Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 18 Tháng 5 2023 06:08

Niềm vui không ai lấy mất được

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
 Niềm vui không ai lấy mất được

 

 

19.5 Thứ Sáu trong tuần thứ Sáu Mùa Phục Sinh

Cv 18:9-18; Tv 47:2-3,4-5,6-7; Ga 16:20-23

Niềm vui không ai lấy mất được

          Các môn đệ được Chúa căn dặn “Thầy ra đi thì ích lợi hơn cho các con” (Ga 16, 7). Đó là một cuộc biệt ly. Có cuộc biệt ly nào mà không buồn, không xót, không thương. Cuộc chia ly ở đâu đâu cũng buồn khổ hết. Chia ly ở bên đường, bến đò, ga xe, phi trường, nghĩa địa... đều da diết, đều chết đi trong lòng một ít, và đối với các tông đồ hẳn không phải là ít, vì họ đã từ bỏ tất cả để đi theo Ngài.

          Trở đi mắc núi, trở về mắc sông. Giờ đây, Chúa ra đi, đi sang một thế giới khác hẳn. Chúng ta thử tưởng tượng các môn đệ lúc ấy bơ vơ biết như thế nào. Cùng lắm họ mới theo đạo Chúa được ba năm. Với ba năm theo Chúa chập chững, giờ đây mất Chúa. Kẻ âm người dương. Từ đây một người Do thái với 33 tuổi tên là Giêsu, sẽ biến khỏi sân khấu lịch sử của nhân loại, với không gian, thời gian khí hậu của miền Palestin. Cho nên các tông đồ buồn khổ là phải lẽ. Từ đây, lấy ai làm trụ cột mà dựa dẫm, lấy đâu làm nơi nương tựa cho những ngày mệt mỏi đời tông đồ. Chính Chúa Giêsu đã thấy họ buồn và Chúa xác nhận rằng: “Vì Ta đã nói thế nên ưu phiền tràn ngập lòng các ngươi” (c.6).

          Đó là một nỗi buồn nhân loại thấm thía. Nhưng Chúa Giêsu nói rằng phải vượt qua như thế như nỗi buồn khổ của một người mẹ sinh con (c.21). Giây phút chờ đợi đứa con ra đời với biết bao nhiêu là lo lắng hồi hộp, cho sự sống cả mẹ lẫn con và cho cả tương lai đứa con... Nhưng khi đứa con ra chào đời thì nó trở thành niềm vui tràn ngập vì đã cộng tác vào chương trình sáng tạo và tiếp tục dòng dõi nhân loại. Người mẹ vui hẳn lên vì tương lai huy hoàng đang chờ đón con mình, và tương lai của người mẹ như được bảo đảm hơn vì có thêm gậy chống cho tuổi đời.

          Cũng tương tự như thế, các môn đệ buồn rầu trước cuộc ra đi của Đấng đã chịu đóng đinh vì mình. Họ lo âu cho tương lai đời họ sẽ đi về đâu, số phận của họ Con Tạo sẽ xoay vần ra sao. Nỗi lo âu có trên một phạm vi nhân loại rất là hữu lý, có vẻ là khôn ngoan, lo xa nữa. nhưng Chúa nói đó chỉ là nỗi lo âu tạm bợ thôi. Cũng như xưa kia các môn đệ lo lắng làm sao ra của ăn nơi hoang địa, thì Chúa đã ban bánh hóa ra nhiều 2 lần. Nơi vườn cây dầu, các môn đệ lo sợ  sống những giây phút căng thẳng... Nhưng rồi Chúa đã phục sinh hiện đến giữa họ, ban an bình, lấy lại niềm tin hy vọng. Nay niềm vui chưa trọn thì Chúa lại về Trời. Sự vui qua sự sầu lại tới là thường thế đó.

