Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 29 Tháng 4 2019 06:36

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (29/4) tới CN III-PS Năm C (5/5)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (29/4) tới CN III-PS Năm C (5/5)


Lm Giuse BCD, SJ

I.Tin Mừng Ga 3:1-8 (Thứ 2, II-PS)
(Thứ Hai sau Chúa Nhật II Phục Sinh, Lễ Thánh Catarina Xiêna)

1 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái.2 Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông nói với Người: "Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy."3 Đức Giê-su trả lời: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên."4 Ông Ni-cô-đê-mô thưa: "Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao? "5 Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.6 Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.7 Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.8 Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy."

Các bạn thân mến,
Chúng ta vẫn đang trong những ngày tháng mừng đại lễ Chúa Phục Sinh. Dư âm của đại lễ này kéo dài mãi mãi trong đời sống đức tin của chúng ta, bởi vì không có biến cố Chúa phục sinh thì cũng không có đức tin vào Chúa nơi từng người tín hữu. Lời Chúa chúng ta suy niệm hôm nay quả quyết về điều đó.

Ông Nicôđêmô lén lút gặp Chúa Giêsu vì ông tin Người là Đấng phải đến thế gian để cứu độ nhân loại. Ông nhận biết Chúa qua các dấu lạ Người thực hiện (Ga 3:2). Đối với Chúa Giêsu, niềm tin của ông Nicôđêmô được vững mạnh là nhờ "Phép Rửa theo ước muốn" ông vừa nhận được, khi Chúa quả quyết: "Không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên" (Ga 3:3). Ông thấy Nước Thiên Chúa hiển trị nơi con người và các việc làm của Chúa Giêsu. Mặc dù ông không nhận được Phép Rửa như chúng ta nhưng từ tâm hồn khát khao thuộc về Chúa, ước ao theo chân Chúa..., ông thực sự đã được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.

Phép Rửa, đúng hơn nên gọi là Phép Dìm (Baptism), là một ơn sủng lớn lao Thiên Chúa ban tặng cho con người. Phép Rửa giúp con người được tăng trưởng trong đức tin và được Chúa Thánh Thần dẫn dắt bước đi trên con đường của Đấng Phục Sinh. Vì thế, tất cả những ai tin theo Chúa đều cần phải lãnh nhận Phép Rửa, vì Phép Rửa là khởi nguồn của ơn thánh Chúa và giúp con người được sống sự sống mới trong thân xác cũ, được sống sự sống thần linh, sống trong thần khí và sự thật.

Biến cố Chúa Phục Sinh và đoạn Lời Chúa hôm nay như nhắc nhớ chúng ta về hồng ân Phép Rửa mà mỗi người chúng ta đã được lãnh nhận. Như thế, khi tiếp xúc với những người chưa nhận được Phép Rửa, chúng ta có khát khao giúp họ được hưởng những ân sủng của Chúa như chúng ta không? Nói cách khác, chúng ta có nghĩ tới việc san sẻ ân sủng của Chúa cho những người chưa biết Chúa không? Trước trách nhiệm và bổn phận của người đã lãnh nhận Phép Rửa của Chúa, chúng ta nên làm gì để giúp người khác cũng nhận được Phép Rửa như chúng ta?
Chúc mọi người cầu nguyện sốt sắng!

II.Tin Mừng Ga 3:7-15 (Thứ 3, II-PS)
(Thứ Ba sau Chúa Nhật II Phục Sinh)

7 Bấy giờ, Chúa Giêsu tiếp tục nói với ông Nicôđêmô: "Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.8 Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy."
9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: "Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được? "
10 Đức Giê-su đáp: "Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy!11 Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi.12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được? 13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời."

Các bạn thân mến,
Sau khi được diện kiến Chúa Phục Sinh và lên trời vinh hiển, các môn đệ vẫn chưa thể làm được gì ngoài việc tụ họp bên nhau, lắng nghe tiếng Thầy Giê-su từ con tim mềm yếu và cử hành Lễ Bẻ Bánh, chờ đợi Thánh Thần Thiên Chúa ngự đến như lời Thầy Giê-su đã hứa. Vì lẽ đó, trong những ngày này, Giáo Hội cho chúng ta nghe những đoạn văn đầu của Sách Công vụ Tông đồ và Tin Mừng Gioan chương 3.

