Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 18 Tháng 5 2013 15:31

Điều Giản Dị

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Điều giản dị



Người ta không thể sống tốt đẹp nếu không có một điều gì đó để tin, một nơi nào đó để tìm về.

1.


Khi em nhìn thấy cái note viết riêng cho em này, chúng ta đã ở rất gần nhau. Không phải thế sao, khi mà xa xôi không phải lúc nào cũng được đo bằng khoảng cách?


Khi mà xa xôi được đếm bằng nhớ mong, ta sẽ có mặt ở nơi ta vắng mặt. Nên sẽ gần nhau. Giản dị nhỉ? Sự giản dị đó cũng giống như một chân lý: không có gì là thừa trong đời sống cả, dù đó là sợi seat-belts mà người ta chả mấy khi dùng trong xe ô tô...


Vào lúc này, đối với sự đứng im tương đối của em, anh đang di chuyển. Anh thích mình được người ta nhìn thấy ở trạng thái "đang di chuyển" hơn là "đã đến". Điều quan trọng lớn nhất để thấy mình đang sống không phải là đã-đến-đâu hoặc đang-ở-đâu, mà chính là có-còn-đang-đi hay không.


"Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving" – Albert Einstein đã nói như vậy.


2.


Lâu rồi, có một người bạn lớn đã hỏi anh trong một buổi chiều mù mịt gió mưa: "Những lúc khó khăn, em sẽ cầu nguyện đến điều gì cho mình và những người thân?" Hỏi, dù biết rằng anh không thực sự có trọn vẹn đức tin ở cái mà người ấy có. Chính xác hơn, đối tượng cụ thể của lòng tin trong mỗi người không trùng khít với người kia.


Không trùng khít, nhưng nó thực chất lại là một và cách đi đến đó cũng chỉ có một. Đó chính là những điều tốt đẹp, yêu thương và lòng tin. Biểu tượng của điều tốt đẹp có thể là hiện hữu này, cũng có thể là hình hài khác. Nhưng bản chất không đổi.


Người ta không thể sống tốt đẹp nếu không có một điều gì đó để tin, một nơi nào đó để tìm về.


Nghĩ đến điều này, anh nghĩ tới Einstein với câu nói giản dị của ông "Opening up yet another fragment of the frontier of beauty" (Hãy mở cửa lòng mình để đón cái đẹp!)


3.


Anh không có nhiều thần tượng. Một trong những thần tượng của anh chính là Einstein. Không phải vì thuyết tương đối nổi tiếng của ông, mà chính là vì cái cách ông sống và yêu thương cuộc đời. Cách ông dung hòa giữa tri thức và tình cảm, giữa cái chung và cái riêng. Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, cũng như Lobachevski, Einstein miệt mài đi tìm những điều chưa biết của thế giới. Tìm theo cái cách riêng của mình: dùng thực tiễn để chứng minh những suy tưởng. Và khi cần, tạo ra cho mình một hệ quy chiếu riêng, một con đường riêng để đi đến nơi mình muốn đến.


Chính ông, bằng suy luận của mình đã nhận ra: "lạnh" không có thật, lạnh chỉ là sự vắng mặt của "nóng". Bóng tối cũng không có thật, bóng tối là sự thiếu vắng của ánh sáng.


Logic dẫn người ta đến những nơi xác định. Nhưng chính những hình dung về một cái gì đó chưa có trên cơ sở những điều đã có mới là cái có thể dẫn người ta đi khắp mọi nơi.


"Logic will get you from A to B. Imagination will take you everywhere" – Einstein.


4.


Trong số những điều bạn bè đã nói với anh, có một điều làm anh suy nghĩ nhiều hơn những điều khác. Đó là một câu hỏi về sự sáng tạo.


Khi Lobachevski tìm ra lý luận về không gian riêng trong hệ thống hình học mà người ta gọi là "phản Euclide" của mình, ông bắt đầu từ những tiên đề của Euclide.


5.


