Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 07 Tháng 5 2016 15:06

Bài thuyết trình phần 2 của Lm. TĐD Gp. Phan Thiết

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bài thuyết trình phần 2 của Lm. TĐD Gp. Phan Thiết

Đề tài thuyết trình 2
GIA TRƯỞNG SỐNG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

Mở đầu

Thưa anh em gia trưởng quí mến,
Anh em chúng ta đang sống trong Năm Thánh Bất Thường có tên gọi là “Năm Thánh Lòng Thương Xót”.

Chuyện Năm Thánh Bất Thường thì có thể anh em đã rõ.
Nhưng có ai trong anh em thắc mắc về tên gọi “NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT” không?

Tại sao không gọi là “Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót” hoặc “Năm Thánh Lòng Chúa Xót Thương”.

Có câu chuyện tại một giáo xứ nọ, cha sở bảo Hội Đồng làm cái băng rôn với nội dung: “Hân Hoan Đón Chào Năm Thánh Lòng Thương Xót”. Ông Hội Đồng vui vẻ nhận lời và đặt cho người ta làm câu băng-rôn bằng in Hamlet, khá lớn, khá rộng và khá tốn kém với nội dung: “Hân Hoan Đón Chào Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót”.

Khi nhận băng rôn về, ông Hội Đồng cùng ban trang trí phấn khởi cho treo trước tiền sảnh thật đẹp, thật hoành tráng chiều hôm trước lễ khai mạc năm thánh cấp giáo hạt.

5 giờ chiều, cha sở ra trước nhà thờ dạo một vòng xem các chuẩn bị thế nào. Nhìn thấy cái băng rôn thật to thật đẹp, nhưng Ngài đành phải gọi ông Hội Đồng gấp.
Ông Hội Đồng vui mừng chạy lên cha. Vừa đến đã khoe:
“Cha biết không. Làm công kỹ lắm đó. Làm lớn quá, nhà in họ rên quá chừng. Vậy mà cũng mất có gần 2 triệu.”

Cha sở bình thản trả lời:
“Ông Hội Đồng ơi, chắc phải chi thêm 2 triệu nữa để in lại”.

“sao vậy Cha”

“Ông cho in sai rồi, “Năm Thánh Lòng Thương Xót”, chứ không phải “Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót”.

“Tại sao vậy Cha. “Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót” mới đúng chứ cha”.
“Không phải đâu ông à”. “Ông cứ cho làm lại vậy đi. “Hân Hoan Đón Chào Năm Thánh Lòng Thương Xót”.

Thật tội nghiệp cho ông Hội Đồng, phải vận động Ban Trang Trí lên nhà thờ gỡ băng rôn xuống. Cho người chạy ra Thành Phố gấp để in lại băng rôn. Nhà in đóng cửa, không làm việc. Gọi về cho ông Hội Đồng. Cuối cùng đành cắt bỏ chữ Chúa và may ráp nối lại. Lại phải may thêm vào hai đầu băng rôn cho vừa cái khung sắt đã sẵn. Câu băng-rôn bây giờ là: “Hân Hoan Đón Chào Năm Thánh Lòng Thương Xót”.
May mắn thay, thôi cũng tạm được, vừa xong lúc 11g đêm.

Thưa anh em,
Cha sở khó, hay là việc nó phải vậy.

Vâng, phải hiểu là, trong năm thánh này, không chỉ để chiêm ngưỡng, đón nhận LTX của Chúa, mà chúng ta còn phải mặc lấy LTX của Chúa mà sống giữa đời.

Như vậy năm Thánh lòng thương xót không chỉ nói đến lòng thương xót Chúa mà còn là lòng thương xót của chúng ta.

Thưa anh em,

A. NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT
1. Chúng ta không thể tự cứu mình

Một bài giáo lý cơ bản mà không một tín hữu công giáo nào chưa học hoặc bỏ qua, đó là: Do hậu quả của tội nguyên tổ, mà con người chúng ta mặc lấy tính hư hèn, luôn nghiêng chiều về sự dữ và không còn được ơn bất tử nữa, nhưng thay vào đó, là mang tính hay chết và phải chết muôn đời.

