Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 06 Tháng 6 2012 19:35

Lẽ Sống Tháng Sáu ( tiếp)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
 Xin gởi tới quý độc giả 30 mẫu chuyện ngắn tương ứng với ba mươi ngày trong tháng 6, tháng kính Thánh Tâm Chúa GiêSu, mỗi ngày đọc một chuyện để suy niệm trong tháng nầy.

16 Tháng Sáu

Hãy Đến Với Ta

Tại Roma có một ngôi thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis, nghĩa là Chúa ở dưới nước... Du khách đến Roma thường đến viếng thăm ngôi thánh đường này, vì phía trên bàn thờ, có một tượng thánh giá rất đặc biệt: bất cứ ai đến quỳ trước tượng thánh giá và cầu nguyện với tất cả thành tâm đều nhận được sức mạnh và niềm an ủi thâm sâu...
Người ta kể lại rằng tác giả của tượng thánh giá bằng cẩm thạch này đã mát rất nhiều năm mới hoàn thành được tác phẩm. Hơn hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên để ngắm nhìn, ông lại cho kéo xuống và đập phá đi vì ông cho rằng tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được điều ông mong muốn...
Sau nhiều năm bỏ dở, ông lại bắt tay vào công trình lần thứ ba. Nhưng chính lúc ông miệt mài chú tâm vào công việc thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách nhất. Nhiều người ganh tỵ nên tìm cách hạ uy tín của ông. Vợ con ông qua đời trong những hoàn cảnh thật đau thương. Người nghệ sĩ chỉ còn biết kêu cầu xin Chúa giúp ông chịu đựng được mọi gian lao thử thách.
Ai cũng tưởng rằng cơn thử thách đã khiến ông bỏ cuộc. Trái lại, ông càng miệt mài chú tâm vào công trình. Người nghệ sĩ dồn tất cả niềm đau của mình lên khuôn mặt của Đức Kitô. Bức tượng của Chúa Giêsu trên thập giá không là một phiến đá lạnh lùng, xa lạ, mà trở thành niềm đau đậm nét của một tâm hồn. Bức tượng đã trở nên sống động và có sức thu hút do chính tâm tình mà người nghệ sĩ đã muốn tháp thập vào đó.
"Hỡi tất cả những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho".
Lời mời gọi trên đây của Chúa Giêsu hẳn phải đem lại cho chúng ta an ủi đỡ nâng, nhất là trong những lúc chúng ta gặp đau khổ, thử thách. Chúa Giêsu như muốn nói với chúng ta rằng Ngài đang có đó, Ngài có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta, Ngài mang lấy tất cả những sầu đau, buồn tủi của chúng ta. Mãi mãi, Ngài vẫn là Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Mãi mãi, Ngài đến với chúng ta như đến với những người phong hủi, những kẻ bệnh tật, kẻ tội lỗi, phường thu thuế... Ngài đón nhận tất cả mọi khổ nhọc, khó khăn của chúng ta. Và bởi vì Ngài mang lấy mọi khổ đau của con người, cho nên Ngài cũng tự đồng hóa với con người, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh. Trên những khuôn mặt gần như không còn hình tượng của con người nữa, chúng ta phải nhận diện được chính Ngài. Ngài đã từng nói với chúng ta: "Ai cho những kẻ bé mọn nhất, dù chỉ một chén nước lã thôi, họ đã cho chính Ta vậy".
Trút lên Ngài tất cả gánh nặng của khổ đau, được ngài nâng đỡ bổ sức, chúng ta cũng hãy mang lại an ủi đỡ nâng cho mọi người xung quanh. Sự đau khổ nào cũng có sức liên kết con người. Kết hiệp với Đức Kitô trên thập giá, chúng ta cũng dễ dàng liên đới, cảm thông với mọi người đang đau khổ...

16 Tháng Sáu
Hãy Đến Với Ta

Tại Roma có một ngôi thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis, nghĩa là Chúa ở dưới nước... Du khách đến Roma thường đến viếng thăm ngôi thánh đường này, vì phía trên bàn thờ, có một tượng thánh giá rất đặc biệt: bất cứ ai đến quỳ trước tượng thánh giá và cầu nguyện với tất cả thành tâm đều nhận được sức mạnh và niềm an ủi thâm sâu...
Người ta kể lại rằng tác giả của tượng thánh giá bằng cẩm thạch này đã mát rất nhiều năm mới hoàn thành được tác phẩm. Hơn hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên để ngắm nhìn, ông lại cho kéo xuống và đập phá đi vì ông cho rằng tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được điều ông mong muốn...
Sau nhiều năm bỏ dở, ông lại bắt tay vào công trình lần thứ ba. Nhưng chính lúc ông miệt mài chú tâm vào công việc thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách nhất. Nhiều người ganh tỵ nên tìm cách hạ uy tín của ông. Vợ con ông qua đời trong những hoàn cảnh thật đau thương. Người nghệ sĩ chỉ còn biết kêu cầu xin Chúa giúp ông chịu đựng được mọi gian lao thử thách.
Ai cũng tưởng rằng cơn thử thách đã khiến ông bỏ cuộc. Trái lại, ông càng miệt mài chú tâm vào công trình. Người nghệ sĩ dồn tất cả niềm đau của mình lên khuôn mặt của Đức Kitô. Bức tượng của Chúa Giêsu trên thập giá không là một phiến đá lạnh lùng, xa lạ, mà trở thành niềm đau đậm nét của một tâm hồn. Bức tượng đã trở nên sống động và có sức thu hút do chính tâm tình mà người nghệ sĩ đã muốn tháp thập vào đó.
"Hỡi tất cả những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho".
Lời mời gọi trên đây của Chúa Giêsu hẳn phải đem lại cho chúng ta an ủi đỡ nâng, nhất là trong những lúc chúng ta gặp đau khổ, thử thách. Chúa Giêsu như muốn nói với chúng ta rằng Ngài đang có đó, Ngài có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta, Ngài mang lấy tất cả những sầu đau, buồn tủi của chúng ta. Mãi mãi, Ngài vẫn là Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Mãi mãi, Ngài đến với chúng ta như đến với những người phong hủi, những kẻ bệnh tật, kẻ tội lỗi, phường thu thuế... Ngài đón nhận tất cả mọi khổ nhọc, khó khăn của chúng ta. Và bởi vì Ngài mang lấy mọi khổ đau của con người, cho nên Ngài cũng tự đồng hóa với con người, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh. Trên những khuôn mặt gần như không còn hình tượng của con người nữa, chúng ta phải nhận diện được chính Ngài. Ngài đã từng nói với chúng ta: "Ai cho những kẻ bé mọn nhất, dù chỉ một chén nước lã thôi, họ đã cho chính Ta vậy".
Trút lên Ngài tất cả gánh nặng của khổ đau, được ngài nâng đỡ bổ sức, chúng ta cũng hãy mang lại an ủi đỡ nâng cho mọi người xung quanh. Sự đau khổ nào cũng có sức liên kết con người. Kết hiệp với Đức Kitô trên thập giá, chúng ta cũng dễ dàng liên đới, cảm thông với mọi người đang đau khổ...