Sách Công vụ Tông đồ, có thể nói, là sách tường thuật lại các công việc của Chúa Thánh Thần và vai trò của Người trong Hội Thánh Sơ Khai. Tin Mừng Gioan chương 3 như một mặc khải về ơn sủng từ trời cao do Chúa Thánh Thần đem lại.

Hôm qua chúng ta đã nghe đoạn đầu của chương 3 theo Phúc Âm Gioan kể về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô trong đêm tối. Vâng, đây đúng là một cuộc gặp gỡ trong đêm tối! "Đêm tối" có thể hiểu theo hai nghĩa: thứ nhất, ông Ni-cô-đê-mô sợ người Pha-ri-sêu phát hiện ông đi gặp Thầy Giê-su như hình ảnh các môn đệ sợ hãi quây quần bên nhau trong nhà tiệc ly chờ đợi sức mạnh từ trời cao giáng xuống; thứ hai, ông Ni-cô-đê-mô chẳng hiểu gì về những lời Thầy Giê-su giảng giải vì "bóng đêm" của sự dữ vẫn phủ lấp tâm trí ông.

Cuộc trò chuyện giữa Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô trong đêm tối xoay quanh chủ đề về "sự tái sinh", nghĩa là con người cần được sinh ra một lần nữa trong Thánh Thần. Đối với người chưa có đức tin vào Thầy Giê-su, hầu chắc họ không hiểu, có khi còn nghĩ rằng đó là lời nói của người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hoang tưởng. Thực tế, đức tin vượt quá sự hiểu biết của lý trí và lý trí giúp cho đức tin được vững vàng và xác tín hơn. Tin vào Đức Giê-su là điều kiện tiên quyết giúp hiểu được thế nào là "tái sinh". Đức Giê-su sinh ra trên trần gian, chia sẻ cuộc sống con người, chịu nạn, chịu chết, sống lại và lên trời... là để con người cũng được như Người. Để nên giống Giê-su, con người cần được sinh ra một lần nữa trong Thần Khí và Sự Thật, tức là trở nên một con người mới khoác trên mình chiếc áo của Thầy Giê-su và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Cuộc tái sinh này giúp những người tin vào Giê-su trở thành những "Ki-tô hữu" là những người có Chúa Ki-tô, thuộc về Chúa Ki-tô và là bạn đích thực của Người.

Chúng ta thật hạnh phúc vì đã được tái sinh nhờ Thánh Thần qua việc lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy và Bí tích Thêm Sức để trở thành những chứng nhân cho Chúa Phục Sinh. Không những thế, chúng ta sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần, thời đại có thể chứng kiến các hoạt động mạnh mẽ của Người trong Giáo Hội, trong Giáo Xứ, trong các đoàn thể, trong công việc và trong các biến cố xảy đến hằng ngày hằng giờ giữa đời thường. Bạn có nghiệm thấy thế không?

"Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy" (Ga 3:8). Tôi xác tín rằng đức tin của người Ki-tô hữu sẽ mạnh mẽ hơn nếu họ nhận ra sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong con người họ, và sẽ sống, làm việc trong Thánh Thần, cũng như sẽ làm được những công việc của Chúa.

Bạn có sẵn sàng để Chúa Thánh Thần hoạt động trên con người bạn không? Bạn có đặt mình dưới sự dẫn dắt của Người trong các công việc và hoạt động của bạn không? Làm thế nào để có thể nhận ra Chúa Thánh Thần giữa các sự kiện và biến cố trong cuộc sống?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

III.Tin Mừng Mt 13:54-58 (Lễ Thánh Giuse Lao Động, 1/5)
(Thứ Tư sau Chúa Nhật II Phục Sinh)
LỄ THÁNH GIUSE LAO ĐỘNG (1/5)

54 Khi ấy, Chúa Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: "Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?55 Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao?56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? "57 Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi."58 Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

Các bạn thân mến,
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Giuse Lao Động, hay còn gọi là Thánh Giuse Thợ, và thế giới cũng mừng ngày lễ Quốc tế Lao động. Chính vì vậy, hằng năm khi tới ngày lễ này, tôi thường liên tưởng tới những người đang lao động vất vả bằng chính mồ hôi nước mắt của họ, trí thức có, trung bình có, bần cố nông cũng có.

