Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 28 Tháng 8 2022 07:02

Hiệp Hành theo gương Đức Giêsu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  HIỆP HÀNH THEO GƯƠNG ĐỨC GIÊSU | Chuỗi Suy Tư Về “Hiệp Hành”

 

TMĐP- Con đường Hiệp Hành dẫn chúng ta đi sâu vào Mầu Nhiệm của Ngôi Lời Thiên Chúa để được hiệp nhất nên một với Chúa, và được Lời hằng sống thanh tẩy, biến đổi nên những sứ giả của Tin Mừng giữa đại hội anh em khi lên tiếng “tuyên xưng tình thương của Chúa từ buổi sớm và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya“ (Tv 91,3).

Mục đích chính và ý nghĩa sâu sa của Hiệp Hành là trở nên thân tình với Thiên Chúa và gần gũi anh em trên đường đi theo Đức Giêsu, bởi Hiệp Hành không là con đường riêng của một người, một nhóm người, nhưng là con đường chung, con đường Đức Giêsu mời gọi tất cả đi với Ngài. Chính vì muốn mọi người, không trừ ai cùng đi với Ngài, mà “Ngôi Lời đã làm người, ở giữa chúng ta” và đồng hành, hiệp hành với chúng ta trên hành trình làm người, làm con Thiên Chúa.

Như thế, trên những bước chân Hiệp Hành, người Kitô hữu không thể sao lãng mục đích trở nên bạn đồng hành thân tình của Đức Giêsu, và bạn đường gần gũi anh em mình, bởi thiếu một trong hai, đường Hiệp Hành không còn giá trị, và ý nghĩa như lòng Chúa mong ước.

Nhưng tại sao phải trở nên thân tình với Đức Giêsu và gần gũi anh em trên đường Hiệp Hành?

Thưa vì chúng ta được mời gọi gắn bó thiết thân với Đức Giêsu như Ngài dậy để được hạnh phúc: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Hãy ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 13,5), đồng thời được thúc đẩy tiếp cận, gần gũi anh em để Thiên Chúa được vinh danh: “Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21).

Như thế, khi gắn bó thiết thân với Đức Giêsu, người Kitô hữu được “nên một với Thiên Chúa Ba Ngôi” và kết quả là họ sinh nhiều hoa trái, và một khi đã nên một với Thiên Chúa, họ cũng sẽ “nên một” với nhau, và kết quả là Thiên Chúa được yêu mến, tôn thờ khi mọi người nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, và nhận ra nhau là môn đệ của Ngài, vì họ có lòng yêu thương nhau” (x.Ga 13,35).

Do đó, Hiệp Hành là con đường Hiệp Nhất, con đường Hiệp Thông, con đường “nên một” với Thiên Chúa và với anh em mình, để làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho nhau như Đức Giêsu đã khẳng định.

Nhận ra mục đích của Hiệp Hành, chúng ta cùng chiêm ngắm và noi gương Đức Giêsu trong Tin Mừng để thân tình bước theo Ngài và gần gũi đồng hành với anh em trên đường Hiệp Hành:

1/ Đức Giêsu liên lỉ sống tình con thảo với Chúa Cha:

Suốt đời làm người, Đức Giêsu đã không một giây phút ở ngoài tình yêu của người con thảo đối với Thiên Chúa, Cha mình:

