Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 08 Tháng 4 2022 20:03

Tin nhận Chúa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tin nhận Chúa


9.4 Thứ Bảy trong tuần thứ Năm Mùa Chay

Ed 37:21-28; Gr 31:10,11-12,13; Ga 11:45-57

Tin nhận Chúa

Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện các thượng tế và biệt phái hạ quyết tâm giết Chúa Giêsu. Thượng tế Caipha nói: “Thà một người chết thay cho dân…” Thánh Gioan hiểu lời này, tuy Caipha nói ra một cách vô ý thức, nhưng thực sự diễn tả rất đúng ý nghĩa và giá trị cái chết của Chúa Giêsu: “Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân. Và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối”.

…Với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân. Và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối”. trong số những người được Chúa chết thay, có tôi nữa.

Chúa Giêsu đã chịu chết thay cho người khác. Ngài nêu lên cho chúng ta một lý tưởng rất đẹp mà sự khôn ngoan của chúng ta không bao giờ nghĩ tới được. Nếu hôm nay tôi chưa chết thay cho người khác được, thì ít ra hãy tập những hành vi nho nhỏ chịu cực khổ vì người khác, cho người khác và thay cho người khác.

Tin mừng hôm nay cho thấy lý do tại sao người Do Thái không tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Họ không tin nhận vì họ đứng ở vị thế chính trị: Họ mong đợi một Đấng Cứu Thế giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại bang, trong khi đó, Chúa Giêsu lại đứng ở vị thế hoàn toàn tôn giáo. Ngài đến để giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi.

Chứng kiến việc Chúa Giêsu cho Lazarô đã chết bốn ngày được sống lại, có nhiều người Do thái tin vào Ngài. Nhưng các thượng tế và biệt phái lại sợ rằng Ngài càng làm nhiều phép lạ, dân chúng càng tin theo Ngài, thì chính quyền Rôma sẽ đến tiêu diệt dân tộc, nên họ bàn luận và quyết định: “Thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Người đó không ai khác hơn là Chúa Giêsu, một mình Ngài hy sinh chịu chết để đem lại sự sống cho muôn người.

Chúa Giêsu đã hy sinh chịu chết để cứu độ toàn thể nhân loại và qui tụ muôn dân thành một dân mới của Thiên Chúa là Giáo hội. Thật là một thay thế lạ lùng: chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể thay thế cho mọi người, và vô tình sự tính toán vụ lợi của con người đã giúp Thiên Chúa thực hiện chương tình cứu rỗi của Ngài.

Cái chết của Chúa Giêsu qui tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối.

Trong bài giảng về “mục tử nhân lành”, Chúa Giêsu từng nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Như vậy, sau cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, một dân mới của Thiên Chúa được khai mở, không còn bị giới hạn trong dân tộc Israel nữa; con cháu của tổ phụ Abraham không chỉ thuộc huyết thống nữa mà là những ai tin vào Con Thiên Chúa; một cuộc tân sáng tạo bắt đầu, mọi Kitô hữu khắp nơi trên thế giới được sinh ra dưới chân thập giá và xuất phát từ cạnh sườn Chúa Giêsu. Sự sáng tạo ban đầu đã nhiệm lạ, thì ơn cứu độ còn lạ lùng biết bao.

Chúa Giêsu Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta để làm cho những ai tin vào Người được trở nên công chính. Ngài đã chết vì yêu thương con người. Chính cái chết của Người đã tiêu diệt thần chết là sự hận thù. Người đã chết và đã phục sinh để ban cho chúng ta sự sống thần linh của Người. Mùa chay, mùa Giáo hội mời gọi Ki-tô hữu chúng ta suy ngắm mầu nhiệm tình yêu của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc thương khó và mầu nhiệm vượt qua của Người, để nhìn lại chính bản thân mình, nhận ra tội lỗi mình đã góp phần vào cái chết ấy để sám hối, trở về bằng cuộc canh tân đổi mới thực sự.

Vâng, những thói tự mãn, kiêu căng làm cho chúng ta dễ đố kỵ, và tìm cách hạ bệ tha nhân và phạm muôn vàn tội lỗi khác. Đồng thời mỗi khi chúng ta cư xử bất công, trùy dập một ai đó, hoặc có những lời nói làm mất đi thanh danh tiếng tốt của người anh em, thì chính chúng ta cũng đã tham gia vào bản án mà Chúa Giêsu phải chịu.

Hoặc khi chúng ta lặng thinh không dám nói lên lời bảo vệ và làm chứng cho sự thật là chúng ta cũng đã tham gia vào bản án bất công. Hơn nữa, để sống chứng nhân, Ki-tô hữu phải can đảm sống sự thật, không toa rập và chống lại những gian dối, bất công xã hội bằng những phương tiện có thể được trong khả năng của mình. Tuy nhiên, sự khiêm tốn, mềm mỏng, khéo léo sẽ là trợ tá đắc lực cho việc bảo vệ công lý.

Trong bất cứ xã hội nào, ngày xưa cũng như ngày nay, độc lập, tự do, quyền lợi của quốc gia dân tộc, thường được người ta nại đến, để biện minh cho chiến tranh và việc giết hại người vô tội, chẳng hạn hy sinh một mạng người có là gì, miễn là có lợi cho quốc gia và dân tộc.

Qua cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu trở nên của đầu mùa hoàn hảo dâng lên Thiên Chúa Cha. Ngài đã vạch ra cho nhân loại một con đường mới, con đường đó là một lối đi nhỏ hẹp, khó khăn nhưng lại dẫn đến một vinh quang rạng ngời.

Trong cuộc sống, mọi người đều muốn chọn những việc nhẹ nhàng cùng với vinh quang, còn việc gian khổ, tủi nhục thì cứ để mặc ai.

Cũng thế, khi các thượng tế và người Pharisêu thấy nhiều người tin vào Chúa Giêsu, họ ghen tị và sợ bị mất vinh quang đang có nên đã tìm cách ngăn cản. Cuộc sống của chúng ta cũng giống như những người Pharisêu luôn tìm cách hạ người anh em của mình xuống để đứng lên. Khi đó, chúng ta biến người anh em trở thành bàn đạp cho chúng ta vươn tới vinh quang, danh vọng. Bài Tin Mừng hôm nay thức tỉnh chúng ta hãy ý thức về những việc mình làm, đừng tìm hư danh chóng qua nhưng biết tìm kiếm vinh quang vĩnh cửu khi can đảm bước theo Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã chấp nhận xuống trần gian mang thân con người để gánh hết tội lỗi của nhân loại và chết thay cho dân để cho dân được sống. Ngài như con chiên vô tội bị đem đi giết, chịu sát tế để đền bù tội lỗi cho thiên hạ. Chúa Giêsu đã thực hiện lời Ngài dạy bảo cho dân về tình yêu trao ban trọn vẹn, một tình yêu dâng hiến tất cả cho người mình yêu.

Suy gẫm lời thư thánh Phao-lô: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8), và làm một việc hy sinh phục vụ để diễn tả tâm tình của bạn muốn đáp đền tình Chúa yêu thương.

Không ai có thể yêu người khác, nếu không hề cảm nghiệm mình được yêu. Bước vào Tuần Thánh, chúng ta hãy chiêm ngắm và cảm nghiệm Tình Yêu của Đức Giê-su dành cho mình, dù chúng ta không đáng được như thế, để có thể dám sống và dấn thân cho Tình Yêu của Ngài.
Huệ Minh

Read 465 times