Mang thân phận con người như thế, chúng ta không còn khả năng tự cứu sống mình được, và cũng không xứng đáng để được cứu chuộc.

Nhưng Thiên Chúa đã không bỏ mặc con người chìm trong bóng tối sự chết vô vọng ấy, vì Thiên Chúa là Đấng Giàu lòng Xót Thương.

Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng đã xuống thế làm người, đã loan báo tin mừng cứu rỗi, đã hiến mạng sống mình mà tiến dâng lên Chúa Cha như của lễ đền tội cho nhân loại, đã được Thiên Chúa Cha chấp nhận và phục hồi cho con người sự sống đời đời…

Chuyện tưởng là không thể, đã trở thành có thể. Chúng ta được cứu chuộc bởi Lòng Chúa Xót Thương. Hoàn toàn không hề do bởi công trạng gì của riêng chúng ta cả, nhưng là nhờ công nghiệp của Đức Giê-su Con Thiên Chúa, Dung Mạo của Lòng Thương Xót từ Chúa Cha.

Như vậy, Lòng thương xót của Chúa luôn luôn là cần thiết cho phần rỗi của mỗi người chúng ta. Vì thê, giữa lúc toàn cảnh thế giới đang lún sâu vào nền văn mnh sự chết, bất cần ơn cứu rỗi, Giáo Hội đã khai mở Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót của Chúa, để con cái Chúa có cơ hội chiêm ngưỡng lòng thương bao la, đón nhận lòng thương để được cứu rỗi, và mặc lấy lòng thương xót của Chúa mà thi thố tình thương của Chúa trên khắp gian trần.

Lòng thương xót Chúa đã sẵn sàng, đang chờ chúng ta đón nhận và mặc lấy. Đức thánh cha Phanxicô nói: “Thiên Chúa không xô đẩy cửa để mà xông vào nhà chúng ta, nhưng Người đang chờ chúng ta mở cửa”.

2. Tin nhận Đức Giê-su là dung mạo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Đã có biết bao lần trong cuộc đời, chúng ta sống vô tâm vô tình, như không có ai tác sinh nên mình, không quan tâm hay không tin có một Đấng Thần Linh vô hình nào đó đang tác động từng giây phút trong cuộc đời chúng ta. Có khi là người đã lãnh nhận bí tích rửa tội, đã là người công giáo, mà vẫn sống như người không có niềm tin, hoặc đặt trọn niềm tin vào những thứ hư đời, phù du chóng vánh. Và như thế là không nhận ra có một Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương đang quan phòng gìn giữ ta, như gìn giữ một báu vật. Và như thế là cũng không lắng nghe được tiếng lòng của Thiên Chúa, muốn chúng ta trở nên con cái thánh thiện của Ngài, trong trần gian này, và mai sau trong Thiên Quốc.

Năm thánh mời gọi chúng ta từ bỏ ngay cách sống vô thần của những người mang danh là có đạo. Năm Thánh mời gọi chúng ta phải nhận cho ra một Thiên Chúa uy quyền, một đấng hóa công, tác thành nên ta, và còn phải cảm cho thấu nỗi lòng xót thương vô biên của Ngài luôn khát khao cho chúng ta được cứu rỗi, nghĩa là được sống đời này và cả đời sau nữa. Năm Thánh mời gọi chúng ta tin nhận Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa, chính Ngài là Dung Mạo Đích Thực của Thiên Chúa Cha Giàu Lòng Thương Xót. Và từ đó, phải chiêm ngưỡng, ca tụng, ngợi khen và cảm tạ tấm lòng xót thương ấy, dẫu biết rằng không có lời ca tụng nào, lời ngợi khen nào, lòng tri ân, cũng như cách tri ân nào xứng với lòng xót thương vô cùng của Chúa.

