Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 10 Tháng 11 2016 17:57

Bài thuyết trình của ĐGM Giu-se Đặng Đức Ngân- Bài 4:Người Kitô hữu-Dấu Chỉ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bài thuyết trình của ĐGM Giu-se Đặng Đức Ngân- Bài 4:Người Kitô hữu-Dấu Chỉ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa

Bài 4: NGƯỜI KITÔ HỮU –DẤU CHỈ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA

Tin Mừng (Ga 15:4-8):
Anh em hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Ðiều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

Là người đứng đầu, phụ trách giáo xứ, việc chúng ta đọc lại giáo huấn của Giáo Hội về người giáo dân là một điều rất chính đáng và phải đạo. Nếu chúng ta không biết rõ, ý thức đủ về vị trí của người giáo dân, chúng ta làm sao có thể thúc đẩy, hướng dẫn mọi người sống tròn đầy ơn gọi của mình. Do đó, trong bài chia sẻ này, tôi mời gọi chúng ta cùng đọc lại tông huấn Christifideles Laici- Kitô hữu giáo dân để rút ra những điểm chính yếu về vai trò của người Kitô hữu giáo dân theo cái nhìn của Giáo Hội.

Giáo dân trong Giáo Hội
Tông huấn Christifideles Laici- Kitô hữu giáo dân trình bày cho chúng ta dung mạo người giáo dân trong Giáo Hội. Khởi đi từ lời Đức Kitô khi Người dùng hình ảnh cây nho để nói đến sự kết hợp nên một trong Người của những ai tin vào Người, theo đó, người giáo dân không chỉ là người thợ trong vườn nho, nhưng đích xác hơn, đúng hơn, họ là chi thể, là tế bào của cây nho; và nếu xét trên phương diện giáo hội học, họ là thành phần của Giáo Hội, là Giáo Hội (CL, ch. I)

Số 8. Hình ảnh cây nho trong Thánh Kinh được dùng nhiều cách và nhiều ý nghĩa. Đặc biệt nó được dùng để diễn tả mầu nhiệm Dân Chúa. Theo ý nghĩa này, người giáo dân không chỉ là những người thợ làm việc trong vườn nho, nhưng họ là một phần tử cây nho. Chúa nói: "Ta là cây nho, các con là cành" (Jn.15.5). […] Người giáo dân chỉ nhận diện mình, nhận chân bản tính nguyên thủy của mình bên trong mầu nhiệm của Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông ơn gọi cũng như sứ mệnh trong Giáo Hội và thế giới của người giáo dân cũng chỉ định nghĩa được bên trong phẩm giá này.

Số 9. Để trả lời câu hỏi người tín hữu giáo dân là ai, Công Đồng […] còn thêm: "Danh hiệu Giáo dân có nghĩa là tất cả các Kitô hữu không thuộc thành phần chức thánh hay bậc tu trì được Giáo Hội công nhận, nghĩa là các Kitô hữu đã được rửa tội sáp nhập vào thân thể Chúa Kitô, được nhập tịch Dân Chúa, được trở thành kẻ tham gia theo cách của mình vào chức vụ tư tế, chức vụ rao giảng Lời Chúa và chức vụ vương giả của Chúa Kitô, họ là những người thi hành sứ mệnh của toàn dân Kitô hữu trong Giáo Hội và giữa trần thế theo nhiệm vụ riêng của mình.

Đức Piô thứ XII đã quả quyết: "Các tín hữu nói một cách rộng hơn, là các giáo dân là kẻ đứng ở mặt trận tiền phong trong đời sống của Giáo Hội. Nhờ họ, Giáo Hội trở nên nguyên lý sự sống cho xã hội loài người. Vì thế, chính họ phải ý thức ngày càng rõ rệt là họ không những thuộc về Giáo Hội mà là Giáo Hội, nghĩa là cộng đồng các tín hữu trên mặt đất, dưới sự hướng dẫn của vị thủ lãnh chung là Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục hiệp thông với Ngài. Họ là Giáo Hội".

