Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 30 Tháng 6 2012 19:08

5 Phút Mỗi Ngày Cho Lời Chúa - Tháng 7.2012 (Từ 16 đến 31)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con học hiền lành và khiêm nhường như Chúa để con có thể tha thứ, thông cảm với những lỗi phạm, yếu đuối của anh chị em và của chính bản thân con. 16/07/12 THỨ HAI TUẦN 15 TN Đức Mẹ núi Camelô Mt 10,34-11,1

YÊU CHÚA TRÊN TẤT CẢ


“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy... Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” (Mt 10,37-38)


Suy niệm: “Dù là vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy sự an bình trong gia đình là người sung sướng nhất” (Goethe). Gia đình là một trong những viên ngọc quý giá trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Gia đình là nơi con người bắt đầu tập sống tình yêu thương cách quảng đại và vô vị lợi hơn cả. Tuy nhiên, tình yêu mến ấy có thể bị biến dạng, trở nên rào cản con người sống theo lương tâm và lý tưởng cao cả của người Kitô hữu. Chẳng hạn: đưa bà con họ hàng thiếu năng lực vào những chức vụ không thích hợp; cưng chiều, bênh vực con cháu quá đáng; từ chối dấn thân phục vụ và hy sinh vì quá quyến luyến gia đình... Đức Giêsu dạy ta đặt lòng mến Ngài lên trên tình cảm dành cho những người thân trong gia đình. Lòng mến Chúa ấy sẽ hướng dẫn các tình cảm gia đình một cách xứng hợp hơn.


Mời Bạn: “Bác ái bắt đầu từ gia đình, nhưng không nên kết thúc luôn ở đó” (T. Fuller). Bạn đừng hạn hẹp tình yêu, lòng quan tâm, sự chăm sóc chỉ nơi những người thân, trong phạm vi gia đình, nhưng hãy mở rộng tình mến ấy đến cho mọi người, nhất là những người không may mắn chung quanh bạn.


Chia sẻ: Tình gia đình theo văn hóa Việt Nam có những ưu điểm và khuyết điểm nào?


Sống Lời Chúa: Tôi sẽ xét xem lâu nay trong những lãnh vực nào, tôi quá ưu tiên dành tình cảm cho người thân trong gia đình, đến nỗi thiếu sót trong việc sống tình mến dành cho người lân cận. Và tôi sẽ nỗ lực sửa đổi điều này.


Cầu nguyện: Sốt sắng, chậm rãi đọc kinh Lạy Cha, tuyên xưng Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng ta.

 


 

 

17/07/12 THỨ BA TUẦN 15 TN
Mt 11,20-24

 

COI CHỪNG THÁI ĐỘ HƯỞNG THỤ


Đức Giêsu quở trách các thành: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa... ” (Mt 11,20-21)


Suy niệm: Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa năm 2010, phần “Hiện trạng xã hội Việt Nam dưới ánh sáng đức tin,” nói đến chủ nghĩa hưởng thụ như một thách đố đối với người Công giáo. Với người thấm nhiễm chủ nghĩa này, điều họ quan tâm số một là tiện nghi vật chất, tiền bạc của cải, để có điều kiện hưởng thụ tối đa; niềm tin tôn giáo bị xem là thứ yếu. Họ thờ ơ lãnh đạm trước những sinh hoạt của tôn giáo. Thái độ thờ ơ ấy không tiêu diệt, nhưng làm tê liệt sự sống của tôn giáo. Các thành quanh bờ hồ Galilê ngày xưa bị Chúa quở trách cũng vì sự thờ ơ lãnh đạm này. Chứng kiến phép lạ Chúa làm, nghe lời Ngài giảng, nhưng họ không quan tâm đến Ngài. Ngài có đó, ở giữa họ, nhưng như không hiện hữu với họ, không ảnh hưởng gì đến họ.


Mời Bạn: Chủ nghĩa hưởng thụ không phải chỉ ở trong siêu thị, ngoài hè phố, nhưng có thể thâm nhập vào tâm hồn bạn. Dấu hiệu của căn bệnh xã hội này là lối sống thực dụng, tìm mọi cách để hưởng thụ, và đặc biệt thái độ dửng dưng, thờ ơ với việc sống những giá trị của Tin Mừng, tham gia việc chung... Bạn có nhận ra những dấu hiệu ấy nơi suy nghĩ và lối sống của mình chưa?


Sống Lời Chúa: Tôi sẽ quan tâm hơn đến việc sống niềm tin của mình: tham dự phụng vụ, cầu nguyện riêng, đọc Lời Chúa trong gia đình, tham gia một hội đoàn (nếu có thể).


