Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 05 Tháng 7 2024 20:37

Chúa nhật 14 Thường Niên năm B

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Chúa nhật 14 Mùa Thường Niên năm B

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM B

Mc 6,1-6) THÀNH KIẾN CẢN TRỞ ĐỨC TIN

 

     Không ai trong chúng ta được chọn cha mẹ khi sinh ra đời. Không bé sơ sinh nào được hỏi: con có muốn làm con cha mẹ không? Chúng ta không hiểu tại sao Thiên chúa lại chọn Đức Maria và Thánh Giuse làm mẹ cha của Con Một Ngài. 

     Không ai trong chúng ta, khi sinh ra,  tự chọn quốc tịch cho mình. Nếu được chọn, chưa chắc chúng ta đã chọn quốc tịch đang có. Chúng ta không hiểu tại sao Thiên Chúa lại chọn Israel làm quê hương cho Con Một Ngài. Lại càng khó hiểu tại sao chọn Nazareth làm  nơi sinh sống. Nước Israel đâu giàu có gì. Dân  Israel có hiền lành, trung tín gì. Làng Nazareth nghèo khó, dân cư thưa thớt, thuộc Galilê, miền Bắc nước Israel. 

     Theo chương trình ngàn đời của Thiên Chúa, Con Một Ngài được sinh ra trong một không gian và một thời gian rõ rệt, tại một đất nước nhỏ bé, trong một ngôi làng đơn sơ và một gia đình lao động tầm thường.

     Hỏi sao khi Ngài đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, không bị người đồng hương nghi ngờ, dị nghị, thiên kiến. 

 

     Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 13,53-58; Mc 6,1-6; Lc 4,14-39) đều thuật lại việc Chúa Giêsu không được tiếp đón tại quê nhà và Chúa nói: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình hay giữa đám bà con thân thuộc và trong gia đình mình mà thôi “(Mc 6,4).

     Thời đó người ta cũng đã xét cá nhân theo lý lịch, theo gốc gác rồi. Ông Nathanael đã từng hỏi ông Philip: Từ Nazareth làm sao có cái gì hay được? (Ga 1,46).

     Ngày sa bát, khi thấy Chúa vào hội đường giảng dạy, họ ngạc nhiên thì thầm với nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là gì? (Mc 6,2.)Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao ? (Mc 6,3).

     Dân làng Nagiarét biết rõ gốc gác, gia cảnh, và lý lịch của Chúa Giêsu. Thiên kiến đã che mắt họ. Nếu sống ở Nagiarét, thời chúa Giêsu, chúng ta có lẽ cũng phản ứng như dân làng. 

 

     Trong lễ tạ ơn của một tân linh mục, các thanh niên trong giáo xứ bảo nhau: Mày, thằng Tèo đen nó làm cha rồi đó. Mấy bà ngoài chợ kháo láo : bán cá- bà cố làm nghề bán cá tươi - mà cũng có con làm cha à ?Bán cá mà cũng làm bà cố à?

 

       Cha phó mới về giáo xứ là một linh mục trẻ, mới tốt nghiệp, mới ra trường, mới chịu chức. Đôi tay còn thơm mùi dầu thánh. Chiều cao của cha thuộc loại trung bình, nhưng cái bụng “quá khổ” làm cho người ta thấy như cha  không được cao lắm. Cái bụng của cha đẩy chúng tôi ra xa. Các giáo lý viên sầm sì với nhau: cái bụng nước lèo đó chỉ có thể là một trong hai trường hợp:

Thứ nhất, đó là cái bụng được miêu tả trong ca dao:

                                               Ăn no rồi lại nằm khoèo,

                                               Hễ dục trống chèo bế bụng đi xem. (Ca dao).

Thứ hai, đây là đệ tử chính hiệu của thần Bacchus.Thần rượu.

Cả hai trường hợp đều làm chúng tôi “kính nhi viễn chi”.

Chúng tôi thật e dè. Nhưng chỉ một thời gian ngắn làm việc với cha, chúng tôi mới thấy Đây là hồng ân của Thiên Chúa ban cho giáo xứ và cho đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể chúng tôi, nói riêng.Vâng, ngài thật là một linh mục đạo đức, có chiều sâu, có óc tổ chức và nhất là rất có tình người . Về sau chúng tôi phải “xưng tội” với ngài: chính cái bụng của cha đẩy chúng con ra xa, nhưng cũng chính cái bụng của cha đã lôi kéo chúng con lại với cha. Ngày cha rời giáo xứ chúng tôi, đi làm cha xứ nơi khác, có gần 10 chiếc xe hơi lớn nhỏ tiễn cha đi. Không riêng gì thiếu nhi chúng tôi, mà cả những người già cũng khóc sướt mướt khi chia tay với cha.Trong số gần mười cha đã từng làm cha phó ở giáo xứ chúng tôi, có lẽ ngài là cha gắn bó nhất với giáo xứ và với giáo lý viên giáo xứ chúng tôi.

Thiên Kiến thật tai hại! 

 

     Việt Nam ta cũng nói: Bụt chùa nhà không thiêng .

Óc thiên kiến, do thiển cận, không cho ta thấy những trổi vượt của người khác, vì ta quá quen thuộc. 

Óc thiên kiến, vì thiếu khiêm tốn, làm ta luôn cho mình là nhất, không chấp nhận những khả năng của người khác.

Thiên kiến đưa đến những hậu quả tai hại.

Dân làng Nagiarét “vấp ngã vì Người, họ không tin, họ không được ơn cứu rỗi. Và người lấy làm lạ vì họ không tin (Mc 6,6).

Trong đời sống thiêng liêng nhiều khi ta cũng thiên kiến với Chúa: Chúa chẳng thương tôi, Chúa phạt tôi, Chúa không tha thứ cho tôi.

Trong đời sống gia đình, các thành viên thiên kiến với nhau, gây cuộc sống nặng nề, ngột ngạt, khó thở.

Ngoài xã hội bạn bè thiên kiến với nhau gây bất hòa, cô lập, mất an ninh. 

     Thiên kiến với đạo công giáo, nhiều người không dám tìm hiểu Tin Mừng Chúa Kitô .

 

     Lạy Chúa, xin cho chúng con biết vượt qua thiên kiến, để đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

                                            Nguyễn Đức Lân

 

Read 152 times Last modified on Thứ bảy, 06 Tháng 7 2024 07:16