Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 03 Tháng 8 2023 11:28

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Hiển Dung

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Hiển Dung

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 17, 1-9)

 

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người.

 

Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: “Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”. Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.

 

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: “Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại”.

 

Suy niệm

 

Mỗi người, dù sống trong hoàn cảnh nào, luôn mong muốn tương lai của mình đầy những thành công, đầy những niềm vui và hạnh phúc. Vì thế, định hướng cuộc đời cho bản thân, luôn là một việc làm cần quan tâm, bởi khi định hướng cho mình, sự cố gắng luôn là động lực để sống và làm việc. Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật thứ 18 thường niên, mời mỗi người tín hữu hướng về tương lai của mình trong tâm tình tôn giáo, để có thể định hướng cho đời sống tôn giáo hiện tại của bản thân. Câu chuyện Chúa Giesu hiển dung trước mặt các Tông đồ đại diện, như là điểm đến cuối cùng của mỗi tín hữu hôm nay. Ngài giới thiệu Nước Trời và vinh quang của Thiên Chúa cho con người, giúp con người không bị lầm tưởng về niềm tin của mình hôm nay.

 

Trở lại với bài đọc 1 trong thánh lễ Chúa nhật lễ Hiển dung, chúng ta nghe tiên tri Đa-ni-en tường thuật về một viễn cảnh ngày cánh chung. Viễn cảnh đó sẽ dành cho ai hôm nay biết sống tâm tình tôn giáo cách đích thực, đúng nghĩa và chân thành: “Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất: vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ”. Khung cảnh câu chuyện trong bài đọc, như là một cảnh vật thần tiên, chỉ có màu trắng hạnh phúc và bình an, chỉ có sự nhẹ nhàng của tình yêu và niềm vui. Viễn cảnh đó mời người đọc và người nghe, hướng đến một Nước Trời trong ngày cánh chung. Được gặp Bô Lão và Con Người, chắc ai phần nào cũng hình dung ra đó là Thiên Chúa Cha và Người Con của Ngài. Và đó cũng là Đấng chúng ta tin hôm nay và chọn con đường mang tên Ngài để cùng đi với nhau trong kiếp sống nhân sinh này.

 

Trước những biến động về niềm tin của các tín hữu, thánh Phê-rô đã gởi đến mỗi người những kinh nghiệm của ngài trong thời gian được ở bên Thầy Chí Thánh. Lời chứng đó phần nào minh định cho biến cố hiển dung mà ngài được chứng kiến, phần nào minh định cho niềm tin của các tín hữu hôm nay không phải là ảo tưởng, không là vô vọng, đó là một niềm tin có điểm đến là hạnh phúc Nước Trời: “Anh em thân mến, chúng tôi không theo những truyện bày đặt khôn khéo, để tỏ ra cho anh em biết quyền năng và sự hiện diện của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; nhưng chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người. Người đã được Chúa Cha ban cho vinh dự và vinh quang, khi có lời từ sự vinh quang cao cả xuống phán về Người rằng: “Này là Con Ta yêu dấu, Người đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống, lúc chúng tôi ở với Người trên núi thánh”. Lời chứng của các Tông đồ về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, không phải là những lời chứng do bịa đặt, nhưng tất cả do Thiên Chúa tỏ lộ và các ông là những chứng nhân sống động cho các biến cố đó. Biến cố hiển dung như là một lời khích lệ các Tông đồ, để các ngài cùng Thầy bước vào mầu nhiệm thập giá tự tin và xác tín, thế mà, khi đối diện với thực tế, các ngài đã bỏ chạy thoát thân, chỉ vì chưa thể chấp nhận một sự thật đau đớn thế.

 

Để chuẩn bị cho các học trò đồng hành với mình trên đường vào cuộc khổ nạn, Đức Giesu đã cho các ông chứng kiến vinh quang của mầu nhiệm phục sinh của Con Thiên Chúa, Ngài đưa các ông lên núi, nơi đó, các ông chứng kiến sự sáng láng và vinh quang của Thiên Chúa trước sức tàn phá của tội lỗi hàng ngày: Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Chứng kiến vinh quang của mầu nhiệm phục sinh, các Tông đồ như ngụp lặn trong niềm hạnh phúc, một niềm hạnh phúc đích thực, các ông không muốn rời khỏi đó, nhưng sứ vụ phía trước đang đợi chờ, đó là trở nên chứng nhân của mầu nhiệm phục sinh ngang qua sự đau khổ của thập giá.