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa quở trách các thành không phải bị coi thường, nhưng vì thương xót khi thấy người ta đi theo con đường tự hủy diệt. Xin giúp chúng con đừng bao giờ thờ ơ lãnh đạm với Lời Chúa dạy. Amen.

 


 

 

18/07/12 THỨ TƯ TUẦN 15 TN
Mt 11,25-27

 

XIN NGỢI KHEN CHA


“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha...” (Mt 11,25)


Suy niệm: Tin Mừng hôm nay gồm ba câu ngắn ngủi, sử dụng ba động từ để diễn tả việc đón nhận hay khước từ Tin Mừng của Chúa Giêsu. Đó là ba động từ “giấu,” “mạc khải,” “biết.” Có ba hạng người liên quan: “những bậc khôn ngoan, thông thái,” “những người bé mọn,”“kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho.” Trong ba năm đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã được nhiều kẻ bé mọn, nghèo hèn trong xã hội thời ấy đón nhận. Họ chấp nhận Ngài không phải do sự kém cỏi, dốt nát, nhưng do lòng khiêm tốn, đơn sơ. Những kẻ khôn ngoan, thông thái từ khước Ngài không phải do học thức cao siêu, nhưng do lòng tự mãn của họ. Trước đó, ta cũng thấy ba nhóm người được loan báo Tin Mừng Giáng Sinh: các thượng tế và kinh sư, các nhà chiêm tinh và các mục đồng. Thế nhưng, chỉ có hai nhóm sau đến bái lạy Hài Nhi Giêsu!


Mời Bạn: Nước Thiên Chúa không đến cách ồn ào, náo động nhưng rất bình thường, nhỏ bé như hạt cải, nắm men mà lại ẩn chứa sức mạnh tiềm tàng. Chỉ những ai -không phân biệt thông thái hay ít học- có tấm lòng khiêm tốn, trái tim rộng mở, mới có thể đon nhận Tin Mừng của Nước Thiên Chúa.


Sống Lời Chúa: Đọc bản văn Tin Mừng cách chậm rãi, nhiều lần, rồi nỗ lực tập sống tinh thần đơn sơ, khiêm tốn, rộng mở trước Lời Chúa mời gọi.


Cầu nguyện: Lạy Cha, cùng với Đức Giêsu, Con yêu quý của Cha, chúng con xin ngợi khen Cha, vì những ân huệ Cha ban trong cuộc sống hằng ngày. Xin ban cho chúng con một tâm trí bén nhạy, một tấm lòng rộng mở, một tâm hồn đơn sơ, để có thể nhận ra những dấu chỉ Cha trao mỗi ngày. Amen.

 


 

 

19/07/12 THỨ NĂM TUẦN 15 TN
Mt 11,28-30

 

MANG LẤY GÁNH CỦA CHÚA


“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)


Suy niệm: Ngồi nghĩ lại cuộc đời, không ít người cảm thấy mình phải mang nhiều gánh nặng. Gánh nặng do tuổi tác, sức khỏe, bệnh tật, công ăn việc làm, áp lực của công việc, bổn phận làm cha làm mẹ, sự bất hòa trong gia đình... Ai trong chúng ta cũng mong được trút bớt hoặc nhẹ đi những gánh nặng này, nhưng tự sức mình, nhiều khi ta không làm nổi. Trong bài Tin Mừng hom nay, Chúa Giêsu mời gọi ta - những người đang phải gồng gánh nặng nề- hãy đến với Ngài, để được Ngài boi dưỡng bằng tình yêu nồng cháy của Trái Tim và bằng Mình Máu Thánh quý giá của Ngài. Gánh nặng vẫn còn đó, nhưng từ nay được mang với tình yêu và nhờ tình mến Chúa và yêu người này, gánh nặng trở nên nhẹ nhàng.


Mời Bạn: Chúa Giêsu sẽ không gánh thay hoặc đổi gánh cho bạn. Ngài ban cho bạn lửa yêu mến Chúa và tha nhân. Nhờ ngọn lửa yêu này, gánh nặng bạn đang vác như được tháp thêm đôi cánh giúp bạn bay bổng. “Nơi nào có tình yêu, sẽ không còn vất vả; hoặc nếu có vất vả, thì sự vất vả ấy cũng được yêu mến” (Th. Augustinô).


Chia sẻ: Kinh nghiệm bạn được ơn hoán cải, rồi chuyên cần cầu nguyện, gánh nặng đời bạn đã được thay đổi.


