Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 06 Tháng 8 2023 06:54

Mỗi Tuần Một Thành Ngữ | Bài 1: Sơn Hào Hải Vị

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Mỗi Tuần Một Thành Ngữ | Bài 1: Sơn Hào Hải Vị
Thành ngữ là một thể loại văn học dân gian, được ông cha ta đúc kết qua bao đời. Nó được sử dụng rộng rãi trong lời ăn, tiếng nói hằng ngày. Nó cũng là “chất liệu” để sáng tác thơ ca, văn học. Thành ngữ thường ngắn gọn nhưng ý tứ rất phong phú và sâu sắc, nó cho ta nhiều bài học thú vị... 

MỖI TUẦN MỘT THÀNH NGỮ
BÀI 1: SƠN HÀO HẢI VỊ
GIẢNG VIÊN: GIUSE NGUYỄN VĂN QUÝNH


Thành ngữ “sơn hào hải vị”“Sơn hào hải vị” có nghĩa là các món ăn ngon và quý hiếm, được chế biến cầu kỳ từ những sản vật lấy từ trong rừng sâu hay dưới biển khơi

Sơn hào” là món ăn quý hiếm lấy từ động vật trong rừng, như: bàn tay gấu, lộc nhung, gân nai…

“Hải vị” là món ăn ngon và quý hiếm lấy từ biển khơi, như: bào ngư, vi cá, hải sâm, cua Hoàng đế…

Như vậy, thành ngữ “sơn hào hải vị” chỉ các món ăn cao sang của những người giàu có luôn tìm các món ăn ngon, mới lạ, hấp dẫn, quý hiếm...!

Vì là thành ngữ nên nó chưa phải là câu. Thế nên, người ta thường dùng thành ngữ để chêm vào trong câu nói.

Thí dụ:

- Các vua chúa ngày xưa toàn ăn “sơn hào hải vị” 

.hoặc

- Thức ăn vẫn tiếp tục được mang ra đủ “sơn hào hải vị” .

Xin kể cho quý vị và các bạn nghe một câu chuyện vui: Có một bác nông dân bán được miếng đất 10 tỉ. Bác liền đánh xe lên Sài Gòn học làm sang. Nghe nói các đại gia thường xài hàng hiệu, ăn uống thì dùng toàn “sơn hào hải vị” nên bác ghé vào một nhà hàng sang trọng để thể hiện đẳng cấp. Người phục vụ đưa thực đơn và hỏi bác dùng món gì, bác liền dõng dạc hất hàm lên nói: Cho tôi món “sơn hào hải vị” . Người phục vụ đáp: Ở đây chỉ có bào ngư, vi cá, thịt rừng, gân nai, cua Hoàng Đế… bác chọn món nào? Bác cương quyết: Không, cho tôi món “sơn hào hải vị” cơ. Thật là cười ra nước mắt.

Quý vị và các bạn thân mến,

Nếu áp dụng thành ngữ đúng nơi, đúng người, đúng hoàn cảnh thì sẽ rất thú vị, nó còn thể hiện là người hiểu rộng, có tri thức. Còn ngược lại, thì rất ngô nghê, buồn cười. Thế nên, chúng ta cần hiểu đúng và nói đúng ngữ cảnh thì thành ngữ mới phát huy tác dụng.

Trong kho tàng văn chương bình dân Việt Nam, có thành ngữ “cao lương mỹ vị” cũng gần nghĩa với thành ngữ “sơn hào hải vị”. Thành ngữ “cao lương mỹ vị” có thể chiết tự như sau: “cao” là thịt béo, “lương” là gạo trắng, “mỹ vị” là ngon miệng. “Cao lương mỹ vị” có nghĩa là các món ăn ngon, quý hiếm, sang trọng và nhiều hương vị.

Chúng ta có thể đặt câu với thành ngữ này như sau.

- Ngồi mát, chẳng làm gì mà dùng toàn “cao lương mỹ vị”.hoặc

-Chúng tôi nào có dám mơ tưởng các món ăn “cao lương mỹ vị” .

Có thể nói, các món ăn “sơn hào hải vị” hay “cao lương mỹ vị” thường dành cho các vua chúa ngày xưa và những người giàu có ngày nay, như: yến sào, bào ngư, vi cá, hải sâm, tôm hùm, cua hoàng đế, sò điệp, gà chín cựa, gân nai… Các món ăn này không chỉ ngon miệng mà còn có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, chúng phải được chế biến công phu và thưởng thức đúng cách thì mới bổ dưỡng và cảm nhận được hương vị đặc sắc trong đó.

Quý vị và các bạn thân mến,

Chúng ta vừa tìm hiểu thành ngữ “sơn hào hải vị”.

Tuần sau, chúng ta sẽ tìm hiểu về thành ngữ “sơn cùng thuỷ tận”.

Read 110 times Last modified on Thứ hai, 07 Tháng 8 2023 07:22