Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 15 Tháng 8 2023 07:42

Sửa dạy huynh đệ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sửa dạy huynh đệ

 

 

16.8 Thứ Tư trong tuần thứ Mười Chín Mùa Quanh Năm

St 34:1-12; Mt 18, 15-20

Sửa dạy huynh đệ

          Thường khi nói đến đức ái, là chúng ta nghĩ ngay đến tình thương yêu hoặc việc chia sẻ trao ban … Nhưng ở đây, Chúa Giê su dạy chúng ta và chính Ngài cũng là một mẫu gương về tinh thần đức ái tuyệt vời trong một lĩnh vực mới này. Đó là sửa lỗi.

          Đã gọi là chỉnh sửa, ta chỉnh những lỗi lầm, thì phải dùng đến luật lệ và được thực hành cách nghiêm minh ra trước một phiên tòa còn gọi là trước vành móng ngựa. Nhưng ở đây, Chúa Giê su lại dẫn chứng hình ảnh về vị quan tòa, về cách xét xử khác với con người. Đó là vị quan tòa đầy tính hiền hòa và lòng khiêm tốn. Luật của Ngài là yêu thương và tha thứ.

          “Nếu người anh em… trót phạm tội”. Ở đây không nói đến thứ tội trong lương tâm, nhưng là những tội gây xáo trộn hoặc làm mất uy tín của cộng đoàn (giáo xứ, dòng tu...). Như thế là có xảy ra những gương xấu trong cộng đoàn, phải cư xử thế nào?

          Chúng ta hãy xem cách “sửa dạy huynh đệ” mà Chúa Giê su nêu ra như một bằng chứng về đức ái như sau: “Anh hãy đi sửa lỗi nó, một một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe, thì anh đã chinh phục được người anh em” ( câu 15). Đó là phương án thứ nhất: Một gặp gỡ, một ý nói: Lời trách cứ phải được thực hiện trong sự kín đáo. Nếu phương án này chưa đạt kết quả, cần phải thực hiện phương án hai là: “Đem theo một hoặc hai người nữa, để công việc được giải quyết...” Theo như sách Đệ Nhị Luật đã gợi ý (Đnl 19,15) Nếu người đó vẫn không chịu nghe, thì đem ra trước cộng đoàn; Với sự có mặt của cộng đoàn, cộng đoàn sẽ làm chứng và yêu cầu tội nhân nhận trách nhiệm của họ ( x. 17a ). Với cả ba phương án trên, nếu vẫn không đạt kết quả thì “hãy kể nó như người ngoại hay người thu thuế” (x. 17b ). Lúc này mới chấp nhận người đúng như một kẻ xa lạ đối với đời sống cộng đoàn.

          Vì sao Chúa Giêsu lại đưa ra cách sửa lỗi từng bước như vậy? Vì theo Thánh sử Matthêu, việc sửa lỗi huynh đệ là một bổn phận của cộng đoàn Kitô. Việc sửa lỗi này có một nền tảng là Đức Ái, nhằm cứu vãn và xây dựng hơn là áp dụng kỷ luật để đàn áp, loại trừ. Vì thế, Chúa Giêsu muốn mọi phương cách phải được sử dụng để đưa tội nhân trở về. “Cộng Đoàn” ở đây là những người có trách nhiệm chính thức, và các vị này cũng phải áp dụng tiêu chuẩn sửa dạy trên đức ái. Nếu dùng quyền mà sửa trị và loại trừ, cũng là vì bác ái với đương sự, để đương sự nhận ra và hối cải, và cũng bác ái với các phần tử khác trong cộng đoàn để họ không theo gương xấu đó mà phạm tội.

