Bệnh viện 09 Thanh Trì ở Hà Nội là bệnh viện tuyến cuối nên toàn tiếp nhận những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS rất nặng, có người vào viện được 2-3 ngày đã chết. Người nào may mắn thì sống thêm được 2-3 năm.
Bác sỹ Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết có một thực tế đáng buồn là hiện nay, các gia đình có người nhiễm HIV/AIDS thường “phó mặc” người thân cho bệnh viện. Nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng có khi bệnh nhân ốm rất nặng, tiên đoán không thể qua khỏi nên bệnh viện gọi điện thông báo cho gia đình biết, nhưng họ nói đã “tin cậy hoàn toàn”, “trăm sự nhờ bệnh viện” nên đến khi thân nhân chết rồi họ mới đến nhận xác và lo hậu sự. Nhưng đau đớn hơn là có không ít người đã chết, bệnh viện đã tự lo hậu sự cho người quá cố, sau đó thông báo bằng mọi cách đến gia đình để gia đình đến nhận tro cốt, nhưng cuối cùng vẫn bặt vô âm tín *.
Thật ra bất cứ một đứa bé nào khi chào đời cha mẹ và người thân cũng đặt nhiều kỳ vọng rằng nó sẽ có một tương lai tươi đẹp, họ cũng mong được nuôi dạy chúng thành những người hữu ích cho xã hội. Thế nhưng không phải nổ lực giáo dục nào cha mẹ cũng được đền đáp hay có kết quả xứng đáng. Biết bao bậc cha mẹ đã gặp phải sự thất bại trong công tác giáo dục con cái mình trở thành những người sống vững vàng, thành đạt và tìm thấy ý nghĩa thực sự cho cuộc đời mình. Xã hội luôn nói đến “ sự cấp thiết trong giáo dục” cũng từ những thực tế đáng buồn này.
Đại đa số các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS , nhất là những người trẻ, cũng không thể giấu nổi sự hối hận, tiếc nuối vì đã trót lầm đường lạc lối, đã không nghe theo lời khuyên dạy của gia đình, của cha mẹ. Nhưng rõ ràng để họ vượt qua được giai đoạn khó khăn này, gia đình, cha mẹ, người thân cần phải có bên cạnh. Song thực tế là sự đoạn tuyệt của gia đình khiến họ trở nên tuyệt vọng, buông xuôi, chán nản, không còn thiết tha điều trị hay ăn uống, khiến cái chết đến càng nhanh hơn...Khi chứng kiến những lần ra đi trong lặng lẽ cô đơn của bạn bè, anh/chị/em trong bệnh viện 09 này, không ít bệnh nhân đang khỏe mạnh cũng phải suy sụp, sợ hãi. Bởi, đó cũng chính là viễn cảnh tương lai của họ …*
Trong Sứ điệp Mùa Chay 2012, Đức Thánh Cha Benedictô thứ 16 kêu gọi: “ Chúng ta hãy quan tâm trách nhiệm đối với người anh em. Không bao giờ chúng ta được thiếu khả năng ”có lòng từ bi” đối với người đau khổ. Đừng tỏ ra là người xa lạ với nhau, đừng dửng dưng về số phận của các anh em”. Điều này càng đặc biệt đúng khi đó lại là người máu mủ tình thâm của mình. Vì thế chúng ta càng không thể nào buông xuôi, phó mặc cuộc sống của những người thân - bệnh nhân này để mình họ từng ngày từng phút đối diện với cái chết. Cho dù không thể giúp họ chống trả với bệnh tật và sự đau đớn về thể xác thì ít nhất khi hoàn thành sứ mạng yêu thương của mình, cha mẹ hay người thân của những bệnh nhân của căn bệnh thế kỷ cũng tìm thấy sự an ủi, giúp họ có thời gian hồi tâm sám hối về lỗi lầm của mình. Đây là điều rất cần thiết vì trong thông điệp gởi cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2012, ĐTC Benedicto đã viết: “ Sám hối đặc biệt cần thiết trong thời gian đau khổ trong đó người ta có thể bị cám dỗ là đầu hàng cho sự tuyệt vọng và chán chường. Thay vì tuyệt vọng, bí tích này có thể biến cải sự đau khổ thành một thời gian có ân sủng để có thể trở lại với con người bình thường.” Tuy không thể cứu sống sự sống trên thân xác của họ nhưng sự gần gũi yêu thương của gia đình có khả năng sẽ giúp họ nhẹ nhàng, thanh thản dọn mình về với Chúa. Đặc biệt là giúp họ biết tận dụng những đau đớn thể xác do bệnh tật như một cơ hội để cầu nguyện cho mình và cho kẻ khác. Cũng trong thông điệp gởi cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2012, ĐTC Benedicto đã nói : “ Kinh nghiệm khổ đau của người bệnh có thể giúp họ đến gần Chúa Giêsu ” . Đặc biệt là người thân có thể giúp bệnh nhân được tiếp xúc với Thánh Thể, mà theo ĐTC đó là “ một công cụ quý giá của ân sủng Thiên Chúa cho người bệnh vì giúp cho họ thông hiệp "hoàn toàn hơn với mầu nhiệm của cái chết và sự phục sinh của Chúa Kiô ”.