Trong Bài Đọc Lời Chúa hôm nay, Giáo Hội chọn đoạn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu tường thuật lại biến cố Đức Giê-su trở về Na-da-rét và bị dân chúng ở đó khước từ. Tại sao họ khước từ Đức Giê-su? Có lẽ hiểu theo nghĩa đen và đơn giản nhất là vì Người có một lý lịch không mấy tươi sáng. Người sống ở vùng quê nghèo, có cha mẹ là người không nổi tiếng, lại làm nghề thợ mộc, một cái nghề rất tầm thường.

Tuy nhiên, họ chẳng hiểu rằng cha của Đức Giê-su chọn công việc ấy là để có thể âm thầm cộng tác với Ba Ngôi Thiên Chúa thực hiện kế hoạch yêu thương của Người. Nghề mộc thật giản đơn, không cần vốn, lại chẳng cần phải nổi nang, chỉ cần kiếm đủ cơm đủ mặc là được. Giàu có để làm gì? Liệu sự giàu có có giúp con trai của thánh Giuse thêm phần phúc, thêm sức mạnh cạnh tranh giữa đời? Điều quan trọng là yêu nghề, sống vì nghề và chết vì nghiệp để giúp mái ấm gia đình thuận hòa êm ấm là mãn nguyện. Có lẽ thánh Giuse đã có một quan niệm sống như thế. Vâng, chắc hẳn là vậy, vì con trai của ngài đã lớn khôn, biết đọc biết viết và có thể am hiểu Thánh Kinh, điều mà mỗi người tín hữu Do Thái giáo cần có được.

Ngày nay có nhiều người đang ở vào độ tuổi lao động như thánh Giuse. Không biết họ làm việc thế nào? Họ có yêu nghề và sẵn sàng sống chết vì nó hay không? Họ làm việc để phục vụ lợi ích bản thân hay để phục vụ cho sứ mạng của Thiên Chúa, để cộng tác vào công trình tái tạo và cứu chuộc của Người trên trần gian này?

Chiên ngắm hình ảnh Thánh Giuse Lao Động, điều gì để lại trong tâm trí bạn? Bạn có thấy xấu hổ khi phải làm công việc quét rác, phu hồ, sửa xe vệ đường, hớt tóc, hộ lý, v.v.? Đâu là mục đích và lý tưởng trong công việc của bạn?

Để kết thúc bài gợi ý này, tôi xin phép kể lại cho các bạn nghe câu chuyện về một anh quét rác ngoài đường phố. Mọi người cứ ngỡ rằng anh quét rác có một số phận hẩm hiu, cô quạnh bởi vì công việc thấp kém của anh. Có người còn cho rằng vợ anh khinh rể anh, các con anh không dám nhìn mặt anh hoặc giới thiệu về anh cho bạn bè của chúng. Thế nhưng, thực tế thì trái ngược hẳn. Hằng ngày, sau giờ tan tầm, anh trở về nhà vào buổi chiều tối, vợ anh chạy ra đón anh bằng vòng tay êm ấm, ôm trọn thân anh; các con anh thì chuẩn bị sẵn cho bố một ấm nước nóng để tắm rửa và một ly chanh nóng để giải mệt. Sau khi tắm xong, bữa cơm tối đã chỉnh tề và mọi người cùng sum họp bên bàn ăn chia sẻ những thành quả do người cha đem lại từ những giọt mồ hôi chân chính. Gia đình anh cứ thế sống qua ngày và đến một ngày các con đều học hành thành tựu. Khi người ta hỏi những người con: "Vì sao các cháu lại có thể học tập thành công trong một gia đình nghèo khổ như thế? " Các con anh đều trả lời giống nhau: "Vì cháu có một người cha vĩ đại. Một người cha đã dạy cho chúng cháu biết yêu nghề và sống chết vì nghề với một lương tâm ngay chính."

Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!

IV.Tin Mừng Ga 3:31-36 (Thứ 5, II-PS)
(Thứ Năm sau Chúa Nhật II Phục Sinh)

31 Bấy giờ, Chúa Giêsu nói: "Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người; kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người;32 Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người.33 Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật.34 Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn.35 Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người.36 Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy."

