Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 02 Tháng 4 2020 10:15

Nói với em về Thiên Chúa và sự dữ cùng cái được cái mất

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Nói với em về Thiên Chúa và sự dữ cùng cái được cái mất


Em!

Em chạy xe một quãng đường dài, mang đến cho tôi nhiều thứ đủ dùng trong 3 tuần tránh dịch, nào là: mắm muối, dưa cà, gạo mì, thịt cá, và rau củ quả, ôi thôi thì đủ thứ. Em nhanh nhẹn vào bếp chuẩn bị bữa trưa để ăn xong còn về cho kịp đường xa. Vừa loay hoay bếp núc, em vừa hỏi tôi: “Nếu Thiên Chúa toàn năng, sao Ngài không lấy quyền năng của Ngài ngăn chặn cơn đại dịch này cha nhỉ? Cha nè! Người ta nói ‘cái gì cũng có mất – có được’, mà mùa dịch virus Wuhan này con thấy mình toàn mất mát: mất đi lễ, mất việc, mất tự do, mất sức khỏe, mất đi những vui chơi giải trí, được gì đâu?” Em nói một tràng dài như để thoát ra một phần nào ức chế trong hai tuần ở nhà tránh dịch. Cơm nước xong em hối hả lên xe về cho kịp bữa cơm chiều với gia đình. Em đi rồi, bỏ lại tôi với câu hỏi to lớn về vấn đề Thiên Chúa và sự dữ; và về vấn đề được gì và mất gì!

chimchua

Em ah!
Thánh Augustinô giúp em và tôi hiểu hơn một chút về vấn đề sự dữ và sự toàn năng của Thiên Chúa, ngài nói: “Vì một mục tiêu tốt đẹp nào đó Thiên Chúa để cho sự dữ xuất hiện, lúc đó do quyền năng, Ngài biến đổi sự dữ thành sự lành.” Cho phép nghĩa là Thiên Chúa vẫn còn quyền kiểm soát sự dữ, nếu không Ngài không còn toàn năng nữa. Sau này Thánh Toma Aquino diễn tả rõ ràng hơn: “Thiên Chúa không cho phép sự dữ xảy ra trừ phi vì một sự thiện nào đó lớn hơn.” Đọc hai định nghĩa trên, với lý trí và Đức tin thì chúng ta chấp nhận được, nhưng sao với con người thì khó quá. Một cách đơn giản: sự dữ chỉ được nhìn nhận là sự dữ khi nó liên quan đến con người. Nếu giả như động đất, núi lửa, và Wuhanvirus xảy ra trên sao hỏa, sao kim thì chúng ta không nói đó là sự dữ, vì nó vắng bóng con người.

Tôi không muốn làm em thêm đau đầu vì có rất nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích về sự hiện diện của sự dữ, nhưng tôi tâm đắc nhất là giả thuyết này: Vũ Trụ và Con Người đang trong qúa trình tiến hoá. Câu hỏi lại đặt ra: “Tại sao Thiên Chúa không tạo dựng một thế giới thật hoàn hảo để không có một sự dữ nào xuất hiện?” Giáo hội cho chúng ta câu trả lời là: dù Thiên Chúa quyền năng vô biên có thể làm được, nhưng Ngài đã không làm, mà tạo dựng một thế giới hướng về sự hoàn hảo sau cùng. Nghĩa là cả vũ trụ đang tiến triển, lớn mạnh để đi đến hoàn hảo. Vì thế, sự lớn mạnh khi “cái này xuất hiện, cái kia biến đi” là quá trình tiến hoá của mọi loài. Giáo hội kết luận: “Vì vậy bao lâu mà công trình tạo dựng chưa đạt được mức trọn hảo của nó, thì cùng với điều tốt, cũng có sự dữ.” Nói cách khác, lớn mạnh để đi đến hoàn hảo đòi hỏi thay đổi, thay đổi đòi hỏi nhiều đau khổ mà ta gọi là sự dữ. [GLGHCG số 310]

