Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 03 Tháng 6 2021 05:47

Nhận lỗi không nhục! nhục khi không nhận lỗi

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  NHẬN LỖI KHÔNG NHỤC ! NHỤC KHI KHÔNG NHẬN LỖI !

Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.

Nhớ lại ngày xưa Mẹ Thịnh có kể lại câu chuyện như thế này cho nhiều người : Bé Thịnh làm vỡ mấy cái cốc của ông, lo sợ bị mắng, bé khóc toáng lên khi chưa ai kịp phát hiện: “Ông ơi, con mèo làm vỡ cốc của ông… hu hu…”. Lần khác, Thịnh chạy nhảy chơi đùa cùng chị Bống bị ngã rớm máu ở đầu gối, lúc về nhà, Thịnh khóc mách với mẹ tại chị Bống đẩy bé ngã. Nhiều lần khác nữa, bé Thịnh mắc lỗi nhưng luôn đổ cho người khác, lúc thì tại cái ghế, tại con chó, con mèo, tại các anh, các chị lớn, và chưa ai đánh bé cái nào bé đã khóc ầm ĩ lên, thế là ông bà, bố mẹ, các anh chị của Thịnh đều chịu thua Thịnh cả, phải vừa thí vừa nịnh, miễn sao cho Thịnh nín…

Lớn lên, nghe Mẹ bé Thịnh kể rằng thì là từ lúc Thịnh sinh ra đã được nuông chiều, nhà Thịnh cũng rất khá về kinh tế, ông bà nội thương bé nên cứ giữ ở nhà, bé Thịnh đã ba tuổi mà không đi học mẫu giáo như chúng bạn.

Ở nhà không ai muốn làm “phật ý” bé Thịnh, bởi như thế cũng giống như làm phật ý ông bà nội, vì ông bà nội yêu chiều Thịnh lắm, Thịnh muốn gì được nấy, và mọi người trong nhà luôn phải chịu trách nhiệm mỗi khi Thịnh khóc…

Có lẽ chính vì vậy mà Thịnh hay vòi vĩnh, nhõng nhẽo, bướng bỉnh, đặc biệt là bé không biết xin lỗi và luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác. Điều này chứng tỏ, bé Thịnh hoàn toàn có nhận thức tốt về hành vi của mình, nhưng vì bé hiểu rằng nếu bé đổ vấy lỗi cho ai đó và khóc toáng lên là không ai động đến Thịnh nữa.

Và rồi, câu chuyện của bé Thịnh cũng chỉ là một ví dụ trong cuộc sống của chúng ta. Thường ta thấy thói quen đổ lỗi cho người khác khi mắc lỗi thường bắt gặp ở rất nhiều trẻ, kể cả những trẻ sinh sống trong gia đình không có điều kiện về kinh tế. Trẻ đổ lỗi cho người khác để tìm sự an toàn cho bản thân, để khẳng định “giá trị” của mình, hoặc để kiếm cớ thỏa mãn những đòi hỏi vô lý…

Lớn rồi, nghe Mẹ kể cái tật xấu khi còn nhỏ của mình rất ư là buồn cười.

Thi thoảng, đi đến nhà này nhà kia, thấy trẻ con chạy nhảy té thì thay vì rầy la con cái đừng chạy nhảy thì ngược lại, cha mẹ lạ đập chỗ bé té hay ở góc bàn nơi mà bé đập đậu vào bảo "cái bàn này hư lắm ! làm em đau". Chả phải mình bỉ nhân nhưng cũng nhiều người thấy có nhiều gia đình dạy con lạ như vậy.

Phận làm cha làm mẹ thì cha mẹ ngày hôm nay phải nhận lỗi trước các con vì đã không làm được nhiều hơn như bố mẹ đáng phải làm, để gửi lại cho con môi trường sống sạch sẽ hơn, để đặt những nền móng cho xã hội không chỉ giàu hơn, mà cần văn minh và an toàn hơn. Cha mẹ phải nhận lấy trách nhiệm của mình, ngày hôm nay, chứ không đùn đẩy nó cho con ngày mai.