3. Nhìn nhận tội lỗi mình, sám hối, xưng thú, để được ơn tha thứ

Đã có biết bao nhiêu lần trong cuộc đời, chúng ta hiểu rằng việc “sống cho xứng đáng là con cái Chúa”, nghĩa là, sống, nhận biết thờ phượng, yêu mến Chúa và tuân giữ lề luật Chúa cho nên… là việc chính đáng cần phải làm ngay. Nhưng rồi, lại tần ngần, do dự, không thể dứt khoát với tội lỗi, dứt khoát với những đam mê bất chính…Như thế là rõ ràng chúng ta chưa “mở cửa” để lòng thương xót của Chúa bước vào. Không phải là chúng ta không biết. Không phải là chúng ta không tin. Nhưng cái biết và tin của chúng ta vẫn còn là một mớ lý thuyết, chưa biến thành hành động cụ thể của đức tin. Đức tin chưa có việc làm.

Vì thế, Năm Thánh mời gọi chúng ta nhận ra hậu quả của tội lỗi là làm tổn thương đến lòng thương xót của Chúa là dường nào, và từ đó, phải dứt khoát với tội lỗi để sống đời sống mới tinh tuyền, trọn hảo như con cái của Thiên Chúa.
Và sau bước nhận ra hậu quả của tội là phải có lòng sám hối và thực tâm trở về với Chúa.

Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào ngày 16 tháng 12, Đức Giáo Hoàng đã nói rằng: Ơn cứu rỗi không thể trả bằng tiền và ơn cứu rỗi cũng không thể mua bằng tiền được. Chúa Giêsu là cửa vào và vào cửa Giêsu thì miễn phí.”

Vâng, Thiên Chúa không đến để xét phạt nhưng Ngài đến để mang ơn cứu rỗi.” Nhưng để được cứu rỗi cần có một dấu chỉ của việc hoán cải thực sự nơi tâm hồn. Vì thê, hãy đến với Bí Tích Hòa Giải. Bí Tích Hòa Giải cũng là một khía cạnh quan trọng khác của Năm Thánh, tạo cơ hội cho những tín hữu “ một trải nghiệm trực tiếp” của lòng thương xót.

4. Biết thương xót và thứ tha cho người

Nhận ra hậu quả của tội, sám hối, xưng thú, và được tha thứ, sẽ cho chúng ta trải nghiệm đầy đủ tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, và khơi dậy trong chúng ta lòng xót thương và tha thứ cho người khác như Chúa đã thương xót và tha thứ cho chúng ta. Thực hiện điều này, chính là làm điều đẹp lòng Thiên Chúa nhất. vì:
“Khi chúng ta nhận ra tội lỗi của mình và xin ơn tha thứ thì trên thiên đàng vui mừng và Chúa Giêsu vui mừng. Đây chính là lòng thương xót của Thiên Chúa”
Đã biết bao lần chúng ta từ chối thông cảm cho người khác, nhất là những người thấp bé hơn ta, nghèo khổ hơn ta, bất bình thường hơn ta…những người cùng khổ bất hạnh, những người mang tiếng là xấu xa, là tội lỗi, là gian ác…

Năm Thánh mời gọi chúng ta mặc lấy lòng xót thương của Thiên Chúa, của Đức Giê-su hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, để trái tim ta có cùng nhịp đập với tái tim Chúa, biết chạnh lòng trước những nỗi đau, thiếu thốn, biết cảm thông với người và nhất là biết tha thứ cho người xúc phạm đến chúng ta.

Đức Giáo Hoàng Phanxico đã nói rằng :“Đây là bài học cho chúng ta là phải tìm Chúa ở đâu. Nếu các con muốn tìm gặp Thiên Chúa, hãy tìm Ngài nơi những kẻ bé mọn, tìm nơi những người người nghèo khó. Hãy tìm Chúa trong những nơi kín ẩn: trong những người cùng khổ nhất, trong những người bệnh tật, trong những người đói khát, trong những kẻ bị tù đày,”….