*Bằng tin tưởng đợi chờ, dù có phải rơi vào tình cảnh thê lương, tang tóc như giờ hấp hối tột cùng cô đơn trên Thánh Giá đến nỗi phải nghẹn ngào than thở: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34)
*Bằng khiêm hạ, chăm chú lắng nghe Chúa Cha nói không chỉ qua tiếng nói từ Trời như khi chịu phép rửa ở sông Giôđan, mà còn qua những dấu chỉ, biến cố “trái ý nghịch lòng”, như trước giờ bị bắt trong vườn Ghếtsêmani, khi tâm hồn “cảm thấy hãi hùng xao xuyến”, “buồn đến chết được đã sấp mình xuống đất cầu nguyện: “Ápba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn” (Mc 15,34.36)
*Bằng hết lòng tôn trọng Chúa Cha mà không sợ bị phiền phức, thiệt thòi, như khi thấy những người buôn bán trong Đền Thờ, Ngài đã vừa xua đuổi, vừa “lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Rồi bảo họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Mt 21,13).
*Bằng sẵn sàng đón nhận mọi thử thách và quyết tâm đi đến cùng sứ vụ được trao phó trong niềm tín thác tuyệt đối vào mầu nhiệm cứu độ như lời cuối cùng của Ngài trên Thánh Giá: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30),”Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Nếu Đức Giêsu đã đi trên đường dương thế trong sự kết hợp mật thiết với Chúa Cha bằng tin tưởng đợi chờ, khiêm hạ và chăm chú lắng nghe tiếng Chúa Cha, hết lòng tôn trọng Chúa Cha và những gì thuộc về Chúa Cha, đồng thời sẵn sàng đón nhận mọi khó nhọc, vất vả, kể cả mất mạng sống vì sứ vụ cứu thế trong niềm tín thác tuyệt đối ở Cha mình, thì người Kitô hữu cũng không thể ra ngoài quỹ đạo, không thể đi trên tuyến đường nào khác tuyến đường và qũy đạo của Đức Giêsu đã chọn và đã thực hiện, bởi trật đường, lệch qũy đạo của Ngài, chúng ta sẽ không thể ở trong tình thân với Ngài, và không thể” nên một ” với Thiên Chúa như mục đích của Hiệp Hành.

Thực vậy, không nhắm chính xác mục tiêu, đích tới của Hiệp Hành là “nên một với Đức Giêsu”, thiết tha sống tình con thảo với Thiên Chúa là Cha, chúng ta sẽ hiệp hành với “lòng dạ nóng nẩy, bực bội, mất bình tĩnh” trước những thiếu sót, yếu đuối, lầm lỗi của Giáo Hội, vì chúng ta thiếu khả năng ghìm mình thật sâu trong trái tim Chúa, và kiên trì ở lại với Chúa để “tin tưởng đợi chờ” sức mạnh đổi mới của Chúa Thánh Thần, Đấng làm “mới lại” mọi sự trong ngoài, Đấng luôn có mặt trong Hội Thánh, và hoạt động giữa dân Chúa trên đường lữ hành; chúng ta sẽ hiệp hành cách hời hợt vì trong tâm hồn lửa nhiệt tâm lo việc nhà Chúa không đủ sức bùng cháy, lại thêm tinh thần thế gian lấn lướt, áp đảo làm chúng ta không đủ khiêm tốn để tinh tế, bén nhạy nhận ra tiếng Chúa, nhìn ra những dấu chỉ qua đó Chúa muốn nói và nhắn gửi chúng ta Thánh Ý Ngài, nhất là tính kiêu căng, hiếu thắng, thành kiến, khép kín, kỳ thị sẽ làm chúng ta trở thành những con người bất mãn, bất đắc chí kinh niên khi không “thay đổi” được Giáo Hội như mình muốn, không mau chóng cải tổ như mình lập trình, không lập tức phá bỏ cơ chế nặng nề như mình hoạch định, không hoàn thành công trình canh tân theo kiểu mẫu lý tưởng mình mơ ước.

Sở dĩ chúng ta dễ rơi vào tình trạng tiêu cực trên, vì chúng ta say mê canh tân, nóng lòng cải tổ mà không tìm được câu trả lời thoả đáng cho những vấn nạn: “Tại sao Thiên Chúa không thay đổi Giáo Hội? Tại sao sau bao nhiêu năm sống đạo, người Kitô hữu vẫn không đạo đức, tử tế hơn? Tại sao Tin Mừng không đủ hấp dẫn và canh tân thế giới? Tại sao số tín hữu công giáo không tăng, có khi còn giảm sút trầm trọng? Tại sao không xóa bỏ được nạn giáo sĩ trị đang làm suy yếu Giáo Hội? Tại sao người của Giáo Hội ngày càng thoái hóa, biến chất? Và rất nhiều tại sao, tại sao khác…

Dụ ngôn người gieo giống trong Tin Mừng (Mt 13,4-9 ; Mc 4,3-9 ; Lc 8,5-8) soi sáng con đường Hiệp Hành chúng ta đi, khi trả lời câu hỏi nền tảng bao hàm những câu hỏi khác: “Tại sao Lời Chúa không lập tức mang về hoa trái? Tại sao Tin Mừng không tức khắc biến đổi thế giới, canh tân chúng ta?