          Nhưng các môn đệ đâu có ngờ Chúa về Trời mà vẫn còn ở lại với họ và những người kế tiếp họ cho đến tận thế. Ngài vẫn sống, nhưng sống cách thiêng liêng vượt trên mọi điều kiện không gian, thời gian. Chính nhờ đó các môn đệ không còn cảm thấy lo sợ và họ còn vui mừng đón nhận cái chết như chính Chúa nữa, vì họ biết có phần tốt nhất đang dành cho họ trên Trời.

          Đời sống người Kitô hữu luôn luôn bao gồm nhưng lúc chờ đợi với ít nhiều buồn thảm và những lúc gặp gỡ vui mừng. Như một đợt sóng có lúc hạ xuống. Đời sống con cái Chúa cũng bồng bềnh trong đau khổ và niềm vui như vậy. Xin đừng quên lời Chúa: “Nỗi vui mừng của các con không ai giật mất được” (c.22). Niềm vui của chúng ta là niềm vui đã được Chúa cứu chuộc, không còn bị án nào nữa. Chúng ta đã được thâu nhập vào Giáo hội cùng phép rửa tội, được Chúa huấn luyện bằng lời Chúa, được Ngài nuôi dưỡng bằng Mình Ngài. Mỗi ngày sống chúng ta vui mừng vì sẽ được về gần trời.

           Thông thường, đau khổ được coi là hình phạt dành cho những kẻ gây ra tội ác. Nếu hình phạt chưa đến với họ, thì đời con đời cháu sẽ phải gánh chịu: “Đời cha ăn mặn đời con khát nước, Cha ăn nho xanh con ghê răng”.

          Chúa Giêsu đã có cái nhìn lạc quan về đau khổ. Với Ngài, đau khổ không hướng về quá khứ, nhưng mở cửa cho tương lai. Con người không tuyệt vọng trong đau khổ, nhưng hy vọng vui mừng vì thành quả của đau khổ. Người đàn bà sinh con thì ưu phiền, nhưng sinh con rồi thì quên hết cơn đau, vì niềm vui đã có một người con sinh ra đời. Đoạn đường dẫn đến Núi Sọ được dệt bằng đau khổ tủi nhục của tuyệt vọng, nhưng lại mở lối cho vinh quang Phục Sinh.

          Trước nỗi buồn của các môn đệ vì sự ra đi của Ngài, chúa Giêsu vẫn không bỏ dở công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Ngài mời gói các ông đừng lắng đọng trong buồn phiền khổ sầu, nhưng hướng về niềm vui tương lai: “Bây giờ các con phải ưu phiền, nhưng Ta sẽ gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng, và nỗi vui mừng của các con không ai giựt mất được”.

          Niềm vui chỉ có được khi chúng ta sống trong hy vọng và mong chờ. Tôi có hy vọng, mong chờ gì nơi Chúa không ? Có Chúa là niềm vui vì Chúa có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống các Tông Đồ; còn tôi, Chúa có chỗ đứng nào trong đời tôi không ? và biết bao nhiêu câu hỏi ta có thể đặt ra cho chính mình trước niềm vui phục sinh của các Tông Đồ.

          Lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu cũng được gửi đến mỗi người Kitô hữu chúng ta: chỉ than trách hoặc đặt câu hỏi thì đau khổ vẫn mãi là đau khổ, nhưng chỉ khi hướng về Thập giá, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa và giá trị của đau khổ. Ước gì Thập giá là ánh sáng soi đường chúng ta trong những tăm tối cuộc đời, và qua thập giá, chúng ta sẽ tới ánh sáng. 

 
20.5 Thứ Bảy trong tuần thứ Sáu Mùa Phục Sinh

Cv 18:23-28; Tv 47:2-3,8-9,10; Ga 16:23-28

 Là bạn hữu của Chúa

          Hôm nay tôi tìm gặp trong lời Chúa Giêsu một vài câu nói đau lòng nhất trong Phúc âm. “Bây giờ Thầy rời thế gian và về cùng Cha” và “Thầy không nói với anh em bằng dụ ngôn nữa”.  

