàn thể Hội Thánh, cho Israel của thiên chúa và cũng lan tỏa cho chúng ta hôm nay.

  1. C.KẾT LUẬN

Khi đọc toàn bộ Thánh vịnh và đặc biệt là qua ba Thánh vịnh vừa phân tích sinh viên cảm nghiệm được rằng, cuộc sống của mỗi con người đặc biệt là người Kitô hữu và cách riêng là người được thánh hiến, đời sống cầu nguyện là sức mạnh và là nội lực niềm tin giúp họ lướt thắng được những cám dỗ, gian nan, thử thách trong cuộc đời để trung thành bước đi trong Chúa Kitô. Nhưng để có được đời sống gắn bó mật thiết với Chúa thật sự không dễ dàng với bất cứ ai, đặc biệt là trong xã hội hoá làm cho đời sống tâm linh của con người cũng ảnh hưởng rất lớn. Con người không biết cách cầu nguyện như thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa. Cho nên một phương thế Giáo hội luôn mời gọi chúng ta đó là: Cầu nguyện, Chúc tụng, Tạ ơn Chúa bằng Thánh vịnh. Cũng chính nhờ cầu nguyện với Thánh vịnh mà con người gặp được chính mình. Bên cạnh đó Thánh vịnh còn giúp ta đi sâu vào tâm tình một dân được Thiên Chúa tuyển chọn, mặc dầu biết bao lần bất trung, phản bội nhưng dân vẫn được Thiên Chúa yêu thương, Ngài vẫn luôn đi bước trước đối với dân của Người. Ý thức thân phận con người yếu đuối người Kitô hữu cần phải ở lại với Chúa không chỉ lúc tràn trề niềm vui, hạnh phúc nhưng ngay cả trong lúc tức giận, căm hờn, và tuyệt vọng họ cũng luôn đến với Chúa, Đấng mà họ yêu mến. Thánh vịnh quả thực là lời cầu nguyện của dân Chúa trong mọi thời đại, và cũng từ Thánh vịnh con người cùng múc được một nguồn hy vọng cứu độ. Khi chúng ta dùng Thánh vịnh để ca ngợi, cầu nguyện cùng Thiên Chúa là chúng ta đang làm việc đó nhân danh toàn thể Giáo Hội.

 Hủ Tíu


[1] x.Nhóm Phiên Dịch CGKPV, Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ươc, Lời Chúa Cho Mọi Người, Thánh Vịnh, tr.845

[2] Hoàng Đắc Ánh, Trần Phúc Nhân, Như Hương Trầm, tr.45.

[3] Hoàng Đắc Ánh, Trần Phúc Nhân, Như Hương Trầm, tr.45.

 

[4] Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, Thánh Vịnh Lời Kinh Muôn Thuở, tr.21, lưu hành nội bộ 2008.

[5] Sđd, tr.21

Read 5465 times Last modified on Chủ nhật, 07 Tháng 6 2015 07:09