“Những chốn cao sang, giàu có, quyển lực chúng ta sẽ chẳng gặp Ngài. Cung cách của Chúa là thái độ khiêm hạ.”

“Chúng ta hãy tham dự vào Năm Thánh Lòng Thương Xót, để canh tân cấu trúc của xã hội chúng ta, để giúp cho xã hội công bằng hơn và huynh đệ hơn.”

B. CÁC GIA ĐÌNH SỐNG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

1. Mở của lòng đón nhận lòng thương xót

Anh em thân mến,

Giáo hội đã mở cửa Năm Thánh cho con cái của Giáo Hội có cơ hội đón nhận Lòng Thương Xót Chúa để được ơn cứu rỗi. Giáo phận đã mở cửa Năm Thánh cho con cái của Giáo Phận có cơ hội đón nhận Lòng Thương Xót Chúa để được ơn cứu rỗi.

Các Linh mục tại Giáo xứ sẽ khơi dậy nơi mỗi gia đình ý thức sâu sắc hơn về sự cần thiết của Lòng Thương Xót Chúa và đời sống cộng đoàn. Như vậy, phần còn lại là của anh em, của các gia đình.

Những người làm cha làm mẹ trong gia đình cũng hãy thực hiện việc mở cửa gia đình mình, để đón nhận hồng ân thương xót của Chúa, để khơi dậy ý thức cần thiết đối với lòng thương xót Chúa:

- Bằng một giờ kinh chung, trong đó có việc xin lỗi nhau, xin lỗi Chúa, và quyết tâm làm mới đời sống thiêng liêng của gia đình là biết tôn sợ Chúa và đi theo đường lối người là “yêu như Chúa Giê-su đã yêu”, “thương xót như Cha đã thương xót”.

- Bằng một quyết tâm chung cho gia đình là noi gương Thánh Gia sống đời sống yêu thương phục vụ nhau trong chân thành, đồng thời liên kết với các gia đình khác để sống và yêu thương phục vụ như Chúa Giê-su, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse đã thực hiện.

- Bằng việc nhắc nhở nhau tránh dịp tội, tránh làm gương xấu cho nhau, nhắc nhở nhau sống đúng lề luật Chúa, sống hiền lành khiêm nhượng, sống khoan dung tha thứ, biết chạnh lòng xót thương và bác ái với mọi người.

- Một việc cụ thể nhất nhưng cũng có thể khó khăn nhất trong năm thánh cho các gia đình, đó là, nhắc nhở nhau đi xưng tội và cùng nhau thường xuyên đi xưng tội để được ơn hòa giải, và nhờ ơn sủng bí tích, đời sống thiêng liêng của mỗi người trong gia đình sinh nhiều hoa trái cho chính mình, cho gia đình và cho Nước Thiên Chúa.

Ước gì, khi các gia đình thực hiện việc chiêm ngưỡng lòng Chúa thương xót, đón nhận lòng Chúa Thương xót, và thực hiện lòng Chúa Thương xót trong năm thánh nầy, chính là thực hiện điều đẹp lòng Thiên Chúa nhất.
Xin một lần nữa nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gửi đến anh chị em:
“Anh em Gia Trưởng BMT thân mến “Thiên Chúa không xô đẩy cửa để mà xông vào nhà chúng ta, nhưng Người đang chờ chúng ta mở cửa”.
Và khi đã đón nhận LTX của Chúa, chúng ta hãy:

2. Mặc lấy lòng thương xót của Chúa mà xót thương cuộc đời này như Người đã xót thương.

a. Trước tiên là hãy nhận diện các thương tích trong đời sống gia đình hôm nay:

Cùng nhau nhận diện những nguyên nhân xa gần, khách quan chủ quan, đã gây biết bao đau khổ, thương tích cho các gia đình Việt Nam nói chung và các gia đình Công Giáo Việt Nam, nói riêng, hôm nay:

- Nghèo, đói, nợ nần: do nạn thất nghiệp, do thiên tai, do tai nạn, do bị lừa đảo…
- Nghèo đói do lười lĩnh, do thiếu trách nhiệm, do ngại hy sinh, do thiếu hiểu biết về việc thu chi, do đua đòi, vô độ…