Các bạn thân mến,
Thánh Gioan trong đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp tục đóng vai trò của người ngôn sứ để tiết lộ cho chúng ta nhận biết về thân phận của Đức Ki-tô: "Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn" (Ga 3:34).
Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và được Thiên Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu chuộc gian trần. Người không tự mình nói ra nhưng nhờ Thần Khí là Chúa Thánh Thần Người nói những lời Thiên Chúa muốn nói.

Nếu chúng ta đọc lại Sách Công vụ Tông đồ, chúng ta sẽ nhận thấy các Tông đồ thuở xưa cũng nói những lời về Thầy Giê-su dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Khi thánh Phê-rô và các Tông đồ khác bị điệu ra tòa, các ngài đã biện luận hùng hồn và xác tín rằng: "Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người" (Cv 5:32). Đứng giữa những kẻ chống đối, các ngài không ngần ngại khẳng định: "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm" (Cv 5:29).

Tất cả như minh chứng rằng khi có Thánh Thần, mọi Ki-tô hữu đều có thể suy nghĩ, nói năng và hành động theo thánh ý Thiên Chúa, cũng như có khả năng chia sẻ và thực thi tác vụ ngôn sứ của Chúa Kitô. Ngay cả trong cầu nguyện, Chúa Thánh Thần cũng dạy chúng ta biết phải cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 8:26-27).

Các bạn có bao giờ ý thức sự giới hạn của bản thân để nài van sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần trong các hoạt động của cuộc sống hằng ngày không? Các bạn có đặt mình để Chúa Thánh Thần dẫn dắt trên con đường loan báo Tin Mừng không? Các bạn có dám làm chứng về Thầy Giê-su trong lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự đỡ nâng của Chúa Thánh Thần không? Các bạn có bao giờ ý thức về khả năng chia sẻ ba chức năng của Chúa Kitô - tư tế, ngôn sứ và vương đế - khi được lãnh nhận Phép Thanh Tẩy để thi hành cách sống động trong cuộc sống làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh chưa?
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!

V.Tin Mừng Ga 6:1-15 (Thứ 6, II-PS)
(Thứ Sáu sau Chúa Nhật II Phục Sinh)

1 Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a.2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm.3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ.4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.
5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? "6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.7 Ông Phi-líp-phê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút."8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người:9 "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! "10 Đức Giê-su nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn.11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi."13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! "15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

Các bạn thân mến,
Bắt đầu hôm nay Giáo Hội sẽ cho chúng ta nghe lại Diễn Từ về Bánh Hằng Sống trong Tin Mừng Gioan chương 6. Tin Mừng Gioan không kể lại sự kiện Chúa Giê-su lập Bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly như trong ba Tin Mừng Nhất Lãm đã kể lại, nhưng thay vào đó là một diễn từ khá dài về Bánh Trường Sinh.

Trong đoạn đầu Ga 6:1-15, chúng ta có thể chiêm ngắm hình ảnh dân chúng lũ lượt kéo nhau đi gặp Chúa Giê-su vì họ đã chứng kiến những phép lạ Chúa làm, nhưng thực tế họ chưa tin Người chính là Đấng Mê-xi-a. Gặp được Chúa, họ lại được chứng kiến một phép lạ mới, đó là phép lạ Bánh Hóa Nhiều. Họ kinh ngạc đến nỗi phải thốt lên: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!" (Ga 6:14). Vâng, họ chỉ có thể tin Đức Giê-su là một ngôn sứ mà thôi.
Phần bạn, bạn tin Đức Giê-su là ai? Đức Giê-su và bạn có mối tương quan thế nào? Ngài có quan trọng với bạn không?

Bạn có nhận thấy phép lạ "Bánh Hóa Nhiều" vẫn được Chúa thực hiện trong mỗi Thánh Lễ bạn tham dự không? Hơn thế nữa, bạn còn nhận được nhiều phép lạ khác trong cuộc sống do chính Ngài thực hiện, bạn có tin thế không?
Bạn hãy lắng đọng tâm hồn để chiêm ngắm những phép lạ Chúa làm trong đời bạn, để rồi bạn có thể trả lời cho các câu hỏi trên, đặc biệt là câu "Đối với tôi, Đức Ki-tô là ai", và thốt lên cách xác tín những điều bạn kinh nghiệm được về Ngài. Trả lời câu hỏi chỉ mới hoàn thành 50%, 50% còn lại là sống câu trả lời ấy.