Sống Lời Chúa: Dâng lên lời cám ơn Chúa vì những ơn lành Chúa làm trong đời ta, gánh nặng của đời ta trở nên nhẹ nhàng.


Cầu nguyện: Lạy Chúa! Ngày nào có cái khổ của ngày ấy, nhưng chúng con an tâm vì khi đến với Chúa mỗi ngày trong thánh lễ, Chúa cho chúng con được nghỉ ngơi bồi dưỡng trong tình yêu Chúa. Chúng con tạ ơn Chúa. Amen.

 


 

 

20/06/12 THỨ SÁU TUẦN 15 TN
Th. Apôlinarê, giám mục, tử đạo
Mt 12,1-8

 

CẦN MỘT TẤM LÒNG


“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 12,7)


Suy niệm: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.” Sống trong xã hội văn minh và tiến bộ hôm nay lẽ ra con người được vui vẻ và hạnh phúc hơn. Nhưng trong thực tế đau khổ, bất hạnh, bất công vẫn đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Tại sao vậy? - Thưa, vì thiếu tấm lòng. Thế giới hôm nay với nền văn hóa thực dụng giúp con người năng động, nhạy bén trong việc kiếm tiền và hưởng thụ, nhưng cũng dễ trở nên vô tâm, vô cảm với người khác và vì thế, gây ra đau khổ cho nhau. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống với nhau cần có một tấm lòng, tấm lòng nhân hậu của người con cái Thiên Chúa là Đấng nhân hậu. Tấm lòng nhân hậu khi cư xử với đồng loại thì quý giá hơn các của lễ hay nói cách khác, đó mới chính là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả.


Mời Bạn: Bon chen trong dòng xoáy vật chất và hưởng thụ của xã hội hôm nay, lòng người trở nên hẹp hòi, ích kỷ, để rồi chỉ biết kết án, nghi ngại thay vì nâng đỡ, sẻ chia. Là môn đệ Chúa Giêsu, bạn phải có một tấm lòng bao dung, yêu thương, tha thứ, hầu đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều người xung quanh bạn. Vì "Có tài mà cậy chi tài... Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" (Nguyễn Du).


Sống Lời Chúa: Quyết tâm làm một trong những việc sau đây: Cho kẻ đói ăn, hay cho kẻ khát uống; cho kẻ rách rưới ăn mặc, hay cho khách đỗ nhà; chuộc kẻ làm tôi hay chôn xác kẻ chết.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương biến đổi tấm lòng hoang dại của chúng con! Nhờ đó, lòng chúng con vui sống tình mến Chúa yêu người mỗi ngày một sáng ngời, đẹp tươi hơn. Amen.

 


 

 

21/07/12 THỨ BẢY TUẦN 15 TN
Th. Lôrenxô Brinđixi, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 12,14-21

 

HIỀN LÀNH LÀ SỨC MẠNH CỦA HOÀ BÌNH VÀ CÔNG LÝ


“Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý tới toàn thắng.” (Mt 12,20)


Suy niệm: Thánh Mátthêu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia mô tả chân dung Đấng Cứu Thế rất là hiền hậu. Đây là con đường mà Đức Giêsu phải chọn để hoàn thành sứ mệnh của mình, đưa nhân loại đến bến bờ của bình an và công lý, là hy vọng của mọi người. Chủ trương giải quyết vấn đề bằng con đường khiêm nhu, bất bạo động để Thiên Chúa tiếp tục hành động cho trần gian là cách chọn lựa làm nhiều người khó chịu, nhưng biết làm sao được vì đó là ý muốn của Thiên Chúa và là cách Chúa Giêsu đã chọn đi. Sự lựa chọn đúng đắn này đã góp phần làm thay đổi não trạng của những ai quá khích muốn biến đạo thành một thế lực chính trị.


Mời Bạn: Có bao giờ bạn coi sự lựa chọn của Chúa, của Kitô giáo là sự lựa chọn mang tính nhu nhược không? - Sẽ chẳng đi tới đâu nếu hận thù tiếp nối hận thù; ăn miếng trả miếng. Hiền lành, khiêm nhượng… là nét đặc trưng của Nước Trời và là điều Chúa dạy chúng ta hãy học với Ngài.


Chia sẻ: Bạn có nuôi trong đầu ý tưởng trả thù ai đó đã xúc phạm đến mình hay chưa, dẫu biết rằng một sự bỏ qua cũng chẳng dễ dàng gì, nhưng đó lại là cách tốt nhất để cảm hoá người khác.


