Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 13 Tháng 9 2024 07:12

Chúa Nhật 24 Thường Niên, Năm B

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Chúa Nhật 24 Thường Niên, Năm B

 

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B

Mc 8, 27-35: TỬ NẠN- PHỤC SINH

 

      Từ đầu năm 2021 tại Việt Nam, giấy chứng minh nhân dân được đổi thành căn cước công dân, có gắn chip. Trước năm 1975 trong miền nam Việt Nam, người dân cũng được cấp thẻ căn cước. Và trên toàn thế giới hầu như quốc gia nào cũng cấp cho công dân mình một thẻ id card, để phân biệt người này với người kia. Để xác minh công dân này không phải là công dân khác.

      Trong đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa Giê su cũng muốn xác minh xem Ngài là ai dưới mắt  mọi người. Ngài hỏi các tông đồ “Người ta nói Thầy là ai?  ( Mc 8,27). Dựa vào dư luận, các ông nói Thầy là ông Gioan Tẩy Giả hoặc ông Ê li a hay một tiên tri nào đó.(Mc 8,28). Dựa vào những việc làm, những lời rao giảng của Chúa nên người ta cho rằng Ngài là một vị tiên tri.

      Nhưng Chúa Giê su muốn biết quan điểm của chính các tông đồ. Ngài hỏi các ông: “  Còn anh em, anh em bảo thầy là ai?” Phê rô thay lời anh em trả lời.Thầy là Đấng Kitô.(Mc 8,29). Phêrô cũng chỉ dựa vào những việc Chúa làm, dựa vào sách tiên tri để nhận định rằng Chúa là Đấng Kitô. “Thần khí Chúa đã ngự trên tôi, Ngài đã xức dầu tấn phong tôi”.(Is 60,1-2). Kitô, theo tiếng Hy Lạp, Mêsia theo tiếng Hipri là Đấng đã được xức dầu.

      Có lẽ Phê rô cũng như các môn đệ khác và như đa số dân chúng Do Thái. Họ trông đợi Đấng Thiên Sai theo nghĩa chính trị. Ngài sẽ đến để giải thoát dân khỏi ách nô lệ, khỏi sự đô hộ của người Roma, để cai trị các dân và để khôi phục vương quyền nhà Đa vít. Tuy nhiên, có lẽ ông là tông đồ trưởng nên được Chúa ban ơn riêng. Chúa khen ngợi: “Này anh Simon, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16, 17). Và ngay sau đó Ngài ngăn cấm các ông không được nói với ai về Ngài, vì sợ người ta hiểu lầm về Đấng Mêsia.

  Nhân đây, Chúa loan báo về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Ngài cho các môn đệ.

  Sứ vụ của Đấng Ki tô chính là thân phận của “Người Tôi Tớ đau khổ” : “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6). 

  Đây là lần thứ nhất Chúa loan báo: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ mục, các thượng tế, các kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8,31). Lần thứ hai, khi tụ họp tại Galilêa, Đức Giêsu cũng tỏ cho họ biết: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31). Lần thứ ba: Trên đường lên Giêrusalem, dọc đường Đức Giêsu kéo riêng Nhóm Mười Hai ra: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư; họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại, và họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, đánh đòn Người và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (Mc 10,33-34).

Điều này thật khó hiểu đối với mọi người, nhất là các tông đồ, đặc biệt là đối với Phê rô. Ông đã kéo riêng Ngài ra và trách Ngài. Nhưng Đức Giêsu lại mắng ông: “Xa tan lui lại đằng sau Thầy.”(Mc 8,33).

 Antoine de Saint-Exupéry nói:”Yêu nhau không phải ngồi nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng”. Hai người yêu nhau phải nói cùng một ngôn ngữ. Một chàng trai Paris yêu một cô gái Việt. Chàng cố tìm nói  một vài câu tiếng Việt. Đặc biệt trong ngày cưới chàng đã hát bài Oui devant Dieu. Lời việt của Phạm Duy: “Anh bên mình em, lặng yên trước bàn thờ...Và người con gái cũng phải cố công học tiếng Pháp. Chẳng bao lâu sau nàng đã chiếm được cảm tình của chồng và cả gia đình nhà chồng. 

Chúa Giêsu trách Phê rô: Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người. (Mc 8,33). Hai luồng tư tưởng khác nhau, chưa thể hòa hợp, chưa thể yêu thương.

 Từ tưởng của Chúa là:” Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. (Mc 8,34-35)

      Trong cuộc hành trình trần thế đã có biết bao môn đệ chúa Kitô đón nhận tư tưởng này và chấp nhận đi theo con đường liều mất để cứu được này.

      Ngày 10 tháng 5 năm 1873, đáp lại lời mời gọi của ĐGM Louis Désiré Maigret, Đại Diện Tông Tòa tại Hawaii, cha Damien tình nguyện xung phong làm chủ chăn thường trú tại Trại Cư Trú dành cho người phong. Ngài còn tình nguyện ở lại luôn tại Trại để chăm sóc 816 bệnh nhân cả hồn và xác, không phân biệt tín ngưỡng. Năm đó, Cha Damien, mới 33 tuổi. Ngày 15 tháng tư, năm 1889, lúc 8 giờ sáng, ngài từ trần ở tuổi 49, sau  nhiều năm lây nhiễm bệnh phong.

Và còn bao nhiêu nhân chứng khác: một Teresa Calcutta, một Maximilien Kolbe, một Jean Cassaigne….đều là những người liều mất mạng sống mình.

  Giữa cơn đại dịch Covid lần thứ tư tại Sài Gòn và miền Nam, trong khi hàng ngàn con người đang hoảng loạn, chạy trốn khỏi vùng dịch, thì các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và các thiện nguyện viên lại vui vẻ hăng say tình nguyện đi lên tuyến đầu, chăm sóc các bệnh nhân Covid F0. Họ đều là những người liều mất mạng sống mình theo lời mời gọi của Thầy Giêsu.

 Giữa khó khăn, thử thách và dịch bệnh, người tín hữu vẫn cảm thấy an bình, vẫn được an ủi. Vì có nơi nương tựa là Tình Yêu là lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó chính là ý nghĩa của Tử Nạn và Phục Sinh. Người không có niềm tin cảm thấy bế tắc, bất mãn, tuyệt vọng. 

  Lạy chúa, xin cho chúng con hiểu được mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh trong đời sống chúng con. Xin cho chúng con mạnh dạn vác Thánh giá mình mà theo Chúa.

 

                                                          Nguyễn Đức Lân. 

 

 

Read 33 times