Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 16 Tháng 10 2020 18:26

Youtube: Lợi bất cập hại

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  YOUTUBE : LỢI BẤT CẬP HẠI

Điều mà không ai không thể phủ nhận được tiến bộ của công nghệ 4.0, của internet, của truyền thông, của mạng xã hội. Thế nhưng rồi kèm theo những điều lợi đó là biết bao nhiêu hệ lụy.

Chắc nhiều người còn nhớ một thời của tờ báo sáng thứ Ba hàng tuần xuất hiện. Dường như rất và rất nhiều người nhất là giới bình dân cực kỳ thích xem trang báo đó. Đơn giản là trang báo đó phơi bày từng chi tiết của từng vụ án cướp của giết người. Để thu hút độc giả, anh hùng bàn phím đã dùng hết công năng của mình để tô điểm sao cho những vụ án giết người chặt khúc càng chi tiết rùng rợn càng hút khách.

Điều kinh hãi đến là không ít lâu sau khi bài báo được đăng tải thì nhiều vụ án khác tương tự hay kinh hơn vụ án được sao y bản chánh. Sao y bản chánh xem ra đã là khủng rồi nhưng còn là phiên bản mới và cao hơn phiên bản sao y nữa.

Chả có thời gian theo dõi hay quan tâm nhiều về thời sự. Vừa qua con bé cháu nó nói về việc con bé con 5 tuổi treo cổ tự tử thấy hết hồn. Nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của bé đó chính là việc học theo trò chơi treo cổ trên Youtube.

Gia đình, sau khi đón nhận tin đau đớn về sự ra đi của bé đã nói : "Mọi người trong nhà cũng không quá để ý việc các cháu xem gì, thường thì các cháu xem nhiều kênh khác nhau nhưng mình thấy các cháu hay xem clip heo Peppa (những clip nhái theo chương trình Peppa Pig nổi tiếng khắp thế giới). Ban ngày các cháu đi học, chiều tối về thì xem nhưng cũng không được xem nhiều, phần vì gia đình không muốn cho các cháu xem nhiều, thấy bật lên xem là mọi người bắt tắt đi. Phần vì các cháu phải trả tivi cho ông ngoại còn xem chương trình thời sự. Mỗi ngày các cháu thường xem khoảng 30 phút thôi”

Thật sự ra mà nói, chả biết nói gì bởi đa phần cha mẹ chính là người tập cho con cái mình những thói quen xem chừng là tốt nhưng vô cùng nguy hại.

Bữa cơm gia đình chính là lúc mà gia đình bày tỏ những cảm tình, suy nghĩ với nhau. Có lúc do bận rộn quá nên nhiều khi cha mẹ vừa ăn cơm và vừa … làm việc hay lướt phây. Để cho gia đình “yên ấm” thì cha mẹ đưa cho con cái điện thoại hay cái ipad là con cái im ngay và cực kỳ ngoan ngoãn.

Mới đây khi cùng gia đình dùng bữa ngoài tiệm, ngay bàn bên cạnh con bé nhỏ tầm 3 tuổi dán mắt vào chiếc ipad mini mà cha mẹ đưa cho. Thật ra mà nói, bản thân con bé 3 tuổi thì làm gì đủ ý thức lợi hại của máy. Phải chăng chính cha mẹ đã cho con của mình con “dao” tự lúc nào mà mình không hề để ý.

Bấy nhiêu sự ấy đã là quá khó cho việc giáo dục con cái chứ đừng nói đến những chương trình mà ngay như cha mẹ cũng không thể nào kiểm soát được. Thường những trò chơi kích động tâm lý là những trò chơi mới có thể cuốn hút được bọn nhỏ mà thôi.

Cách đây ít năm, khi nhìn đứa cháu chơi game gọi là ma trận gì đó thì quả là thích. Và thích hơn khi người chơi được chọn người chọn quần áo, chọn súng ống, chọn xe … Sau khi chọn xong thì đi cướp của và giết người.

Sau khi nhìn vào màn ảnh như thế, dĩ nhiên là khuyên cháu đừng dây vào những thứ game bạo lực đó nữa để còn để tâm vào chuyện nghiên cứu học hành.

Khi đã rơi vào game đó thì quả thật người chơi khó có thể thoát được sự quyến rũ của nó. Và làm sao không mê được khi chơi trò đá banh được chọn tên Câu Lạc Bộ mình yêu thích, chọn tên cầu thủ mình đam mê và chọn cả sân bóng mình thích thi đấu nữa.

Hiện nay, cạnh game thì có những chương trình xem ra câu khách đến tột cùng như tiktok gì đó. Cũng khó thoát khỏi màn hình bởi những trò vui nhộn được đưa ra trước mắt. Và lợi bất cập hại nhất vẫn là Youtube. Những Youtuber làm đủ mọi cách để thu hút người xem bởi khi người xem càng nhiều càng có lợi.

Mới đây, người ta gửi đến bỉ nhân cái kênh lấy tên Công Giáo gì đó với những nội dung xem ra kích thích người xem. Trong cái kênh Youtube đó đủ những bài bình loạn hay phán đoán thế này thế kia về tình hình Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Thậm chí muốn hút lượt coi thì người chủ trang đó gần như lấy quyền của Đức Thánh Cha để phong chức giám mục cho Cha này và chuyển Đức Cha kia đến địa phận khác.

Chuyện bé chơi trò treo cổ cũng chỉ là giọt nước tràn ly cho những Youtube gây hại. Sương sương thì những Youtuber làm ra những youtube tạo ra những tin giật gân gây hoang mang cho người khác.

Với tất cả những điều ngày mỗi ngày người ta đối diện trên nét, cần và cần lắm sự chọn lựa kênh để vào xem. Và tưởng nghĩ hơn cả vẫn là những người làm youtube cần có tâm hơn để tạo ra sản phẩm của mình.

Và, điều quan trọng là qua bài học của gia đình bé 5 tuổi, mỗi chúng ta cần cân nhắc những gì khi chúng ta “click” chuột hay “enter”. Những ước mong đừng gia đình nào để cho con cái hay chính mình phải rơi vào cái hại vô cùng to lớn do những trang phây, những trang youtube gây họa.

Người Giồng Trôm

Read 598 times Last modified on Thứ bảy, 17 Tháng 10 2020 07:38