Sống Lời Chúa: Câu tục ngữ “một sự nhịn bằng chín sự lành” thích hợp để bạn bắt chước Chúa theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con học hiền lành và khiêm nhường như Chúa để con có thể tha thứ, thông cảm với những lỗi phạm, yếu đuối của anh chị em và của chính bản thân con.

 


 

 

22/07/12 CHÚA NHẬT TUẦN 16 TN – B
Mc 6,30-34

 

GẶP GỠ CHÚA MỖI NGÀY


Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31)


Suy niệm: Dù kinh tế toàn cầu khủng hoảng, các công ty du lịch lữ hành vẫn ăn nên làm ra nhờ con người ngày nay có khuynh hướng đi xa nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày lao động miệt mài. Sau chuyến truyền giáo vất vả trở về, các môn đệ vui mừng báo cáo kết quả với Đức Giêsu. Ngài bảo các ông tìm chỗ thanh vắng nghỉ ngơi. Ngài hiểu rằng đời sống gồm có hai nhịp: làm việc và nghỉ ngơi, gặp gỡ Chúa rồi tiếp xúc với con người. Không thể là Kitô hữu tốt giữa chợ đời nếu không dành thời gian cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa; cũng như không thể lao động miệt mài mà không có lúc nghỉ ngơi thư giãn. Ta dễ dàng chấp nhận nghỉ ngơi để phục hồi sức lực sau khi lao động, nhưng chưa sẵn sàng chấp nhận gặp gỡ, tiếp xúc với Thiên Chúa để nhờ đó, đủ sức mạnh tình yêu sống hòa hợp với tha nhân.


Mời Bạn: Tìm một nơi thanh vắng, riêng tư để gặp gỡ, cầu nguyện với Thiên Chúa, chỉ mình Ngài với bạn. Nơi đó có thể là một góc trong nhà bạn, nhà thờ, hay bãi biển lúc sáng sớm... Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải xác tín rằng chỉ nhờ gặp gỡ Thiên Chúa, bạn mới có thể nhận được năng lực cần thiết cho đời sống đạo của mình.


Chia sẻ: Kinh nghiệm phục hồi năng lực tinh thần sau giờ cầu nguyện.


Sống Lời Chúa: Tôi thu xếp thời gian để có thể gặp gỡ, cầu nguyện riêng với Chúa sáng sớm (hay buổi tối) mỗi ngày.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con dành thời gian mỗi ngày gặp gỡ, cầu nguyện với Chúa để nhờ đó, chúng con có thể sống tốt đẹp cuộc đời của mình. Chúng con xin hứa sẽ vâng theo lời Chúa dạy. Amen.

 


 

 

23/07/12 THỨ HAI TUẦN 16 TN
Th. Bighítta, nữ tu
Mt 12,38-42

 

CÓ CẦN DẤU LẠ ĐỂ TIN?


“Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna. Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy.” (Mt 12,39-40)


Suy niệm: Thông thường nhiều người vẫn háo hức nghe ngóng, thấy ở đâu có dấu lạ là đổ xô tìm đến. Người ta vẫn thường cho rằng cần có những dấu lạ để tin vào Chúa, để dễ theo đạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu không có ơn Chúa, không có cái tâm hướng thiện thì bao nhiêu dấu lạ cũng chẳng ích gì, chẳng làm cho người cứng lòng có được đức tin. Chúa Giêsu đã thẳng thừng từ chối làm dấu lạ theo yêu cầu của các người Pharisêu và kinh sư, vì Ngài thừa biết họ cũng chẳng tin tưởng gì hơn qua các phép lạ. Họ vẫn cứ cứng tin và tiếp tục quy kết những việc Ngài làm là do quyền phép của quỷ vương. Dấu lạ duy nhất mà Chúa Giêsu hứa cho họ chính là cái chết và sự phục sinh của Ngài. Đây là dấu vĩ đại nhất, dấu cứu chuộc loài người chúng ta.


Mời Bạn: Đức tin là một hồng ân vô điều kiện Thiên Chúa ban cho con người, mời gọi sự đáp trả của con người. Chúng ta không thể đòi Thiên Chúa làm điều này điều kia để mặc cả với Ngài về chuyện đức tin.


Chia sẻ: Chia sẻ cho mọi người trong nhóm biết vì sao bạn tin Chúa.


Sống Lời Chúa: Nhớ lời Chúa Giêsu khẳng định với Satan để khẳng định lại đức tin của mình trước cám dỗ xin dấu lạ: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).


Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con tin, nhưng xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Amen.

