Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 13 Tháng 7 2023 06:22

Gieo và gặt

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
 Gieo và gặt-Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 15 Thường Niên – Năm A

 

 

16.7
Chúa Nhật thứ Mười Lăm Mùa Quanh Năm

Is 55:10-11; Tv 65:10,11,12-13,14; Rm 8:18-23; Mt 13:1-23; Mt 13:1-9

Gieo và gặt

          Nói về việc rao giảng lời Chúa, chúng ta thấy có hai thực tại đối kháng nhau. Trước hết chúng ta xác tín lời Chúa là lời hiệu nghiệm, một khi đã gieo trồng thì chắc chắn sẽ đem lại mùa xuân với hoa trái dồi dào. Đàng khác là sự chai cứng của những tâm hồn, khiến cho cuộc sống cứ chìm trong tội lỗi và mùa đông ảm đạm cứ kéo dài tưởng chừng như vô tận.

          Thực vậy, giữa lòng cuộc đời ồn ào và náo nhiệt này, nhiều khi lời rao giảng chỉ là một tiếng kêu trong sa mạc và người nói chỉ thấy vọng lại chính âm điệu của mình và không có một người đáp trả. Cuộc sống hình như vẫn bước đi theo nhịp điệu riêng của nó, vẫn được lượng giá bằng cái thước đo quen thuộc của nó. Cảm giác ấy gắn liền với sự cô đơn của người rao giảng. Cô đơn vì không một ai chia sẻ nỗi thao thức với mình. Từ nỗi cô đơn ấy, người ta dễ dàng buông xuôi, chán nản và tuyệt vọng.

          Thế nhưng, lời Chúa lại không cho phép chúng ta được đánh mất niềm tin. Bởi vì đánh mất niềm tin là đánh mất sứ vụ gieo rắc Tin Mừng, là đánh mất sự sống đem lại niềm vui và sự hăng say cho những bước chân truyền giáo. Đánh mất đức tin là đánh mất cả cái lý do hiện hữu của Giáo Hội trong lòng thế giới.

          Người đi gieo đã gieo hạt giống trên những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ. Những mảnh đất sỏi đá, gai góc, lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người gieo hạt không bỏ rơi một mảnh đất nào vì tấm lòng quãng đại của ông, chỉ muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn. Thiên Chúa quảng đại nhìn mọi người với chính phẩm giá của họ trong niềm hy vọng của Ngài. Vì thế, mảnh đất nào cũng nhận được hạt giống đồng đều. Ai cũng có cơ may nhận được ân sủng cứu độ Tin Mừng nếu như họ thành tâm thiên chí. Lòng quảng đại không phân biệt đối xử, không ưu tiên ai mà cũng chẳng loại trừ ai, không thất vọng về hiện tại của người khác mà biết kiên tâm đợi chờ hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn.

          Không ai hoàn toàn là “lề đường”, là “sỏi đá” hay là “bụi gai”. Trong mỗi con người luôn có một mảnh đất tốt cho dù nó chỉ nhỏ bé thôi. Có thiện chí đón nhận hạt giống cũng sẽ có một mùa gặt bội thu “đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi” (Mt 13, 23). Thiên Chúa vẫn gieo Lời Ngài vào lòng chúng ta, vì Ngài chắc chắn rằng: “Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác” (Is 55, 11).

          Thánh Phêrô đã ba lần chối Chúa, nhưng trong ngài vẫn còn một mảnh đất tốt của lòng sám hối. Thánh Phaolô hăng say bách hại các kitô hữu, nhưng trong ngài vẫn còn đó một mảnh đất tốt của lòng nhiệt thành và khiêm tốn. Thánh Augustinô bị những bụi gai của tri thức, kiêu căng và dục vọng vây bủa, nhưng vẫn còn có một mảnh đất tốt hướng tìm chân lý, chỉ chờ hạt giống gieo trồng là nở rộ mùa gặt phong nhiêu… Còn nhiều lắm những mảnh đất tốt như thế trong Giáo Hội và trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Tất cả những mảnh đất tốt đó, cho dù có nhỏ nhoi đi chăng nữa, nhưng một khi đã được đón nhận Lời Chân Lý thì đúng như lời Chúa nói, đã sinh lợi “hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi”.

