Trong hành trình của đời người luôn có những cuộc chia ly. Cuộc sống luôn có sự đổi thay, chuyển hoá, kế thừa và phát triển… Tham dự lễ tang, tiễn đưa Linh mục Louis Nguyễn Văn Hạnh, một Linh mục Dòng Đa Minh nhưng đồng thời đối với Quê Hương Thổ Hoàng được coi như là một Linh mục niên trưởng, một người sống đời tận hiến nhưng luôn đồng hành với quê hương Thổ Hoàng từ những ngày gian khổ. Mặc dầu là một Linh mục dòng nhưng cha đã dành cho quê hương một tình cảm dạt dào, nâng đỡ giáo xứ, khuyến khích ơn gọi, hỗ trợ các bạn trẻ xa nhà học tập tại thành phố và trở thành trụ cột tinh thần cho Hội Đồng Hương của Giáo xứ…
Tôi sống trong cảm xúc trào dâng lẫn lộn. Buổi tối canh thức bên linh cửu của cha, có sự hiện diện của các Linh mục, tu sỹ quê hương từ các tỉnh thành nhận được tin báo trở về chịu tang, có các bạn trẻ trong Hội Đồng Hương tại TP.HCM, bà con, thân hữu và cộng đoàn tham dự. Những nghi thức tiễn biệt thật ngậm ngùi nhưng cũng không nói hết nỗi lòng cần chia sẻ. Trong cùng một buổi tối ngày 08/06, tôi lại phải tiễn đưa người em ra sân bay đi định cư. Lại một cuộc chia ly!. Cuộc chia tay nào cũng ngậm ngùi và để lại những xót xa. Anh em ôm nhau giã từ, những cái xiết tay thật chặt và xác định cuộc đời là một chuyến đi, xin phó thác trong sự quan phòng của Thiên Chúa…
Sáng 09/06, khi tôi tới nhà thờ Mân Côi – Gò Vấp, những người bà con, thân tộc, HĐGX Thổ Hoàng và đồng hương tại Sài Gòn đã hiện diện đông đủ. Các Linh mục, tu sỹ quê hương từ xa đã về tham dự lễ tang tiễn đưa. Hoà lẫn giữa biển người tới tham dự Thánh Lễ cuối cùng của đời Linh mục. Thật hạnh phúc! Giữa đám đông xa lạ nhưng bản thân tôi lại cảm giác có sự gần gũi. Những diễn từ của Hội Dòng nói về người anh em Linh mục quá cố làm cho mọi người ấm lòng. Phần thưởng xứng đáng cho một người sống đời tận hiến.
Quê hương tại miền Nam của chúng tôi thời điểm trước 1975 là cứ điểm của một vùng quân sự. Vì thế dân làng tản mác, tha phương cầu thực. Năm 1975, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác rời bỏ các thành thị miền Nam quay trở về trong sự bảo bọc của bà con, lối xóm. Làng mạc khi ấy thật nghèo nàn không khác gì một làng kinh tế mới. Cha Louis Nguyễn Văn Hạnh được thụ phong Linh mục trong những thời điểm gian khổ này, vô hình trung đã gắn liền cha với số phận của quê hương. Nhà thờ của một giáo họ biệt lập cách nhà xứ trên 3 km, đường sá lầy lội nên mỗi tuần chỉ có 1 Thánh Lễ duy nhất. Nhiều bữa, cha xứ vào đến nơi người đầy bùn đất và ướt cả quần áo. Ôi! Nhắc đến ký ức là cả những tháng ngày dài gian khổ nhưng lòng người vẫn luôn gắn bó bên nhau. Linh mục quản xứ Phê-rô Trần Anh Kim luôn tồn tại giữa lòng chúng tôi là vì vậy. Trong năm 1975, Hội dòng Thánh Giuse Nha Trang đã cử một lớp tu sinh về lánh nạn, để chăm sóc cà phê, ruộng rẫy và âm thầm tiếp tục tu học. Trong thời điểm này chúng tôi hưởng nhờ Thánh Lễ qua cha Gérard Trần Lộc của Hội Dòng. Năm 1977 cộng đoàn dòng bị bắt, giải tán. Thổ Hoàng lại rơi vào cảnh bơ vơ…
Những dịp cha Hạnh về quê là những ngày hoan hỉ, nhưng nghĩ lại thật trần ai. Những cảnh chực chờ xin giấy phép làm lễ; nhất cử, nhất động bị theo dõi. Sau Thánh Lễ đêm Giáng Sinh, Linh mục bị mời ra đồn CA… Nhiều khi tôi lo sợ cha sẽ không dám về quê nữa. Nhưng tình yêu quê hương và tinh thần dấn thân đã vượt qua tất cả… Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua đi! Một câu nói được những người dân trong giáo xứ truyền miệng thông qua một bài giảng lễ của cha. Sau này khi tình hình xã hội được cải thiện, cha lại gắn bó với chúng tôi trong nhiều công việc khác như: mua sắm trang thiết bị âm thanh, đàn organ, cử người đi học về âm thanh điện tử. Người ở quê lên TP đều nhờ vả cha. Cha vận động những người quen nơi phố thị ủng hộ, đóng góp giúp đỡ quê nhà trong các công cuộc xây dựng và phát triển giáo xứ. Lớp trẻ lên thành phố học tập, con em các gia đình được định hướng giới thiệu vào các dòng tu, chủng viện, hầu như đều có sự giúp đỡ của cha. Niềm ưu tư cho thế hệ kế thừa cũng được đền đáp khi Linh mục Giuse Nguyễn Kim Hướng, Linh mục thế hệ sau thành lập Hội Đồng Hương GX.Thổ Hoàng, GP.BMT tại Sài Gòn. Đây là tổ chức nâng đỡ con em đi học xa nhà. Cha Louis đã dành cho các bạn trẻ sự quan tâm và luôn có sự dặn dò cần thiết khi phải xa nhà sống nơi đất khách quê người. Ngày hôm nay các bạn trẻ trưởng thành và ổn định công ăn việc làm, lại tiếp tục dìu dắt thế hệ sau. Ngay cả những giờ phút trăn trối cuối cùng, cha vẫn nói lên mối quan tâm hàng đầu và nhắn nhủ các bạn trẻ có nhiều cố gắng thăng tiến trên con đường học vấn…
Chúng tôi tiễn đưa cha đến nơi an nghỉ cuối cùng. Vùng Đất Thánh của Hội Dòng trong khuôn viên đền thánh Martino, Hố Nai. Phần mộ của cha nằm cạnh phần mộ của Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, một tu sỹ dòng Đa Minh phục vụ tại Saloong Kontum, đã chịu tử nạn trước đó. Cái chết của cha Thanh không khác gì hình ảnh của một người tử vì đạo nên tạo ra không khí linh thiêng. Phần mộ của cha luôn tràn ngập hoa nến. Cha cố Louis nguyên là cha giáo của cha Thanh. Giờ đây hai thầy trò nằm cạnh nhau trong một không gian thánh thiêng và tĩnh lặng. Tôi ra về lòng đầy cảm xúc, suy nghĩ về sự ra đi, về sự hữu hạn của đời người. Chỉ còn lại nhưng giá trị tinh thần cao quý giữa cuộc đời bộn bề nhân giới. Tiễn đưa cha Louis bằng cả một tấm lòng của quê hương. Xin tri ân cha, người huynh trưởng, vị ân nhân của quê hương. Cầu chúc cha về tới bến bình an.
Hoàng Công Nga