Theo niên giám của Giáo Hội được công bố ngày 04.10.2016 cho biết, tính đến cuối năm 2014, Giáo Hội chúng ta có: tổng số tín hữu là 1.272.281.000 (một tỷ hai trăm bảy mươi hai triệu, hai trăm tám mươi mốt triệu người); trong đó có 5.237 GM; 415.792 LM; 44.566 phó tế vĩnh viễn; 54.559 (-) nam tu; 682.729 (-) nữ tu; và 116.939 (-) đại chủng sinh. Vậy nếu chúng ta thực hiện một phép tính dựa trên những con số này, ta thấy:
Tỷ lệ số GM, LM, phó tế vĩnh viễn, tu huynh, nữ tu, đại chủng sinh so với tổng số dân Công Giáo là 0.00101. Nói khác đi, trong 1000 người, mới có 1 người sống đời tu trì.
Tỷ lệ số GM, LM trên tổng số giáo dân thì sao? Chắc chắn càng ít hơn. Tỷ lệ là 0.000335, nghĩa là trong 10 ngàn người, mới có khoảng hơn 3 người làm LM hay GM.

Những tỷ lệ này cộng với khẳng định của Đức Piô XII vừa được trích dẫn, ta thấy diện mạo của người giáo dân thật vĩ đại, vai trò của họ thật to lớn và mang tính sống còn cho sứ mạng của Giáo Hội. Vì như chúng ta vừa nghe, họ là những người đứng ở đầu chiến tuyến của đời sống Giáo Hội và qua họ, Giáo Hội trở nên nguyên lý sự sống cho xã hội loài người.

Đây là điều anh em linh mục chúng ta cần phải nhớ và ý thức cho đủ. Là những người lãnh đạo, đứng đầu cộng đoàn, những công việc mục vụ nhiều khi làm cho chúng ta tưởng rằng chúng ta là những người chiếm vị trí số 1 trong đời sống của Giáo Hội. Đúng ra, chúng ta là những người được kêu gọi và cất nhắc lên từ giữa lòng dân Chúa để phục vụ dân Chúa trên phương diện mục vụ bí tích, hướng dẫn thiêng liêng, … Chúng ta cũng chỉ là một phần tử trong Dân Thánh. Những người đang chiến đấu, đang sống thực thi và làm chứng cho giá trị Tin Mừng và giáo huấn của Đức Giêsu qua Giáo Hội là anh chị em giáo dân. Từng ngày, từng giờ, từng phút họ phải chiến đấu trong cuộc chiến thiêng liêng để sống đúng giá trị Tin Mừng trong chính cuộc sống đầy thử thách, cạm bẫy của cuộc sống. Linh mục chúng ta chưa phải chiến đấu cực khổ như các anh chị em giáo dân, những người mà nhiều khi chưa được chúng ta đón nhận và tôn trọng cho đủ.

Được mời gọi thánh hóa thế giới
Trước hết, chúng ta biết rằng Giáo Hội có sứ mạng mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho muôn người. Mọi thành phần của Giáo Hội đều chia sẻ sứ mạng đó, anh chị em giáo dân cũng vậy, không ngoại lệ. Tuy nhiên, sự tham dự vào sứ mạng của người giáo dân mang một nét đặc thù riêng. Số 15 của tông huấn dạy chúng ta:
Nhờ phẩm giá chung do phép Rửa Tội, người tín hữu giáo dân là người đồng trách nhiệm với tất cả các thừa tác viên có chức thánh, với các tu sĩ nam nữ, đối với sứ mệnh của Giáo Hội.

Nhưng phẩm giá chung do phép Rửa Tội nơi người tín hữu giáo dân có một hình thái làm cho họ khác biệt, nhưng không chia cách họ khỏi linh mục và tu sĩ. Công Đồng Vaticanô II đã diễn tả hình thái này chủ tại trong tính cách trần thế. Tính cách trần thế là đặc tính riêng biệt của giáo dân.

