Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 17 Tháng 4 2021 10:38

Bình an cho anh em

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  BÌNH AN CHO ANH EM

(CVTĐ 3:13-15, 17-19; I Ga 2:1-5; Lc 24:35-48)

Lời Chúa hôm này nhấn mạnh đến “lời chúc bình an của Chúa Ki-tô Phục sinh” cho các Tông đồ. Trong Tin Mừng Gioan của Chúa nhật II Phục sinh tường thuật Chúa Giê-su hiện ra với các tông đồ và ba lần Ngài chúc “bình an cho anh em”. Bài Tin mừng của Thánh Luca hôm này tường thật Ngài cũng hiện ra với các Tông đồ và chúc “bình an cho họ”. Tại sao Chúa Phục sinh lại chúc bình an cho các Tông đồ? thưa vì các ông nhát đảm, lo lắng và sợ hãi khi Chúa bị bắt trong vườn Giệt-si-ma-ni các ông đã bỏ của chạy lấy người. Rồi các ông mất bình an khi đặt mọi hy vọng và tương lai của mình vào Chúa, giờ đây Chúa của các ông đã chết, các ông mất hết phương hướng, mất hết sự nghiệp, mất cả tương lai và mất cả niềm tin vào Chúa. Chúa Giê-su Phục sinh đã đọc được nỗi thất vọng, và sự tuyệt vọng của các ông, đã làm cho các ông mất bình an. Ngài đã hiện ra củng cố lại tinh thần, cõi lòng cũng như niềm tin cho các ông bằng lời “chúc bình an”. Qua lời chúc này, chúng ta nhận thấy có một sự thay đổi rất lớn với các tông đồ là khi họ nhận được “sự bình an của Chúa” , họ đã không còn sợ hãi, thoát ra khỏi sự đóng kín của cánh cửa tâm hồn để mở ra với thế gian và đứng giữa đền thờ rao giảng về Chúa Phục sinh. Hết sợ nên các ông mới ra khơi thả lướt bắt cá ở ngoài biển cho dù sóng to, gió lớn ập đến. Hết sợ nên các ông đã coi thường chuyện bắt bớ, tù đày và đánh đập. Sách Công Vụ Tông Đồ cho ta biết “các ông vui mừng vì chịu được sự sỉ nhục vì danh Đức Giê-su Ki-tô Phục sinh”. Nhận được sự bình an của Chúa các Ngài đã thoát khỏi được nỗi sợ hãi đó và trở nên con người mạnh mẻ và can đam.

Ngày hôm này, chúng ta cũng đang sống trong tâm trạng sợ hãi đó. Người già thì sợ bệnh tật, sợ cô đơn, nằm một chỗ không biết ai tắm rửa và thay tả cho, rồi sợ chết. Người trẻ thì sợ thất nghiệp, tìm được công việc rồi thì sợ bị sa thải. Cha mẹ thì sợ con cái của mình hư hỏng, đam mê cờ bạc, cá độ, hút chích, rồi sợ con cái bỏ đạo khi ra với xã hội. Vợ chồng thì sợ bị phản bội, đưa đến rạn nứt và đổ vỡ trong đời sống hạnh phúc gia đình. Nói tắt một lời, chúng ta phải đối diện với muôn vàn sợ hãi đè nặng trên gia đình, trên cộng đoàn, trên cuộc đời chúng ta.

Vì thế “bình an của Chúa” rất quan trọng và cần thiết cho chúng ta. Nhờ bình an của Chúa Ki-tô Phục sinh mà các tông đồ thoát ra nỗi sợ hãi, đã bung ra khỏi căn phòng đóng kín của mình, đã đi ra rao giảng và làm chứng cho Đức Ki-tô phục sinh thì ngày hôm nay chúng ta cũng cần đến “sự bình an của Chúa”. Không có sự bình an của Đức Ki-tô chúng ta sẽ sống bất an và bất hạnh, chúng ta sẽ không nếm được mùi hạnh phúc vì Chúa Giê-su nói “bình an của Thầy không giống như thế gian ban tặng”. Bình an mà thế gian ban tặng cho ta là của cải, tiền bạc, xe cộ, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn. Để có những thứ này thì đòi hỏi chúng ta phải ra sức cày bừa và tìm kiếm. Tuy nhiên cuộc đời không như là mơ, có tiền bạc rồi thì có thể là con hư, vợ hoặc chồng ngoại tình v.v… dẫn đến mất bình an. Vậy thì thứ bình an mà thế gian ban tặng là bình an giả tạo mà chúng ta quên rằng sự bình an của Đức Ki-tô là sự bình an quý nhất, sự bình an của Đức Ki-tô là một báu vật mà chỉ nơi Ngài chúng ta mới có mà thôi “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi hồn tôi mới tìm được bình an”.