Là cha là mẹ thì chúng ta đừng tạo cho trẻ thói quen xấu, bởi chính những thói quen đó sẽ hình thành nhân cách, theo các bé đến suốt đời. Hãy nghiêm khắc và công bằng trong cách giáo dục trẻ. Môi trường mẫu giáo rất tốt cho sự phát triển của trẻ, vì vậy không nên viện bất cứ lý do gì để giữ trẻ ở nhà, nên tạo điều kiện cho trẻ đến trường, sự kết hợp giáo dục chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình là cách hoàn thiện trẻ tích cực nhất.

Những ngày này, trên mạng xã hội, hầu như nhiều người bị cuốn theo kênh của chị Hằng. Nơi cái kênh này, mọi người mới tá hỏa tam tinh ra những chuyện mà xem chừng ra từ trước đến nay mọi người cứ ngỡ nó là thật nhưng nó là giả. Những người được chị Hằng đưa ra hơn ai hết thẩm định chính con người của mình chứ không phải ai khác.

Chị Hằng đã nhận ra những điều sai của mình, những giây phút tạm gọi là mộng mị của mình để rồi khi bừng tỉnh chị đã sửa sai. Chị can đảm nói cả nhân thân của mình và không hề giấu diếm. Có lẽ ít người can đảm để nói trước công chúng về con người, tính cách của mình và Chị là người can đảm nhận búa rìu của dư luận với mục đích muốn làm sáng tỏ nhiều vấn đề nghi vấn về thật thật giả giả.

Là con người, ai trong mình cũng mang phận người yếu đuối và chắc chắn ai cũng hơn một lần vấp ngã.

Quả thật, để đấu tranh cho con người yếu đuối của mình, để nhìn nhận những sai lỗi của mình không hề dễ. Đơn giản vì ai ai cũng trọng danh dự của mình và tìm mọi cách để bảo vệ danh dự của mình. Chính vì thế thay vì nhận lỗi thì con người ta ngụy biện mà càng ngụy biện thì người khác sẽ thấy được sự giả dối, sự sai phạm trong con người của mình.

Thật sự thì sự thật chắc chắn cũng sẽ được đưa ra ánh sáng. Chỉ có điều là lâu hay mau mà thôi. Và chuyện quan trọng nhất trong cuộc đời dù theo tôn giáo nào thì cũng không tránh khỏi luật nhân quả theo như Phật Giáo hay như nhãn tiền theo góc nhìn của Công Giáo. Mình cứ sống và mình cứ gieo. Hễ mình sống và mình gieo điều gì thì mình sẽ được gặt điều đó.

Hễ là con người, khó có tránh được sự sai lầm vì lẽ người ta nói 70 chưa gọi là lành là có thật. Chuyện thực tế đang diễn ra trước mắt bỉ nhân về những câu chuyện 70 chưa gọi là lành. Những câu chuyện ấy như là bài học cho cuộc đời của bỉ nhân. Còn lại thời gian nào đó trong cái cõi tạm này thì hãy cố gắng sống tốt nhất có thể và nhất là hãy yêu thương nhau hết sức có thể. Đời nó vô thường và mong manh lắm để rồi ta hãy cố gắng trở về với chính mình, hãy can đảm nhận sự sai lầm, nhận trách nhiệm của mình để sửa sai. Có như thế thì mọi người sẽ trân quý mình biết bao.

Bản thân bỉ nhân cũng thế thôi ! Chả phải một lần ngã nhưng nhiều lần ngã. Được cái là chấp nhận cũng như nhận ra những cái sai của mỉnh để đứng dậy bước tiếp. Tiếc thay cho những ai không can đảm nhận ra lỗi của mình. Nhận lỗi chắc chắn sẽ không nhục và thật nhục nếu như mình không nhận lỗi.

Lm. Anmai, CSsR

Read 1009 times Last modified on Thứ năm, 03 Tháng 6 2021 11:33