17 Tháng Sáu
Đời Vẫn Có Ý Nghĩa

Một tác giả người Thụy Điển đã tưởng tượng ra một cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra giữa các dân cư sinh sống tại một khu rừng nọ. Đề tài của cuộc tranh luận là: Đâu là ý nghĩa của cuộc sống?...
Kẻ kên tiếng phát biểu ý kiến đầu tiên không ai khác hơn là chú chim họa mi suốt ngày chỉ biết ca hát líu lo. Chú khẳng định rằng: "Đời là một cuộc ca hát không ngừng". Một chú chuột chũi phản pháo tức khắc.
Theo chú: "Đời là một cuộc tranh đấu không ngừng để chống lại bóng tối". Con bướm có đôi cánh sặc sỡ thốt lên: "Đời là vui chơi và hạnh phúc". Con ong đang miệt mài tìm mật bên mấy cánh hoa không tán thành ý kiến ấy chút nào. Nó bảo rằng: "Đời là một cuộc lao động vất vả". Con kiến cũng nhất trí với con ong để chỉ thấy rằng đời là lao động. Từ trên cao, một con phượng hoàng cũng góp ý kiến: "Đời là tự do". Đó là ý kiến của động vật.
Các thảo mộc cũng không thiếu ý kiến để đóng góp. Cây thông cao sừng sững giữa rừng hoàn toàn tán thành ý kiến của con phượng hoàng: "Đời là tự do". Một cánh hoa dại giữa rừng thì lại hùa theo con ong và con kiến để khẳng định rằng đời chỉ là lao động vất vả. Cánh hoa hồng thì lại đồng quan điểm với con bướm để cho rằng đời là hạnh phúc và vui tươi.
Thế giới vô tri cũng lên tiếng phát biểu. Một đám mây đen ngao ngán thốt lên: "Đời chỉ là đắng cay và nước mắt". Một dòng sông hiền hòa trôi chảy cũng nhận định: "Đời là một dòng nước chảy không ngừng". 
Lời phát biểu cuối cùng nhưng cũng là ý kiến tổng kết của cuộc tranh luận là tiếng chuông từ một giáo đường bên cạnh khu rừng. Thật thế, tiếng chuông ấy ngân lên những lời như sau: "Tất cả những lời phát biểu của quí vị đều đúng cả. Đời là hòa bình, đời là ca hát, đời là vui tươi, đời là tranh đấu, đời là bể khổ, đời là đắng cay, nhưng tất cả đều tươi nở trong lòng người nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần".
Tôi bởi đâu mà đến? Tôi sẽ đi về đâu? Tại sao tôi đau khổ? Đó là những câu hỏi lớn nhất mà một lúc nào đó trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh né được.
Cám ơn Chúa vì đã cho chúng ta giải đáp trong chính Chúa Giêsu Kitô. Chính Ngài là Ánh Sáng chiếu rọi trên bí ẩn của cuộc đời cũng như trên chính Mầu Nhiệm của con người. Công đồng Vatcican II trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng đã nói với chúng ta rằng huyền nhiệm của con người chỉ có thể được sáng tỏ trong chính Mầu Nhiệm của Ngôi Hai Nhập Thể.
Chúng ta chỉ có thể tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi lớn của cuộc sống bằng cách nhìn vào Đức Giêsu Kitô. Quả thật, Ngài đã sống kiếp con người như mọi người. Nhưng chính khi tiếp nhận mọi mùi vị của cuộc sống, Ngài đã mặc lấy cho cuộc sống một ý nghĩa, một hướng đi.
Cuộc sống có ngọt bùi, đắng cay, chua sót, cuộc sống có lao động, tranh đấu hay thảnh thơi... Tất cả đều mang lấy một ý nghĩa. Trong Chúa Giêsu, mất mát trở thành thắng lợi, thua thiệt trở thành cơ may, đau khổ trở thành dịu ngọt, cái chết trở thành khởi đầu của sự sống.
Nếu chúng ta đón nhận cuộc đời này bằng với cái nhìn ấy, thì quả thực không một thử thách, mất mát, đau khổ nào khiến chúng ta thất vọng. Với Quyền Lực của Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, những bể khổ, những đắng, cay chua xót của cuộc sống đều có thể nở hoa, những niềm vui nhỏ ấy sẽ mang lấy chiều kích vĩnh hằng, những việc làm vô danh thường ngày sẽ mang lấy giá trị vĩnh cửu.

18 Tháng Sáu
Tạ ơn Chúa

Thi sĩ Lamartine của Pháp có kể lại một giai thoại như sau: Một hôm, tình cờ đi qua một khu rừng, ông nghe một âm thanh kỳ lạ. Cứ sau mỗi tiếng búa gõ vào đá lại vang lên một tiếng "Cám ơn". Đến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ mới nhận thấy một người thợ đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ vào phiến đá, ông lại thốt lên "Cám ơn'.
Thi sĩ Lamartine mới nấn ná đến trò chuuyện, người thợ đập đá giải thích: "Tôi cảm ơn Chúa". Ngạc nhiên về lòng tin của một con người mà cuộc sống hẳn phải lầm than lam lũ, thi sĩ mới nói: "Giả như bác được giàu có, thì tôi hiểu tại sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng cám ơn. Đằng này, Thiên Chúa chỉ nghĩ tới bác có mỗi một lần duy nhất đó là lúc Ngài tạo nên bác. Sau đó, Ngài ban cho bác có mỗi cái búa này để rồi không còn ngó ngàng gì đến bác nữa. Thế thì tại sao bác lại mỏi miệng để cám ơn Ngài?".
Nghe thế, người đập đá mới hỏi vặn lại thi sĩ: "Ngài cho rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi sao". Thi sĩ Lamartine bèn thách thức: "Dĩ nhiên, Chúa chỉ nghĩ đến bác có mỗi một lần mà thôi".
Người thợ đá nghèo, nhưng đầy lòng tin, mới mếu máo thốt lên: "Tôi nghĩ rằng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ngài nghĩ rằng Thiên Chúa đã đoái thương đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, dù chỉ một lần thôi. Vậy không đủ cho tôi cám ơn Ngài sao? Vâng, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa". Nói xong, ông bỏ mặc cho thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông, vừa đục đá vừa tạ ơn Chúa.
Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là bài ca mà chúng ta không chỉ hát lên trong mùa Giáng Sinh, mà phải được lập lại trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Nhưng khi chúng ta nói: Thiên Chúa yêu thương con người, điều đó trước hết phải có nghĩa là Ngài yêu thương tôi. Thiên Chúa không yêu thương con người bằng một cách chung. Thiên Chúa yêu thương mỗi người bằng một tình yêu cá biệt, riêng rẽ. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi người là một chương trình trong trái tim của Thiên Chúa.
Đối với Thiên Chúa, không có đám đông vô danh, cũng không có những con số. Ngài gọi mỗi người bằng tên gọi riêng... Chúng ta không thể đo lường Tình Yêu của Thiên Chúa bằng thước đo hẹp hòi, thiển cận của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Ngài, mỗi một con người là một chương trình và mỗi một chương trình đều cao cả. Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta theo một khuôn mẫu, mà theo một chương trình riêng cho mỗi người. Mỗi một biến cố xảy đến đều được Ngài sử dụng để đem lại điều thiện hảo cho chúng ta. Nói như thánh Phaolô, Thiên Chúa quy mọi sự về điều thiện cho những kẻ Ngài yêu thương. Cũng chính vị thánh này nói: "Tất cả nọi sự đều là ân sủng của Chúa".

