11 06 X Thứ Hai Tuần XXVIII Thường Niên.
(Tr) Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Thánh Phê-rô Lê Tuỳ, Linh mục (U1833) Tử đạo.
(Rm 1,1-7; Lc 11,29-32)
Đức Thánh Cha Gioan XXIII là người đã triệu tập Công Đồng Vatican II, mở cánh cửa Giáo Hội ra với thế giới bên ngoài, và đem một sinh khí mới vào đời sống của Giáo Hội.
Triệu tập Công đồng là một công việc vĩ đại, phát xuất từ nhiều lo lắng cho tương lai Giáo Hội với quá nhiều vấn đề khó khăn, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII lại vẫn thường cầu nguyện rất đơn sơ nhẹ nhàng trước giờ đi ngủ: “Lạy Chúa, Giáo Hội là của Chúa, con chỉ là tôi tớ. Giáo Hội mạnh yếu thành đạt là trách nhiệm của Chúa. Con đã làm bổn phận của con, giờ này đến giờ con đi ngủ, xin Chúa ban phúc lành cho con.” Nói thế rồi, Ngài đi vào giấc ngủ ngon.
Đức Gioan XXIII cũng thường được gọi là "Giáo hoàng Gioan nhân hậu". Ngài coi mình là "con cái của Thánh Phanxicô" khi gia nhập Dòng Ba Phanxicô lúc còn là một chủng sinh. Vị Giáo hoàng khiêm tốn này thường bắt chước lời của ông Giuse ở Ai Cập (Cựu Ước) chào hỏi các thành viên của Dòng Ba Phanxicô: "Tôi là Giuse, người anh em của quý vị."
Vị Giáo hoàng thứ 261 này có tên khai sinh là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh tại làng Sotto il Monte, thuộc tỉnh Bergamo, vào ngày 25.11.1881, con trai đầu của ông Giovanni Battista Roncalli và bà Marianna Mazzola. Ngay buổi chiều hôm đó, trẻ sơ sinh Angelo được rửa tội. Người đỡ đầu là ông Zaverio Roncalli, một trong những người bác của ông bố Battista, rất đạo đức, ở độc thân, tự nhận lấy bổn phận dạy giáo lý cho nhiều đứa cháu. Sau này, Đức Gioan XXIII đã cảm động nhớ lại nhiều kỷ niệm và biết ơn về những lo lắng chăm sóc của ông.
Ngay từ thời thơ ấu, đã có một khuynh hướng nghiêm chỉnh về đời sống Giáo hội,
Vào năm 1925, với sự bổ nhiệm làm Visitatore Apostolico tại Bulgaria, ngài đã bắt đầu giai đoạn phục vụ cho ngành ngoại giao của Tòa Thánh cho đến năm 1952. Sau lễ phong chức giám mục diễn ra tại Roma vào ngày 19 tháng 3 năm 1925, ngài khởi hành đi Bulgaria để giúp đỡ cho cộng đoàn Công giáo nhỏ bé và đang gặp nhiều khó khăn tại đó. Trong hàng chục năm, Đức cha Roncalli đã đặt nền móng cho việc thiết lập một Tông tòa mà ngài đã được bổ nhiệm làm vị đại diện đầu tiên vào năm 1931. Ngài phục hồi được mối quan hệ thân thiện với Chính phủ và Hoàng gia Bulgaria, mặc dù có đôi chút trở ngại vì đám cưới theo nghi lễ chính thống của vua Boris với công chúa Giovanna của hoàng gia Savoia, và đó cũng là dịp để khởi động những mối quan hệ đại kết đầu tiên với Giáo hội Chính thống Bulgaria.
Vào ngày 27-11-1934, ngài được bổ nhiệm làm Khâm sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Các nước này chưa có quan hệ ngoại giao với Vatican. Với tính nhạy bén và năng động của mình, ngài đã tổ chức được một số lần gặp gỡ chính thức với Đức Thượng phụ Constantinople sau nhiều thế kỷ tách biệt với Giáo hội Công giáo.
Sự đóng góp lớn nhất của Đức Gioan XXIII là việc triệu tập Công đồng Vatican II, được loan báo trong Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô vào ngày 25 tháng 01 năm 1959. Các mục tiêu ban đầu của Công đồng được nêu rõ trong bài phát biểu vào lễ khai mạc ngày 11 tháng 10 năm 1962: không phải là để đưa ra những chân lý mới, nhưng để xác định lại các học thuyết truyền thống phù hợp hơn với sự nhạy cảm đương đại. Đức Giáo hoàng Gioan XXIII mời gọi Giáo hội, thay vì lên án và công kích, hãy hướng về lòng thương xót và ủng hộ việc đối thoại với thế giới, trong một nhận thức mới về sứ mệnh của Giáo Hội là đón nhận tất cả mọi người. Trong tinh thần cởi mở phổ quát ấy, các giáo hội Kitô khác cũng được mời tham dự vào Công đồng để khởi đầu một tiến trình xích lại gần nhau hơn.
