Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 24 Tháng 1 2024 07:23

Những tật xấu và các nhân đức. Bài 4: Thói dâm dật

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Những tật xấu và các nhân đức. Bài 4: Thói dâm dật

Giáo lý của Đức Thánh cha về chủ để các tật xấu và nhân đức.

Bài 4: Thói dâm dật

Anh chị em thân mến

Chúng ta tiếp tục theo lộ trình về các tật xấu và nhân đức. Các giáo phụ xưa dạy chúng ta rằng, sau thói háu ăn, “con quỷ” thứ hai, tức là tật xấu, luôn rình rập trước cửa tâm hồn chính là dục vọng. Trong khi “háu ăn” là phàm ăn đối với thực phẩm thì tật xấu thứ hai này là một loại “phàm ăn” đối với người khác, tức là mối liên kết độc hại mà con người tiêu khiển với nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực tình dục.

Xin bạn lưu ý, trong Kitô giáo không có việc lên án bản năng tình dục. Trong Thánh kinh, sách Diễm ca, là một trong những vần thơ tình tuyệt vời giữa hai người yêu nhau. Tuy nhiên, chiều kích rất đẹp đẽ này của nhân loại, chiều kích tính dục, chiều kích tình yêu, không tránh khỏi những nguy hiểm, đến nỗi Thánh Phaolô đã phải đề cập đến vấn đề này trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Ngài viết: “Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi dân ngoại: có kẻ ăn ở với vợ kế của cha mình!” (1Cr 5,1). Lời khiển trách của thánh Tông đồ rõ ràng liên quan đến việc xử lý tình dục không lành mạnh của một số Kitô hữu.

Nhưng chúng ta hãy nhìn vào kinh nghiệm của con người, kinh nghiệm khi yêu. Có rất nhiều cặp đôi mới cưới đang ở đây, các bạn có thể nói về điều này! Tại sao bí ẩn này lại xảy ra và tại sao nó lại là một trải nghiệm gây sốc trong cuộc sống con người, không ai trong chúng ta biết. Người này yêu người kia, yêu đương diễn ra. Đó là một trong những thực tại đáng ngạc nhiên nhất của cuộc sống. Hầu hết các bài hát bạn nghe trên radio đều nói về điều này: những cuộc tình rạng rỡ, những cuộc tình luôn được theo đuổi nhưng không bao giờ đạt được, những cuộc tình tràn ngập niềm vui, hay những cuộc tình dày vò đến nhỏ lệ.

Nếu nó không bị ô nhiễm bởi tật xấu thì yêu đương là một trong những cảm xúc thuần khiết nhất. Người đang yêu trở nên hào phóng, thích tặng quà, viết thư và làm thơ. Người ấy không còn nghĩ về bản thân để hoàn toàn tập trung vào người khác, điều này thật đẹp. Và nếu các bạn hỏi người đang yêu: "Động lực nào khiến bạn yêu?", người ấy sẽ không tìm ra câu trả lời. Theo nhiều cách, tình yêu của họ là tình yêu vô điều kiện, không cần lý do. Hãy nhẫn nại nếu tình yêu đó, dù mạnh mẽ đến thế thì cũng có chút ngây thơ: những người yêu nhau không thực sự biết rõ khuôn mặt của đối phương, có xu hướng lý tưởng hóa họ, sẵn sàng đưa ra những lời hứa mà họ không thể nắm bắt được ngay lập tức. Tuy nhiên, "khu vườn" nơi những điều kỳ diệu được nhân lên không phải là nơi an toàn trước cái ác, nó bị biến dạng bởi con quỷ dục vọng, và tật xấu này đặc biệt đáng ghét, ít nhất vì hai lý do.

