Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 22 Tháng 2 2022 06:13

Tại sao phải là Phêrô?

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  TẠI SAO PHẢI LÀ PHÊRÔ?



Đây là câu hỏi mà những người từ chối vâng phục Giáo Hoàng Roma nêu lên. Họ lý luận rằng, Chúa Kitô mới là đá tảng, nền tảng của Giáo Hội chứ không phải Phêrô. Thêm nữa, Phêrô là một kẻ nhát đảm, đã chối Chúa tới 3 lần. Rồi sau khi Chúa đã thăng thiên và ông đang là thủ lãnh của Giáo Hội mà lại giả hình, sợ bị người Do Thái chỉ trích nên đã tránh né các tín hữu gốc dân ngoại. Sự giả hình này của ông bị thánh Phaolo chỉ trích thẳng mặt: “Nếu ông là người Do Thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do Thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do Thái?“ (x. Gal 2,11-14). Tóm lại, những người chống đối vai trò của giáo hoàng như kế vị của thánh Phêrô cảm thấy thất vọng về thánh nhân.
Chúng ta hãy cùng tìm vấn đề này nhé.

Trước hết, ơn gọi và vai trò thủ lãnh của thánh Phêrô là do chính Chúa Giêsu Kitô chọn và chỉ định. Nền tảng Kinh Thánh của điều này là:

1. Mt 16,18: Chúa Giêsu trao quyền bính cho Phêrô.

Con là Petrus (Phêrô), nghĩa là tảng đá. Trên đá này, thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng được. Thầy trao cho con chìa khóa nước trời. Dưới đất con cầm buộc điều gì, thì trên trời cũng cầm buộc. Dưới đất con tháo cởi điều gì, thì trên trời cũng tháo cởi.

2. Ga 21,15tt: Chúa Phục Sinh trao phó đoàn chiên cho Phêrô
Simon con ông Giona, anh có yêu mến thầy hơn những người này không?... Hãy chăm sóc chiên con (chiên mẹ) của Thầy.

3. Lc 22,31; Mc 14,37: Chúa Giêsu cầu nguyện cho Phêrô:
Simon, Simon ơi, này satan đã xin sàng anh như người ta sàng gạo. Thầy đã cầu nguyện cho anh, để anh khỏi mất niềm tin. Và một khi anh trở lại, hãy làm cho anh em nên vững tin

4. Ngoài ra, các tác giả Tin Mừng đã luôn liệt kê thánh Phêrô đứng đầu trong danh sách các tông đồ được Chúa Giêsu tuyển chọn (x. Mc 1,16; Mt 4,8; Mc 3,16; Lc 6,14).

5. Thánh Phêrô thường xuất hiện như đại diện các tông đồ (x. Mc 8,32; Ga 6,68; Mt 16,16; Mt 19,27; Cvtđ 5,29)

6. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã rửa chân cho Phêrô đầu tiên (x.Ga 16,6)

7. Sáng sớm ngày phục sinh, thiên thần hiện ra với nhóm phụ nữ và truyền cho các bà về báo cho Phêrô và các tông đồ – tên Phêrô được nhắc tới đầu tiên. (x. Mc 16,7)

8. Sau khi nghe tin, Phêrô và Gioan đã chạy ra xem mồ. Gioan trẻ hơn nên chạy nhanh hơn và đến mồ trước, nhưng đã không bước vào mà đứng chờ Phêrô đến và để ngài bước vào trước (x. Ga 20,4-6)

9. Thánh Phêrô chủ trì cuộc bầu chọn thánh Mathias vào nhóm tông đồ, thế chỗ của Giuđa (x. Cvtđ 1,15)

10. Tại Công Đồng Giêrusalem tiên khởi, chính thánh Phêrô là người đã đứng lên tuyên bố luật mới cho các tín hữu (x. Cvtđ 15,7tt).

11. Sau khi trở lại, thánh Phaolo đã đến Giêrusalem để trình diện thánh Phêrô. (x. Gal 1,18).

12. Các tác giả sách thánh ghi nhận rằng sau khi phục sinh, Chúa Kitô đã hiện ra riêng với Phêrô (x.Lk 22,34; 1Cor 2,11).

Như vậy, chúng ta có một nền tảng Kinh Thánh vững vàng cho vai trò lãnh đạo của thánh Phêrô. Ngài được Chúa Kitô tuyển chọn và đặt làm thủ lãnh, và Giáo Hội thời sơ khai cũng đã nhìn nhận vị trí của ngài. Do đó, dựa vào Kinh Thánh, chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi: Tại sao phải là Phêrô?, rằng: Đó là ý muốn và quyết định của Chúa Kitô! Nếu bạn tin nhận Kinh Thánh là không sai lầm, thì bạn cũng cần tin nhận điều này.

Còn nếu bạn không chấp nhận thánh Phêrô vì ngài quá yếu đuối nhu nhược, thì đó không phải là lý do nghiêm trọng. Bởi „Khi Chúa Giêsu tuyển chọn và đặt Phêrô làm thủ lãnh bất chấp những yếu đuối của ông (điều Ngài biết trước), thì điều đó có nghĩa rằng, đó là thánh ý của Ngài, và Ngài cũng chờ đợi một điều gì đó đặc biệt từ Phêrô“ (Johann Auer).

Dựa vào nền tảng Kinh Thánh này, thánh truyền và các giáo phụ tiếp tục khẳng định vị thế thủ lãnh của thánh Phêrô và các giám mục Roma (giáo hoàng) kế vị thánh nhân, như biểu tượng sự hiệp nhất và sự tiếp nối không đứt đoạn của Giáo Hội mà Chúa Kitô đã thiết lập trên nền tảng Phêrô.

Các vị giáo phụ và các tác giả Công Giáo thời kỳ đầu như Irene (Giám mục Lyon); Sypriano; Hyronimo (Giêrônimô); Augustino; Hypolito, Syrillo (Giám mục Giêrusalem) cùng nhiều tác giả thuộc cả tây phương và đông phương đều có những giáo huấn rõ ràng về vấn đề này. Xin trích dẫn lời khẳng định mạnh mẽ của thánh Irene, vị thánh sắp được tôn vinh là thánh tiến sĩ (thầy dạy) của Hội Thánh. Ngài được tôn kính là vị tiến sĩ của hiệp nhất.

Vì tuổi đời của mình, Giáo Hội này có tính cách tông truyền đệ nhất; thật vậy, những gì bắt nguồn của giáo hội này đều xuất phát từ hai cột trụ của tông đồ đoàn, đó là Thánh Phêrô và Phaolô. Tất cả mọi Giáo Hội cần phải hòa hợp với Giáo Hội Rôma, nhìn nhận nơi giáo hội này tầm mức tông truyền thật sự và đức tin duy nhất chung cho Giáo Hội.

Tác giả Isaac thành Antiokia cũng khẳng định: Giáo Hội Công Giáo được đặt nền trên thánh Phêrô, tương tự như Lều Hội Ngộ được đặt trên Môsê.

Tóm lại, không chỉ nền tảng Kinh Thánh mà thánh truyền và các giáo phụ đều làm chứng cho vai trò không thể phủ nhận của thánh Phêrô và các đấng kế vị ngài (các giáo hoàng) như điểm quy chiếu của giáo huấn đức tin và luân lý. Đó là lẽ ra là những lý chứng quá đủ thuyết phục để những ai tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô nên nhìn nhận và vâng phục.

M. Hạnh Tử (dịch và tổng hợp)
(Nhân ngày lễ Lập Tông Tòa Phêrô 22/2)

Read 284 times Last modified on Thứ năm, 24 Tháng 2 2022 05:58