          Chúng ta có thể than phiền vì người đời không đón nhận Tin Mừng. Thế nhưng trước khi than phiền, chúng ta cũng cần phải tự hỏi: Tôi đã thực sự rao giảng lời Chúa, hay mới chỉ là rao giảng những suy nghĩ, những lập trường của cá nhân tôi. Hay chỉ cố thuyết phục bằng sự khôn ngoan theo cái thước đo thiếu hụt của thế gian chứ chưa phải là những chân lý Phúc Âm ngàn đời dịu mát. Chúng ta nên nhớ sức mạnh đích thực là sức mạnh của lời Chúa chứ không phải là sức mạnh của chúng ta. Nếu không, cả những lúc xem ra thành công, thì cũng chỉ nhất thời, hời hợt mà thôi.

          Đồng thời lời Chúa là lời sống động. Lời đó không phải chỉ là ngôn từ mà còn phải trở thành những hành động. Vì thế, trước khi than phiền về sự lãnh đạm của người đời đối với lời Chúa, chúng ta cần phải tự hỏi xem: Chính bản thân chúng ta đã đón nhận lời Chúa ra sao? Và lời Chúa đã phát sinh những hậu quả nào trong mảnh đất là cuộc đời chúng ta? Khi cuộc sống chúng ta đã thấm nhuần tinh thần lời Chúa, thì tự bản chất, cuộc sống ấy đã là một bằng chứng hùng hồn về hậu quả của lời Chúa và trở nên một sự rao giảng sống động, một cách tay tung gieo hạt giống Nước Trời trong lòng trần thế.

          Một thế giới có quá nhiều đá sỏi của những trào lưu văn hóa đồi trụy hay những phong trào tha hóa con người đã và đang gây nên cớ vấp phạm cho nhiều người. Một xã hội quá phức tạp tựa như những gai góc, cứ quốn quanh lấy đời người bởi những đam mê thấp hèn. Thực vậy, có nhiều người đã thiếu cương quyết để xa tránh cám dỗ, và nói không với tội lỗi. Họ để cho tính xác thịt và lòng tham nổi loạn và thống trị họ, khiến họ không thể tự kiềm chế bản tính của mình và dễ dàng ngã theo những đam mê bất chính.

          Con người ngày nay thực sự có mắt cũng như mù, có tai cũng không nghe. Họ đều biết rằng với lối sống trụy lạc sẽ dẫn đến tử vong thế nhưng họ vẫn lao đầu vào. Họ biết rằng văn hóa đồi trụy là mần mống đưa đến tha hóa con người, nhưng vì đồng tiền, vì đam mê họ vẫn mua bán, trao đổi khiến cho sự xấu cứ xum xuê và bao trùm ở mọi nơi, mọi chốn. Họ biết rằng một đời sống nông cạn, hời hợt, thiếu chuẩn mực đạo đức, thiếu đời sống cầu nguyện là nguyên nhân dẫn đến sa ngã phạm tội, thế nhưng có biết bao cha mẹ lại quá thờ ơ, hay thiếu trách nhiệm giáo dục con cái nên người.

          Phải chăng lời tiên tri Isaia đang ứng nghiệm cho con người hôm nay. "Các ngươi lắng tai mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì"?

          Lời Chúa là lời ban sự sống, nhưng sẽ vô ích cho người có tâm địa xấu, cho lòng chai dạ đá. Lời Chúa đến với họ như "đàn gảy tai trâu" hay như "nước đổ lá môn". Đời sống họ sẽ không có biến đổi, vì họ nghe tai này sang tai kia và điều tệ hại nhất là họ đã để ngoài tai những lời vàng ngọc, lời ban sự sống của Chúa.

          Lời Chúa nơi chúng ta không phải là những hạt giống rơi trên vệ đường, rơi giữa bụi gai hay ở trên sỏi đá. Nhưng lời đó phải được thâm nhập vào tận đáy lòng chúng ta để rồi sinh hoa kết trái một cách tốt đẹp. Lời Chúa luôn có một sức sống làm nẩy sinh hoa trái, nhưng lời ấy có thực sự đem lại kết quả tốt cho tâm hồn chúng ta hay không, thì còn tuỳ thái độ đón nhận và cộng tác của chúng ta đối với lời Chúa.

Huệ Minh

Read 126 times Last modified on Chủ nhật, 16 Tháng 7 2023 16:14