Thưa vì Lời Chúa không đem lại kết qủa một cách tự động, không cho hoa trái một cách máy móc, mặc dù hạt giống Lời Chúa là hạt giống bảo đảm trăm phần trăm tiềm năng, tiềm lực sinh hoa trái, mang lại kết quả, vì là những hạt giống tốt, hạt giống của Nước Trời.

Nhưng hạt giống tốt là Lời Chúa, là Nước Trời ấy sẽ nẩy mầm, lớn lên thế nào, sẽ sinh hoa kết trái hay khô héo đi, sẽ cho nhiều hay ít bông hạt hoàn toàn không hệ tại ở hạt giống, nhưng tùy thuộc ở đất trên đó hạt giống được gieo vào. Và đây chính là mầu nhiệm của Nước Trời mà trên đường Hiệp Hành, trong khi thực hiện công trình Hiệp Hành, người tín hữu chúng ta phải ý thức và quyết tâm.

Chúng ta cần phải ý thức kết qủa của công cuộc canh tân không được đánh giá theo tiêu chuẩn hiệu qủa bên ngoài, thành qủa thấy được, theo cách đo lường của thế gian, vì kết qủa ấy không mang tính tự động, máy móc, nhưng là thành qủa của đối thoại, trao đổi, tương quan giữa người gieo và người nhận hạt giống, bởi khi được gieo, hạt giống Lời Chúa có thể được nhiệt tình đón nhận, có thể bị thẳng thừng từ chối, có thể được trân qúy, chăm nom, nhưng cũng có thể gây phiền phức và bị coi thường, vứt bỏ.

Vì thế, chúng ta cần quyết tâm sống tinh thần khiêm hạ của hạt giống Tin Mừng với Đức Giêsu, khi biết đó là hạt giống hoàn hảo nhất, thánh thiện nhất, mạnh mẽ nhất, vì là Lời Thiên Chúa. Tuy vậy, hạt giống vẫn chấp nhận bị “rơi xuống vệ đường, rơi trên nơi sỏi đá, rơi vào bụi gai, rơi trên chỗ không có đất nhiều”, là những nơi không có điều kiện để hạt giống nẩy mầm, mọc lên và sinh hoa kết quả (x. Mt 13, 4-7). Nhờ biết và khiêm tốn đón nhận sự thật của thân phận của hạt giống được gieo vãi, chúng ta sẽ không thối chí nản lòng trên đường truyền giáo, nhưng bám chặt, tín thác vào Chúa hơn, và quyết tâm cố gắng làm cho tâm hồn người nghe được trở nên đất tốt bằng đời sống kết hợp mật thiết với Đức Giêsu qua tin tưởng đợi chờ giờ của Thiên Chúa, kiên nhẫn hy vọng vào cách giải quyết của Chúa, chăm chú lắng nghe Thánh Ý, tôn trọng công việc, chương trình của Chúa thể hiện qua Giáo Hội, và sẵn sàng dấn thân phục vụ Giáo Hội đến cùng dù phải chịu nhiều thử thách, gian truân, sỉ vả để hạt giống Tin Mừng chúng ta gieo trên đường Hiệp Hành “sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13, 8).

2/ Đức Giêsu tìm mọi cách tiếp cận, gần gũi con người:

Thực ra, Hiệp Hành là con đường chúng ta cùng đi để gieo vãi hạt giống Tin Mừng: gieo vãi trên đất tâm hồn của những anh em chưa từng được nghe Tin Mừng, nhưng cũng “gieo lại” trên đất tâm hồn của chính mình và anh em mình, vì tuy là Kitô hữu, nhưng hạt giống Tin Mừng trên đất tâm hồn của chúng ta có thể đã “bị chim chóc đến ăn mất, bị nắng làm cháy, bị chết khô vì thiếu rễ, thiếu đất, bị gai góc làm chết nghẹt” (x. Mt 13,4-7).

Và để hạt giống không mang thân phận hẩm hiu vừa kể, chúng ta phải Hiệp Hành bằng tiếp cận, gần gũi nhau, bằng tìm gặp người anh em “chân trong chân ngoài” ngưỡng cửa nhà Giáo Hội, bằng làm quen, làm thân với anh em ở ngoài Giáo Hội, như Đức Giêsu trên đường truyền giáo đã không bỏ bất cứ cơ hội nào để tiếp cận, gần gũi con người, dù người đó là ai, thuộc giai cấp, thành phần, chính kiến, tôn giáo nào ….