Dĩ nhiên tiếp xúc với bệnh nhân mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này là đòi hỏi người thân cũng phải có nhiều sự hy sinh. Nghĩa là phải có sự yêu thương , chính tình yêu mới giúp chúng ta không ngần ngại trong việc phải trao hiến một cái gì đó từ chính bản thân mình. Ngoài việc yêu thương chăm sóc các bệnh nhân vốn là người thân thuộc của mình , “ chúng ta luôn được mời gọi sống tinh thần bác ái mỗi ngày để chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa cho tha nhân, và đó là điều làm nên tính xác thực của đời sống Kitô hữu.”” (ĐTC Phanxico).
Với mục đích “muốn nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tin tưởng vào sức mạnh nơi Lòng thương xót Chúa, và đó là sẽ là nguồn hỗ trợ giúp cho cuộc hành trình của chúng ta trong những giờ phút lạnh lẽo nhất, và sẽ giúp chúng ta tìm thấy sự ấm áp về sự hiện diện của Thiên Chúa”, hôm thứ Sáu 26.02, Đức Thánh Cha Phanxicô bất ngờ ghé thăm cộng đồng San Carlo gần Castel Gandolfo nằm trên ngọn đồi Alban. Cộng đoàn San Carlo được Cha Mario Picchi thành lập, nhằm mục đích ngăn ngừa và loại trừ những tệ nạn xã hội, đặc biệt cộng đoàn tập trung giúp cho những người nghiện từ bỏ ma túy để trở về đời sống xã hội tốt lành. Tại đây, Đức Thánh Cha Phanxicô dành thời gian chính nói chuyện với những người bị nghiện ma túy và lắng nghe câu chuyện của họ với những nỗ lực chiến đấu chống lại việc tái sử dụng.** . Rõ ràng chuyến viếng thăm bất ngờ để động viên những người nghiện ma túy này của ĐTC như một cử chỉ diễn tả lòng Thương Xót Chúa giúp “ biến đổi con tim của con người và làm cho họ cảm nghiệm một tình thương trung tín” ( Trích Sứ Điệp Mùa Chay 2016 ). Từ đó họ thêm sức mạnh để từ bỏ thói hư tật xấu, dứt khoát với lỗi lầm của quá khứ để biến đổi thành con người mới.
“ Ngay cả nếu chúng ta quay lưng lại với Thiên Chúa, thì Thiên Chúa vẫn đến với chúng ta và tỏ bày tình yêu thương của Ngài cho chúng ta. Đó là bản chất nơi Thiên Chúa” . ( ĐTC Phanxico ) . Hình ảnh người Cha nhân từ được nhắc đi nhắc lại trong Mùa Chay này là một tấm gương cho các bậc cha mẹ noi theo. Dù người Cha hết lời khuyên nhủ nhưng người con thứ vẫn dứt áo ra đi theo cuộc sống hoang đàng. Và ngày nó trở về trong dáng vẻ tiều tụy, nhếch nhác, áo quần rách nát, hôi hám nhưng người Cha nhân hậu vẫn ôm nó vào lòng. Người con thứ đã can đảm quay về chỉ nhờ một niềm tin duy nhất là người Cha không bao giờ bỏ rơi nó cho dù nó tệ hại đến như thế nào.
Lạy Chúa, xin cho mỗi gia đình chúng con luôn là chỗ dựa vững chắc, luôn là chốn quay về cho những thành viên trong gia đình cho dù họ đang trong bất cứ tình trạng nào của cuộc đời . Amen .
Điền Phương Thảo
Â
Â
Lạy Chúa, xin cho mỗi gia đình chúng con luôn là chỗ dựa vững chắc, luôn là chốn quay về cho những thành viên trong gia đình cho dù họ đang trong bất cứ tình trạng nào của cuộc đời . Amen
Published inSuy Niệm - Suy Tư
Tagged under