Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 01 Tháng 10 2023 15:32

Đến để thi hành thánh ý của Cha

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đến để thi hành thánh ý của Cha

 

 

3.10
Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mươi-Sáu Mùa Quanh Năm

St 8:20-23; Tv 87:1-3,4-5,6-7; Lc 9:51-56

Đến để thi hành thánh ý của Cha

          Chúa Giêsu cương quyết lên Giêrusalem qua xứ Samaria cho gần, nhưng dân làng không chấp nhận, vì họ thù nghịch với dân Do thái mà Chúa Giêsu là người Do thái. Thấy vậy, hai ông Giacôbê và Gioan nổi giận xin Chúa cho phép lấy lửa trên trời xuống đốt cháy tụi này. Nhưng Chúa Giêsu quở trách tính hung hãn của hai ông và nói cho hai ông biết: “Con Người đến không phải để giết chết nhưng để cứu sống”. Thật vậy, bài học này đã làm cho các môn đệ và mỗi người chúng ta phải xét lại thái độ của chúng ta đối với anh em.

          Chúa Giêsu ý thức rất rõ Sứ mạng cũng như số phận của mình. Chỉ có là Thiên Chúa nên Chúa Giêsu mới biết rõ như vậy. Biết rõ để Ngài chủ động bước vào Cuộc Khổ nạn một cách tự nguyện thực thi Thánh ý Chúa Cha, chứ không bị thụ động ép buộc.

          Chỉ có ai biết rõ giờ chết và hoàn cảnh chết của mình thì người ấy mới sống trọn vẹn thân phận làm người.

          Chỉ có Chúa Giêsu mới biết rõ như vậy.Còn chúng ta, vì không biết gì về tương lai nên chúng luôn sống trong tinh thần phó thác. Phó thác tất cả trong Bàn tay Chúa Quan Phòng. Chính vì không biết trước, nên ta thường bỡ ngỡ kèm theo những phản ứng vui buồn giận ghét trước mỗi biến cố xảy đến cho mình.

          Chúa Giêsu không như thế, Ngài biết rất rõ số phận của mình nên rất bình thản để đi đến cùng.

          Nên biết, giữa người Do thái và Samaria có một sự xung khắc về quốc gia và tôn giáo. Người Samaria bị những người Do thái giáo coi như những kẻ ly giáo, từ khi họ đã xây dựng một ngôi đền thờ trên đỉnh núi Garizim để cạnh tranh với đền thờ Giêrusalem. Phải tránh tiếp xúc với những kẻ “lầm lạc” (Ga 4,9-20). Bị những người Do thái khinh bỉ, họ trả đũa lại bằng cách gây ra mọi phiền nhiễu cho các đoàn hành hương mượn con đường ngắn nhất để đi từ Galilêa về Giêrusalem.

          Trước thái độ từ chối của dân làng Samaria, hai ông Giacôbê và Gioan, với biệt hiệu “Con trai Thiên lôi”: muốn xin lửa từ trời xuống thiêu đốt những kẻ nghịch này. Hai ông có thái độ như thế vì nhớ lại trường hợp tiên tri Êlia xưa (2V1,10) và nghĩ rằng dân làng Samaria làm như thế là đã làm nhục cho Chúa. Đây là thái độ còn nhiều tinh thần Cựu ước, tinh thần báo thù.

          Nhưng ở đây, Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ một hình ảnh đích thực về Thiên Chúa, Ngài vốn là Đấng toàn năng, nhưng không can thiệp như một ông vua chuyên chế bắt các bề tôi và kẻ thù phải quỳ mọp dưới chân, nhưng Ngài chờ đợi họ hoán cải như người cha, người mẹ đối với con cái: “Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa”.

          Các môn đệ được hiểu rằng việc báo thù là việc của tà thần chứ không phải là việc của Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa báo oán, mà là Thiên Chúa tình thương. Đức Giêsu muốn dạy cho các ông con đường đi theo Chúa  không luôn thẳng tắp, không gặp trắc trở. Vậy những ai muốn theo Chúa phải nhẫn nại hiền lành để đối xử lại, để chinh phục lại các linh hồn. Thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Một thìa mật lôi kéo nhiều ruồi hơn một thùng giấm”.

          Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy lối suy nghĩ của các môn đệ khi chưa hiểu và thấm nhuần giáo huấn của Chúa. Lối suy nghĩ và lối thích sử dụng quyền lực để răn đe hay trấn áp người khác là cách hành xử hoàn toàn trái với tinh thần Tin mừng. Nên Chúa Giêsu đã cảnh cáo các ông. Thái độ của các môn đệ ngày xưa cũng chính là thái độ của chúng ta ngày hôm nay. Tôi tôn thờ một Thiên Chúa nào? Phải chăng là một Thiên Chúa tình yêu, nhân từ, quảng đại hay tha thứ... hay là một Thiên Chúa mà chúng ta cố giải thích méo mó để phục vụ cho ý muốn của riêng ta?

          Con đường để cứu vớt sự sống của Đức Ki-tô là con đường Thập Giá. Để mặc lấy những tâm tình của Chúa Giêsu, tất yếu các môn đệ cần phải hiểu mầu nhiệm Thập Giá. Lúc này họ không hiểu và cũng không dám hỏi, nhưng sau này Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ giúp các ông hiểu. Không hiểu mầu nhiệm Thập Giá, và vì thế không thể mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu, sẽ tất yếu bị chi phối bởi các thần loại quyền bính, độc quyền và nhất là thần loại bạo lực để phân biệt, chia rẽ và thanh toán nhau. Và chưa hiểu mầu nhiệm Thập Giá, chắc chắn cũng chính là vấn đề của chúng ta.

          Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có thái độ cảm thông cho những nghi kỵ, khinh khi và cự tuyệt của người đời, ngay cả những sự vu khống, bắt bớ vì Đạo. Noi gương Đức Giêsu, sẵn sàng đón nhận đau khổ vì sứ vụ: “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12).

          Biết chấp nhận những sự giới hạn của con người, và ý thức rằng: chúng ta đi đến đâu cũng có một số người sống chết với ta, một số người quyết loại bỏ ta và số còn lại thì chẳng cần quan tâm đến chúng ta cũng như công việc của ta. Đây cũng chính là thân phận của Thầy chí thánh Giêsu đã trải qua trong cuộc đời của Ngài.

Huệ Minh

Read 85 times Last modified on Thứ năm, 05 Tháng 10 2023 15:32