Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 23 Tháng 9 2023 07:42

Sự công bằng của Chúa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    Sự công bằng của Chúa

 

 

24.9 Chúa Nhật thứ Hai Mươi-Năm Mùa Quanh Năm

Is 55:6-9; Tv 145:2-3,8-9,17-18; Pl 1:20-24,27; Mt 20:1-16

Sự công bằng của Chúa

          Qua tiên tri Isaia, Thiên Chúa đã khẳng định: tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường nẻo của Ta cũng không phải là đường nẻo của các ngươi. Với dụ ngôn những người thợ giờ thứ mười một, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy sự khác biệt giữa đường lối và cách cư xử của Chúa.

          Thật vậy, một người chủ thuê thợ vào làm trong vườn nho của mình. Những người thợ này được thuê vào những giờ giấc khác nhau. Những người được thuê vào sáng sớm với giá thoả thuận là một quan tiền một ngày. Những người thợ khác thì được thuê vào giờ thứ ba, giờ thứ sáu và giờ thứ chín. Nhưng cũng có những người được thuê vào giờ thứ mười một, nghĩa là vào một thời điểm rất muộn. Tuy được thuê vào các giờ khác nhau, nhưng họ lại kết thúc công việc trong cùng một lúc.

          Như thế, số giờ làm việc có khác nhau, nhưng số tiền mọi người lãnh được lại bằng nhau, kẻ đến sớm cũng như người tới muộn, mỗi người đều nhận được một quan tiền, theo sự thoả thuận giữa ông chủ và những người thợ được thuê sớm nhất. Cách đối xử của ông chủ đã làm cho những người đến muộn vui mừng, nhưng lại tạo nên sự bất mãn nơi những kẻ được thuê từ sáng sớm. Bất mãn vì không được hơn người tới muộn, mà cũng có thể là bất mãn vì người tới muộn cũng được lãnh như mình. Và ông chủ đã trả lời cho những kẻ bất mãn về lý do hành động của ông như sau: Há tôi lại không được phép làm như tôi muốn hay sao?

          Những ám chỉ của dụ ngôn thật rõ ràng: Ông chủ tượng trưng cho Thiên Chúa. Những người thợ được thuê từ sớm là những người Do Thái. Còn những người thợ giờ thứ mười một là tất cả các dân tộc khác, được gọi là dân ngoại. Dụ ngôn là câu trả lời của Chúa Giêsu cho những người biệt phái và Do Thái, từng kêu trách về sự ưu đãi của Chúa đối với những người họ gọi là dân ngoại. Đồng thời qua đó Chúa Giêsu còn cho chúng ta thấy rõ lòng nhân từ của Thiên Chúa thì vượt lên trên tất cả những loại trả công của nhân loại. Tuy nhiên, không phải vì thế mà hành động của Ngài lại mang tính cách tuỳ tiện và bất chấp sự công bằng. Đối với Nước Trời, không có vấn đề buôn bán hay trả giá, mà hoàn toàn chỉ vì lòng nhân từ và thương xót của Chúa.

          Chúa Giêsu có thói quen dùng những sự kiện cụ thể xuất phát từ đời sống để xây dựng những câu chuyện có tính cách giáo huấn: Nào là mùa nho tới cần phải hái mau. Nào là những người thất nghiệp không có công ăn việc làm. Nào là số tiền lương một đồng tươi xứng với mức sống tối thiểu. Từ đó, Chúa Giêsu đã kể lại câu chuyện dụ ngôn ngày hôm nay, và qua câu chuyện này Ngài muốn làm cho chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không phải là một ông chủ theo kiểu các ông chủ trên trái đất này. Họ có bổn phận giữ sự công bằng với thợ thuyền. Còn Thiên Chúa, Ngài không có một bổn phận như thế đối với loài người vì Ngài đứng ở bên kia sự công bằng của loài người, một sự công bằng được giới hạn bởi những gì chúng ta mắc nợ.

          Sức cố gắng suốt một ngày làm việc sẽ có một số tiền công tương xứng của một ngày và không có gì hơn. Đồng thời với sức cố gắng của một giờ, lẽ công bằng của loài người sẽ trả số tiền công tương xứng với một giờ, và cũng không có gì hơn. Nhưng đi xa hơn lẽ công bằng còn có lòng nhân từ. Và lòng nhân từ thì không có giới hạn nào hơn là khả năng ban phát.

          Thiên Chúa là Đấng nhân từ vô cùng, Ngài có khả năng vô biên. Lòng nhân từ thì đi xa hơn lẽ công bằng. Và lòng nhân từ của Chúa còn đi xa hơn điều mà loài người đáng được hưởng vô cùng. Thiên Chúa cần tới các tay thợ để hái quả trong vườn nho của Ngài. Một sự công bằng tối thiểu được bảo đảm nếu họ quyết tâm ở lại trên bình diện ấy. Nhưng Thiên Chúa còn biếu thêm nữa nếu họ có tấm lòng rộng lớn.

          Dụ ngôn này nhắc cho chúng ta tránh đi cách suy nghĩ về Thiên Chúa theo cách thức của loài người, nhất là trong thời buổi hiện nay, một thời buổi đang cố gắng kéo Phúc Âm xuống ngang hàng với những tư tưởng của loài người. Sứ điệp của Tin Mừng là tình yêu, là lòng nhân từ, và khía cạnh chính yếu của nó là sự tự do. Trong khi đó sự công bằng thì bị ràng buộc bởi bổn phận và những gì chúng ta mắc nợ người khác.

          Thực vậy, tình yêu và lòng nhân từ thì không bị ràng buộc bởi kết ước. Điều chính yếu đó là ban phát mà không cần đáp trả, một sự ban phát hoàn toàn có tính cách nhưng không. Chỉ cần chúng ta biết đón nhận mà thôi. Hơn nữa, sứ điệp của Phúc Âm đã làm xáo trộn cách thức suy nghĩ cũng như nếp sống của con người. Dụ ngôn trước hết làm cho bọn biệt phái sửng sốt vì nó đặt người ngoại giáo, những kẻ đến sau, ngang hàng với con cái Israel trong Nước Trời. Đồng thời dụ ngôn cũng làm cho chính chúng ta phải ngạc nhiên, bởi vì chính chúng ta cũng có khuynh hướng tự ban phát cho mình công nghiệp, quyền lợi, và nhiều đòi hỏi. Hãy khiêm tốn đặt mình dưới sự cai quản duy nhất của lòng nhân từ Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta cũng như cho những anh em ngoại giáo, không phải những gì tương xứng với sự công bằng, mà còn những gì do lòng nhân từ của Chúa gợi ra.

          Ước gì qua Lời Chúa hôm nay xin cho mỗi người chúng ta biết sống theo Lời Chúa dạy: Đừng ghen tị để ăn ở cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô. Đó là “Hãy vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người” (Rm 12,14-18).

 Huệ Minh

Read 118 times Last modified on Chủ nhật, 24 Tháng 9 2023 06:59