 


 

 

24/07/12 THỨ BA TUẦN 16 TN
Th. Sácben Máclúp, linh mục
Mt 12,46-50

 

LÀ NGƯỜI EM CỦA ĐỨC GIÊSU


“Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)


Suy niệm: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Cứ ngỡ câu trả lời sẽ rất rõ ràng và dễ dàng: là Đức Maria và các anh em họ Đức Giêsu đang đứng ở vòng ngoài. Thế nhưng, đáp án Đức Giêsu đưa ra thật bất ngờ khiến ai nấy ngỡ ngàng: người thân của Ngài là tất cả những ai thi hành ý muốn của Cha trên trời. Chắc chắn Đức Giêsu không coi nhẹ quan hệ, tình nghĩa theo huyết thống. Ngài muốn ta vượt lên trên gia đình thân thiết theo nghĩa thông thường, để mở rộng lòng đón nhận một quan hệ, tình nghĩa thiêng liêng: quan hệ, tình nghĩa của những người con cái trong gia đình của Thiên Chúa. Trong đại gia đình ấy, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ trở nên giống người Anh Cả Giêsu, Đấng luôn vâng phục và vuông tròn thực hiện thánh ý Chúa Cha.


Mời Bạn: “Một giọt nhỏ vâng phục đơn sơ có giá trị gấp triệu lần một bình đầy những suy tính đã chọn lọc kỹ càng” (Th. Maria Mađalêna Pazzi). Tình yêu chân thật với Thiên Chúa dựa trên nền tảng là lòng vâng phục. Đức Giêsu đã chứng tỏ lòng yêu mến ấy bằng sự vâng phục tuyệt đối, kể cả bằng việc hy sinh mạng sống. Mời bạn nhìn ngắm mẫu gương vâng phục của Ngài.


Sống Lời Chúa: Xem lãnh vực nào, tôi thường tìm cách né tránh làm theo ý Thiên Chúa; tôi tìm cách loại bỏ những ý riêng mà tôi nguỵ trang làm ý Chúa.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con làm theo thánh ý Chúa Cha để trở con thành người em của Chúa. Xin giúp con chiêm ngắm mẫu gương vâng phục của Chúa, nỗ lực đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày. Nhờ vậy, con nhận biết thánh ý Chúa Cha và vui vẻ thi hành.

 


 

 

25/07/12 THỨ TƯ TUẦN 16 TN
Th. Giacôbê tông đồ
Mt 20,20-28

 

SỰ CAO TRỌNG ĐÍCH THẬT


“Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống.” (Mt 20,28)


Suy niệm: “Khi tôi ngủ, tôi mơ thấy cuộc đời là hoan lạc. Khi thức dậy, tôi thấy cuộc đời là phục vụ, và rồi khi tôi phục vụ, tôi đã khám phá thấy phục vụ chính là hoan lạc” (R. Tagore). Như bao người, Giacôbê và Gioan cũng mơ giấc mộng cuộc đời của các công hầu khanh tướng đầy hoan lạc. Đức Giêsu đã đánh thức các ông khỏi cơn mơ ngủ này để đưa các ông đi vào tinh thần của người công dân Nước Trời. Với trần thế, người làm lớn là người chỉ tay năm ngón, được người khác cung phụng hầu hạ. Ngược lại, người làm lớn trong Nước Thiên Chúa lại là người đầy tớ phục vụ người khác, giơ tay phục vụ thay vì chỉ tay sai khiến, quan tâm chăm sóc tha nhân thay vì được cung phụng hầu hạ.


Mời Bạn: Ra khỏi cơn mơ ngủ này không phải là chuyện dễ dàng chút nào! Bạn vẫn thích làm lớn theo kiểu trần thế mà quên rằng trong Nước Thiên Chúa, sự cao trọng hệ tại ở điều này: Bạn đã âm thầm phục vụ, yêu thương nâng đỡ người khác chưa?


Chia sẻ: Người làm lớn trong cộng đoàn, hội đoàn, giáo xứ của bạn đã phục vụ người khác hay là người được cung phụng hầu hạ? Có cách nào để canh tân cho hợp tinh thần Tin Mừng không?


Sống Lời Chúa: Xem lại cách suy nghĩ của tôi về việc làm lớn và cố gắng điều chỉnh để thật sự hạ mình phục vụ người khác như Chúa Giêsu dạy.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mẫu gương về việc làm lớn trong Nước Chúa: phục vụ người khác, chứ không phải để được phục vụ hầu hạ. Xin cho chúng con hiểu rằng sự cao trọng đích thật là âm thầm phục vụ và yêu thương chăm sóc người anh em, chị em. Amen.