          “Bây giờ Thầy rời thế gian và về cùng Cha . Một lời đại loại như thế đã từng làm cho chúng ta xa cách với một người bạn, một người con. Cậu con trai lập gia đình nói theo cách thứ mình: “Bây giờ con rời cha mẹ để về với gia đình con”. Cô gái hai mươi tuổi cũng nói:  “Con sẽ đi ở nơi khác”. Đối với nhttng người ở lại và chịu sự mất mát của một cuộc ra đi, cuộc đi mang một dư vị đăng đắng. Và lúc ấy, ta cảm thấy rõ ràng hơn bao giờ hết rằng con người cần sống trong sự hiệp thông và với sự hiện diện của người khác; họ thấy hụt hẫng khi phải chia ly.

          Dù cho Chúa Giêsu trình bày về sự ra đi của Ngài như môït điều có lợi cho chúng ta, cái gánh nặng của sự vắng Ngài vẫn còn đó. Chúa Giêsu sẽ không bao giờ còn hiện diện bằng xương bằng thịt nữa.

          Câu thứ hai mà tôi thấy đau lòng là câu sau: “Thầy không nói với các con bằng dụ ngôn nữa”. Thời của dụ ngôn đã qua rồi. Ngôn ngữ của Chúa Kitô bây giờ là ngôn ngữ của thực tại, của biến cố.

          Thế nhưng ngôn ngữ này rõ ràng quá, chính xác quá, đòi hỏi quá. Ngôn ngữ này quá dễ hiểu. Khi thực tại cho ta thấy một nơi có cảnh người bóc lột người, khi nó cho chúng ta thấy nhtrng bất bình đẳng trong xã hội, khi nó phô bày rằng chúng ta đối xử với loài chó tốt hơn với loài người và luật lệ bảo vệ cho hải cẩu hơn là cho những con người bị bóc lột ; vào những lúc ấy, ngôn ngữ này quá dễ hiểu. 

          Chúa Kitô nói với chúng ta bằng thực tại, bằng biến cố. Và trong khi Ngài trở về với nếp sống hoàn toàn thông hiệp với Cha, Ngài cho chúng ta cảm nhận một cách gay gắt hơn nữa rằng những bất công, những ti tiện , những dửng dưng giữa anh em với nhau là điều không thể nào chịu nổi. Ngài mời gọi chúng ta chia sẻ sự hiệp thông với Cha, nếu chúng ta có dũng cảm hiểu được thực tại cuộc đời hầu sống hiệp thông với anh chị em chúng ta, những người con của Chúa.

          Trước đây Chúa Giêsu giảng dạy bằng dụ ngôn và chỉ khi ởù riêng với các môn đệ Ngài giải thích cho các ông mọi điều. Bây giờ đây đến lúc Ngài không dùng dụ ngôn nữa nhưng nói thẳng cho họ hiểu về Cha với một mức độ thân tình giữa Thầy và môn đệ. Chia sẻ các hiểu biết là yếu tố căn bản để xây dựng mối thân tình. Càng nhiều hiểu biết được chia sẻ mối thân tình càng bền chặt. Con người ai cũng quí trọng bạn tri kỷ, vì chỉ với người bạn này, họ mới cởi mở, mới san sẻ được mọi nỗi niềm.  .

          Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ là bạn tri kỷ của Ngài. Không những trao gởi niềm tâm sự, Chúa Giêsu còn trao ban chính Thịt Máu Ngài như dấu chứng của một mối thân tình bền chặt. Hãy hành động với Ngài và trong Ngài, con người sẽ gặp được điều mình mong muốn: “Những gì các con sẽ xin cùng Cha thì Ngài sẽ ban cho nhân danh Ta”. Từ thân phận tôi tớ, các môn đệ được nâng lên hàng bạn hữu, bởi vì Chúa Giêsu muốn cho họ được sống như Ngài trong chức phận làm con Thiên Chúa, một giá trị đã bị con người đánh mất nhưng đã được Đức Kitô phục hồi bằng cái chết tự hiến của Ngài.

