Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 05 Tháng 11 2014 15:43

Xích xiềng không giữ được con

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Xích xiềng không giữ được con

Không chịu được thằng con ngỗ ngược, ông T. đã dùng xích sắt xiềng chân đứa con của mình lại. Để đáp trả, H. cương quyết không chịu cho tháo xiềng ngay cả trước tòa để phản đối hành động của người bố. Cậu nhìn bố với đôi mắt đỏ ngầu đầy hận thù. Ðôi mắt đằng đằng uất khí như muốn nói rằng tất cả tội lỗi của người con đều có phần trách nhiệm của người bố, đều do người bố gây ra.
TT - Một sự kiện hi hữu và đau xót đã xảy ra tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, Hà Nội cuối tháng năm vừa qua...

K.M.H. - 19 tuổi, một trong năm bị cáo bị đưa ra xét xử vì tội cướp tài sản - vắng mặt. Bố của H. đã xin tòa được thay mặt H.. Tất nhiên là tòa không đồng ý. Gần một giờ sau H. được đưa đến trong tư thế hai chân bị xiềng. Ai xiềng? Chính là bố của bị cáo.

Không chịu được thằng con ngỗ ngược, ông T. đã dùng xích sắt xiềng chân đứa con của mình lại. Để “đáp trả”, H. cương quyết không chịu cho tháo xiềng ngay cả trước tòa để phản đối hành động của người bố. Cậu nhìn bố với đôi mắt đỏ ngầu đầy hận thù. Ðôi mắt đằng đằng uất khí như muốn nói rằng tất cả tội lỗi của người con đều có phần trách nhiệm của người bố, đều do người bố gây ra.

Cướp vặt, án nặng

K.M.H. là bị cáo duy nhất đã trưởng thành - về mặt tuổi tác, bốn người còn lại đều là vị thành niên. 1g30 đêm 29-12-2006, cả nhóm bàn bạc rủ nhau đi cướp. Đến phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, gặp hai thanh niên đi làm về đèo nhau bằng xe đạp. Một người vô tình nhổ một bãi nước bọt xuống đầu xe. Chỉ chờ có thế, T. “con” xông lên chặn đầu xe rút dao gí vào cổ anh thanh niên, dằn giọng: “Tại sao mày nhổ nước bọt vào mặt tao”, rồi cả bọn xông vào đấm đạp hai anh và cướp một sợi dây chuyền cùng hai tờ 50.000 đồng. Nạn nhân tri hô, cả bọn bỏ chạy nhưng bị người dân bắt giữ.

Sau khi bị bắt, các bị cáo khai đã thực hiện trước đó ba vụ cướp, trấn lột những cặp tình nhân đi chơi khuya. Trong đó, một lần cướp được 33.000 đồng, một lần khác chỉ cướp được... gói thuốc lá Vinataba.

Các bị cáo bị truy tố tội cướp tài sản có tổ chức, có hung khí và tái phạm nhiều lần. Có lẽ vì thế mà bản án khá nặng nề: T. “con” 30 tháng tù giam, hai bị cáo khác được hưởng án treo. Riêng H. phải lãnh bản án 6 năm tù.

Cũng tại tòa án này, trong phiên xử ngày 30-5 có năm bị cáo vị thành niên bị xét xử về tội cưỡng đoạt tài sản. Sau khi được chiêu đãi một chầu nhậu bằng tiền cầm chiếc điện thoại di dộng, cả hội lê bước trên đường, bất chợt gặp một thiếu niên đi xe đạp. T.A. giữ xe lại và quát lớn: “Có tiền không?”. Người đi xe nói: “Không có”, lập tức một người trong bọn thò tay vào túi quần lấy ví của em, thấy chỉ có 15.000 đồng bèn đút túi và bỏ đi. Em thiếu niên đã đến công an phường trình bày sự việc và cả bọn nhanh chóng bị tóm gọn.