 


 

 

26/07/12 THỨ NĂM TUẦN 16 TN
Th. Gioakim và Anna
Mt 13,10-17

 

HẠNH PHÚC NÀO BẰNG


“Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe.” (Mt 13,16-17)


Suy niệm: Cặp vợ chồng gương mẫu và lý tưởng Gioakim và Anna mà Giáo hội mừng lễ hôm nay đã để lại cho đời một hạt ngọc quí giá, đó là Đức Maria. Các ngài thật diễm phúc vì thấy được người con mình sinh ra, nuôi dạy khôn lớn và thành đạt. Chúa Giêsu cho biết những ai đi theo Ngài làm môn đệ cũng được diễm phúc còn hơn thế nữa. Được nghe, được thấy, được biết Chúa Giêsu không chỉ là một niềm tự hào theo kiểu tự nhiên được là người thân cận với một ông thầy nổi tiếng. Chúa Giêsu là Thầy dạy, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ; cho nên biết Ngài cũng đồng nghĩa là được Ngài cứu độ. Đó là điều mà “chư dân” chỉ nghe biết qua dụ ngôn, điều mà các ngôn sứ và nhiều người công chính mong nghe mà không được nghe, muốn thấy mà không được thấy.


Mời Bạn: Bạn có cảm thấy hạnh phúc khi chọn theo đạo Chúa hay không? Hoặc bạn có hạnh phúc khi được Chúa gọi theo cuộc sống tu trì hay không? Trước cái nhìn của Chúa bạn đang đi đúng hướng, là người hạnh phúc vì bạn đang sở hữu Đấng là nguồn hạnh phúc.


Chia sẻ: Mong rằng hạnh phúc ấy sẽ luôn là động lực thúc đẩy mỗi người tin tưởng dấn bước trong bậc sống của mình để đem lại hạnh phúc không chỉ cho cá nhân bạn mà còn cho cả những người sống với bạn nữa.


Sống Lời Chúa: Nhờ năng suy niệm Lời Chúa mỗi ngày bạn sẽ khám phá thấy hạnh phúc đích thực chỉ có ở nơi Chúa mà thôi.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nguồn hạnh phúc dịu êm. Xin lôi kéo mọi người đến với Chúa và ở lại với Chúa luôn mãi.

 


 

 

27/07/12 THỨ SÁU TUẦN 16 TN
Mt 13,18-23

 

MẢNH ĐẤT LÒNG TÔI


“Kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, sinh hoa kết quả và làm ra kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (Mt 13,23)


Suy niệm: Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn người gieo giống, hạt rơi vào các loại đất khác nhau biểu thị cho bốn cung cách người ta đón nhận Lời. Hạt gieo bên vệ đường là người nghe Lời mà không hiểu nên quỷ dữ đã cướp Lời đi khỏi họ. Hạt gieo nơi sỏi đá là kẻ đón nhận lời cách sơ sài nên dễ đánh mất Lời khi gặp hoạn nạn hoặc bị bách hại vì lòng tin. Hạt gieo vào bụi gai là những kẻ nghe lời nhưng để những lo toan ở đời này cùng lòng ham mê tiền bạc bóp nghẹt hạt giống đức tin. Còn hạt rơi trên mảnh đất màu mỡ là kẻ nghe Lời và thấu hiểu với cả tấm lòng nên sinh nhiều hoa quả tốt đẹp.


Mời Bạn: Bạn có thấy mình là một trong bốn mảnh đất trên tùy hoàn cảnh sống khác nhau không? Có lúc vừa nghe Lời xong lại quên ngay, có lúc mình cũng để những lo lắng sự đời bóp nghẹt Lời Chúa hay cũng có lúc Lời Chúa được lưu lại trong lòng bạn và bạn đã làm nhiều điều tốt cho những người xung quanh bạn. Ước gì mảnh đất tâm hồn bạn luôn cảm nghiệm được niềm vui khi sống Lời như ngôn sứ Giêrêmia: “Gặp được Lời Chúa tôi đã nuốt vào, vì đó là hoan lạc của lòng tôi” (Gr 15,16).


Chia sẻ: Nhóm, cộng đoàn của bạn có thường xuyên chia sẻ Lời Chúa không? Nếu chưa thì hôm nay chính là cơ hội để bạn bắt đầu.


Sống Lời Chúa: Trung thành với việc đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.


Cầu nguyện: Xin cho hạt giống Lời Chúa trong lòng con trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện, nhờ đó Nước Chúa mở rộng và Lời Chúa được tiếp tục gieo vãi nơi những mảnh đất khác nữa.