19 Tháng Sáu
Thế Ư?

Hakuin là một thiền sư nổi tiếng tại Nhật Bản, ông sống ẩn dật trên núi. Ngày kia, có một thiếu nữ con nhà gia giáo bỗng thấy mình có thai. Cô nàng tuyên bố với mọi người rằng chính thiền sư Hakuin là tác giả của bào thai. Vừa nghe tin này, cả dân làng, do cha mẹ của cô thiếu nữ dẫn đầu, đã giận dữ kéo đến chòi của vị thiền sư. Họ la hét, chửi rủa vị thiền sư đủ điều...
Nhưng vốn điềm tĩnh, nhà sư chỉ biết mỉm cười thốt lên: "Thế ư?". Ai cũng nghĩ đó là một cách chịu tội. Ai cũng nghĩ chính ông là tác giả của bào thai trong lòng người thiếu nữ. Khi đứa bé chào đời, thiền sư Hakuin lặng lẽ đến nhận nó và đưa về chiếc chòi nghèo nàn của mình. Ông bồng lấy nó, nang niu nó và chăm sóc nó như chính đứa con ruột của mình.
Nhưng khoảng 18 năm sau, người thiếu nữ bông hối hận về hành vi của mình. Cô thú nhận rằng người cha của đứa bé chính là chàng ngư phủ trẻ trong làng.
Nghe tin này, ai ai trong làng cũng cảm thấy xấu hổ vì đã nghĩ xấu và nhục mạ một con người đáng kính. Một lần nữa, dưới sự dẫn đầu của cha mẹ thiếu nữ, cả làng kéo nhau đến chòi của vị thiền sư. Mọi người sụp lạy tỏ dấu sám hối vì đã xúc phạm đến thanh danh của vị đạo sĩ thánh thiện. Giữa lúc mọi người đồng thanh tuyên bố sự vô tội và cứu gỡ danh dự cho mình, vị thiền sư chỉ mỉm cười nói: "Thế ư?".
Hai tiếng " Thế ư?" của thiền sư Hakuin trên đây xem chừng như cũng cùng một âm điệu với hai tiếng "Xin vâng" của Mẹ Maria.
Thái độ điềm nhiên và chấp nhận không chỉ là kết quả của một sự rèn luyện ý chí, nhưng còn là một thể hiện của niềm tin. Thưa xin vâng trước tiên có nghĩa là tuyên xưng Tình Yêu không hề lay chuyển của Thiên Chúa. Thưa xin vâng là chấp nhận đi vào chương trình của Thiên Chúa, trong đó cho dù phải trải qua tăm tối và thử thách, con người vẫn tin ở sự thành toàn.
Thưa xin vâng cũng có nghĩa là nói lên niềm tin nơi chính bản thân: dù có yếu hèn, vấp ngã, con người vẫn luôn là đối tượng của một Tình Yêu chung thủy và là trọng tâm của một chương trình cao cả mà thiên Chúa đang thực hiện.
Thưa xin vâng cũng có nghĩa là nói lên niềm tin vào cuộc đời. Cuộc đời này, dù có đen bạc đến đâu, vẫn luôn có một ý nghĩa và tha nhân, dù có thấp hèn, xấu xa đến đâu, vẫn tiếp tục mang lấy hình ảnh cao vời của Thiên Chúa.

20 Tháng Sáu
Ai Hơn Ai?

Trong một khu vườn tuyệt đẹp kia có nhiều loại hoa đua nhau khoe màu tranh sắc: Hoa Hồng, hoa Hướng Dương, hoa Vạn Thọ, hoa Cúc, kể cả vài cụm bông Móng Tay và bông Mười Giờ.
Một ngày kia, có người đến nhìn ngắm những bông hoa đẹp, rồi lấy một cây thước ra đo chiều cao, chiều dài cũng như đếm số các nụ hoa. Xong ông ta bỏ đi.
Ý thức về chiều cao và độ lớn của mình, hoa Hướng Dương càng vươn cổ lên cao và nói: "Trong khắp khu vườn, không hoa nào lớn mạnh như chúng tôi". Nghe nói thế, hoa Hồng lên tiếng: "Nhưng không hoa nào đẹp và tỏa hương thơm ngát như chúng tôi". Không chịu thua ai, hoa Vạn Thọ góp lời: "Hai người nói thế nghe sao phải, to lớn và thơm tho nào có ý nghĩa gì. Hai người làm gì có được nhiều bông hoa như chúng tôi".
Nghe những loại hoa trên tranh luận, các loại hoa Cúc, hoa Móng Tay và hoa Mười Giờ cảm thấy tủi phận. Hoa Móng Tay tìm lời an ủi hoa Mười Giờ: "Bọn mình không đẹp, không thơm, nhưng được cái là dễ trồng nên được nhiều người ưa thích".
Sau đó, khu vườn trở lại yên lặng trong khoảnh khắc. Nhưng hoa Cúc phá tan sự im lặng nặng nề với những phát biểu sau đây: "Sao các anh, các chị lại có thể suy nghĩ thế? Bởi đâu các anh các chị lại tranh nhau về chiều cao, về độ lớn, về vẻ đẹp, về hương thơm. Anh chị quên rằng: Dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu, dù đỏ hay vàng, mọi bông hoa đều nhận lãnh hình hài, vẻ đẹp và hương thơm từ bàn tay của Đấng Tạo Hóa và dưới mắt Người chúng ta đều như sau. Mỗi chúng ta đều được Người ban cho đồng đều ánh sáng và hơi ấm của mặt trời. Mỗi bông hoa đều được Người cho mưa rơi xuống gốc và sương sa trên mình như nhau. Đó là Mầu Nhiệm của lòng quảng đại và khoan nhân của Thiên Chúa".
Sự phân bì, ghen tuông đã và đang làm khổ đau cho con người cũng bằng tính tự cao, tự đại hay ít ra tính phân bì, ghen ghét cũng làm cho chúng ta không được thư thái, bình an. Vì thế, có người đã đề ra những phương pháp sau đây như những điều kiện để được hưởng sự bình an trong tâm hồn:
- Nếu tôi không muốn so sánh mình với người khác, tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc với những gì tốt đẹp nơi tôi.
- Nếu tôi không làm nô lệ cho sự thành công, tôi có thể sản xuất những thành quả tốt đẹp kẻ khác chờ đợi nơi tôi.
- Nếu tôi không để mình bị vướng vào mạng lưới của sự cạnh tranh, tôi sẽ thông phần và chia sẻ được những cái tốt đẹp hàm ẩn trong tất cả mọi người.