Quả thật, đọc Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa “nói với con người”, đúng như bản tính “Ngôi Lời” của Ngài.

Ngài mở lời trước với người Ngài gặp như “đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn cũng gọi là Phêrô, và người anh là Anrê, đang quăng chài xuống biển… Người bảo các ông: “Các ông hãy theo tôi …”. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mt 4,18-20); Ngài lên tiếng dậy dỗ đám đông “Tám Mối Phúc Thật” khi thấy họ kéo đến tìm Ngài (x. Mt 5,1(12); Ngài ân cần trả lời và chữa lành những người xin Ngài cứu giúp như với người bị phong hủi: “Tôi muốn, anh sạch đi” (Mt 8, 2); Ngài không hà tiện lời khen ngợi, khuyến khích như với ông đại đội trưởng ngoại đạo có lòng tin mạnh: “Tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế” (Mt 8, 10).

Ngay cả với những người chống Ngài, tìm hại Ngài, Ngài cũng không ngại lên tiếng trả lời, giải thích như với những người Pharisêu đã trách Ngài qua lại, “ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi” (x. Mt 9,10-12), chất vấn Ngài về việc Ngài đã chữa người bị bại tay trong ngày Sabát là ngày cấm làm việc của người Do Thái (x. Mt 12,9-14); hoặc chụp mũ Ngài “dựa thế quỷ vương Bêendêbun mà trừ quỷ” khi Ngài chữa “người bị quỷ ám vừa mù lại vừa câm” (x. Mt 12,22-29).

Như thế, Đức Giêsu đã luôn sẵn sàng đối thoại, trò chuyện, trao đổi với mọi người. Họ là những người Ngài gặp trên đường truyền giáo, những người đau ốm, tật nguyền, tội lỗi, những người bị quỷ ám, những người bị xã hội tẩy chay, cách ly, ruồng bỏ như những người phong cùi. Cả những người thề “ăn thua đủ” với Ngài, dù Ngài không đấu đá, “ăn thua” với ai, những người ngày đêm ngày lồng lộn muốn tiêu diệt Ngài, Ngài cũng vẫn bình an đi vào đối thoại chân thành với họ.

Ở Đức Giêsu, chúng ta không thấy chủ trương “phớt lờ” những người muốn nói chuyện với mình, những người lên tiếng nài xin, khẩn khoản mình cứu giúp; cũng không thấy ở Ngài chính sách “đánh bài lờ” trước đối phương hay người mình không ưa, không thích; càng không gặp ở Ngài chiến thuật “phớt tỉnh ăng lê, không đáp lời, không mở miệng” với những người mình khinh bỉ, coi thường. Trái lại, Ngài mở lời với mọi người, đáp lời mọi người, cởi mở thân tình trao đổi, trò chuyện với mọi người, không trừ ai.

Tuy thế, cũng có trường hợp Ngài đã im lặng, không nói một câu,”không trả lời một tiếng khi các thượng tế và kỳ mục tố Người” trước mặt quan tổng trấn Philatô (x. Mt 27, 11-14).

Quả thực, để có thể tiếp cận, gần gũi anh em, chúng ta không thể “câm như hến, yên như thóc”, vì Thiên Chúa của chúng ta là “Thiên Chúa nói với con người”, và Đức Giêsu mà chúng ta xin đi theo làm môn đệ là “Ngôi Lời của Thiên Chúa”. Vì thế, từ chối đối thoại, từ chối nói với người khác, từ chối chia sẻ với anh em bằng nói với họ điều mình nghĩ, điều mình hiểu với tâm hồn bình an, lương thiện và tràn đầy lòng thương xót, chúng ta sẽ không bao giờ có thể đi đến hiệp thông, hiệp nhất, tham gia, cộng tác, cùng thi hành sứ vụ với anh em như mục tiêu của Hiệp Hành.