Vậy nếu chúng ta đồng ý sự bình an của Chúa Ki-tô là quan trọng, là cần thiết cho cuộc đời chúng ta thì chúng ta phải làm 3 việc sau đây:

Điều thứ nhất, chúng ta phải năng tham dự thánh lễ, tại sao vậy? vì nơi thánh lễ có 8 lần nhắc đến sự bình an. Trong Kinh Vinh Danh ta thấy nhắc đến 2 lần bình an của Chúa; rồi trong lời nguyện linh mục đọc “lạy Chúa Giê-su Ki-tô Chúa đã nói với các tông đồ rằng Thầy để lại bình an và Thầy ban bình an của Thầy cho anh em........ xin ban cho Hội thánh được bình an” rồi sau đó “bình an của Chúa ở cùng anh chị em”, rồi chúng ta chúc bình an. Chỉ trong lời nguyện này thôi, mà chúng ta kêu khẩn 6 lần về sự bình an rồi chúng ta đem sự bình an đó chúc cho nhau. Cho nên nơi thánh lễ này chúng ta có được sự bình an của Chúa. Và khi chúng ta rước Thánh thể đó là lúc chúng ta nhận được nguồn mạch bình an vì trong thư Rô-ma thánh Phaolo đã nói “Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh chính là nguồn gốc của sự bình an”. Rồi Chúa Giê-su nói “ai ăn thịt Tôi và máu Tôi thì ở trong tôi và Tôi ở lại trong người ấy”. Chúng ta có nguồn bình an nằm trong tâm hồn của chúng ta chắc chắn chúng ta sẽ thoát khỏi những nỗi sợ hãi ở cuộc đời này.

Điều thứ hai, chúng ta phải năng đến với tòa giải tội, vì khi chúng ta phạm tội là lúc chúng ta mất sự bình an. Vậy khi chúng ta đến trước tòa giải tội thì chính Đức Giê-su là Đấng sẽ phục hồi lại sự bình an ở trong tâm hồn chúng ta nhờ vào sự tha tội của Ngài. Cho nên đến với tòa giải tội là nơi Chúa ban cho chúng ta sự bình an.

Điếu thứ ba, chúng ta phải năng cầu nguyện xin sự bình an của Chúa. Khi chúng ta đối diện với những đau khổ, với những thử thách nó có thể làm cho chúng ta mất bình an, bằng chứng điển hình nhất là khi các tông đồ trên thuyền ra giữa biển bị sóng to, gió lớn làm cho con thuyền chao đảo, chòng chành và hầu như là bị lật úp, lúc đó các ông sợ hãi và các ông đã cầu nguyện “Lạy Thầy xin Thầy cứu con. Chúa đã đến và nói Thầy đây, đừng sợ”, lúc đó các ông bình an. Cuộc đời của chúng ta giống như chiếc thuyền trôi lệnh đênh xuôi ngược dòng đời, sóng bá đào xô lấp bủa vây làm cho chúng ta lay động, mất bình an, chúng ta cũng bắt chước các Ngài cầu nguyện xin sự bình an của Chúa ngay lúc đó, ngay thời điểm mà chúng ta sợ hãi nhất “Lạy Chúa, xin Chúa ban cho chúng con sự bình an, xin Chúa cứu giúp con”, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ tìm được sự bình an.

Anh chị em thân mến

Nếu chúng ta thường xuyên đi tham dự thánh lễ, nếu chúng ta thường xuyên đến với Bí tích giải tội, và nếu chúng ta kêu cầu với Chúa lúc chúng ta mất bình an thì sự bình an của Chúa Ki-tô cư ngụ dồi dào trong tâm hồn mỗi người sẽ làm cho ta bình an và hạnh phúc trở lại. Sự bình an và hạnh phúc này không chỉ tồn tại ở đời này mà nó sẽ kéo dài đến đời sau khi chúng ta ra gặp Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Phục sinh vinh hiển bên Chúa Cha.
Lm Giuse Hồ Quang Hân, SDB

Read 330 times Last modified on Thứ ba, 20 Tháng 4 2021 21:49