21 Tháng Sáu
Nhân Danh Thiên Chúa Ba Ngôi

Christophoro Columbo, người đã khám phá ra Châu Mỹ vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 15, có lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi cách đặc biệt. Trước mọi hoạt động, ông đều kêu cầu Chúa Ba Ngôi cũng như ông luôn khởi đầu những gì mình viết bằng dòng chữ: "Nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh".
Lần kia, khi Columbo trình bày về thuyết "Trái đất tròn" trước một nhóm học giả được gọi là Hội Đồng Salamanca, một tổ chức quy tụ những nhà khoa học và thần học danh tiếng nhất thời bấy giờ, ông đã khởi đầu như sau: "Hôm nay tôi được hân hạnh đứng trước mặt các ngài nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh, vì hoàng đế đã truyền lệnh cho tôi đệ trình lên sự khôn ngoan của quý vị một dự án mà tôi xác tín là Chúa Thánh Thần Ba Ngôi Thiên Chúa đã gợi hứng cho tôi".
Trong cuộc hành trình thứ ba của ông khởi hành năm 1948, Columbo đã thề hứa sẽ hiến dâng cho Chúa Ba Ngôi phần đất nào ông khám phá ra đầu tiên, vì thế hòn đảo ông đặt chân xuống đầu tiên trong cuộc hành trình thám hiểm Tân thế giới ấy cho đến nay vẫn được gọi là "Trinidad", tức là Chúa Ba Ngôi.
Trong suốt cuộc đời, người Kitô hữu chúng ta luôn kinh nghiệm sự gần gũi của Ba Ngôi Thiên Chúa: lúc vừa mở mắt chào đời, chúng ta được nhận lãnh Phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi. Trong suốt ngày sống, chúng ta thường ghi dấu thánh giá trên mình với lời chúc tụng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, cũng như mỗi lần chúng ta dùng bữa hay khi khởi đầu mọi sinh hoạt.
Cộng vào đấy mỗi lần chúng ta vấp ngã và khiêm nhượng đi xưng thú những lỗi lầm trong tòa cáo giải, chúng ta được giao hòa lại với Thiên Chúa và cộng đoàn nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi và cũng nhân danh Người các đôi trai gái yêu nhau được nối kết để chung sống đời hôn nhân.
Rồi cả các bệnh nhân cũng được ban ơn sức mạnh nhờ danh Thiên Chúa Ba Ngôi để khi nhắm mắt xuôi tay, các Kitô hữu chúng ta cũng được tiễn đưa vào cuộc sống đời sau và được chôn cất nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Mặt khác, Chúa Ba Ngôi cũng là trung tâm và mục đích mọi hoạt động của những kẻ tin kính Người. Bởi thế chúng ta thường kết thúc nhiều Kinh và những sinh hoạt bằng câu: "Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần".

22 Tháng Sáu
Romeo Và Juliet

Một trong các vở tuồng bất hủ trên sân khấu kịch nghệ quốc tế phải kể là vở kịch mang tựa đề "Romeo và Juliet" của nhà văn hào trứ danh người Anh, ông William Shakespeare. Vở kịch này được sáng tác vào năm 1595, nhưng mãi cho đến nay, khi vở kịch được phổ nhạc, được các ca sĩ nổi tiếng trình diễn, khán giả vẫn nối đuôi nhau chờ mua vé để vào theo dõi một câu chuyện tình cảm động giữa hai thanh niên nam nữ yêu nhau thắm thiết, nhưng đường tình duyên bị trắc trở không thể tiến đến hôn nhân, vì chàng và nàng thuộc về hai gia đình có mối thù truyền kiếp với nhau trong bối cảnh xã hội mang nặng đầu óc nuôi oán, báo thù tại Italia thời trung cổ.
Sau khi nàng Juliet đem câu chuyện tình ngang trái tỏ lộ cùng một vị linh mục và cho ngài biết ý định sẽ cùng với Romeo thoát ly gia đình để tìm đến một phương trời xa lạ xây tổ uyên ương, vị linh mục đề nghị nàng dùng phương thế uống một thứ thuốc mê để giả chết. Sau đó ngài sẽ cứu sống nàng và giao cho Romeo đem nàng đi. Kế hoạch này được giữ bí mật đến nỗi chính chàng Romeo cũng không hay biết. Khi thấy người yêu đã vì mình dùng độc dược quyên sinh, chàng Romeo cũng dùng gươm tự sát để đáp lại mối tình tuyệt vọng của người yêu. Khi thuốc mê đã hết hiệu nghiệm, nàng Juliet tỉnh dậy thấy người yêu đang thoi thóp bên vũng máu đào: tình yêu kêu gọi tình yêu, nàng cũng dùng gươm lết liễu phận bạc để cùng chết với chàng.
Hình như những câu chuyện tình thương tâm trong tuồng kịch hay tiểu thuyết nào cũng kết thúc bằng trắc trở, chia ly, chết chóc. Dù bi ai, nhưng các câu chuyện ấy cũng nói lên một phần nào sự thật. Đó có lẽ là lý do tại sao trong các thiệp hồng báo tin hôn lễ, các đôi trai gái tính chuyện trăm năm thường chọn và cho in câu: "Tình yêu mạnh hơn sự chết".
Trong các cuộc giao tế thường ngày giữa người với người hoặc trong mối quan hệ láng giềng, bạn bè, kể cả cha mẹ, con cái, anh chị em trong gia đình hay giữa tình thân, vợ chồng, chúng ta cần có những dấu chỉ biểu lộ ra bên ngoài để diễn tả tâm tình yêu mến chất chứa bên trong: Từ những dấu chỉ đơn sơ, thi vị "yêu nhau cởi áo cho nhau" đến chỗ hy sinh cả cuộc đời tận tụy, làm lụng vất vả, gánh chịu những nhọc nhằn, chịu đựng tha thứ cho nhau "Một câu nhịn, chín câu lành" đối với những người thân thương trong gia đình.

