Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 30 Tháng 6 2016 06:41

Thánh nữ Maria Mađalena – Bài 2: Trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Thánh nữ Maria Mađalena – Bài 2: Trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca


Tin Mừng theo thánh Mat-thêu chỉ cho ta thấy nhóm phụ nữ đứng đàng xa khi Chúa Giê-su bị treo trên thập giá, và cho biết “các bà đã đi theo Chúa Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người”. Tin Mừng theo thánh Lu-ca cho chúng ta danh sách các phụ nữ đi theo phục vụ Chúa Giê-su ngay từ chương thứ 8: “Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai, và mấy phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mac-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ”.

Trong cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm, bà Maria Mac-đa-la luôn đứng đầu danh sách các phụ nữ đi theo giúp đỡ Chúa Giê-su. Mat-thêu không cho biết lai lịch của bà. Lu-ca cho biết bà là người được giải thoát khỏi bảy quỷ. Trong Kinh Thánh thì con số bảy chỉ sự tròn đầy, bảy quỷ tức là toàn bộ quyền lực của quỷ. Ta không biết tình trạng của bà khi bị bảy quỷ hành hạ như thế nào, cũng không biết bà được Chúa cứu trong hoàn cảnh nào. (Mc 16, 9 cũng lặp lại thông tin này trong phần kết.)

Danh sách của Lu-ca theo ngay sau chuyện người đàn bà tội lỗi đến khóc dưới chân Chúa trong nhà ông Si-môn, có lẽ vì thế người ta đã quen đồng hóa hai bà, cho rằng Maria Ma-đa-le-na chính là người đàn bà tội lỗi sám hối kia, hoặc là người đàn bà ngoại tình trong Gio-an 8, 1-11. Nhưng trên cơ sở văn bản thì không có gì cho phép đồng hóa. Về phương diện quá trình bản thân, một người bị bảy quỷ hành hạ thì không thể nào trở thành “người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng trong thành” (Lc 7, 37) hay người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang (Ga 8, 3). Vậy thì xin cởi bỏ cái áo khoác lãng mạn người ta đã choàng lên cho Maria Mác-đa-la, và đi vào nguồn chính là các sách Tin Mừng, để chiêm ngắm dung nhan người phụ nữ tuyệt vời trong hàng môn đệ, được Hội Thánh tôn kính ngang hàng các vị trong nhóm Mười Hai tông đồ, và học biết những gì Tin mừng nói về ngài thay vì những phóng chiếu lãng mạn của chúng ta. Trong bài này tôi xin trình bày Maria Mađalena trong sách Tin Mừng Lu-ca.

Bản danh sách ở chương thứ 8 của Lu-ca cho thấy nhóm phụ nữ do Maria Mac-đa-la đứng đầu, đã đi theo Chúa Giêsu khi Chúa cùng với nhóm Mười Hai rong ruổi đường trường loan báo Tin Mừng. Nhóm Mười Hai là những người bỏ mọi sự mà đi theo Chúa và được Chúa chọn làm Tông Đồ (Lc 6, 13) để ở với Chúa (Mc 3, 14), còn nhóm phụ nữ thì đem theo của cải mà giúp đỡ Chúa Giê-su và các Tông Đồ. Vậy thì nhóm Mười Hai và nhóm phụ nữ là hai nhóm luôn ở bên cạnh Chúa Giê-su, tuy nhiên suốt cuộc hành trình của Chúa Giê-su ta không thấy các bà xuất hiện lần nào, cho tới khi Chúa bị treo lên thập giá ta mới lại gặp các bà trong tư thế “chứng nhân”: “Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giê-su, cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Ga-li-lê; các bà đã chứng kiến những việc ấy” (Lc 23, 49). Bản văn nói đến hai nhóm cùng đứng đàng xa: “tất cả những người quen biết Đức Giê-su” và “những phụ nữ…”, nhưng khi nói về chứng kiến thì chỉ nói đến các bà [bản dịch ở đây theo đúng nguyên văn Hy lạp].

Sau đó, khi ông Giô-xép xin được xác Đức Giê-su, “ông hạ xác Ngài xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ… Cùng đi với ông Giô-xép, có những người phụ nữ đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sa-bát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền” (Lc 23, 53-56).