Đây là thiếu sót lớn ở phần đông chúng ta, nhất là khi chúng ta làm lớn, nắm giữ quyền cao, chức trọng, bởi cám dỗ nguy hiểm nhất ở người có quyền là “bất cần người khác và ý kiến, thỉnh cầu của họ, bất xét hoàn cảnh, vấn đề và nhu cầu của kẻ khác” với đủ thứ lý do được nêu ra như mất giờ vô ích, họ ngu dốt, chẳng hiểu biết gì, gặp gỡ, trò chuyện chỉ thêm rách việc, rối chuyện, chẳng nghe ai, vì cạm bẫy giăng kín đường… Rốt cuộc, chúng ta khép miệng không phải vì những lý do vừa kể, nhưng khép miệng vì tận thâm tâm đã tự nguyện đóng chặt cửa lòng, không muốn cởi mở trái tim và tâm hồn, vì ích kỷ, ma mãnh, thủ đọạn, thủ thân, bảo vệ pháo đài quyền lực hơn là vì khôn ngoan, kiệm lời, kín tiếng.

Do đó, chúng ta không xây được những nhịp cầu từ trái tim chúng ta đến trái tim người khác qua “lời nói”; không tạo được tương quan, liên đới dẫn đến hiệp thông, hiệp nhất với anh em trên cùng một tuyến đường Hiệp Hành qua “lời được chia sẻ”; không nối được vòng tay lớn với các bạn đường để cùng vun xới thửa đất tâm hồn cho hạt giống Tin Mừng nẩy mầm, lớn nhanh, sinh nhiều hoa trái qua “tiếng nói chung”. Và hậu quả tai hại của chiêu trò, kiểu cách “đánh bài lờ, phớt lờ, từ chối đối thoại” sẽ là nhanh chóng phá hoại tương quan, làm đổ vỡ công trình Hiệp Hành, khi thiện chí đóng góp xây dựng Giáo Hội của anh em bị chúng ta coi thường, chà đạp; tinh thần dấn thân Hiệp Hành của anh em bị chúng ta phong toả, cấm vận; thao thức, ước mơ, khắc khoải cho một Giáo Hội hiệp hành của anh em bị chúng ta nhẫn tâm bức tử.

Tóm lại, noi gương Đức Giêsu trên đường truyền giáo, chúng ta phải can đảm mở lời, nhẫn nại lắng nghe, bình an và tin tưởng đi vào đối thoại với mọi người, vì liên lỷ chúng ta hiệp nhất với Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, nên chúng ta không sợ mở lời “giao hảo”, không ngại lên tiếng “cảm thông”, không tiếc lời “ủi an, chia sẻ, nâng đỡ”, vì đó là cách thế tuyệt hảo cho chúng ta đi vào tâm hồn người khác với Hạt Giống Tin Mừng, ở lại trong trái tim anh em với Hạt Giống Đức Giêsu, Thiên Chúa cứu độ, cùng mọi người trên đường Hiệp Hành chuẩn bị đất tốt cho Hạt Giống Nước Trời nẩy mầm, lớn lên và sinh hoa kết trái xum xuê, đầy cành.

Thực vậy, chúng ta được kêu gọi mở lời, lên tiếng, và lắng nghe người khác lên tiếng, mở lời, nhưng đồng thời cũng được khuyên bảo phải yên lặng, không nói gì, không trả lời về một điều nào khi biết rõ người muốn chúng ta nói, bắt chúng ta trả lời có dã tâm vu khống, cáo gian, chụp mũ, đặt chuyện thị phi để hãm hại chúng ta, làm tổn thương người khác, như Đức Giêsu đã không trả lời một tiếng, không nói một lời nào khi các thượng tế và kỳ mục “mồm loa mép giải” hồ đồ tố cáo, cố tình vu oan giáng họa cho Ngài (x. Mt 27,11-14).

Ước gì con đường Hiệp Hành là đường dẫn chúng ta đi sâu vào Mầu Nhiệm của Ngôi Lời Thiên Chúa để được hiệp nhất nên một với Chúa, và được Lời hằng sống thanh tẩy, biến đổi nên những sứ giả của Tin Mừng giữa đại hội anh em khi lên tiếng “tuyên xưng tình thương của Chúa từ buổi sớm và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya” (Tv 91,3).

Jorathe Nắng Tím

https://tinmungduongpho.com/hiep-hanh-theo-guong-duc-giesu-chuoi-suy-tu-ve-hiep-hanh/

Read 283 times Last modified on Thứ hai, 29 Tháng 8 2022 07:54