Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 25 Tháng 5 2020 06:29

Làm theo ý Chúa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Làm theo ý Chúa 


26.5.2020

Thứ Ba

Ga 17, 1-11

LÀM THEO Ý CHÚA

Đứng trước “giờ” Chúa Cha “ấn định” để làm vinh danh Cha, Chúa Giêsu không ngồi đếm ngược thời gian mà chìm sâu trong cầu nguyện để nhận ra giờ của Chúa Cha. Đó là giờ “mọi sự đã hoàn tất”, là giờ mà Chúa Giêsu hoàn toàn vâng phục để Ý Chúa Cha được thực hiện. Đó là “giờ cao điểm” Chúa Con chứng minh Ngài là Con yêu dấu của Chúa Cha, không bao giờ làm điều gì gây cản trở hay sai lệch ý Chúa Cha. Đó cũng là “giờ” mọi người biết Chúa Cha yêu thương họ đến mức nào qua cái chết của người Con Chí Ái của Ngài.

Chúa Giêsu nói những lời này khi Ngài bắt đầu bước vào cuộc thương khó. Chúa Giêsu coi đó là “Giờ của Ngài, giờ Ngài được tôn vinh”. Thật thế, khi Ngài trút hơi thở trên thập giá, trước cảnh đất trời rung chuyển, viên sĩ quan ngoại giáo đã thốt lên: “Quả thật, Người này là Con Thiên Chúa”. Từ người không tin nhận Thiên Chúa, ông đã trở nên người nhận biết Thiên Chúa qua cái chết của Đức Giêsu.

Chương 17 của Tin Mừng theo thánh Gioan, mà Giáo Hội cho chúng ta nghe hôm nay và những ngày sớm tới, là quà tặng tuyệt vời mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm cầu nguyện của Chúa Giêsu, là phần không thể thiếu của « Sự Thật toàn vẹn ».

Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha: "Phần Con, Con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, đã hoàn tất công trình Cha trao phó". Chúng ta cũng vậy, hãy hoàn tất công trình của Thiên Chúa bằng cách làm theo ý Người ở giữa trần gian.

Chúa Giêsu ngước mắt lên lên trời và cầu nguyện với Chúa Cha. Cả chương này là kinh cầu nguyện của Chúa Giêsu, thường lệ được gọi là kinh cầu nguyện cho chức vụ tư tế. Vì trong những lời cầu nguyện ấy, Chúa Giêsu đặc biệt cầu nguyện cho các tư tế của Người là các Tông đồ lúc đó và các Tông đồ bây giờ là hàng giáo sĩ. Người cũng cầu nguyện cho hàng giáo dân chúng ta, vì khi rửa tội chúng ta cũng được tham dự vào chức tư tế phổ quát của Chúa Giêsu.

Thay cho lời cầu nguyện thầm lặng, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và lớn tiếng cầu nguyện cốt để dạy cho các Tông đồ và cho chúng ta biết cầu nguyện.

Trong bữa Tiệc ly, nghĩa là trong bài nói chuyện với các Tông đồ và trong kinh nguyện cho chức vụ tư tế này, Chúa Giêsu đã nói đến Chúa Cha rất nhiều lần, đếm được cả thảy 45 lần, để như là kéo chúng ta đến với Chúa Cha, qui tất cả về Cha. Ngài cho biết rằng Ngài được Chúa Cha sai đến để làm công việc của Cha.

Ðây cũng là dịp nhắc nhở chúng ta đến với Chúa Cha không phải như Ðấng có quyền phép mà chúng ta đứng từ xa nhìn và run sợ, song như là một người Cha hiền lành và nhân từ. Và trong bữa Tiệc Ly, Chúa Cha như một Cha già ngồi giữa đoàn con chung quanh bàn tiệc, Người Cha yêu thương con cái, muốn ở giữa con cái mình và muốn ban cho họ hạnh phúc trọn vẹn, nghĩa là muốn cho họ được sống đời đời.

Khi còn nhỏ chúng ta hay chơi trò thảy bổng lên những chiếc lá vàng khô để nó bay theo chiều gió, để biết gió thổi về hướng nào, nên bây giờ chúng ta cũng quăng lên trên không những việc làm của chúng ta giống như những chiếc lá vàng kia, thì thấy nó sẽ bay theo ý Chúa hay nó lại bay khắp phương theo ước muốn và những dục vọng của chúng ta. Ðó là điều chúng ta cần trung thành xét lại trước mặt Chúa.