Trong số những điều làm anh ngưỡng mộ ở Einstien, có đời sống tình cảm của ông và cách ông sống với những tình cảm đó. Ai cũng biết trong cuộc đời mình, Einstein có nhiều hơn một tình yêu. Hai trong số những tình yêu đó, Mileva Maric và Elsa Löwenthal đã trở thành bạn đời của ông. Ngoài ra, người ta còn nói nhiều đến những phụ nữ bí ẩn khác trong cuộc đời Einstein, ví như Margarita Konenkova, Estella, Ethel, Toni... và một vài người khác nữa.


Nhưng ít người biết rằng, trong suốt cuộc đời mình, chưa bao giờ Einstein yêu cùng một lúc hai người, và ông cũng chưa bao giờ là người sống không hết mình với những tình yêu lớn nhỏ của đời mình. Tất cả mọi điều đều rõ ràng bởi những ranh giới mà nhà bác học tự tạo cho mình. Cũng rất ít người biết rằng, khác với sự khô khan và tính chính xác của những luận thuyết khoa học mà ông theo đuổi, Einstein là người rất nồng nàn trong tình yêu. Chính ông đã phát biểu một cách rất con người về quan điểm đối với tôn giáo của mình :"Thượng đế là tình yêu và tự nhiên".


Và hài hước: "Lực hấp dẫn không thể chịu trách nhiệm cho việc người ta yêu nhau".


6.


Khi em đọc đến những dòng này, anh đã đến rất gần cái nơi mà anh đang đến. Ở đó, người ta không thích "bóng ma" của cái triết thuyết về một thiên đường trên mặt đất do Karl Marx tạo nên. Cũng không rảnh để ngồi bàn về nguồn gốc phép duy vật biện chứng, hay diễn dịch những quy luật duy vật lịch sử theo ý mình một cách phổ cập như ở ta. Nhưng ở đó, người ta biết rõ cách vận dụng những quy luật của Marx vào đời sống để tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần, phục vụ cho niềm vui tận hưởng cuộc sống của cộng đồng.


Ở đó, thời gian không dừng lại. Anh sẽ phải "di chuyển" bằng hết sức mình với cường độ và áp lực rất cao. Phải cố gắng giải quyết thật nhanh những việc cần giải quyết để có thể sớm trở về với em và những cuộc vui vô tư, mà chúng ta đang cùng chơi với những bạn bè thực sự của mình.


Ở đó, có thể anh sẽ không có nhiều thời gian để trò chuyện với em và bạn bè mỗi ngày.


Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là anh đã, đang và sẽ rất nhớ em. Nhớ những niềm vui tìm thấy và sự sẻ chia đến từ bạn bè. Nhớ trong tin yêu và sự hình dung về những điều đẹp đẽ.


7.


Khi người ta có lòng tin và tình yêu, mọi niềm vui sẽ trở nên đơn giản.


Lúc đó, chúng ta sẽ không còn phải băn khoăn đi tìm đáp án cho câu hỏi: ta sẽ vịn vào điều gì để đứng vững trước những gió bão của cuộc đời; hay khi chứng kiến những điều bất hạnh xảy đến cho những thân yêu của mình, ta sẽ cầu nguyện với ai.


Lúc đó, tình yêu giữa những người đang ở thật xa nhau không còn là những khi thấp thỏm, những đêm lo âu và những ngày hạnh phúc nhạt.


Galileo khẳng định: "Quả đất tròn!" Einstein khiêm nhường giải thích bí quyết thành công của mình: "Khi con bọ dừa bò theo một cành cây, nó không biết là cành cây bị cong. Tôi đã có may mắn nhận thấy cái mà con bọ dừa không nhận thấy". Jakobson từng bảo: "Mọi bài thơ tình đều quy về một câu duy nhất..."


Anh không biết làm thơ. Không đủ thông minh để sáng tác ra cái 'câu duy nhất' mà Jakobson muốn nhắc đến. Lại càng không phải là con bọ dừa. Nhưng anh biết cách để tìm thấy em. Biết cách để nói với em cái điều vô cùng cũ kỹ đó, điều mà anh biết rõ là em muốn nghe hơn bất cứ một bài thơ nào.


Trái đất thì tròn và tất cả mọi bài thơ tình đều quy về một ý: anh yêu em.


Có những điều thực ra rất giản dị, phải không em?

Sưu tầm

Read 1216 times Last modified on Chủ nhật, 19 Tháng 5 2013 17:49