Với sự lạm dụng tự do của mình, con người là nguyện nhân của sự dữ, vì Thiên Chúa đã không tạo nên sự dữ, bởi Ngài là Đấng trọn tốt trọn lành. Khi con người lạm dụng tự do, Thiên Chúa tôn trọng sự lựa chọn đó nên đã không ngăn trở, nhưng chắc chắn với lòng yêu thương, Ngài sẽ rút lấy điều lành từ những sự dữ này và làm sinh ích lợi cho con người. GLHTCG khẳng định: “Thiên Chúa dẫn đưa ta tới điều thiện hảo từ những hậu quả của sự dữ. Việc Thiên Chúa cho phép có sự dữ thể lý và sự dữ luân lý là một huyền nhiệm mà Thiên Chúa làm sáng tỏ nhờ Con của Ngài là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và sống lại để chiến thắng sự dữ.” [GLHTCG số 324]

Em ah,

Đứng trước những giải thích như thế chúng ta nhìn thấy ích lợi của sự đau khổ (có lẽ có rất nhiều ích lợi hơn những gì mà em đã kể ở trên về sự mất mát.) Trong rất nhiều những ích lợi đó, tôi muốn nói với em về mấy điểm này:

1/ Đau khổ và sự dữ giúp cho chúng ta tinh luyện lại Đức tin của mình, như vàng được tôi luyện trong lửa. Bao lâu nay chúng ta toàn tự tin vào chính bản thân mình, chúng ta luôn nghĩ rằng mình làm được mọi thứ, mình là chủ tể của vũ trụ này, nhưng qua biến cố này cho chúng ta vững tin rằng chúng ta chỉ là tạo vật và qua biến cố này giúp chúng ta đặt lại Đức tin của mình cho đúng chỗ - nghĩa là tin vào một Thiên Chúa duy nhất.

2/ Sự dữ là một cơ hội để chúng ta bày tỏ tình yêu thương đối với tha nhân và qua tha nhân bày tỏ tình yêu với Thiên Chúa. Chắc em đã thấy đây đó những người nhường cơm sẻ áo trong mùa đại dịch, những người đã quên mình để đứng lên tuyến đầu nhằm chia sẻ với những bệnh nhân về những đau khổ của họ.

3/ Đau khổ và sự dữ giúp chúng ta phát triển các nhân đức, vì có trải qua đau khổ chúng ta mới thấy mình trưởng thành hơn. Em có thấy không, chính em cũng đã trưởng thành hơn về nhân đức khi em biết nhìn ra xung quanh và lo lắng cho moi người. Và chính Đức Ki-tô khi trải qua đau khổ, Ngài đã học được vâng phục thánh ý Chúa Cha. Em cũng như tôi, chúng ta sẽ rút ra được bài học tốt đẹp nào qua biến cố này?

4/ Đau khổ và sự dữ giúp chúng tin tưởng hơn vào lòng Chúa quan phòng và qua đó chúng ta trở bên cho dựa cho những anh em yếu lòng tin hơn chúng ta.

Em thân mến! Khi chúng ta nhì ở góc độ này có thể là sự dữ, nhưng khi chúng ta nhìn ở góc độ khác có thể là những ơn lành. Tất cả tùy thuộc vào vị trí đứng của em và tôi. Bức ảnh tôi gửi em đây nói lên tất cả. Ở góc độ này chúng ta nhìn ra tạo vật, nhưng ở góc độ kia chúng ta nhìn ra một mầu nhiệm thật lớn lao, đó là mầu nhiệm Đức Ki-tô ôm lấy đau thương của nhân loại trong chính thân xác của Ngài. Trong những ngày chuẩn bị cho Tuần Thánh này, những ước mong em và tôi chúng ta nhìn vào cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su và xin Ngài ôm lấy những đau thương của nhân loại đang đối mặt.

Lm Antoine Trần Bửu Phùng

Read 491 times Last modified on Thứ sáu, 03 Tháng 4 2020 07:05