23 Tháng Sáu
Khối Đá Cẩm Thạch

Một lần kia các phụ nữ giàu có sinh sống tại thành phố Firenze, miền bắc nước Italia nảy ra sáng kiến góp một khối đá cẩm thạch lớn và thuê một nhà điêu khắc tạc thành bức tượng nào tùy ý, mà ông nghĩ là dân chúng sẽ ưa thích để làm quà cho thành phố.
Nhưng có lẽ đây không phải là một nhà điêu khắc tượng có biệt tài hay vì khối đá bị sẻ không đúng theo quy luật điêu khắc, nên sau khi nghiên cứu một thời gian, ông ta không biết dùng khối đá để tạc tượng gì nên đành bỏ cuộc với lời quả quyết: "Đây là một khối đá vô dụng".
Kể từ ngày ấy, khối đá cẩm thạch quý giá bị bỏ ngoài trời mặc cho mưa sa tuyết phủ. Một nhà điêu khắc khác cũng được mời đến xem khối đá, nhưng sau khi nhìn ngắm và có người thử phác họa vài nét nháp trên giấy, tất cả đều bỏ đi với cùng một ý kiến của nhà khắc tượng đầu tiên.
Cho đến một ngày kia, Michelangelo, nhà điêu khắc và kiến trúc thời danh có dịp ghé thăm thành phố nhà. Không rõ có ai lưu ý ông về khối đá hay ông tình cờ khám phá ra, nhưng ông cảm thấy muốn tạc một bức tượng được tạc từ khối đá mà ai cũng cho là vô dụng.
Ông đo mọi kích thước. Ông bỏ hàng ngày để nhìn ngắm khối đá để tìm hứng. Bỗng chốc ông thấy thật rõ ràng một bức tượng mà ông xác tín là dân chúng thành Firenze sẽ rất mến mộ. Ông nhìn thấy hình chàng thanh niên David vai mang cái ná bắn đá, tay cầm những hòn sỏi, trong tư thế sẵn sàng ra chiến đấu với tên khổng lồ Goliát.
Những nhà khắc tượng khác đồng ý cho rằng: đây là một khối đá vô dụng.
Nhưng dưới cặp mắt của Michelangelo khối đá ấy đã mang hình ảnh chàng thanh niên David, vị anh hùng dân tộc Do Thái và lập tức ông lấy dụng cụ bắt tay vào việc, mặc cho những người tạc tượng khác lắc đầu mỉm cười ngụ ý nói rằng: đây là thật công dã tràng.
Nhưng Michelangelo vẫn miệt mài làm việc, gác ngoài tai những tiếng thị phi. Rồi cuối cùng, mỗi nhát búa, mỗi cái đục đẽo làm nổi hẳn một bức tượng chàng David hiên ngang, oanh liệt, mà trải qua bao thế kỷ vẫn làm say mê hàng vạn du khách, trố mắt đứng nhìn một kỳ công tuyệt tác của nghệ thuật điêu khắc.
Không ai trong chúng ta là khối đá vô dụng khi được chọn để tạc thành những bức tượng tín hữu Kitô sống động dưới những nhát búa, nét đục của Chúa Giêsu.
Lời Chúa và sự hiện diện của Ngài muốn tạo chúng ta thành những Kitô hữu xứng với danh gọi, nghĩa là giống Chúa Giêsu.

24 Tháng Sáu
Cái Bóng

Có một người khờ nọ muốn thoát khỏi cái bóng của mình... Nhưng càng trốn thì cái bóng càng đeo đuổi anh. Anh lăn lộn trên đất, anh đâm xuống nước, dù anh đi đâu, dù anh làm gì, cái bóng của anh vẫn còn đó.
Có một người khôn ngoan nghe chuyện mới đến cố vấn cho anh khờ. Người khôn ngoan ấy nói như sau: "Để thoát khỏi cái bóng của anh, anh chỉ cần đến đứng dưới bóng của một cây lớn".
Có nép mình dưới bóng cây Thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể thoát được cái bóng của không biết bao nhiêu phù phiếm, hư ảo trong cuộc sống của chúng ta.
Hôm nay Giáo Hội mừng kính trọng thể ngày sinh của một con người đã từng nép bóng dưới cây Thập giá của Chúa Giêsu. Con người ấy chính là Goan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế, nhưng đồng thời cũng là người luôn nép bóng trong Chúa Giêsu.
Thánh Gioan đã tóm tắt tất cả cuộc sống củaNgài trong câu nói: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại". Dưới cái nhìn của con người, như Chúa Giêsu cũng đã có lần khen tặng, Gioan là con người cao cả nhất được sinh ra từ người nữ. Ngày sinh của Ngài được đánh dấu bằng những biến cố khác thường. Sự chào đời của Ngài đã mang lại niềm vui và hy vọng cho mọi người xung quanh. Vị tiên tri được xem là là cao cả nhất trong lịch sử Isreal ấy đã lôi kéo được một đám đông mà chưa từng có vị tiên tri nào đã quy tụ được... Thế nhưng, cuối cùng, để hoàn tất sứ mệnh của mình, con người ấy đã nhỏ lại và mất hẳn trong kiếp tù đày và một cái chết bỉ ổi.
Gioan nhỏ lại trong cái chết ấy, nhưng Chúa Giêsu lớn lên trong Mầu Nhiệm của Ngài, bởi vì cái chết của Gioan là một loan báo về chính cái chết của Chúa Giêsu... Nhưng cũng chỉ trong cái chết của Chúa Giêsu, cái chết của Gioan mới có ý nghĩa... Trong bóng thập giá của Chúa Giêsu, Gioan đã tìm lại được chính mình.
Chúng ta cầu xin điều gì trong ngày sinh của thánh Gioan Tẩy Giả nếu không phải là bước đi trong từng bước nhỏ lại của Ngài. Trong từng bước ấy, chúng ta hãy đặt mình dưới bóng vĩ đại của Thập giá Chúa Giêsu. Chỉ trong chiếc bóng vĩ đại ấy của Thập giá Chúa Giêsu, những nghịch cảnh, những đau thương, những nghi ngờ và ngay cả những cái chết từng ngày sẽ mang lấy ý nghĩa. Và ý nghĩa ấy là gì nếu không phải là sự lớn lên của Đức Kitô trong chúng ta?
Chúng ta có nhỏ lại trong cái nhìn hẹp hòi ích kỷ của chúng ta, chúng ta có nhỏ lại trong những ham muốn ganh tỵ bất chính của chúng ta, chúng ta có nhỏ lại trong hận thù nhỏ nhen của chúng ta, thì lúc đó Đức Kitô mới thực sự lớn lên trong chúng ta.