Số 15 của Tông huấn tiếp tục nói với chúng ta rằng dù đặc tính trần thế là đặc tính nằm ở tận bản tính thâm sâu của Giáo Hội, bởi vì nó được cắm rễ sâu trong mầu nhiệm Nhập Thể, nhưng Giáo Hội không thuộc về trần thế. Giáo Hội được sai đi để tiếp nối công trình Cứu Chuộc của Đức Kitô. Công trình này chính là mang lại ơn cứu rỗi cho con người và canh tân những trật tự thế giới.

Như vậy, đối với anh chị em giáo dân, trần thế là nơi họ được Thiên Chúa mời gọi và là nơi họ mang ơn cứu độ của Thiên Chúa cho anh chị em, trong chính đặc tính trần thế của mình.

Tiếp theo số 15 của Tông huấn:
“Dĩ nhiên mọi thành phần của Giáo Hội đều phải tham gia vào lãnh vực trần thế của Giáo Hội, nhưng bằng những cách thế khác nhau. Đặc biệt sự tham gia của người giáo dân có một hình thái thực hiện và chức vụ "riêng rẽ và đặc biệt" theo như Công Đồng phân tích. Chính những hình thái này đã được gọi là "tính cách trần thế." Trong thực tế, khi Công Đồng nói về thân thế của các tín hứu giáo dân, thì trước tiên chỉ thân thế ấy như nơi chỗ họ được Thiên Chúa gọi: "Đó là nơi họ được gọi". Đó là "nơi" được trình bày với từ ngữ có nghĩa hoạt động, các tín hữu giáo dân "sống giữa đời, nghĩa là dấn thân vào đủ mọi nghĩa vụ và công tác của trần thế, trong những điều kiện thường nhật của đời sống gia đình và xã hội đã tạo nên." Đó là những con người đang sống một đời sống thông thường giữa thế giới, đang học hành, đang làm việc, đang tạo nên những tình bạn, những tương giao xã hội, nghề nghiệp, văn hóa. […]

Như vậy, "thế giới ", đã trở nên môi trường và phương thế cho ơn gọi Kitô hữu của người tín hữu giáo dân, vì chính trần thế được chỉ định để tôn vinh Chúa Cha trong Đức Kitô. […] Họ không phải được kêu gọi để bỏ vị trí của mình giữa thế giới. […] Các tín hữu giáo dân "được gọi, để nhờ sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, họ hành động như men dậy từ bên trong, để thánh hóa thế giới bằng việc thực thi các nhiệm vụ của mình. Như thế họ có thể đem Chúa Kitô đến cho kẻ khác bằng chứng tá của một đời sống sáng chói Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến." […] Thiên Chúa muốn biểu lộ ý định của Ngài và thông ban cho họ ơn gọi đặc biệt là "tìm Nước Thiên Chúa bằng cách quản lý các thực tại trần thế”.

Như thế, sứ mạng thánh hóa thế giới của người giáo dân càng quan trọng. Sứ mạng đó càng có ý nghĩa hơn khi người giáo dân thánh hóa trần thế bằng Lòng Thương Xót, điều không kết thúc khi năm thánh kết thúc. Bởi lẽ, trần gian là cung thánh của họ, là nơi họ thánh hiến trần gian cho Thiên Chúa bằng chính Lòng Thương Xót mà họ thủ đắc được. Đây chính là linh đạo, con đường nên thánh của người giáo dân: “được thánh hóa và thánh hóa” hay nói khác đi “được thương xót và thương xót”.

Được thương xót
ĐTC Phanxico nhắc nhớ chúng ta: “Lòng Thương Xót là tiêu chuẩn, mà nhờ đó người ta nhận ra những ai thực sự là con Thiên Chúa. Như vậy, chúng ta được kêu gọi để thực thi Lòng Thương Xót, bởi chính Lòng Thương Xót cũng đã được biểu lộ với chúng ta rồi” (Tông sắc năm Lòng Thương Xót, số 9). Và quả thật, chúng ta chỉ có thể thương xót khi chính mình cảm nghiệm được mình được xót thương.

Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II trong tông huấn người Kitô hữu giáo dân đã diễn giải khía cạnh này khi ngài viết: “Ơn gọi nên thánh phải được người tín hữu giáo dân nhận thức và sống, không phải như một bổn phận đòi hỏi và không thể lẫn tránh, nhưng một dấu chỉ chói sáng của tình yêu vô biên của Chúa Cha là Đấng đã tái sinh họ trong đời sống thánh thiện” (số 17). Như thế, việc người Kitô hữu có thể thánh hóa thế giới, có thể thi hành lòng thương xót là vì TC đã đi bước trước đối với họ -TC đã thương xót, đã thánh hóa con người - và giờ đây, con người cũng phải thực thi việc thánh hóa, thương xót nhau. Đó chính là sứ mạng và ơn gọi của họ.

Do đó, sau khi trải qua “Năm Thánh như là một khoảnh khắc ân sủng đặc biệt cũng như là khoảnh khắc của sự canh tân thiêng liêng” (Tông sắc năm Lòng Thương Xót, số 3), người Kitô hữu tiếp tục sống thời gian ân sủng đó để mọi Kitô hữu luôn sống lại và sống tròn hảo tình thương, lòng thương xót mà TC dành cho chính mình. Việc này đòi buộc mỗi người, đặt mình trước Thiên Chúa, phải đi vào trong chính thực tại của cuộc đời mình, nhìn vào chính mình một cách thật thà nhất để khám phá ra ân sủng, tình thương của Thiên Chúa dành mình, nói khác đi là khám phá ra mình luôn được Thiên Chúa thương xót. Đây cũng là sự mong mỏi của vị cha chung của Giáo Hội hiện nay: “Ước chi tất cả mọi người, cả các tín hữu lẫn những người đang đứng xa đều có thể trải nghiệm về dầu thơm Lòng Thương Xót” (Tông sắc năm Lòng Thương Xót, số 5). Để một khi có thể cảm nghiệm được Lòng Thương Xót, chúng ta thủ đắc và làm cho Lòng Thương Xót trở nên phong cách sống của bản thân (x. Tông sắc Lòng Thương Xót, số 13). Chắc chắn, một khi Lòng Thương Xót trở nên lối sống của chúng ta, mọi hành vi (tư tưởng, lời nói, việc làm) của chúng ta sẽ mãi luôn là Thương Xót và Thương Xót mà thôi.

Thương xót
ĐTC Phanxico (trong Tông sắc năm thánh Lòng Thương Xót) đã mời gọi các Kitô hữu nói chung, và cách riêng là các anh chị em giáo dân – trong ơn gọi trần thế của mình - hãy sống, hãy thánh hóa thế giới qua việc suy tư và sống các công việc của Lòng Thương Xót (thương người có mười bốn mối) để chữa lành, xoa dịu những vết thương của những con người bị loại trừ bên lề xã hội:
“Đang có biết bao nhiêu là những trạng huống hiểm nghèo, cũng như đang có biết bao nhiêu là những nỗi khổ đau trong thế giới chúng ta! Có biết bao nhiêu là những vết thương đang bị làm trầy xước nơi thân xác của rất nhiều con người mà họ không có được tiếng nói nữa, vì tiếng kêu của họ đã trở nên yếu ớt hay đã hoàn toàn bị ngưng bặt chỉ vì sự thờ ơ lãnh đạm của những dân tộc giầu có. Trong Năm Toàn Xá này, Giáo Hội còn được mời gọi hơn nữa trong việc chữa trị những vết thương ấy, hầu xoa dịu những vết thương ấy bằng dầu ủi an, băng bó những vết thương ấy bằng Lòng Thương Xót, và chữa lành những vết thương ấy bằng tình liên đới và sự kính trọng có tính bổn phận. Chúng ta đừng sa vào thái độ thờ ơ lãnh đạm, tức thái độ hạ thấp nhân phẩm, đừng rơi vào trong thói quen đánh mất cảm xúc mà nó ngăn cản việc khám phá ra một cái gì đó mới mẻ, đừng rơi vào thói cay độc vì nó hủy hoại tất cả. […] Cha mong muốn một cách khẩn khoản rằng, trong năm Toàn Xá này, các Kitô hữu sẽ suy tư về các công việc của Lòng Thương Xót: Thương Người Có Mười Bốn Mối. […] Chúng ta hãy tái khám phá ra những công việc của Lòng Thương Xót đối với thân xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, chôn xác kẻ chết, chuộc kẻ làm tôi. Và chúng ta cũng đừng quên những công việc của Lòng Thương Xót đối với linh hồn: lấy lời lành mà khuyên người, dạy dỗ kẻ ngu muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết” (số 15).

