Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 10 Tháng 10 2022 18:30

Quan tâm đến điều cốt yếu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Quan tâm đến điều cốt yếu


11/10 Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mươi-Tám Mùa Quanh Năm

Gl 5:1-6; Tv 119:41,43,44,45,47,48; Lc 11:37-41

Quan Tâm Ðến Ðiều Cốt Yếu

Tin Mừng hôm nay cho thấy nhóm Biệt phái ngạc nhiên vì Chúa Giêsu không rửa tay trước khi dùng bữa. Họ ngạc nhiên không phải vì Chúa Giêsu không giữ phép vệ sinh, nhưng vì Ngài không giữ luật định, theo đó, trước mỗi bữa ăn phải rửa tay bằng nước chứa trong các chum lớn bằng đá, với một số lượng nước được quy định và qua một cách thức được ấn định. Dưới con mắt người Biệt phái, người nào không giữ luật này, đó là người không xử sự đúng đắn: chẳng những không giữ vệ sinh, mà còn nhơ bẩn trước mặt Thiên Chúa; không rửa tay trước khi dùng bữa sẽ trở nên đối tượng tấn công của quỉ dữ, dẫn đến nghèo đói vì bị phá sản; và bánh ăn với bàn tay không sạch thì chẳng khác gì phân bón.

Vì những lý do trên và những lý do khác tương tư, sách các Rabbi có ghi những mẫu truyện như sau: Một Rabbi nọ không giữ luật rửa tay trước khi dùng bữa chỉ có một lần, thế mà đến lúc chết đã bị chôn cất như một người bị dứt phép thông công. Một Rabbi khác bị người Rôma giam giữ, đã dùng nước uống cung cấp rất hạn chế cho việc thi hành nghi thức rửa tay trước và trong khi dùng bữa, vì thế đã gần phải chết khát, bởi lẽ ông nhất định thà chết khát hơn là chểnh mảng giữ luật rửa tay.

Thói quen rửa tay trước khi ăn là một thói quen tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh ăn uống. Ngày nay tại các trường mẫu giáo, các cháu bé đều được dạy năm bước rửa tay trước khi ăn. Thậm chí các cháu còn biết bi bô hát theo tiết mục quảng cáo trên trên truyền hình : “chưa rửa tay là chưa được ăn đó nghe”. Vậy tại sao Chúa Giêsu lại có vẻ đã không tuân thủ mà lại còn lên án một thói quen văn minh tốt lành như thế? Thực ra mục đích của Chúa Giêsu không phải lên án việc rửa tay cũng như rửa chén đĩa hay những thứ đồ vật khác trước khi ăn, nhưng Ngài muốn lợi dụng cơ hội để dạy cho các ông Pha-ri-sêu một bài học quan trọng hơn – một sự trong sạch đích thực đó là “lòng nhân ái xót thương”.

Thực vậy đối với người Do-thái việc rửa tay hay những việc tẩy rửa khác không đơn thuần là để giữ vệ sinh mà là một nghi thức tôn giáo để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn theo luật. Vì quá nệ luật nên họ lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái bên ngoài mà đánh mất điều quan trọng của tâm linh bên trong đó là Tình yêu, lòng nhân ái và xót thương; như đã có lần một kinh sư hỏi Chúa Giêsu “Trong các giới luật thì điều nào trọng nhất?”; và chúng ta đã biết câu trả lời của Chúa Giêsu: “Giới răn trọng nhất là : “Nghe đây hỡi Israel! Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi…hãy yêu tha nhân như chính mình” (Mc 12, 28t). Hơn nữa, từ ‘bố thí’ theo nghĩa gốc của tiếng Hy-lạp là lòng xót thương. Vì thế Chúa Giê-su đã nói: “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (c.41) Lòng xót thương phát xuất từ tình yêu chứ không mang ý thương hại hay là khinh miệt, xem thường. Đó là tình yêu đã khiến Chúa Giê-su luôn chạnh thương khi đứng trước nỗi khổ đau của con người. Tình yêu, lòng xót thương đó có thể minh chứng sự trong sạch trong tâm hồn con người; như Chúa Giêsu là Đấng không hề phạm tội cũng chính là Đấng yêu thương không giới hạn.

Lời Chúa Giê-su nói với người Pha-ri-sêu cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Nó lại càng đúng cho con người hôm nay. Bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam độc ác “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Người ta thích tô điểm cho vẻ bề ngoài của mình để được nổi trội, kể cả việc làm phúc bố thí, nhưng bên trong đầy những mưu mô, ham hố danh vọng, tiền tài. Người ta có thể an tâm với những việc giữ luật bề ngoài mà không màng tới tinh thần bên trong….

Và Chúa Giê-su gọi đó là “Những mồ mả tô vôi, bên ngoài đẹp đẽ, nhưng bên trong lại lúc nhúc những giòi bọ” (Mt 23, 27t). Vì thế, điều quan trọng là làm sao để tâm hồn mình được sạch vì “Kẻ tay sạch lòng thanh sẽ được lên núi Chúa” (Tv. 23, 3 – 4). Và Chúa Giê-su đã nói trong tin mừng hôm nay “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (c.41) Hay nói khác hơn phải sống đơn thành trước Thiên Chúa và hãy có tinh thần yêu thương vị tha chia sẻ đích thực đối với đồng loại – Hãy có lòng xót thương!

Ngày mỗi ngày, người Ki-tô hữu chúng ta được mời gọi xét lại cách sống đức tin của mình một cách cụ thể trong một xã hội, một thế giới tự coi mình là văn minh tiến bộ, với những thành quả khoa học tột bậc, nhưng lại luôn đề cao chủ nghĩa hưởng thụ cá nhân bằng lối sống ích kỷ, thực dụng, nghiêng về nền văn hóa sự chết; một thế giới như một thị trường lớn luôn cạnh tranh sống chết, sẵn sàng đạp người khác xuống để đạt mục đích của mình nhưng lại mang một cụm từ rất hoa mĩ “cạnh tranh công bằng”; một thế giới ‘toàn cầu hóa’ xem ra rất tuyệt vì tính liên đới toàn cầu nhưng lại làm cho người giàu càng giàu và người nghèo cứ nghèo mãi; kẻ mạnh cứ bành trướng còn người yếu sẽ bị tiêu diệt. Sống trong một thế giới như thế, người tín hữu có can đảm sống với ‘tấm lòng thanh’ mà Tin mừng đòi hỏi – sống một tình yêu vị tha, không tính toán – một tình yêu không cứ nhìn bề ngoài mà xét xử, không câu nệ hình thức và không giới hạn.

Quan niệm và tâm thức của những người Biệt phái thời Chúa Giêsu coi các phong tục, tập quán, luật lệ là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những giá trị luân lý quan trọng hơn hầu như bị chôn vùi dưới lớp bụi dầy đặc của những luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu trả lời của Chúa Giêsu hướng con người vào những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách thức và mức độ giữ đạo và hành đạo của chúng ta. Ước gì chúng ta dần dần từ bỏ những cách thức giữ đạo hình thức, để đi vào chiều sâu của việc sống đạo với một lương tâm trong sạch, một tâm hồn quảng đại và ý hướng ngay lành.
Huệ Minh

Read 228 times Last modified on Thứ ba, 11 Tháng 10 2022 17:39