25 Tháng Sáu
Lau Chùi Làm Gì?

Trong những mẩu chuyện giáo lý ngắn, Đức Gioan Phaolô I có thuật lại câu chuyện sau đây: "Những người xem thường việc năng đi xưng tội nhắc tôi nhớ đến anh giúp việc của ông Jonathan Swift. Một lần kia, sau khi ngủ đêm trong một quán trọ, ông Swift bảo người giúp việc đem cho ông đôi giày ống mà ông đã mang hôm qua. Khi thấy đôi giày còn dính đầy bụi đất của cuộc hành trình vất vả xuyên qua những cánh đồng lầy lội, ông Swift nhíu mày tỏ vẻ khó chịu và bảo anh giúp việc: "Tại sao anh lại không lau chùi đôi giày cho sạch sẽ?".
Thấy chủ bất bình và xẵng giọng, anh giúp việc hơi áy náy nhưng cũng gãi đầu, ấp úng thưa: "Tôi nghĩ là... lau chùi cũng không ích lợi gì. Vì hôm nay, sau khi ông đi vài dặm đường, đôi giày lại bị dơ bẩn trở lại".
Nghe người giúp việc biện luận như thế, ông Swift giả vờ gật đầu đồng ý rồi bảo người giúp việc: "Anh cho thắng yên ngựa, chúng ta khởi hành càng sớm càng tốt kẻo muộn".
Một lúc sau, mọi việc đã được thu xếp xong và ông Swift ra lệnh lên đường. Nhưng người giúp việc chạy vội đến kéo nài: "Thưa ông, chúng ta không thể lên đường ngay được vì tôi chưa ăn sáng".
Ông Swift vừa leo lên ngựa vừa bảo: "Ăn uống làm gì cho uổng công vì sau vài dặm đường, dạ dày anh lại cồn cào kêu đói".
Cũng thế, có nhiều người bảo: năng lãnh nhận bí tích Giải Tội có ích lợi gì. Vì thông thường sau khi xưng tội, linh hồn chúng ta lại bị dơ bẩn trở lại vì những tội tái phạm. Có lẽ họ cũng có lý. Nhưng giữ linh hồn thanh sạch một thời gian, dù ngắn ngủi, cũng là một việc nên làm. Lại nữa, những người hiểu đúng nghĩa của phép Giải Tội và Xưng Tội đúng cách sẽ được nghiệm thấy là phép Giải Tội không những rửa sạch mọi tì ố của tội lỗi, nhưng còn hiệu lực giúp chúng ta tránh tái phạm những lỗi lầm thường vấp ngã với mục đích củng cố tình thân hữu của mình với Đức Giêsu và sống trọn tình hiếu thảo Cha con đối với Thiên Chúa.
Không ai trong chúng ta dùng cơm xong lại thu dọn ngay những chén đĩa, nồi niêu đã dùng vào sóng chén, viện cớ là: rửa làm gì cho uổng công, đến bữa an sau chúng lại dơ bẩn trở lại.
Cũng không ai bảo: giặt quần áo hay tắm gội làm gì cho hoài công, tốn nước. Một thời gian sau thân thể và quần áo lại bị dơ bẩn trở lại.
Vâng, Đức Gioan Phaolô I dạy chúng ta: hãy năng đi xưng tội, dù biết rằng con người yếu đuối hay tái phạm những lỗi lầm mình đã vấp ngã. Và trong lúc lãnh nhiệm phép Giải Tội, hãy nhớ lời Đức Giêsu bảo người phụ nữ ngoại tình: "Này chị, những kẻ tố cáo chị đâu cả rồi, không ai lên án chị ư? Ta cũng vậy, Ta không lên án chị. Hãy về và từ nay, đừng phạm tội nữa".

26 Tháng Sáu
Bằng Lòng Về Chính Mình

Hans Christian Andersen, văn sĩ Đan Mạch sống vào khoảng cuối thế kỷ 19, là tác giả của những câu chuyện dạy đời bất hủ. Ông có kể câu chuyện như sau: 
Có một đôi vợ chồng già nọ sống bên nhau rất hạnh phúc. Thật ra người nắm giữ bí quyết hạnh phúc trong gia đình này chính là người vợ. Lúc nào bà cũng hài lòng về bất cứ hành động nào của người chồng. Một hôm, người vợ đề nghị với chồng là nên bán bớt một con bò. Thật ra tất cả tài sản của họ chỉ là đôi bò.
Người chồng tán thành ý kiến của vợ. Ngay từ sáng sớm, ông dắt bò ra chợ. Nhưng đường dài, mặt trời mỗi lúc một chói chang. Con bò già lại không thể bước nhanh. Do đó khi thấy một người nông dân khác cũng đang dắt heo ra chợ bán, người chồng mới có ý nghĩ đem đổi bò lấy con heo. May ra con heo có thể đi nhanh hơn không?
Đổi được con heo và đi được một quãng đường, người chồng lại cảm thấy không thoải mái chút nào. Con heo cứ muốn đi theo hướng của nó. Vừa bực tức với con heo, ông lại thấy một người nhà quê khác cũng đang dắt dê ra tỉnh. Ông nghĩ rằng dê có thể là con vật ít cồng kềnh hơn con heo, cho nên ông mới nấn ná đến người chủ dê để đề nghị hoán đổi.
Đổi được dê, người đàn ông như cảm thấy nhẹ nhõm trong người. Nhưng chỉ trong vài phút đồng hồ, ông mới khám được cái tính bất thường của loài dê. Nó chạy bên này, nhảy bên kia, nó đưa sừng húc khắp mọi nơi... Giữa lúc ông ngán ngẩm với con dê, thì bỗng đâu một người nhà quê khác tiến lại gần ông với cả một đàn ngỗng. Con ngỗng dù sao cũng ít cồng kềnh hơn con dê. Nghĩ vậy cho nên ông mang con dê đến đổi lấy một chú ngỗng trắng. Ôm lấy chú ngỗng vào lòng, người đàn ông cảm thấy thoải mái hơn bao giờ hết. Ông tin chắc là mình sẽ đến chợ sớm hơn. Nhưng chưa đến chợ, thì ông lại thấy một người buôn gà. So sánh gà với ngỗng, dĩ nhiên gà phải nhẹ hơn... Tính toán mãi, cuối cùng, ông đã đem chú ngỗng đến đổi lấy một con gà.
Mặt trời mỗi lúc một lên cao. Cơn khát như muốn đốt cháy cổ họng ông. Bụng ông lại trống rỗng. Vừa thấy một quán ăn bên vệ đường, người đàn ông không còn cầm được cơn cám dỗ. Ông đành phải đem con gà bán đi với giá một đồng bạc. Một đồng này vừa đủ cho một bữa ăn trưa cộng với một ly bia.
Những người đàn ông trong quán ăn biết chuyện mới tỏ ra ái ngại cho giây phút ông phải đối đầu với người vợ. Thế nhưng, con người luôn luôn được vợ hài lòng ấy vẫn tỏ ra bình thản. Ông tin tưởng rằng vợ ông sẽ không boa giờ trách móc ông. Một người đàn ông có máu cờ bạc, không tin ở thái độ của bà vợ ông, cho nên mới đề nghị đánh cá. Ôngta đưa ra hai mươi đồng và đi theo người đàn ông về đến nhà. Ôn núp một nơi kín đáo để theo dõi phản ứng của người vợ.
Quả thực, người đàn ông bắt đầu báo cáo lại cho vợ từng chi tiết của những cuộc trao đổi của ông. Cứ mỗi lần người đàn ông kể lại một cuộc đổi chác của mình, người vợ đều tỏ ra hài lòng. Khi người đàn ông kể đến chuyện ông bán con gà được một đồng và vào quán ăn trưa, người vợ mới mỉm cười thốt lên như sau: "Tạ ơn Chúa, cũng may là mình bán được con gà. Như vậy là mình có thể ngủ yên mà không sợ tiếng gà gáy phá giấc. Điều quan trọng đối với tôi là biết rằng mình thỏa mãn là được".
Người chồng thắng được vụ cá cuộc. Ông được hai mươi đồng, số tiền còn lớn hơn cả giá bán con bò.
Hãy đón nhận từng giây phút hiện tại với hân hoan, cảm mến. Hãy làm công việc trong phút giây hiện tại như là công việc quan trọng nhất. Hãy đón tiếp người trước mặt như một người quan trọng nhất. Hãy chấp nhận mọi người với cảm thông, tha thứ và lạc quan. Hãy chấp nhận chính bản thân với sự bằng lòng, thoải mái: đó là tất cả bí quyết của hạnh phúc mà chúng ta cần phải nắm lấy.