- Bệnh tật do môi trường bẩn, do nghèo, thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng, thiếu điều kiện sống căn bản: nhà cửa, quần áo, thức ăn; do tuổi già…

- Bệnh tật do mất tiết độ, do tâm lý u uất, do lây nhiễm vì sống không lành mạnh, do thiếu kiến thức, thiếu quyết tâm phòng bệnh, sống buông thả…
- Thất học vì thiếu trường học vùng sâu, xa; nghèo không đủ tiền cho con ăn học,
- Thất học vì ham chơi, đua đòi,

- Tệ nạn xã hội: hút chích, bài bạc, rượu chè, số đề, cá độ bóng đá, nghề đĩ điếm, ăn chơi đĩ điếm, ngoại tình, sống thử, ngừa thai, phá thai,

- Không cảnh giác, thiếu khôn ngoan trước những cám dỗ của tệ nạn xã hội
- Không biết sử dụng tốt những phương tiện Chúa ban: vi tính, điện thoại thông minh, mạng xã hội, phương tiện di chuyển,

- Tự do cá nhân dẫn đến cách sống ích kỷ, vô cảm, sống cho riêng mình, không cần hiểu nhau, chỉ cần có nhau được tới đâu hay tới đó
- Chủ nghĩa duy vật thẩm thấu dần dần vào não trạng và cách sống của các thành viên gia đình, quí chuộng những giá trị vật chất hơn là tình cảm, tinh thần. Trào lưu lấy chồng ngoại, lấy chồng giàu, không cần yêu, miễn đổi đời
- Đời sống đức tin sa sút, thiếu giáo lý từ sau những năm 1975, không sống giáo lý, mất cảm thức về tội,

- Và còn có thể có biết bao nguyên do khác gây nên đau khổ cho các gia đình thời nay, như phạm pháp, tù tội v.v…

b. Gợi ý thực thi lòng thương xót

Trước những đau khổ của các gia đình con chiên, thiết tưởng, các gia trưởng chúng ta, có thể thấy nguyên nhân chính yếu dẫn đến đau khổ là đời sống đức tin sa sút, vì vậy, chúng ta cần có ngay một định hướng để cụ thể thực thi lòng thương xót của mình đối vơi các gia đình:

Trước tiên

- Chính các gia trưởng trước tiên phải làm mới lại đời sống đức tin công giáo: học hỏi Lời Chúa, Học Hỏi Giáo Lý tại nhà, chung với vợ con và cả gia đình. Cương quyết không làm điều gì ngược lại với đức tin công giáo, với lề luật Chúa và Giáo Hội, việc dựng vợ gã chồng cho con không theo phép đạo chẳng hạn…, việc công khai bỏ lễ ngày chúa nhật chẳng hạn, việc tin vơ thờ quấy chẳng hạn…
- Chính các gia trưởng trước tiên phải làm mới lại đời sống bí tích nơi mình và gia đình mình; bằng việc siêng năng tham dự thánh lễ, rước lễ, giữ mình sạch tội, thường xuyên lãnh bí tích giao hòa, sống ơn thánh Bí Tích Thêm Sức bằng việc đặt mình trước ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhớ tâm hồn mình, thân xác mình là đền thờ của Thiên Chúa…

- Chính các gia trưởng trước tiên phải làm mới lại đời sống kinh nguyện trong gia đình: cùng gia đình đọc kinh sớm tối, đọc kinh trước sau bữa ăn, đọc kinh trước mỗi công việc, dạy vợ con biết nhớ đến Chúa và dâng lời nguyện tắt mọi lúc mọi nơi…
- Chính các gia trưởng trước tiên phải làm mới lại đời sống đức bác ái công giáo ngay trong gia đình mình, biết tỏ lòng thương xót với vợ con, biết khoan dung tha thứ, ân cần dịu hiền, và nhất là sống đời khiêm nhượng, hiền lành, lịch sự hòa nhã với nhau…

-chính các gia trưởng trước tiên phải làm mới lại đời sống hạnh phúc hôn nhân gia đình, làm mới lại lòng yêu thương và tính trách nhiệm của người cha gia đình. Cương quyết không giữ tư thế gia trưởng, chủ nghĩa cá nhân, kiêu căng, ích kỹ, vũ phu, nóng giận, quát tháo….