 

Không có thành công nào mà không đi ngang qua sự thất bại, không có niềm vui nào mà không nếm trải những khổ đau, hành trình đức tin của các Tông đồ cũng thế, để trở nên người học trò của Thầy Chí Thánh, không chỉ đi theo Thầy, còn phải học cách sống của Thầy, còn phải thực hành những gì Thầy chỉ dạy, những bài học đó không có trong gia đình, không có ngoài xã hội và càng không có trong kho tàng kiến thức nhân loại, bởi ngoài xã hội, ai muốn làm lớn phải tìm cách luồn cúi, chạy chọt hay mua bán chức tước, còn Thầy dạy các ông, ai muốn làm lớn, hãy trở nên người nhỏ bé nhất và phục vụ anh em mình. Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác thập giá mình mà theo, quả là những đòi hỏi khác thường và đầy thách đố. Chấp nhận được như thế, các ông mới thực sự là những chứng nhân sống động của mầu nhiệm phục sinh, bởi Thầy đã chấp nhận thất bại trong mầu nhiệm tử nạn, để rồi có được niềm vui của mầu nhiệm phục sinh.

 

Hành trình đức tin của người môn đệ Đức Giesu hôm nay cũng không ngoại lệ, sống giữa thế gian nhưng không được thuộc về thế gian, sống trong thế giới tục hóa, nhưng không được tục hóa chính mình, hơn nữa, người tín hữu còn phải làm chứng cho một Thiên Chúa hiện diện giữa thế giới bằng chính gương sống của bản thân. Không thiếu những lần thất bại ê chề vì không thể hòa nhập vào thế giới nghiêng chiều về vật chất, không thiếu những lần đau khổ tột độ vì hiểu lầm, vì sống khác người, người tín hữu có can đảm để nắm lấy bàn tay Thiên Chúa trước những dè bỉu của thế gian về những khác người trong lối sống. Đó là những thách đố hiện tại, để mai sau có được phần thưởng xứng đáng là sống trong niềm vinh quang của mầu nhiệm phục sinh, là niềm ngụp lặn trong niềm hạnh phúc Nước Trời.

 

Dẫu cho tội con có đỏ như son, Ta cũng sẽ làm cho trắng như tuyết. Đó là khát mong của Thiên Chúa muốn thanh tẩy con người, để họ nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Thế giới tục hóa và nghiêng chiều về vật chất đang biến con người thành cỗ máy, thành công cụ của xã hội, chứ không giúp họ tìm thấy hạnh phúc và tìm thấy giá trị đích thực của con người. Sự vong thân đang dần xóa nhòa tâm tình tôn giáo trong sâu thẳm của con người, vì thế, khát vọng đi tìm Thượng Đế, đi tìm Thiên Chúa, hầu như vắng bóng trong lý trí và ý chí của con người. Họ chỉ tìm hư danh hiện tại với những quyền bính, danh vọng và tiền bạc. Tất cả những nhu cầu đó, đưa họ tới niềm hạnh phúc giả tạo hôm nay, còn mai sau thế nào thì đó là chuyện của tương lai. Với một ý thức hệ như thế, người tín hữu còn mong muốn đi tìm cho mình một con đường để về trời nữa không ? hơn nữa, con đường đó còn đi ngang qua đau khổ, thất bại và chết chóc nữa. Chắc sẽ là một bài toán khó chưa có câu trả lời, nếu không có một niềm tin thực sự và xác tín.

 

Lạy Chúa, chứng kiến mầu nhiệm vinh quang của Thiên Chúa trên đỉnh Tabor, các Tông đồ không muốn rời xa, xin cho chúng con cảm nghiệm được niềm hạnh phúc đó, để từng ngày sống hiện tại, chúng con cố gắng không để rời xa khỏi con đường mang tên Giesu. Chúa cho các ông thấy được niềm vui Nước Trời trước khi cùng Thầy bước vào cuộc khổ nạn với mầu nhiệm thập giá, xin cho chúng con nhận ra niềm vui được cùng Thầy ngang qua mầu nhiệm thập giá, để được Thầy dẫn vào niềm vui của mầu nhiệm phục sinh vinh quang. Đau khổ và vinh quang luôn đồng hành cùng nhau trong cuộc sống chúng con, xin cho chúng con đủ ơn của Chúa, để mỗi người đừng tháo lui, đừng rẽ ngang hoặc quay lưng lại với hành trình đức tin của mình. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Read 138 times Last modified on Chủ nhật, 06 Tháng 8 2023 06:41