Các bị cáo được cho tại ngoại. Tuy nhiên sau đó, T.A. tiếp tục tham gia một vụ cướp ở Cầu Giấy nên bị tạm giam.

Tòa đã tuyên phạt T.A. 10 tháng tù giam, các bị cáo còn lại mức án 8 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 16 tháng.

Vấn nạn không lời đáp

Những bị cáo thanh thiếu niên nói trên dưới một góc nhìn nào đó, là loại người “hư hỏng” bị gia đình bỏ quên hoặc chối bỏ, nhà trường chào thua và pháp luật nghiêm trị. Như bản luận tội của vị đại diện viện kiểm sát trong phiên tòa xét xử T.A. nêu rõ: “Tuy số tiền bị cướp chỉ có 15.000 đồng nhưng đó là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, gây mất trật tự trị an và gây tâm lý hoang mang lo lắng cho mọi người...”. Thế nhưng nguyên nhân nào dẫn họ đến những hành vi đó khi tuổi đời còn rất trẻ?

Trong lời bào chữa, một vị luật sư cũng đã nêu ra trách nhiệm của gia đình, trường học và xã hội. Chỉ cần thiếu một trong ba yếu tố đó, trẻ rất dễ sinh hư, dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội. Một trong hai vị hội thẩm nhân dân của phiên tòa - cô giáo của một trường trung học cơ sở - cũng khẳng định: “Các em đều không chăm học, chơi bời lêu lổng, đua đòi ăn chơi”, nhưng rất tiếc không có vị đại diện của một trường học nào tham dự phiên tòa.

Còn bố mẹ các em thì sao? Tình trạng bận làm ăn kiếm sống và phó mặc con cái cho thầy cô, tâm lý “trăm sự nhờ thầy” còn nặng nề lắm, trong khi đó xã hội thì...

Xích xiềng không giữ được con

Dư vị đắng của hai phiên tòa này chính là chiếc xích sắt xiềng chân. Sau khi tòa tuyên án, K.M.H. không chịu rời vành móng ngựa. H. lớn tiếng nói với bố mẹ: “Ông bà về đi, ông bà hành hạ tôi như thế chưa đủ sao. Tôi sẵn sàng ở đây 6-7 năm nữa!”. Trước hành động này, ngay cả vị thẩm phán đã ngồi xét xử nhiều vụ án hình sự cũng không khỏi thấy ngỡ ngàng.

Giữa các bị cáo và gia đình đã có một khoảng cách, dù nguyên nhân nào đi nữa. Khi tòa hỏi: “Ai là đại diện hợp pháp của bị cáo T.A.?”. Một người mặc bộ quân phục cũ kỹ, mặt đen sạm từ từ đứng dậy. Tòa lại hỏi: “Anh có quan hệ như thế nào với bị cáo. Anh đến đây có một mình?”. Anh nói nhát gừng: “Thưa quí tòa, tôi là bố cháu. Vợ chồng tôi chia tay nhau đã lâu rồi và tôi là người chịu trách nhiệm nuôi cháu”. Thì ra là như vậy: gà trống nuôi con. Bố mải làm ăn kiếm sống, T.A. hoàn toàn tự do, ngày đêm muốn đi đâu, làm gì không bị ai quản lý, T.A. lại đã bỏ học, nên sự sa ngã là một tất yếu. Đến khi sự việc xảy ra, bố T.A. đưa con đến công an đầu thú thì mọi chuyện đã muộn màng.

Tương tự là trường hợp của bị cáo T.P.. Mẹ của T.P. kể rằng vợ chồng bà ly hôn đã 10 năm nay, một mình bà vất vả nuôi con mà không hề có sự quan tâm của bố nó.

Hoàn cảnh đó, môi trường xã hội đó, có xiềng chân thì cũng không giữ được con.
An Thanh Lương

Read 1288 times Last modified on Thứ năm, 06 Tháng 11 2014 16:44