Quả thật, chỉ có anh chị em giáo dân, những tông đồ giữa trần thế, mới có thể đi sâu, đi sát và khám phá ra những người đang đau khổ, đang cần đến sự quan tâm của mọi người. Kinh nghiệm mục vụ đã minh chứng điều đó. Chính anh chị em giáo dân, trong chính cuộc sống của mình, đã khám phá và đi trước linh mục chúng ta trong việc đến với những người khó khăn, đau khổ. Một khi họ cộng tác trong việc mục vụ, anh chị em giáo dân sẽ năng động và hữu hiệu hơn chúng ta, vì lẽ ơn gọi của họ là ở giữa đời. Chúng ta cần đến những dấu chỉ, những công cụ của Lòng Thương Xót đó. Rất nhiều các sáng kiến, các nỗ lực tông đồ của các anh chị em giáo dân, trong các hiệp hội tông đồ, đã làm lan tỏa Lòng Thương Xót khi thực thi các công việc Thương Người Có 14 Mối (VD: các phong trào Legio Mariae; Cursilo; … hay sự phát triển đạo Công giáo tại Hàn quốc, bắt đầu bởi người giáo dân, …)

Vì vậy, “các hình ảnh trong Tin Mừng về muối, ánh sáng và men, mặc dầu áp dụng cho mọi môn đệ của Đức Giêsu, không phân biệt ai, thế nhưng chúng được áp dụng một cách hoàn toàn đặc biệt cho giáo dân. Đó là những hình ảnh có ý nghĩa lạ lùng, bởi vì không những chúng diễn tả sự tháp nhập cách sâu xa và sự tham dự trọn vẹn của giáo dân trên trái đất vào trần gian, vào cộng đồng nhân loại, nhưng nhất là diễn tả sự mới mẻ và độc đáo của một sự hội nhập và một sự tham dự hướng đến việc phổ biến Tin Mừng cứu độ” (CL 8).

Đức Thánh Cha Phanxico đã nhắc lại trong Evangelii Nutiandi tư tưởng của Chân Phước GH Phaolo VI: “Người đương thời sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dạy, bởi vì chính các thầy dạy cũng là những chứng nhân” (41)

Trong một bài giảng cho các chứng nhân lòng thương xót: ĐTC mời gọi “Tin Mừng là cuốn sách của lòng thương xót của Thiên Chúa, cần đọc đi đọc lại, bởi vì những gì Chúa Giêsu đã nói và làm diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Nhưng không phải tất cả đều đã được viết; Tin Mừng Lòng Thương Xót là môt cuốn sách rộng mở, nơi được tiếp tục viết các dấu chỉ của các môn đệ Chúa Kitô, các cử chỉ cụ thể của tình yêu là chứng tá tốt đẹp nhất của lòng thương xót. Chúng ta tất cả đều được mời gọi trở thành những người viết sống động của Tin Mừng, trở thành những người đem Tin Mừng tới cho mọi người nam nữ ngày nay. Chúng ta có thể làm điều đó, khi thực hiện các công việc của lòng thương xót thể lý và tinh thần, là kiểu sống của cuộc đời kitô. Qua các cử chỉ đơn sơ và mạnh mẽ, đôi khi vô hình đó, chúng ta có thế thăm viếng những người có nhu cầu, bằng cách đem đến cho họ sự dịu hiền và ủi an của Thiên Chúa. Và như thế chúng ta tiếp tục điều Chúa Giêsu đã làm trong ngày Phục Sinh, khi Ngài đổ vào con tim các môn đệ đang sợ hãi lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, và ban cho các vị Chúa Thánh Thần, tha thứ tội lỗi và trao ban niềm vui.