Vào mùa xuân năm 1963, Đức Gioan XXIII được trao giải thưởng Balzan về hòa bình, xác nhận những nỗ lực của ngài đối với hòa bình qua việc ban hành Thông điệp Mater et Magistra (1961) và Pacem in Terris (1963), cũng như vai trò của ngài trong cuộc khủng hoảng tại Cuba vào mùa thu năm 1962.
Ngài qua đời vào tối ngày 3 tháng 6 năm 1963 và được phong thánh vào ngày 27-4-2014 lúc 10g tại Vatican.
Chúa Giêsu thực sự đã làm nhiều phép lạ: Ngài biến nước thành rượu, Ngài nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đám đông, Ngài chữa lành bệnh tật, Ngài làm cho kẻ chết sống lại. Tất cả những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều nhắm nói lên sứ mệnh của Ngài và Ngài chính là Ðấng Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại. Một số người Do thái đã tin nhận và đi theo Ngài, nhưng phần đông vẫn tỏ ra dửng dưng trước những lời rao giảng của Ngài. Riêng những thành phần lãnh đạo trong dân, như nhóm Biệt Phái, thì chẳng những không tin nhận, mà còn chống đối Ngài ra mặt; họ thách thức nếu Ngài làm một dấu lạ cả thể thì họ mới tin nhận Ngài.
Trước thái độ đó, Chúa Giêsu mượn hình ảnh của tiên tri Yôna để nói về Ngài. Tiên tri Yôna đã đến Ninivê để rao giảng sự sám hối, tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu cũng đều nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài và kêu gọi sám hối. Tiên tri Yôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm. Giáo Hội tiên khởi đã xem đây như là một dấu chỉ loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, nếu có một dấu lạ cả thể mà Chúa Giêsu thực hiện để đáp lại thách thức của những người Biệt phái, thì dấu lạ đó không gì khác hơn là chính cái chết của Ngài; chết để nên Lời, và Lời ấy là Lời của Yêu Thương.
Đáng tiếc cho Biệt Phái và Luật sĩ vì Chúa Giêsu trọng hơn Giôna, và khôn ngoan hơn Salômon mà họ chẳng muốn nghe Ngài. Chứng tích sám hối của dân thành Ninivê và của thế hệ Nữ Hoàng Phương Nam như một lời tố cáo nặng nề tội lỗi của Biệt Phái và luật sĩ, vì họ cứng tin đòi dấu lạ và thất trung với giao ước.
Người Biệt Phái luật sĩ đòi dấu lạ, đó cũng là điều thông thường của chúng ta hôm nay, để thỏa mãn tính hiếu kỳ, sự đắc thắng của mình. Phép lạ chỉ có giá trị nâng đỡ niềm tin chứ không phát sinh hay ép buộc niềm tin. Cũng chính vì Chúa tôn trọng tự do con người Chúa không dùng phép lạ làm áp lực con người, nên Chúa đã không làm phép lạ như Biệt Phái và luật sĩ yêu cầu. Qua lời khiển trách của Chúa Giêsu đối với Biệt Phái và luật sĩ, chúng ta hãy thức tỉnh lại, chúng ta có gian ác khi đòi Chúa làm phép lạ mới tin, khi chúng ta chai đá trước lời giảng dạy của Hội Thánh. Chúng ta ngoại tình khi chúng ta sống đạo vụ hình thức, hoặc chưa thực sự sống trọn vẹn cho Chúa mà còn để lòng mình quyến luyến thụ tạo hơn Chúa, đam mê các thú vui trần thế hơn việc đạo đức. Có khi chúng ta phản bội tình thương của Chúa, để chạy theo những đam mê xác thịt.
Ngày nay, không thiếu những người thách thức Thiên Chúa. Cũng như những người Biệt phái, họ đòi Thiên Chúa phải làm một dấu lạ cụ thể nào đó, họ mới tin nhận Ngài. Nhưng mãi mãi, Thiên Chúa sẽ không bao giờ hành động như thế. Ngài mãi mãi vẫn là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài đã nhập thể làm người và sống cho đến tận cùng thân phận làm người. Cái chết trên Thập giá vốn là tuyệt đỉnh của thân phận làm người, do đó đã trở thành dấu lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện, đó là dấu lạ của tình yêu.
Thiên Chúa vẫn tiếp tục bày tỏ dấu lạ cả thể ấy. Trong trái tim mỗi người, Thiên Chúa đã đặt vào đó sức mạnh vĩ đại nhất là tình yêu. Sức mạnh ấy không ngừng nung nấu con người; sức mạnh ấy đang được thể hiện qua những nghĩa cử mà chúng ta có thể bắt gặp mỗi ngày. Ðó là phép lạ cả thể nhất Thiên Chúa đang tiếp tục thực hiện trong lịch sử con người. Tình yêu vốn là sức mạnh vĩ đại nhất, nhưng thường lại được bày tỏ qua những cử chỉ nhỏ bé và âm thầm nhất. Một nụ cười thân ái, một cái xiết tay, một lời an ủi, một cử chỉ tử tế, một ánh mắt cảm thông và tha thứ, đó là những cử chỉ nhỏ, nhưng lại là biểu hiện của dấu lạ cả thể nhất là tình yêu.
Huệ Minh