Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 22 Tháng 1 2024 06:41

Những tật xấu và các nhân đức. Bài 2. Cuộc chiến đấu thiêng liêng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Những tật xấu và các nhân đức. Bài 2. Cuộc chiến đấu thiêng liêng  

 

 

NHỮNG TẬT XẤU VÀ CÁC NHÂN ĐỨC

BÀI 2: CUỘC CHIẾN ĐẤU THIÊNG LIÊNG

 

Trong buổi tiếp kiến ​​chung sáng nay, thứ Tư ngày 03-01-2024, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về những tật xấu và các nhân đức, đồng thời nhắc lại rằng đời sống Kitô hữu tràn đầy những cơ hội để biến những cuộc chiến thiêng liêng thành những khoảnh khắc ân sủng.

Anh chị em thân mến!

Tuần trước chúng ta được giới thiệu về chủ đề những tật xấu và các nhân đức. Nó gợi lại cuộc chiến đấu thiêng liêng của người kitô hữu. Thật vậy, đời sống thiêng liêng của kitô hữu không hề bình yên, không hề thẳng đường và không hề thiếu thử thách; thay vào đó, đời sống kitô hữu đòi hỏi phải chiến đấu liên tục: người tín hữu chiến đấu để bảo vệ đức tin, để làm phong phú ơn đức tin trong chúng ta. Không phải tình cờ mà việc xức dầu đầu tiên mà mọi kitô hữu nhận lãnh qua Bí tích Rửa tội – xức dầu dự tòng – không có bất kỳ loại hương thơm nào và tuyên bố cách tượng trưng rằng cuộc sống là một cuộc chiến đấu. Thực ra, thời cổ đại, trước trận đấu các đấu sĩ đều được xức dầu toàn thân, vừa làm cho cơ bắp săn chắc vừa giúp cơ thể thoát được khi đối thủ tóm bắt. Việc xức dầu cho các dự tòng lập tức cho thấy rõ rằng người tín hữu không tránh khỏi cuộc chiến, người kitô hữu phải chiến đấu: cho sự sống của họ, như tất cả mọi người, phải bước vào đấu trường vì cuộc sống là một chuỗi những thử thách và cám dỗ.

Một câu nói nổi tiếng được cho là của Viện phụ Antonio Cả, người cha vĩ đại đầu tiên của đời sống ẩn tu, nó như thế này: “Hãy nhổ bỏ những cám dỗ và không ai sẽ được cứu”. Các thánh không phải là những người được miễn trừ cám dỗ, nhưng đúng hơn họ ý thức được rằng những cám dỗ của sự dữ liên tục xuất hiện trong cuộc sống, chúng cần phải được vạch trần và đẩy lùi. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về điều này: là khi xuất hiện trong ta một ý nghĩ xấu, một ước muốn làm điều này nọ hoặc muốn nói xấu người khác… Tất cả mọi người đều bị cám dỗ, và chúng ta phải chiến đấu để khỏi sa chước cám dỗ này. Nếu ai trong anh chị em không có cám dỗ thì hãy cho tôi biết, vì đó là điều phi thường! Tất cả chúng ta đều có cám dỗ, và tất cả chúng phải cần học cách đối phó với những tình huống này.

Có rất nhiều người tự bào chữa cho mình, cho rằng mình “ổn” – “Không, tôi tốt, tôi ổn, tôi không có vấn đề gì cả”. Nhưng không ai trong chúng ta ổn cả. Nếu có ai đó cảm thấy ổn thì họ đang mơ; mỗi người trong chúng ta có rất nhiều điều cần phải sửa chữa, cần phải cảnh giác. Và đôi khi xảy ra trường hợp là chúng ta đi xưng tội, chúng ta nói cách chân thành: “Thưa cha, con không nhớ, không biết con có tội gì không…”. Đó là thiếu hiểu biết về những điều đang xảy ra trong tâm hồn. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, tất cả chúng ta. Tự xét mình một chút, nhìn vào nội tâm một chút sẽ làm cho chúng ta tốt hơn. Nếu không, chúng ta có nguy cơ sống trong bóng tối, vì chúng ta đã quen với bóng tối và không còn biết phân biệt thiện ác. Isaac thành Nineveh nói rằng trong Giáo hội, người nhận biết tội lỗi của mình và biết than khóc thì cao trọng hơn người phục sinh kẻ chết. Tất cả chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa ơn biết nhận ra mình là những tội nhân đáng thương, cần hoán cải, giữ trong lòng niềm tin tưởng rằng không có tội lỗi nào quá lớn đối với lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa Cha. Đây là bài học mở đầu mà Chúa Giêsu dạy cho chúng ta.