 


 

 

28/07/12 THỨ BẢY TUẦN 17 TN
Mt 13,24-30

 

MẦU NHIỆM “CỎ LÙNG”


Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.” (Mt 13,29-30)


Suy niệm: Kẻ thù đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa. Kẻ thù chỉ gieo cỏ lùng, không thể gieo giống tốt. Ngược lại. Thiên Chúa chỉ gieo giống tốt. Cỏ lùng vẫn có đó giữa thế gian, bên cạnh chúng ta, bên trong chúng ta, như một thực tế nhức nhối. Tại sao Thiên Chúa lại để sự dữ hoành hành, thống trị thế giới và nhân loại, tại sao Ngài lại “cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”? Bao nhiêu vấn nạn mà không có lời giải đáp! Thực tế “cỏ lùng” xuất hiện như một mầu nhiệm! Câu trả lời thật đơn giản và vắn tắt: “sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh lại làm bật luôn rễ lúa”. Kinh nghiệm cho thấy chúng ta vẫn phải mãi “sống chung với cỏ lùng”. Trong thế cạnh tranh sinh tồn đó, đòi buộc “lúa-chúng ta” phải mạnh mẽ để chẳng những không biến thành cỏ lùng mà còn sinh sôi nảy nở, “hạt được 30, hạt được 60 hạt được 100”. Chương trình của Thiên Chúa thật huyền nhiệm biết bao!


Mời Bạn can đảm đối diện với thực tế cuộc đời vàng thau lẫn lộn để sáng suốt phân biệt cỏ lùng và lúa tốt; phân biệt để chọn lựa; lựa chọn đòi từ bỏ; từ bỏ cách dứt khoát, để đứng hẳn về phía của Thiên Chúa, và nhờ đó được sống và sống dồi dào.


Sống Lời Chúa: Xét mình mỗi ngày tự vấn lương tâm để kiểm định xem giống tốt Chúa gieo vào tâm hồn ta đã mọc lên chưa? có để cho cỏ lùng chèn ép? có bị “đột biến” thành cỏ lùng hay không?


Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, và xin cho con biết con. Biết con để ghét con. Và biết Chúa để yêu Chúa. (Th. Âu-tinh)

 


 

 

29/07/12 CHÚA NHẬT TUẦN 17 TN – B
Ga 6,1-15

 

CỘNG TÁC VỚI THIÊN CHÚA


“Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá.” (Ga 6,9)


Suy niệm: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Câu hỏi thử của Chúa Giêsu khơi lên ba thái độ. Philípphê trả lời cách vô vọng: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”, chưa kể là nơi đây cách xa làng mạc thành thị. Mọi sáng kiến đều tê liệt vì ông ngồi chờ từ trên trời rơi xuống đủ mọi điều kiện, lúc đó ông mới hành động. Thái độ của Anrê có loé lên một chút giải pháp: năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé, nhưng như thế cũng chỉ là vớt vát, “có thấm vào đâu?” Thái độ của em bé trai nọ mới đích thực là thái độ người môn đệ Chúa phải có: Số bánh và cá ít oi thật đấy, nhưng đó là tất cả của em; em trao hết cho Chúa và Ngài đã làm tất cả những gì còn lại. Dĩ nhiên, Chúa là Đấng toàn năng đã tạo dựng mọi sự từ hư không. Ngài không cần có chúng ta để có thể làm nên phép lạ. Nhưng ở đây Ngài mời gọi chúng ta cộng tác bằng cách hiến dâng Ngài tất cả những chúng ta có, dù ít oi, dù nhỏ bé. Và như thế để chúng ta cũng được dự phần hạnh phúc với Ngài.


Mời Bạn: Khi dựng nên con người, Chúa không cần ai cả, nhưng để cứu chuộc con người, Chúa cần chúng ta cộng tác. Bạn hiểu lời này của thánh Augustinô như thế nào?


Chia sẻ: Bạn có gì để đóng góp phần mình vào công cuộc của Chúa và Giáo Hội. Cá và bánh của bạn là gì ?


Sống Lời Chúa: Tham gia cộng tác vào những việc chung trong cộng đoàn.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con lòng tin tưởng và quảng đại để con biết cộng tác với Ơn Thánh của Chúa, mưu cầu phúc lợi cả phần xác lẫn phần hồn cho anh chị em con.