Chúc bạn nhiều ơn Chúa Phục Sinh để sống sung mãn cuộc sống làm con cái Thiên Chúa và môn đệ của Đức Ki-tô.

VI.Tin Mừng Ga 6:16-21 (Thứ 7, II-PS)
(Thứ Bảy sau Chúa Nhật II Phục Sinh)
"Thầy đây mà, đừng sợ!'" (Ga 6:20).

16 Chiều đến, các môn đệ xuống bờ Biển Hồ,17 rồi xuống thuyền đi về phía Ca-phác-na-um bên kia Biển Hồ. Trời đã tối mà Đức Giê-su chưa đến với các ông.18 Biển động, vì gió thổi mạnh.19 Khi đã chèo được chừng năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Đức Giê-su đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền. Các ông hoảng sợ.20 Nhưng Người bảo các ông: "Thầy đây mà, đừng sợ! "21 Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến.

Các bạn thân mến,
Ngay sau khi Đức Giê-su làm phép lạ Bánh Hóa Nhiều, Người tiếp tục làm một phép lạ khác khiến các môn đệ hoảng sợ. Đó chính là phép lạ Đức Giê-su đi trên mặt biển giữa lúc bão táp phong ba và làm cho biển yên gió lặng, và đây cũng là nội dung của đoạn Tin Mừng (TM) chúng ta sẽ cầu nguyện hôm nay.

Dường như diễn từ về Bánh Trường Sinh bị cắt ngang bởi đoạn Tin Mừng này. Nếu đọc lại toàn bộ chương 6 của Tin Mừng Gioan, chúng ta sẽ nhận ra đoạn văn này (c.16-21) không liên quan gì tới diễn từ ấy, nhưng lại là đoạn văn diễn tả cách sống động mối tương quan giữa lời rao giảng và ứng nghiệm cuộc sống với quyền năng đích thực của Đức Giê-su: Bánh Trường Sinh không chỉ giúp những ai lãnh nhận không bao giờ phải đói, nhưng còn vượt qua bóng đêm sợ hãi và bão táp phong ba giữa đời thường.

Các bạn hãy đọc lại đoạn TM này cách chậm rãi và hãy hình dung khung cảnh của đoạn văn này trong trí tưởng tượng của mình. Khung cảnh ấy có thể là một chiếc thuyền đang lênh đênh trên mặt biển, đang êm đềm trôi từ bờ bên này tới bờ bên kia thì bỗng chốc cuồng phong ập đến.

Có lẽ ai cũng mơ ước có một cuộc sống êm đềm, ít biến động. Thế nhưng, mơ ước chỉ là ước mơ mà thôi. Cuộc sống không sóng gió, không biến động, không có u buồn như đêm tối không ánh trăng thì không phải là cuộc sống, tựa như một bản nhạc không có quãng trầm bổng và nốt thấp cao... thì không thể gọi là một bản nhạc.

Các môn đệ sau khi được chứng kiến phép lạ của Thầy Giê-su, được ăn no nê, được sung túc... thì bắt đầu đối diện với sóng gió cuộc đời, sóng gió diễn ra trong màn đêm đen tối, chẳng biết đi về đâu. Biển động, gió mạnh giữa đêm đen càng làm cho người ta kinh hãi. Giữa lúc đối diện với hiểm nguy thì Thầy Giê-su xuất hiện: "Thầy đây mà, đừng sợ!'" (Ga 6:20). Chỉ có Thầy Giê-su mới có đủ sức mạnh giúp con thuyền cuộc sống chúng ta cập bến bình an mà thôi: "Các ông muốn rước Người lên thuyền, nhưng ngay lúc đó thuyền đã tới bờ, nơi các ông định đến" (Ga 6:21).

"Thầy đây mà, đừng sợ!'" như một lời an ủi vỗ về mạnh mẽ dành cho những người đang sống trong cảnh khiếp đảm, mất hết niềm tin. "Thầy đây mà, đừng sợ!'" như một lời xác tín rằng Thầy sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi ai hết. "Thầy đây mà, đừng sợ!'" như một lời nói tràn ngập tình thương, sự đỡ nâng và âu yếm của người cha người mẹ dành cho con cái trong lúc bế tắc, khổ đau và lo sợ.