Tuy nhiên, trong trình thuật Phúc Âm chúng ta cũng tìm thấy sự mâu thuẫn hiển nhiên: một đàng là sự sợ hãi của các môn đệ đóng kín cửa nhà; đàng khác là sứ mệnh đến từ Chúa Giêsu, là Đấng gửi họ vào lòng thế giới để loan báo ơn tha thứ. Sự mâu thuẫn này cũng có thể có nơi chúng ta, một cuộc chiến nội tâm giữa sự đóng kín con tim và lời mời gọi của tình yêu mở rộng cửa và đi ra khỏi chính mình. Chúa Kitô, Đấng vì tình yêu, đã vào qua các cửa đóng kín của tội lỗi, cái chết và âm phủ, cũng ước ao vào từng người trong chúng ta để mở toang các cánh cửa đóng kín của con tim chúng ta. Với sự phục sinh Ngài đã chiến thắng sự sợ hãi giam cầm chúng ta, Ngài muốn mở toang các cánh cửa đóng kín của chúng ta và gửi chúng ta ra đi. Con đường, mà vị Thầy phục sinh chỉ cho chúng ta, chỉ có một chiều: ra khỏi chính mình để làm chứng cho sức mạnh chữa lành của tình yêu, mà Ngài đã chinh phục cho chúng ta. Chúng ta thường thấy trước mắt một nhân loại bị thương tích và sợ hãi, một nhân loại mang trên mình các vết thương của khổ đau và không chắc chắn. Trước tiếng kêu đau đớn của lòng thương xót và hoà bình, hôm nay chúng ta cũng cảm thấy lời mời gọi được hướng tới từng người trong chúng ta, mời gọi tin tưởng nơi Chúa Giêsu: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (c. 21).

ĐỀ NGHỊ
Thứ nhất, chúng ta hãy giúp anh chị em giáo dân ý thức được việc cử hành hy tế Tạ Ơn cách sống động trong Phụng Vụ và trong chính đời sống thường ngày. Với những lao nhọc, hy sinh, vất vả khi sống đúng với giá trị Tin Mừng, họ đang cử hành hy tế Tạ Ơn, đang thực thi Lòng Thương Xót cách sống động nơi môi trường của mình; để rồi, với hy tế Tạ Ơn trong Phụng vụ, một lần nữa, họ tri ân Thiên Chúa về tình thương, Lòng Thương Xót mà Ngài dành cho họ, và đồng thời họ tín thác và trao dâng cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa tất cả những ưu tư, bận tâm, niềm vui, nỗi buồn của kiếp người trong đĩa và chén Thánh mà linh mục dâng trên bàn thờ.

Thứ hai, đối với chính bản thân chúng ta, trong khi mục vụ, chúng ta hãy ý thức giới hạn của bản thân. Chúng ta đừng tưởng hay cho rằng mình là đấng toàn năng, một siêu nhân có thể làm được tất cả mà không cần đến sự cộng tác của anh chị em giáo dân. Chúng ta mời gọi anh chị em giáo dân tham gia vào công việc mục vụ để giúp Giáo Hội loan báo Lòng Thương Xót theo khả năng và ơn gọi của mình. Đây không phải là một ân ban của chúng ta dành cho anh chị em giáo dân. Trước hết, đó là bổn phận của chúng ta phải cộng tác với người giáo dân vì chúng ta cùng với người giáo dân làm nên một đoàn dân duy nhất – Dân Thiên Chúa. Và kế đến, đó là quyền của người giáo dân xuất phát từ chính ơn gọi của họ.


gpbamethuot.vn

Read 2326 times Last modified on Thứ bảy, 12 Tháng 11 2016 08:18