27 Tháng Sáu
Con Chim Trong Bàn Tay

Người Ba Tư có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Ngày xưa, tại quảng trường của một thành phố nọ, có một nhà hiền triết xuất hiện và tuyên bố giải đáp được tất cả mọi thắc mắc của bất cứ ai đến vấn kế.
Một hôm, giữa đám người đang say mê lắng nghe nhà hiền triết, có một mục tử từ trên núi cao đến. Nghe tiếng đồn về sự thông thái và khôn ngoan của nhà hiền triết, anh muốn chứng kiến tận mắt, nghe tận tai và nhất là để hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông.
Anh tiến đến gần nhà hiền triết, trong tay bóp chặt một con chim nhỏ. anh đặt câu hỏi như sau: 'Thưa ngài, trong tay tôi có cầm một con chim. Ngài là bậc thông thái biết được mọi sự. Xin ngài nói cho tôi biết con chim tôi đang cầm trong tay sống hay chết?".
Nhà hiền triết biết đây là một cái bẫy mà người mục tử tinh ranh đang giăng ra. Nếu ông bảo rằng con chim đang còn sống, thì tức khắc người mục tử sẽ bóp cho nó chết trước khi mở bàn tay ra. Còn nếu ông bảo rằng con chim đã chết thì lập tức con người khôn manh ấy sẽ mở bàn tay ra và con chim sẽ bay đi.
Sau một hồi thinh lặng, trước sự chờ đợi hồi hộp của đám đông, nhà hiền triết mới trả lời như sau: "Con chim mà ngươi đang cầm trong tay ấy sống hay chết là tùy ở ngươi. Nếu ngươi muốn cho nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn cho nó chết thì nó chết".
Ai trong chúng ta cũng khao khát hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng mong ước được cuộc sống an bình, vui tươi. Nhưng lắm khi chúng ta chạy theo chiếc bóng mờ ảo của hạnh phúc hơn là hưởng nếm chính hạnh phúc đang cầm trong tầm tay của chúng ta. Hạnh phúc đích thực chính là con chim mà mỗi người chúng ta đang có ở trong lòng tay. Con chim ấy sống hay chết là tùy ở mỗi người chúng ta. Chúng ta được hạnh phúc, chúng ta được an bình hay không là do chính chúng ta.
Hạnh phúc đích thực của chúng ta, niềm vui đích thực của chúng ta chính là Thiên Chúa. Nếu chúng ta để cho Thiên Chúa chiếm ngự, nếu chúng ta để cho Thiên Chúa lấp đầy, thì cho dẫu ngoại cảnh có làbầu trời đen tối đi nữa, chúng ta vẫn cảm thấy an bình, hạnh phúc.
Ý thức được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn, để cho Chúa chiếm trọn tâm tư, lấy Chúa làm tất cả trong cuộc sống, chúng ta sẽ có được niềm vui đích thực.

28 Tháng Sáu
Ngợi Khen Con Người

Trong tập thơ có tựa đề "Nhật ký", nữ thi sĩ công giáo Pháp là Marie Noel đã tưởng tượng ra một mẩu chuyện như sau: Hôm đó là ngày cuối năm. Từ trên Thiên Quốc nhìn xuống dương trần, Chúa thấy dân chúng đổ xô về một ngôi nhà thờ đổ nát, không có chuông, cũng chẳng có tháp chuông. Vị linh mục già đành phải khua mõ vào bất cứ đồ vật nào có thể gây ra tiếng vang để giục giã dân chúng đến giáo đường đọc Kinh "Te Deum" ngợi khen Cúa nhân ngày cuối năm.
Trời mưa lạnh như cắt. Vậy mà, từ khắp nơi trong xóm giáo, người ta vẫn đổ xô về ngôi giáo đường. Chúa theo dõi từng cử động một của một người đàn bà đơn độc mà ngôi nhà vừa bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn. Chúa lại nhìn thấy một thiếu phụ mà cách đó không lâu bọn Đức Quốc Xã đã tước đoạt mọi tài sản. Một người đàn bà khác, mà chồng đã bị giết trước mắt, cũng lặng lẽ tiến đến nhà thờ. Có cả thiếu phụ mất con mà người ta không tìm ra tung tích. Có cả người đàn ông mà vợ và con bị chôn vùi dưới đống gạch vụn... Còn bao nhiêu người khốn khổ khác nữa. Họ không biết đi đâu, họ không có gì để ăn bởi vì quân thù đã đốt phá và cướp đi tất cả những lương thực dự trữ.
Vậy mà những người khốn khổ ấy có mặt đày đủ trong ngôi giáo đường. Có một vài tiếng khóc. Nhưng tất cả đều cất tiếng hát bài "Te Deum" ngợi khen Chúa trong ngày cuối năm vì những ơn huệ Ngài ban trong năm qua.
Nhìn thấy cảnh tượng ấy cũng như lắng nghe lời ca ngợi của những con người khốn khổ, Thiên Chúa vô cùng cảm động. Ngài nói với các Thiên Thần như sau: "Quả thực, quả thực, Ta bảo các ngươi: con người là loài thụ tạo thánh thiện. Các ngươi hãy nhìn xuống đám người đáng thương kia. Cách đây 12 tháng, họ đã phó dâng cho Ta cả năm để được hạnh phúc, an khang. Vậy mà tai ương và thảm sầu đã xảy đến với họ... Họ đã kêu cầu bình an, nhưng chiến tranh đã đè bẹp họ. Họ đã xin lương thực hằng ngày, nhưng họ chỉ toàn gặp là đói khát. Họ đã phó dâng cho ta gia đình, người thân và tổ quốc của họ, nhưng tổ quốc, gia đình và người thân của họ lại bị xâu xé trăm bề. Dĩ nhiên, Ta có những lý do riêng của Ta... Ta không thể thanh tẩy thế giới mà không thể thử thách nó như thời Noe. Nhưng đây là công việc của một Thiên Chúa, không ai có thể hiểu được việc Thiên Chúa làm. Nhưng con người lại phải gánh chịu mọi sự. Vậy mà họ vẫn tiếp tục ngợi khen và cảm tạ Ta cứ như Ta đã bảo vệ họ trong từng phút giây của cuộc sống họ... Quả thực, lòng tin của họ lớn lao... Các ngươi có nghe họ hát "Thánh, thánh" với tất cả trang trọng không? Hỡi các Thiên Thần và các Thánh, nào các ngươi hãy hát lên một bài ca để tôn vinh những ai, mặc dù gặp gian lao khốn khó, vẫn lên tiếng tôn vinh Ta".
Nói xong, Thiên Chúa cùng với các thần thánh trên trời cất lên bài ca "Ngợi khen con người".
Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài không thể không say mê con người, Ngài không thể không chung thủy với con người. Giữa muôn ngàn khó khăn của cuộc sống hiện tại và những khắc khoải lo âu cho tương lai, chúng ta hãy tiếp tục dâng trọn niềm tín thác cho Thiên Chúa.
Tin tưởng ở tình yêu Thiên Chúa, chúng ta tin tưởng ở tình người. Tình người dù có bội bạc, mỗi một con người, dù có đốn mạt, xấu xa đến đâu, cũng vẫn còn chất chứa trong đáy thẳm tâm hồn mình vẻ đẹp cao vời phản ảnh chính tình yêu của Thiên Chúa. Đáp lại với những phản trắc lừa đảo, đáp lại với những thấp hèn đê tiện, người có niềm tin nơi Thiên Chúa và tin ở tình người hãy giữ mãi nụ cười của cảm thông, tha thứ và yêu thương.