Lu-ca bố trí câu chuyện thật chặt chẽ ở đây: nhóm phụ nữ này chứng kiến cái chết của Chúa Gê-su trên thập giá, chứng kiến khi ông Giô-xép hạ xác Chúa Giê-su từ tên thập giá xuống, lấy vải gai liệm và đặt vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá…Các bà cùng đi với ông tới mộ, để ý nhìn ngôi mộ và xem xác người được đặt như thế nào. Các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sa-bát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền. Như vậy là các bà có mặt và ghi nhận mọi sự cho đến lúc bắt buộc phải nghỉ theo luật. Các bà chuẩn bị dầu và thuốc thơm [sau khi mặt trời lặn ngày sa-bát, là có thể mua sắm] là đã có ý trở lại mộ để ướp xác Chúa, chứ không phải tình cờ kéo nhau đi.“Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn”. Những chi tiết trên còn cho thấy các bà không chờ đợi chuyện gì khác thường, nhưng chỉ làm một chuyện rất đơn giản là đem dầu và thuốc thơm đến ướp xác, vì hôm trước là áp ngày sa-bat, và các bà cũng bị bất ngờ về cái chết của Chúa cũng như về chính việc được lãnh xác để mai tang.

Các bà thực hiện dự tính của mình. Nhưng các bà thấy gì ở mộ? “Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ”. Họ không thể lầm, vì họ đã đi theo ông Giô-xép, đã nhìn xem ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. Họ là một nhóm chứ không phải một người, và mới cách một ngày, không thể nói họ vào lầm một ngôi mộ khác. “Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả”. Lu-ca cho cảm tưởng họ không bị bất ngờ vì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mồ, thản nhiên bước vào. Chỉ khi không thấy thi hài Chúa Giê-su họ mới phân vân.

“Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ hãi cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: Sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê… Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói.”

Hai người đàn ông y phục sáng chói bỗng xuất hiện ngay bên cạnh họ ở ngay trong mộ. Họ sợ hãi là lẽ đương nhiên. Hai người này là ai? Lu-ca không nói là thiên thần nhưng là hai người. Để hiểu điều này, phải trở lại cảnh Chúa Giê-su tỏ vinh quang (hiển dung) trên núi: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc Xuất Hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.” Hai người đàn ông y phục sáng chói, gợi cho ta nhớ tới “hai vị hiện ra rạng ngời vinh hiển”, tức là Mô-sê và Ê-li-a. Hai vị đã đàm đạo với Chúa Giê-su về cuộc Xuất Hành người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem, nay đến xác nhận với các bà rằng Người đã hoàn thành cuộc Xuất Hành: Người không còn đây nữa, Người đã trỗi dậy rồi.

Hai người nói với các bà: “Hãy nhớ lại lời Người đã nói với các bà khi còn ở Ga-li-lê”. Mat-thêu nói trống : “như Người đã nói”; Mac-cô nhắc các môn đệ: “như Người đã nói với các ông”. Lu-ca nói rõ: Người đã nói với các bà khi còn ở Ga-li-lê. Một chi tiết nhỏ để lộ một sự thật lớn. Đọc các sách Tin Mừng khác, chúng ta có cảm tưởng Chúa Giê-su chỉ trực tiếp dạy dỗ các ông môn đệ về cuộc khổ nạn và phục sinh. Lu-ca lại cho thấy các bà cũng đã được trực tiếp nghe Chúa dạy những điều “bí mật”trọng đại, chứ không chỉ nghe các ông nói lại.

“Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói. Khi từ mộ trở về, các bà kể cho nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Mấy bà nói đây là bà Maria Mac-đa-la, bà Gio-an-na và bà Maria, mẹ ông Gia-cô-bê, các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn nên không tin”.

Hai lần Lu-ca kể rằng Đức Mẹ ghi nhớ mọi điều ấy và suy niệm trong lòng (Lc 2, 19.61). Các nữ môn đệ cũng ghi nhớ những lời Chúa Giê-su đã nói, và chỉ cần “hai người y phục sáng chói” này nhắc một tiếng là các bà nhớ lại. Các Tông Đồ nghe các bà kể thì cho là chuyện vớ vẩn nên không tin, hẳn là vì bộ nhớ của các ông không tốt bằng. Chúa dựng nên người phụ nữ với bộ nhớ đặc biệt. Trong gia đình, cha nhiều khi quên cả sinh nhật của các con, thì mẹ là người ghi nhớ mọi sự. Bộ nhớ này đôi khi cũng gây phiền toái, vì “đàn ông không tha nhưng mà quên, đàn bà tha nhưng mà không quên”. Nhưng nếu dùng để ghi nhớ mọi lời Chúa nói thì mọi sự sẽ êm xuôi. Lạc đề rồi!