Chúng ta thấy điều đó trong những trang đầu tiên của Tin Mừng, nhất là khi chúng ta được kể về lễ rửa tội của Đấng Mêsia trong nước sông Giođan. Tình tiết này tự nó có một điều gì đó gây bối rối: tại sao Chúa Giêsu lại chấp nhận nghi thức thanh tẩy như vậy? Ngài là Chúa, Ngài thật hoàn hảo! Chúa Giêsu cần phải ăn năn tội gì đây? Không ai! Ngay cả vị Gioan Tẩy Giả cũng bị chướng mắt, đến mức bản văn viết: “Nhưng ông một mực can Ngài và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3,15). Nhưng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia rất khác với cách Gioan đã trình bày về Ngài và người ta tưởng tượng về Ngài: Ngài không là hiện thân của Thiên Chúa giận dữ và không mời đến để phán xét, mà trái lại, Ngài xếp hàng với những kẻ tội lỗi. Tại sao vậy? Vâng, Chúa Giêsu cùng đồng hành với chúng ta, tất cả chúng ta là những kẻ tội lỗi. Ngài không phải là tội nhân, nhưng Ngài ở giữa chúng ta. Và đây là một điều tuyệt vời. “Thưa Cha, con phạm quá nhiều tội lỗi!” – “Nhưng Chúa Giêsu ở với bạn: hãy nói về điều đó, Ngài sẽ giúp bạn thoát khỏi nó”. Chúa Giêsu không bao giờ để chúng ta cô đơn, không bao giờ! Hãy suy nghĩ về điều này một cách cẩn thận. “Thưa Cha, con đã phạm tội trọng rồi!” – “Nhưng Chúa Giêsu hiểu bạn và đồng hành với bạn: Ngài hiểu tội lỗi của bạn và tha thứ nó”. Đừng bao giờ quên điều này! Trong những lúc tồi tệ nhất, trong những lúc chúng ta sa vào tội lỗi, Chúa Giêsu ở bên cạnh để giúp chúng ta nâng mình lên. Điều này mang lại cho chúng ta sự an ủi. Chúng ta không được đánh mất sự chắc chắn này: Chúa Giêsu ở bên cạnh chúng ta để giúp đỡ, bảo vệ chúng ta, thậm chí giúp chúng ta đứng dậy sau tội lỗi. “Nhưng thưa Cha, có thật là Chúa Giêsu đến để tha thứ mọi sự không?” - "Tất cả. Ngài đến để tha thứ, để cứu rỗi tất cả. Chỉ có điều Chúa Giêsu muốn tấm lòng của bạn rộng mở.” Ngài không bao giờ quên tha thứ: chính chúng ta nhiều khi đánh mất khả năng cầu xin sự tha thứ. Hãy lấy lại khả năng này để cầu xin sự tha thứ. Mỗi người chúng ta có nhiều điều cần xin tha thứ: mỗi người hãy suy nghĩ về điều đó trong lòng mình và hôm nay nói chuyện đó với Chúa Giêsu. Hãy thưa với Chúa Giêsu về điều này: “Lạy Chúa, con không biết điều này có đúng hay không, nhưng con tin chắc rằng Chúa sẽ không rời xa con. Con xác tín rằng Chúa tha thứ cho con. Lạy Chúa, con là kẻ có tội, xin Chúa đừng ngoảnh mặt”. Đây sẽ là một lời cầu nguyện tuyệt vời dâng lên Chúa Giêsu hôm nay: “Lạy Chúa, xin đừng lìa xa con”.

cq5dam.web.800.800


Và ngay sau phép rửa, các Tin Mừng kể rằng Chúa Giêsu rút lui vào sa mạc, nơi Ngài bị Satan cám dỗ. Ở đây cũng vậy, chúng ta cũng tự hỏi: tại sao Con Thiên Chúa lại phải chịu cám dỗ? Trong trường hợp này cũng vậy, Chúa Giêsu thể hiện tình liên đới với bản tính con người mỏng giòn của chúng ta và trở thành mẫu gương vĩ đại cho chúng ta: những cơn cám dỗ mà Ngài trải qua và vượt qua giữa những tảng đá khô cằn của sa mạc là chỉ dẫn đầu tiên Ngài ban cho đời sống môn đệ của chúng ta. Ngài đã nếm trải điều mà chúng ta cũng phải luôn chuẩn bị để đối mặt: cuộc sống được tạo nên từ những thử thách, thử thách, những ngã rẽ, những tầm nhìn đối lập, những cám dỗ tiềm ẩn, những tiếng nói trái ngược nhau. Một số tiếng nói thậm chí còn có sức thuyết phục cao đến mức Satan cám dỗ Chúa Giêsu bằng cách dùng đến những lời trong Kinh thánh. Chúng ta phải giữ gìn sự trong sáng nội tâm để chọn con đường thực sự đưa chúng ta đến hạnh phúc và sau đó cam kết không dừng lại trên đường đi.


Anh chị em hãy nhớ rằng chúng ta luôn bị giằng xé giữa những thái cực trái ngược nhau: tính kiêu căng thách thức sự khiêm nhường; hận thù tương phản với lòng bác ái; nỗi buồn cản trở niềm vui đích thực của Thánh Thần; sự cứng lòng từ chối lòng thương xót. Các kitô hữu liên tục bước đi trên những rặng núi này. Vì vậy, điều quan trọng là phải suy ngẫm về những tật xấu và các nhân đức: nó giúp chúng ta vượt qua nền văn hóa hư vô trong đó ranh giới giữa thiện và ác vẫn không rõ nét; đồng thời, nó nhắc nhở chúng ta rằng con người, không giống bất kỳ sinh vật nào khác, có thể luôn vượt lên trên chính mình, mở lòng ra với Thiên Chúa và hướng tới sự thánh thiện.

Do đó, cuộc chiến thiêng liêng dẫn chúng ta đến việc nhìn kỹ vào những thói xấu đang trói buộc chúng ta và với ân sủng của Thiên Chúa chúng ta bước đi, hướng tới những nhân đức có thể làm nở hoa trong chúng ta, mang mùa xuân của Thánh Thần vào cuộc sống của chúng ta.

G. Võ Tá Hoàng
Read 103 times Last modified on Thứ ba, 23 Tháng 1 2024 07:14