          “Dưới đất, anh em cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc; dưới đất, anh em tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi” (x. Câu 18). Đây là quyền bính được trao cho tông đồ đoàn và đạt được là Thánh Phê rô. Thiên Chúa ở trên trời sẽ chuẩn nhận những quyết định kỷ luật “tháo cởi – cầm buộc” của pháp lý Do Thái cổ xưa. Đối với Giáo Hội, đó là trách nhiệm nặng nề và tinh thần trách nhiệm đó được xác định trong hai câu 19 và 20 sau:

          “Dưới đất, hai người hợp lời cầu xin... Cha Thầy... sẽ ban cho” (x. câu 19): Nói lên việc cầu nguyện chung với nhau sẽ dẫn đến tình bác ái và sự hiệp nhất trong cộng đoàn, và lúc đó lời cầu nguyện được Thiên Chúa nhậm lời. Như thế, khi cầu nguyện cần có hai việc được tiến hành song song: một là tâm đầu ý hợp trong đời sống cộng đoàn; hai là nhân danh Chúa Giê su (x. Câu 20). Chúa Giê su khẳng định Người sẽ hiện diện khi chúng ta cầu nguyện, thực hiện đủ hai bước này và Người sẽ bảo đảm hiệu năng của lời cầu nguyện trước mặt Chúa Cha, và lời cầu nguyện sẽ dẫn đến kết quả tốt đẹp.

          Vì lý do nào mà Thánh sử Matthêu lại đề cao việc hiệp nhất trong cầu nguyện sau khi nói về việc “sửa dạy huynh đệ” ? Đó là vì có một tương quan giữa việc cầu nguyện và sửa dạy. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng sửa dạy, chúng ta chỉ là dụng cụ thi hành ý Chúa. Vậy trước khi sửa dạy, cần cầu nguyện lắng nghe tiếng Chúa, cần theo cách của Ngài chứ không theo sự khôn ngoan của con người. Qua việc con người nhân danh Chúa Kitô sẽ liên kết chúng ta lại với nhau, nhất là liên kết những ai tham gia vào tiến trình “sửa dạy huynh đệ” này.

          Ngày nay, nói chung, chúng ta rất nhạy cảm đến những bài diễn thuyết về chăm sóc và bác ái vì lợi ích thân thể và vật chất của người khác, nhưng chúng ta hầu như im lặng hoàn toàn về trách nhiệm tinh thần đối với anh chị em của mình. Điều đó không có trong Giáo hội sơ khai và trong các cộng đoàn thực sự trưởng thành trong đức tin, ở đó không chỉ lưu tâm đến sức khỏe thể xác của người anh em, mà còn chăm sóc linh hồn của người đó ở phút cuối phận đời.

          Chúng ta đọc trong Thánh kinh: “Đừng khiển trách đứa ngoan cố kẻo nó thù ghét con. Hãy khiển trách người khôn ngoan, con sẽ được họ thương mến” (Kn 9,8). Chính Chúa Giêsu ra lệnh sửa lỗi người anh em khi phạm tội (Mt 18,15). Động từ được sử dụng để xác định việc sửa dạy huynh đệ cũng là động từ nói đến sứ mạng tiên tri về tố cáo của những người Kitô hữu đối với một thế hệ đắm chìm trong tội ác.”

           Trong một thế giới chủ nghĩa cá nhân chiếm ưu thế, khám phá lại tầm quan trọng của việc sửa dạy huynh đệ thật sự quan trọng, để cùng nhau hướng đến sự thánh thiện. Ngay cả Thánh kinh cũng nói: “Vì chính nhân có ngã bảy lần cũng đứng lên được” (Cn 24, 16), và tất cả chúng ta đều yếu đuối và thiếu thốn (x. 1Ga 1,8).

          Vì vậy, đó là một việc làm lớn lao để giúp đỡ và cho phép mình được giúp đỡ để đọc lại bản thân bằng sự thật, để cải thiện đời sống của mình và đi trên đường ngay chính của Thiên Chúa. Luôn cần một cái nhìn yêu thương và sửa dạy, nhận biết và thừa nhận, phân định và tha thứ (Lc 22, 61), như Thiên Chúa đã và đang làm với mỗi người trong chúng ta.”

Huệ Minh

Read 149 times Last modified on Thứ tư, 16 Tháng 8 2023 08:16