Trở lại câu chuyện trong Tin Mừng Lu-ca, sau câu kết luận về thái độ không tin của các Tông Đồ, Lu-ca tiếp tục kể cho chúng ta chuyện ông Phê-rô chạy ra mồ, rồi chuyện hai người môn đệ trên đường Em-mau. Sau khi nhận ra Chúa Giê-su lúc Chúa bẻ bành, hai người từ Em-mau vội vã quay về Giê-ru-sa-lem. Hẳn trong bụng hai ông phải thích thú với ý nghĩ mình là đàn ông, sẽ làm cho các ông khác phải tin. Nhưng khi về tới nơi và gõ cửa, thì các ông khác ở trong nhà vừa mở cửa đã reo lên: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn”. Hai chữ thật rồi mang ý nghĩa rất đặc biệt ở đây: “thật rồi” quy chiếu vào chuyện lúc ban sáng các ông không tin lời các bà, vì cho là chuyện vớ vẩn. Bây giờ thì các ông đã tin. Tại sao? Chúa đã hiện ra với ông Si-môn! Trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã nói với ông Si-môn: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32). Bây giờ Chúa đã cho ông Phê-rô cơ hội thi hành sứ mạng. Anh em đã tuyên xưng: “Chúa trỗi dậy thật rồi”, vì họ đã nghe ông Phê-rô kể lại việc Chúa Phục Sinh hiện ra với ông.

Trong việc xác nhận vai trò của ông Phê-rô, Chúa Giê-su cũng xác nhận giá trị lời chứng của các nữ môn đệ, đứng đầu là bà Maria Mac-đa-la. Các ông cho chuyện các bà kể là chuyện vớ vẩn nên không tin. Đó là thái độ “nam trọng, nữ khinh”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một đứa con trai cũng là có, muời đứa con gái cũng là không). Trọng và khinh ở đây không phải là kính trọng và khinh dể, nhưng trọng là nặng, khinh là nhẹ. Trong Kinh Thánh, lời chứng của người phụ nữ không có giá trị trước tòa án, trừ trường hợp sinh đẻ (ta sẽ thấy trong Tin Mừng Gio-an). Việt Nam có câu “đàn bà trông gà hóa quạ”, các Tông Đồ coi lời chứng của các bà là “chuyện vớ vẩn”. Bây giờ nhờ lời chứng của ông Phê-rô, các ông cũng phải nhận là các bà đã nói đúng, chứ không phải chuyện vớ vẩn.

Kết luận: Tin Mừng Lu-ca trình bày rất chi tiết và chặt chẽ việc các phụ nữ đi theo Chúa Giê-su từ Ga-li-lê, đứng đầu là bà Maria Mác-đa-la, đã là những môn đệ đích thật, được nghe Chúa Giê-su dạy dỗ cả những điều bí mật về cuộc Thương Khó và Phục Sinh, ngang hàng các Tông Đồ. Trong khi các Tông Đồ và các môn đệ khác chạy trốn hết, thì các nữ môn đệ chứng kiến cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá; chứng kiến ông Giô-xép hạ xác và táng xác, biết ngôi mộ ở đâu, xác Chúa được đặt như thế nào. Các bà chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần các bà ra mộ và được thấy mộ đã mở, được hai người y phục sáng chói cho biết Chúa đã trỗi dậy, và được sứ mạng về báo tin cho các Tông Đồ. Các bà nhớ lại lời Chúa đã nói khi còn ở Ga-li-lê về cái chết và sự phục sinh của Chúa.

Các Tông Đồ vẫn giữ não trạng cổ truyền, coi lời các bà kể là chuyện vớ vẩn. Nhưng khi thánh Phê-rô làm cho anh em vững mạnh, thì cũng đồng thời xác nhận rằng về phương diện làm chứng cho Chúa Giê-su, lời chứng của các nữ môn đệ cũng ngang hàng lời chứng của các ông môn đệ và các Tông Đồ, và còn hơn thế nữa: các nữ môn đệ là những người đầu tiên đã nhớ lại những lời Chúa nói khi còn ở Ga-li-lê, đã gặp Chúa Phục Sinh, và nhận được sứ mạng đem Tin Mừng cho các Tông Đồ.

Giê-ru-sa-lem 18/6/2016

L.M. Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J.

Read 893 times Last modified on Chủ nhật, 03 Tháng 7 2016 14:55