Bạn thân mến, có bao giờ Chúa Giê-su nói với bạn những lời an ủi như thế trong cầu nguyện và giữa cuộc sống hằng ngày của bạn chưa? Bạn đáp lại gì khi nghe những lời an ủi, vỗ về, yêu thương của Chúa? Con thuyền trôi giữa đại dương có lúc gió lặng, có lúc biển động... là hình ảnh của Giáo Hội hiện diện giữa thế giới này. Bạn có bao giờ cầu xin Chúa đến giúp Giáo Hội vượt qua những cơn gió động để đi tới bến bờ bình an không?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VII. Tin Mừng Ga 21:1-14 (CN III-PS Năm C)
(Chúa Nhật III Phục Sinh NĂM C)

1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này.2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su.5 Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư? " Các ông trả lời: "Thưa không."6 Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: "Chúa đó! " Vừa nghe nói "Chúa đó! ", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa.10 Đức Giê-su bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây! "11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.12 Đức Giê-su nói: "Anh em đến mà ăn! " Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai? ", vì các ông biết rằng đó là Chúa.13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

Các bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng (TM) hôm nay đã được Giáo Hội sử dụng vào ngày thứ Sáu trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh vừa qua, và tôi đã chia sẻ một bài gợi ý cầu nguyện cho đoạn TM này. Tuy nhiên, vì Tin Mừng là Lời của Chúa và được Thánh Thần linh hứng, nên mỗi câu mỗi đoạn đều chất chứa những thông điệp khác nhau. Hơn nữa, mỗi lần đọc và suy niệm, chúng ta sẽ được Chúa đánh động theo một phương thế khác nhau. Có thể nói Tin Mừng là một mầu nhiệm và khó có ai hiểu hết được những gì đã được viết ra trong Sách này.
Vì lẽ đó, hôm nay tôi muốn chia sẻ một gợi ý cầu nguyện khác cho đoạn TM trên, đặc biệt là câu: "Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su" (Ga 21:4). Tuy thế, các bạn vẫn có thể sử dụng phần gợi ý của ngày thứ Sáu trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh vừa qua để cầu nguyện với Chúa như một giờ cầu nguyện lặp lại.

"Khi trời đã sáng" nghĩa là mọi vật trở nên rõ ràng, có thể phân biệt người này với người kia, vật này với vật nọ nhờ vào ánh sáng đang chiếu soi. Tuy nhiên, các môn đệ không nhận ra Thầy mình là Chúa Giê-su Phục Sinh đang đứng trên bãi biển. Vì sao thế?
Bởi vì vào lúc ấy, Đức Giê-su đã là một Đức Ki-tô Phục Sinh. Với con mắt thường, khó mà nhận ra Người. Chúng ta có thể nhớ lại một vài hình ảnh trong TM thuật lại biến cố Phục Sinh của Đức Giê-su. Maria Mác-đa-la và các phụ nữ được Đức Ki-tô Phục Sinh hiện ra với họ, nhưng chẳng ai nhận ra Người, nếu Người không cho họ nhìn thấy thân xác phục sinh vinh hiển của Người. Hai môn đệ trên đường Emmaus cũng thế. Phao-lô trên đường Đa-mát bị ngã ngựa bởi ánh sáng chói lòa chiếu rọi và một âm thanh phát ra từ ánh sáng ấy tự xưng là Giê-su (x. Cv 9:3-8), chứ ngài không nhìn thấy Chúa cách trực tiếp, v.v..