29 tháng 6

Ngài là Cha tôi

Truyện cổ Roma thường ghi lại các cuộc chiến thắng khải hoàn của các vị Hoàng đế. Sau một lần thắng trận, các vị hoàng đế thường hướng dẫn các đoàn quân tiến qua các ngã phố cho dân chúng tung hô.
Lần kia, các đường phố đều đông nghẹt. Người ta phải dựng một khán đài đặc biệt để hoàng gia có thể theo dõi cuộc diễu hành. Khi hoàng đế và quân đội tiến đến gần khán đài nơi hoàng hậu và các công chúa, hoàng tử đang chờ đợi, người ta kinh ngạc vô cùng vì vị hoàng tử nhỏ nhất đã rời khỏi khán đài và chạy vụt đến chiến xa của hoàng đế.
Những người vệ binh có trách nhiệm giữ an ninh hai bên đường đã chận hoàng tử lại. Họ giải thích cho cậu biết rằng: xa giá đang tiến lại gần chính là xa giá của hoàng đế. Không ai được phép đến gần... Vị hoàng tử nhỏ điềm nhiên trả lời: "Ngài là hoàng đế của các ông, còn đối với tôi thì ngài là cha tôi".
"Ngài là cha tôi": đó phải là danh xưng mà chúng ta có quyền sử dụng để gọi Thiên Chúa. Đó cũng là danh xưng nói lên mối liên hệ mật thiết mà Thiên Chúa luôn muốn thắt chặt với từng người trong chúng ta.
"Ngài là cha tôi": danh xưng ấy cũng cho phép chúng ta khẳng định về giá trị của con người chúng ta. Dù chúng ta có bất tài, yếu hèn, tội lỗi đến đâu, chúng ta vẫn có thể gọi Chúa là Cha.
"Ngài là cha tôi": danh xưng ấy không cho phép chúng ta thất vọng về chính mình. "Hãy trở nên chính mình". Đó là mệnh lệnh mà Thiên Chúa dành cho từng người chúng ta. Thiên Chúa yêu thương từng người trong chúng ta và yêu thương chúng ta vì những cá biệt của từng người.
Hôm nay chúng ta mừng trọng thể hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai trụ cột của Giáo hội, nhưng đồng thời cũng là hai tính khí khác nhau, có khi lại xung khắc nhau. 
Một người xuất thân từ một dân chài, nóng nảy, cục mịch. Một người xuất thân là một thư sinh học rộng, hiểu sâu.
Hai trình độ khác nhau, hai tính tình khác nhau, nhưng mẫu số chung nối kết hai tâm hồn: đó là cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Cuộc gặp gỡ ấy cũng diễn ra trong hai trường hợp khác nhau. Một người chỉ thực sự khám phá ra con người của Đức Kitô sau ba lần phản bội. Một người chỉ nhận biết Ngài sau những lần truy lùng gắt gao các môn đệ của Ngài... Một người đã nhận ra tình yêu của Ngài qua những giọt nước mắt của sám hối, một người đã gặp gỡ Ngài sau một lần ngã ngựa đớn đau.
Hai tính khí khác nhau, hai trực giác khác nhau, hai đường hướng hoạt động tông đồ khác nhau, nhưng đã gặp gỡ nhau trong tình yêu Chúa và bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo hội của Chúa.
Hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô vừa là hình ảnh đa diện phong phú của Giáo Hội, vừa là biểu trưng của Tình Yêu của Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong sự yếu hèn, thiếu sót của chúng ta. Tình yêu đó không đòi hỏi chúng ta phải chối bỏ con người tự nhiên của chúng ta. Trái lại Chúa muốn sử dụng tất cả những khuyết điểm, những giới hạn của con người chúng ta để làm nổi bật sức mạnh và sự khôn ngoan của Ngài.

Sưu Tầm ( Bài nhận từ email)

30 Tháng Sáu
Chiếc Cầu Của Gặp Gỡ

Vào khoảng năm 1850, họa sĩ tài ba của Hoa Kỳ là James McNeil Whisler đang còn là một thanh niên đầy nhiệt huyết. Mặc dù có tâm hồn nghệ sĩ, Whisler cũng đăng ký vào trường đại học quân sự West Point.
Người ta kể lại rằng khi giáo sư ra đề tài vẽ về một chiếc cầu, dĩ nhiên, các sinh viên phải hiểu đây là một chiếc cầu cần được thiết kế trong mục tiêu quân sự. Thế nhưng, tâm hồn nghệ sĩ của Whisler đã không đếm xỉa gì đến khía cạnh quân sự. Anh vẽ một chiếc cầu thơ mộng bắc qua một mỏm núi thơ mộng. Dọc theo hai bên bờ sông là một tấm thảm cỏ xanh tươi. Nhưng thơ mộng hơn nữa là có hai đứa bé đứng câu cá trên chiếc cầu ấy.
Ông giáo sư cầu cóng không ưng ý chút nào, nên đã ra lệnh cho anh phải bôi đi hình ảnh của hai đứa bé. Viên sĩ quan bèn di chuyển hai cậu bé từ chiếc cầu xuống thảm cỏ bên bờ sông. Lần này, ông giáo sư lại càng giận giữ hơn. Ông quát tháo ầm ĩ: "Tôi đã bảo anh phải cất chúng ra khỏi bức tranh".
Nhưng con người có tâm hồn nghệ sĩ xem chừng như không thể vẽ cảnh thiên nhiên mà thiếu bóng dáng của con người. Không được sáng tác theo ý mình muốn, Whisler bèn vẽ hai cái mộ trên thảm cỏ dọc theo dòng sông và muốn ông giáo sư hiểu ngầm rằng anh đã chôn hai cậu bé trong hai cái mộ ấy.
Chiếc cầu được bắc qua dòng sông là để nối liền hai bờ sông và chiếc cầu nối liền hai bờ sông là để cho con người ở hai bên bờ sông được liên lạc với nhau. Thiếu sự đi lại của con người thì chiếc cầu trở thành vô nghĩa.
Chúa Giêsu là chiếc cầu nối liền Trời cao và Đất thấp. Nơi Ngài, con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau. Chỉ trên chiếc cầu của Đức Kitô con người mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau.
Ngài sinh ra trong một gia đình, Ngài lớn lên trong một gia đình. Ngài đến để quy tụ tất cả nhân loại thành một gia đình. Con đường cứu rỗi của Ngài là con đường mở rộng cho mọi người cùng nắm tay đi với nhau. Chiếc cầu nối liền Thiên Chúa và con người là chiếc cầu của gặp gỡ, của cảm thông, của yêu thương. Chúng ta chỉ có thể đi về cõi phúc trên chiếc cầu của gặp gỡ, của yêu thương ấy.

Sưu Tầm ( nhận từ email)

Read 1647 times Last modified on Chủ nhật, 03 Tháng 11 2013 13:55