Vâng, không ai cho điều mình không có. Vì thế trước tiên một gia trưởng phải thực gương mẫu, một gia đình gương mẫu dể có thể làm chứng cho một gia đình hạnh phúc trước mặt mọi người.

Sau đó:

- Tất cả những đau khổ, những thương tích nơi các gia đình do chủ quan gây ra, đều có thể được chữa lành, nhờ ý hướng phục thiện của các gia trưởng, nhờ quyết tâm loại trừ những nếp sống cũ, tối tăm, xấu xa, quyết tâm loại trừ những tính hư tật xấu của các gia trưởng, nhờ quyết tâm đổi mới của các gia trưởng.

Còn những đau khổ thương tích khách quan do hoàn cảnh, do môi trường…
- Các gia trưởng của những gia đình hãy liên kết với nhau thành những nhóm nhỏ, gọi là cộng đồng cơ bản “communité de base”, để giúp nhau vượt qua những đau khổ, những thương tích đời thường, bằng kinh nguyện, bằng sẻ chia, bằng an ủi, băng nâng đỡ, bằng việc dùng lời lành, gương lành mà giúp nhau thắng vượt những thách đố. Đến với nhau không phải để uống rượu uống chè, nhưng nếu có thì cũng nên giữ mức hạn vừa phải để còn nhắm đến mục đích cao cả hơn là “giúp nhau nên thánh”, “giúp nhau vượt qua những cảnh đời bi đát”.

- Các gia trưởng nơi các gia đình hãy mạnh dạn chia sẻ, làm chứng cho các gia trưởng khác về đời sống đức tin cậy mến của mình, để các gia trưởng khác có thể vững vàng cậy trông tín thác vào Chúa mà xây dựng gia đình nên một tổ ấm yêu thương và bình an.

-các gia trưởng cộng tác với các ban họ, ban chị họ ban giáo họ, để kịp thời tiên liệu, nhận ra những sự dữ hòng đến cho một gia đình trong xóm làng, trong chi họ, trong giáo xứ chúng ta, để có thể cùng với cha xứ, kịp thời khuyên lơn, ngăn cản, khi hãy còn chưa quá muộn.

- Các gia trưởng tập sống đoàn kết thương yêu nhau, khiêm nhường lắng nghe nhau, khiêm nhường nhận ra điều thiếu sót của mình, khiêm nhường đón nhận lòng tốt ý hướng tốt của anh em, và nhất là khiêm nhường làm lại cuộc đời mình nên tốt hơn mỗi ngày.

Thưa anh em,

Ước gì mỗi chúng ta sẽ luôn suy gẫm về Hồng Ân Thương Xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta,

- để chúng ta Chiêm Ngưỡng mà Tạ ơn Ngài mọi lúc mọi nơi
- để chúng ta Mở lòng ra mà đón nhận Hồng Ân Thương Xót
- và để chúng ta Mặc Lấy Lòng Thương Xót của Chúa mà sống trong gia đình mình, và làm chứng cho các gia đình khác, bằng một cuộc sống đầy tình xót thương.

Chúc anh em vui sống trong lòng thương xót của Chúa và vui sống trong lòng thương xót của chính anh em.

Thân chào anh em.

Lm. Phê-rô Nguễn Xuân Anh

TĐD - Gp. Phan Thiết

Câu hỏi thảo luận:

1. Chúng ta có cần đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không?
2. Tìm đâu ra Lòng Thương Xót của Chúa trong lúc này

Read 714 times Last modified on Thứ hai, 09 Tháng 5 2016 14:51