Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 08 Tháng 1 2023 17:26

Đức Giêsu chịu Phép Rửa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA | Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa


TMĐP- Biến cố chịu phép rửa của Đức Giêsu chứng thực ơn gọi làm con Thiên Chúa của chúng ta.

Đức Giêsu không chỉ tự tỏ mình là Đấng Thiên Chúa sai đến trong thế gian để cứu sống thế gian cho các người chăn chiên Do Thái nghèo khó và cho dân ngoại qua ba đạo sĩ, mà Ngài còn được chính Chúa Cha tỏ ra cho mọi người biết Ngài là Con Một rất yêu dấu của Chúa Cha, khi “Đức Giêsu vừa ở dưới nước lên”, sau khi ông Gioan làm phép rửa cho Ngài (x. Mt 3,16-17).

Trong bài đọc một, ngôn sứ Isaia đã loan báo về Đức Giêsu như người tôi tớ trung tín của Thiên Chúa và luôn đẹp lòng Thiên Chúa: “Đây là tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng qúy mến ” (Is 42,1). Người tôi trung ấy hiền lành, khiêm nhường, thương xót, bao dung đến độ: “không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,2-3). Người tôi trung được Thiên Chúa gìn giữ và đặt “ làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những ai bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những ai kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (Is 42,6-7).

Tin Mừng Mátthêu cho chúng ta thấy: chính Đức Giêsu là người tôi trung được Thiên Chúa yêu mến mà ngôn sứ Isaia đã loan báo, và còn hơn tôi trung, Ngài là Con yêu dấu của Chúa Cha với sứ mạng giải thoát những người yếu đuối, nhỏ bé, bị bóc lột, đàn áp, và Chúa Cha hài lòng về Ngài (x. Mt 3,17).

Thực vậy, biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa với “ Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người ” (Mt 3, 16-17) có tầm quan trọng rất lớn trong Mặc Khải, bởi qua biến cố này, Thiên Chúa làm chứng lời các ngôn sứ về Đức Giêsu được ứng nghiệm, khi tất cả những điều báo trước sẽ tuần tự được thực hiện trong cuộc đời, qua cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu.

Tầm quan trọng lớn lao của biến cố cũng hệ tại ở sự có mặt của cả Ba Ngôi Thiên Chúa khi Thần Khí Thiên Chúa xuống trên Đức Giêsu, và tiếng Chúa Cha phán về Ngài, để mọi người nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến và sứ vụ cứu thế của Ngài, như tông đồ trưởng Phêrô đã khẳng định được ghi lại trong Công vụ Tông Đồ: “Quý vi biết rõ : Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38).

Sau cùng, biến cố chịu phép rửa của Đức Giêsu chứng thực ơn gọi làm con Thiên Chúa của chúng ta, bởi tiếng Chúa Cha nói với Đức Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta” (Mt 3,17) cũng là lời Chúa Cha nói với mỗi người chúng ta, vì chúng ta được nhận vào gia đình của Thiên Chúa, được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm Đức Giêsu là Giáo Hội của Ngài như thánh Phêrô đã xác tín: “Tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người chấp nhận” (Cv 10, 34-35), và từ ơn gọi làm con Thiên Chúa, chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần để trở nên những sứ giả, chứng nhân của Tin Mừng Cứu Độ.

Jorathe Nắng Tím

https://tinmungduongpho.com/duc-giesu-chiu-phep-rua-suy-niem-tin-mung-le-chua-giesu-chiu-phep-rua/

Read 223 times Last modified on Thứ hai, 09 Tháng 1 2023 21:33