Trước hết, vì nó tàn phá mối quan hệ giữa con người với nhau. Thật đáng tiếc, bản tin hàng ngày cũng đủ để chứng minh một thực tế như vậy. Có bao nhiêu mối quan hệ được bắt đầu cách tốt đẹp nhất nhưng sau đó lại biến thành những mối quan hệ độc hại, chiếm hữu người kia, không có sự tôn trọng và ý thức về giới hạn? Đây là thứ tình yêu thiếu khiết tịnh: không nên nhầm lẫn một nhân đức với việc kiêng khem tình dục - khiết tịnh còn hơn cả kiêng khem tình dục - nhưng đúng hơn là nó phải gắn liền với ý muốn không bao giờ chiếm hữu người khác. Yêu có nghĩa là tôn trọng người khác, tìm kiếm hạnh phúc cho họ, vun trồng sự cảm thông vì những cảm xúc của họ, hình thành sự hiểu biết về thân xác, về tâm lý và tâm hồn vốn không phải của mình và cần phải được chiêm ngưỡng vì nó là vẻ đẹp mà họ là những người mang theo. Đây là tình yêu, và tình yêu thật đẹp.

Mặt khác, dục vọng chế nhạo tất cả những điều này: dục vọng cướp bóc, trấn lột, tiêu thụ vội vàng, nó không muốn lắng nghe người khác mà chỉ muốn nghe theo nhu cầu và thú vui của bản thân. Dục vọng coi mọi cuộc tán tỉnh đều nhàm chán, nó không tìm kiếm sự tổng hợp giữa lý trí, động lực và cảm giác để giúp chúng ta tồn tại một cách khôn ngoan. Người dâm dật chỉ tìm kiếm những con đường tắt: họ không hiểu rằng con đường yêu thương phải đi một cách chậm rãi, và sự kiên nhẫn này, không đồng nghĩa với sự nhàm chán, nó cho phép chúng ta làm cho mối quan hệ yêu đương của mình được hạnh phúc.

Lý do thứ hai khiến dục vọng là một tật xấu nguy hiểm. Trong số tất cả những thú vui của con người, tình dục có tiếng nói mạnh mẽ. Nó liên quan đến tất cả các giác quan, nó cư trú cả trong thể xác lẫn tâm hồn, và điều này thật đẹp. Nhưng nếu nó không được rèn luyện bằng sự kiên nhẫn, nếu nó không được ghi khắc trong một mối quan hệ và trong một câu chuyện mà hai cá nhân biến nó thành một điệu nhảy của tình yêu, thì nó sẽ biến thành xiềng xích tước đoạt tự do của con người. Khoái cảm tình dục, là quà tặng của Thiên Chúa, bị phá hoại bởi sách báo khiêu dâm: sự thỏa mãn mà không có mối quan hệ có thể tạo ra các hình thức nghiện ngập. Chúng ta phải bảo vệ tình yêu, tình yêu của con tim, của khối óc, của thể xác, tình yêu thuần khiết trong việc hiến thân cho nhau. Và đó là vẻ đẹp của mối tương quan nhục dục.

Chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dục vọng, chống lại sự “sự vật hóa” người khác, có thể là một công việc suốt đời. Tuy nhiên, phần thưởng của trận chiến này mới quan trọng, bởi vì nó là việc gìn giữ vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã viết trong công trình sáng tạo của Ngài khi Ngài nghĩ ra tình yêu giữa người nam và người nữ, không phải để sử dụng nhau mà để yêu thương nhau. Vẻ đẹp đó khiến chúng ta tin rằng cùng nhau xây dựng một câu chuyện thì tốt hơn là theo đuổi những cuộc phiêu lưu, nuôi dưỡng sự dịu dàng tốt hơn là cúi đầu trước con quỷ chiếm hữu – tình yêu đích thực không chiếm hữu, nhưng tự hiến –, phục vụ tốt hơn là chinh phục. Bởi nếu không có tình yêu thì cuộc sống thật buồn, nỗi buồn cô đơn.

G. Võ Tá Hoàng

https://www.vatican.va

Read 107 times Last modified on Thứ năm, 25 Tháng 1 2024 09:13