          Nhờ Bí tích rửa tội mỗi Kitô hữu được lãnh nhận chức vị làm con Thiên Chúa. Đây không phải là một tước hiệu khoác lên người nhưng là một tiếp xúc với sự sống của Thiên Chúa. Với Đức Kitô và trong Đức Kitô những gì chúng ta cầu xin sẽ được nhạâm lời. Đức Kitô đã đem lại cho chúng ta một giá trị mới đồng thời mời gọi chúng ta sống xứng đáng với giá trị ấy. “Chính Chúa Cha yêu các con vì các con đã yêu Ta và tin rằng Ta đã đến tự Thiên Chúa”. Nhờ tin nhận và yêu mến Đức Kitô, chúng ta sẽ sống trong tình yêu Thiên Chúa. 

          Trước kia, Chúa Giêsu giảng đay các môn đệ bằng dụ ngôn, nhưng giờ đây Ngài không còn dùng dụ ngôn nữa, Ngài muốn nói thẳng cho các ông hiểu về Chúa Cha, về mức độ mối thân tình giữa Ngài và các ông. Vì là môn đệ, cho nên trước đây, khigặp khó khăn, các ông xin Chúa giải thích và Ngài đã giải thích cho các ông. Lúc này đây, hơn cả chức phận là môn đệ, họ được gọi là bạn hữu của Ngài, vì tất cả những gì Ngài đã nghe biết nơi Chúa Cha, thì Ngài đã tỏ lộ hết cho họ.

          Chia sẻ các hiểu biết là yếu tố căn bản mối thân tình giữa bạn hữu . Càng nhiều hiểu biết được chia sẻ cho nhau thì mối thân tình càng bền chặt. Con người ai cũng qúy trọn bạn tri kỷ, vì chỉ với người bạn tri kỷ, người ta mới có thể chia sẻ hết mọi điều, cởi mở hết mọi nỗi niềm. Bá Nha đã đập vỡ cây đàn vì Tử Kỳ không còn nữa. Mất Tử Kỳ là mất người thông cảm qua tiếng đàn, thì Bá Nha không còn thiết tha đàn chuyện gảy đàn nữa.

          Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ trở thành bạn tri kỷ của Ngài. Không những trao gởi niềm tâm sự, Ngài còn traoban chính Thịt Máu Ngài như dấu chứng của một mối thân tình bền chặt. Hãy hành động với Ngài và trong Ngài, họ sẽ gặp được điều mong muốn. Điều gì các con nhân danh Thầy xin cùng Cha, thì Ngài sẽ ban cho . Từ thân phận nô lệ , tôi tớ, các môn đệ được nâng lên hàng bạn hữu, vì Chúa Giêsu muốn họ sống như Ngài trong chức phận làm con Thiên Chúa, .một giá trị dã bị con người đánh mất, nhưng đã được Chúa Kitô phục hồi bằng cái chết tự hiến của Ngài.

          Chúa Kitô đã mang lại cho người Kitô hữu một giá trị mới, nhưng Ngài cũng đòi buộc họ phải sống xứng đáng với giá trị ấy. Tin nhận và yêu mến Chúa Ki tô, sẽ cho phép người Kitô hữu sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Như các môn đệ, họ cũng dược Chúa chọn làm bạn tri kỷ của Ngài.Tất cả những hiểu biết về Thiên Chúa đã được gói trọn trong lời Ngài. Không thể là bạn tri kỷ của Ngài, nếu không đón nhận và đáp trả lời Ngài:

          Ước gì lời Chúa hôm nay giúp chúng ta vui mừng hãnh diện và sống xứng đáng địa vị là con Chúa, bằng cách tin nhận và yêu mến Chúa Kitô, để được ở mãi trong tình yêu của Ngài. 

 Huệ Minh

Read 162 times Last modified on Thứ sáu, 19 Tháng 5 2023 06:07