 


 

 

30/07/12 THỨ HAI TUẦN 17 TN
Th. Phêrô Kim Ngôn
Mt 13,31-35

 

NHỎ NHƯNG KHÔNG NHỎ


“Nước Trời cũng giống như hạt cải… Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất.” (Mc 13,31-32)


Suy niệm: Để có thể bán nhiều sản phẩm hơn, các nhà sản xuất thường tung ra những “chiêu” quảng cáo như: khối lượng lớn hơn, chất lượng tốt hơn, kiểu dáng hấp dẫn hơn, nhưng giá bán vẫn như cũ. Trong nhiều trường hợp, yếu tố “ngoại hình” đóng một vai trò hết sức quan trọng, nếu không nói là quyết định. Chúa Giê-su dường như đang đi ngược với xu thế quảng cáo đó khi Ngài giới thiệu “mặt hàng” Nước Trời: một hạt cải nhỏ xíu bị vùi lẫn trong đất đen, một nắm men ít oi chìm mất trong thúng bột. Thế nhưng, ẩn chứa bên trong cái ngoại hình không lấy gì làm ấn tượng đấy là một sức mạnh đầy sáng tạo phong phú.


Mời Bạn: Đừng coi thường những gì nhỏ bé bởi vì đó là tính cách của Nước Trời, là thói quen hoạt động của Thiên Chúa. Những việc nhỏ, một nghĩa cử thân ái, một lời nói an ủi, khích lệ, một công việc bổn phận hằng ngày được thực hiện cách chu đáo, v.v… những việc nhỏ như thế sẽ không còn là nhỏ nếu như chúng được thực hiện bởi một niềm tin son sắt và một tình yêu nồng nàn dành cho Đức Ki-tô. Những công trình lớn lao sẽ chỉ là trống rỗng nếu thiếu vắng động cơ tiềm tàng này.


Sống Lời Chúa: Chu toàn thật tốt những công việc bổn phận hằng ngày của bạn.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa coi trọng đồng tiền nhỏ của bà goá, Chúa nói Nước Trời thuộc về những ai có tâm hồn trẻ thơ. Con xin dâng những công việc nhỏ bé hằng ngày con làm vì yêu mến Chúa, để nhờ đó Chúa cho con được vinh dự góp phần xây dựng Nước Trời.

 


 

 

31/07/12 THỨ BA TUẦN 17 TN
Th. Inhaxiô Loyola, linh mục
Mt 13,36-43

 

KIÊN NHẪN VÀ NHÂN HẬU


“Hạt giống tốt là con cái Thiên Chúa. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.” (Mt 13,43)


Suy niệm: Ta mong muốn “cánh đồng” thân hữu của mình chỉ toàn những “lúa đồng” thuần chủng. Thế nhưng, sớm muộn rồi “cỏ lùng” cũng xuất hiện: một người bạn chơi xấu, một người thân phản bội... Thay vì chua chát, cay đắng hay trở nên tiêu cực, thất vọng, ta được mời gọi nhìn nhận một sự thật: thế giới là tình trạng “vàng thau lẫn lộn,” ánh sáng đan xen với bóng tối, người tốt ở chung với kẻ xấu. Hơn nữa, nếu thành thật với mình, ta cũng phải nhìn nhận ngay trong tâm hồn mình có tình trạng lúa tốt chen lẫn với cỏ lùng, sự trung tín đi liền sự phản bội, các đức tính tốt ở sát bên các nết xấu. Sự thật này dạy ta đừng vội vàng xét đoán, phân loại người khác khi chỉ thấy một phần hay một giai đoạn cuộc sống của nhau.


Mời Bạn: Dụ ngôn vừa phác họa cho bạn một cuộc sống hiện thực vừa gợi lên tinh thần lạc quan bạn phải có. Bạn được Chúa mời gọi học tính kiên nhẫn và nhân hậu như chính Thiên Chúa, người chủ ruộng của dụ ngôn. Ngài kiên nhẫn chờ đợi đến mùa gặt là ngày chung cuộc mới xét xử người xấu.


Chia sẻ: Chúa dạy bạn bài học gì từ dụ ngôn lúa đồng và cỏ lùng?


Sống Lời Chúa: Tôi tập không vội vàng xét đoán, lên án người khác khi chỉ dựa vào một quảng đời của họ, vì biết rằng nơi tâm hồn họ có cả lúa tốt lẫn cỏ lùng.


Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con xác tín rằng chỉ mình Chúa mới có đủ thẩm quyền để phán xét chúng con, nhưng Chúa lại kiên nhẫn và nhân hậu chờ đến ngày chung cuộc. Xin cho chúng con tập nhận ra “lúa tốt” nơi người anh em, thay vì chỉ chăm chăm chú ý đến “cỏ lùng” nơi họ. Amen.

Nguồn: http://giaophanvinh.net

Read 3014 times Last modified on Thứ hai, 29 Tháng 10 2012 21:37