Và rồi ta hãy khao khát được hiểu biết sâu xa lời nguyện của Chúa Giêsu, bởi vì, nếu hành động và lời nói công khai của Ngài mặc khải cho chúng ta về ngôi vị của Ngài, về tương quan của Ngài với Thiên Chúa và với con người, thì chắc chắn, lời nguyện của Ngài còn nói cho chúng ta nhiều hơn nữa. Cũng giống như lời nguyện riêng tư của mỗi người chúng ta diễn tả con người thật của chúng ta ở chiều sâu, với Chúa và với nhau.

Ta được mời gọi ra khỏi mình, ra khòi những bận tâm, những khó khăn, những yếu đuối và giới hạn của chúng ta để đi vào chốn riêng tư của lời nguyện Chúa Giêsu ngỏ với Thiên Chúa Cha. Bởi vì, chúng ta sẽ không chỉ hiểu biết Ngài sâu xa hơn, nhưng còn học được cách thức Ngài cầu nguyện với Thiên Chúa, và ngang qua cầu nguyện, học được cách Ngài sống với Thiên Chúa Cha.

"Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống và sự sống của con người là nhận biết vinh quang Thiên Chúa". Chúa Giêsu đã đón nhận sự chết, đã phục sinh để đem lại sự sống đời đời cho con người. Khi con người tin nhận Chúa Giêsu là con Thiên Chúa chính là lúc con người được sống sung mãn trong chân lý “Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha -Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô” (Ga 17, 3).

Vì tin và chịu phép rửa, chúng ta được gọi là Kitô hữu; nghĩa là được trở nên con Chúa Cha trong Người Con đích thực của Ngài là Chúa Giêsu. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể làm vinh danh Thiên Chúa Cha bằng cách ‘sống đời hiến tế’ qua việc ‘làm theo ý Chúa Cha’ bằng đời sống hy sinh, chấp nhận khổ giá trong đời.

Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống, chúng ta hãy luôn xác tín niềm tin vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, sống những giá trị Tin mừng, sống trong chân lý và ân sủng của Chúa. Khi sống như vậy, chúng ta đang góp phần làm vinh danh Chúa giữa một thế giới với những giá trị trái ngược với Tin mừng.

Muốn thực thi ý Người, chúng ta hãy lắng nghe và vâng lời Người dạy bảo, chúng ta hãy tìm hiểu ý Người trong mọi công việc quan trọng, khi quyết định một việc gì hay khi phải lựa chọn một điều chi, chúng ta phải tự hỏi: "Nếu là Chúa Giêsu thì Ngài đã làm thế nào? Tôi làm điều này vừa ý Người hay không?" Mỗi ngày ta đọc kinh Lạy Cha và lặp lại nhiều lần "chúng con nguyện danh Cha cả sáng ở dưới đất cũng như trên trời", nhưng sự thật chúng ta làm theo ý mình hơn ý Chúa, làm theo ước muốn và tính toán nhỏ mọn của mình hơn là làm theo ý muốn của Chúa, như vậy không phải là làm sáng danh Chúa mà làm theo cái tôi ích kỷ của mình.

Lắng nghe lời nguyện của Chúa Giêsu, chúng ta khám ra rằng, tình yêu đến cùng của Chúa Giêsu dành cho chúng ta bắt nguồn từ tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta xác tín về tình yêu Thiên Chúa dành cho cho chúng ta, như thánh Phaolo nói: “Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 39).

Ta biết rằng làm theo ý Chúa là làm cho mọi người nhận biết Cha, nhận biết Chúa Giêsu là Ðấng Cha đã sai đến, có nghĩa là làm việc Tông đồ và rao giảng cho mọi người chưa nhận biết hay còn thờ ơ với Chúa, vì thế mà chúng ta phải rao giảng Lời Chúa bằng lời nói cũng như bằng chính cuộc sống của chúng ta.

Huệ Minh

Read 371 times Last modified on Thứ năm, 28 Tháng 5 2020 07:09