Kể từ sau ngày Đức Ki-tô Phục Sinh, tất cả các môn đệ của Đức Giê-su không thể nhìn thấy Người diện đối diện nếu Người không mở mắt cho họ và nếu họ không có lòng tin. Đức Ki-tô Phục Sinh đã trở nên siêu vệt, vượt trội không gian và thời gian, ánh sáng và bóng tối, trở nên vô hình trong một thế giới hữu hình. Lúc này, mọi người đều cần có lòng tin và lòng khát khao để có thể được diện kiến Người.
Cách gặp gỡ Chúa Phục Sinh hiệu quả nhất chính là trong các giờ cầu nguyện và tham dự Lễ Bẻ Bánh. Đó là một trong những lý do, ngay sau khi Chúa về trời và các Tông đồ nhận được Thánh Thần từ trời cao, các ngài đã cầu nguyện không ngừng và siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh (Cv 2:42).
Bạn có nhận ra Chúa đang hiện diện với bạn giữa cuộc sống và trong các giờ cầu nguyện mỗi ngày, cũng như khi bạn tham dự Thánh Lễ không? Đâu là nguyên do làm cho bạn chưa nhận ra Chúa? Bạn sẽ làm gì khi nhận ra Chúa (lập tức chạy đến với Người như thánh Phê-rô vội vàng khoác áo choàng nhảy xuống biển bơi lại bên Người hay sợ hãi và bỏ chạy xa Người)?

Nhận ra Chúa trong cầu nguyện và Thánh Lễ, đối với nhiều người, không khó lắm! Nhận ra Chúa nơi anh chị em xung quanh mình thì khó hơn nhiều dù người đó cầu nguyện lâu giờ mỗi ngày và siêng năng tham dự Thánh Lễ. Bạn phải làm gì để có thể dễ dàng nhận ra Chúa nơi người nghèo khổ, bất hạnh, cô đơn, bị loại trừ, bị đối xử bất công, cũng như nơi những anh chị em trong gia đình, nơi phố xá, trong Giáo xứ và các Hội đoàn...? Bạn sẽ làm gì khi nhận ra Chúa nơi họ, những người đang sống xung quanh bạn?

Nhân tiện, tôi mạn phép kể cho bạn nghe một câu chuyện ngụ ngôn về việc phân biệt "trời đã sáng và đêm tối vẫn còn".
Có một vị thầy nọ hỏi các học trò của mình rằng làm sao người ta có thể xác định được khi nào thì trời sáng, nghĩa là không còn đêm tối nữa?
Một học trò trả lời: "Khi người ta nhìn một con vật ở đằng xa và có thể phân biệt được đó là con bò hay con chó." - Vị thầy trả lời: "Không chính xác".
Một học trò khác thưa: "Đó là lúc người ta nhìn từ xa và có thể phân biệt được cây nào là cây ổi, cây nào là cây sung." - Vị thầy đáp: "Không phải."
Các học trò chịu thua, bèn hỏi thầy: "Vậy, thưa thầy, khi nào thì có thể phân biệt được trời đã sáng hay còn tối?"
Vị thầy từ tốn đáp: "Đó là khi các con nhìn lên khuôn mặt của những người xung quanh, các con nhận ra họ là anh chị em của các con. Nếu các con chưa nhận ra những người xung quanh là anh chị em của mình thì lúc đó trời vẫn còn tối."

Cũng vậy, trong kinh nghiệm phục vụ người nghèo, có một số trường hợp đau thương xảy ra. Bệnh nhân nghèo không có tiền, chưa thể đóng viện phí thì bác sĩ không dám chữ trị cho họ, hoặc không can thiệp dịch vụ y khoa tiên tiến và hiệu quả cho bệnh nhân nghèo. Có lần, người viết gặp một bệnh nhân nằm trên cáng cứu thương từ sáng tới chiều, chưa được nhập viện để cứu chữa, trong khi bệnh nhân đau đớn vì cẳng chân bị gãy làm ba khúc. Khi người viết tới bệnh viện vào lúc năm rưỡi chiều sau khi nghe điện thoại của người nhà cầu cứu, người viết đã nói thẳng với các y bác sĩ rằng "nếu ông ta là anh hoặc em của quý vị đây, liệu quý vị có để họ nằm đau đớn thế này không?" Sở dĩ, xã hội này có nhiều người nghèo đói, bị bỏ rơi và đối xử bất công, trộm cướp, tệ nạn xã hội, v.v. nguyên nhân một phần là vì người ta chưa coi nhau như anh chị em trong cùng một Cha trên trời.

Bạn hãy xin Chúa ban thêm lòng tin trong bạn và lòng khát khao được ở lại với Chúa để có thể dễ dàng nhận ra Chúa nơi những người anh chị em đồng loại và đáp trả tiếng Người mời gọi ngay giữa cuộc sống của bạn.
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

Lm Giuse BCD, SJ

Read 9916 times