Không biết từ bao giờ, trong ngôn ngữ nhà đạo, hai quy định về ăn chay và kiêng thịt đã đứng chung với nhau trong một cụm từ và trở thành nét thực hành đạo đức tiêu biểu của các tín hữu Việt Nam trong Mùa Chay. Nhưng chỉ biết đích xác rằng kể từ ngày 16 tháng 6 năm 1934, tại Sàigòn, Đức cha Dumortier đã ra một kinh bổn bằng thơ lục bát hẳn hòi hai mươi hai câu, quy định tên những loại chim, không chỉ được phép ăn trong dịp chay kiêng, mà xem ra còn gợi ý khuyến khích: “Đặt làm một bổn ra đây, Những ngày kiêng thịt, chim này nên ăn. Ai ai cũng phải siêng năng, Đọc cho thuộc lảu kẻo ăn mà lầm”.
Kể cũng vui. Bốn mươi mốt thứ chim nêu ra trong bổn kinh ấy thật đa dạng: con có (con cót); thằng có (thằng cộc, thằng nông, thằng bè, thằng chài); già có (già đây); lão có (lão nhược). Thôi thì đủ cả. Song những thứ chim ấy hiện nay không còn nhiều, có loại đã từ lâu vắng bóng trên cánh đồng Việt Nam, có loại đã trở thành quý hiếm, chỉ xuất hiện trên thực đơn của các nhà hàng quý tộc.
Không sao. Dù chẳng còn chim trên bàn ăn trong những ngày kiêng, nhất là sau dịch cúm gia cầm, tín hữu vẫn cứ bước vào Mùa Chay với Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh “ăn chay kiêng thịt” theo Giáo luật quy định đường hoàng. Để bù lại sự thiếu vắng ấy, xin đề nghị ba món ăn khác, là đặc sản đồng thời cũng là nhu yếu phẩm bổ dưỡng của Mùa Chay.
1. Món thứ nhất: Ăn chay cầu nguyện
Tất nhiên, Mùa Chay phải có “ăn chay”, nhưng ăn chay như thế nào mới là chuyện đáng nói. Ngày xưa, quan niệm về ăn chay thường đặt nặng chữ “ăn” đến nỗi quy định rạch ròi cả giờ giấc lẫn liều lượng như “sáng sơ, trưa no, chiều đói” hoặc tổng quát hơn như “một bữa no, hai bữa đói”, khiến đám trẻ cứ ngẩn tò te thòm thèm ăn vụng, và cánh người lớn xem ra cứ phải kiếm việc gì đó để làm cho qua cơn vật vã. Ngày nay, cách nhìn về ăn chay đã khác, không đặt nặng chữ “ăn” nữa, nhưng nhấn tới chữ “chay” nhiều hơn. Người ta vẫn giữ chay theo quy định từ xưa, nhưng “văn hóa ẩm thực” ấy đã được lồng trong “văn hoá tình thương”. Người ăn chay không giảm bớt khẩu phần để có dư một chút mà bỏ vào quỹ tiết kiệm sinh lời, nhưng đơn giản hóa bữa ăn thường ngày để thực tập đời sống khổ hạnh mà thông phần vào cuộc Thương khó của Chúa Kitô, và để chia sẻ một phần đời sống của mình cho những anh chị em đang gặp phải cảnh túng quẫn cơ hàn.
Không phải vô tình mà món “ăn chay kiêng thịt” đã được đưa ra ngay từ đầu Mùa Chay, mà hữu ý cho thấy đây là món ăn cần có cho một bữa tiệc tâm hồn. Người ta ăn chay không nguyên vì giá trị thực tiễn của việc ăn chay, mà vì khởi đi từ việc ăn chay ấy, sẽ nhận ra tiếng gọi đi sâu hơn nữa vào trong đời sống tiết chế, để nhìn lại bản thân mà gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân một cách mới mẻ hơn. Chả thế mà cụm từ “ăn chay kiêng thịt” đã dần dà nhường bước cho những cụm từ “ăn chay hãm mình” hoặc “ăn chay cầu nguyện”, vốn là những kiểu nói diễn tả sinh hoạt tâm linh hơn là những sinh hoạt bên ngoài. Nghe thanh tao hơn và ý nghĩa cũng thanh thoát hơn.
Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ công khai bằng việc ăn chay trong tinh thần chiến đấu và cầu nguyện ấy (Lc 4,1-4). Người vào sa mạc giữa không gian cát đá, chịu đói khát để kiểm nghiệm thân phận yếu đuối loài người. Người cắt đứt với những thói quen thường nhật để rút lui từ cõi tĩnh lặng cầu nguyện. Người trút bỏ mọi nhu cầu ăn uống để chỉ nhận thấy một nhu cầu chính đáng là đói khát sự vô biên. Không bận vướng điều gì bên ngoài, Người chỉ còn một bận tâm duy nhất là chu toàn thánh ý: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Như vậy, “ăn chay cầu nguyện” chính là điều kiện để bước sang cuộc sống mới mẻ hơn, không phải là để đổi món ăn cho hợp khẩu vị thời thượng, cũng không phải là để có vóc dáng thon thả theo yêu cầu thẩm mỹ “người mẫu thời trang”, mà là để gặp gỡ Thiên Chúa một cách tròn đầy hơn theo cung cách “người mẫu Tin Mừng”.
2. Món thứ hai: Ăn năn sám hối
Nếu “ăn chay cầu nguyện” được xem là món chính, nặng về đời sống tâm linh, thì “ăn năn sám hối” phải được nhìn như món chuyên trị đời sống luân lý. Ngày xưa các thánh ẩn tu thường kết hợp hai món ăn này để có sản phẩm “ăn chay đánh tội” vừa cầu kỳ, vừa ly kỳ khó có ai theo nổi. Ngày nay cách chế biến có vẻ khéo hơn, nên người ta đã quen với loại thực phẩm tổng hợp mang tên “ăn chay lánh tội”, và vì thế mới dễ dàng đưa vào thực đơn Mùa Chay một món thiết yếu, chính là món “ăn năn sám hối”. “Ăn năn sám hối” cũng là món ăn đấy thôi: món ăn màu tím. Âm thanh có vẻ gợi đến một thức ăn loại củ như “củ năn củ khoai, củ mài củ sắn”, nhưng ý nghĩa lại vượt quá tầm vóc của hoa màu ruộng đất để trở thành lời tuyên xưng vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, “Đấng tìm kiếm và cứu chữa những gì đã bị hư đi” (Lc 19,10).
Không biết chữ nghĩa tự điển giải thích ra sao, nhưng từ góc độ Mùa Chay, “ăn năn sám hối” là một động từ bao gồm hai động tác không thể tách rời của một người chân thành kiểm điểm lại đời sống của mình trước mặt Thiên Chúa. “Ăn năn” là động tác nhìn vào chính mình để nhận ra những tội lụy của một đời xa vắng, đã dẫn tới sa ngã và xa lìa tình thương của Chúa; còn “sám hối” là động tác nhìn lên Thiên Chúa để khám phá nơi Ngài một tình yêu như trái tim người cha, như tấm lòng người mẹ bao dung thương xót, cho ta được tin yêu mà hy vọng đổi đời. “Ăn năn” giục ta nhìn lại quá khứ, “sám hối” dìu ta đến với tương lai. Thiếu một trong hai động tác này, món ăn sẽ kém bổ dưỡng. Chỉ đăm đăm nhìn vào tội mình mà quên đi tình thương Thiên Chúa, sẽ có nguy cơ rơi vào thất vọng. Cũng là hối hận, nhưng xem ra hối lỗi thì ít mà hận mình lại nhiều. Ngược lại, chỉ hơn hớn nhìn lên Thiên Chúa mà chẳng màng chi đến lời nói “không” với tội lỗi mình, sẽ dẫn tới thái độ ỷ lại đeo bám. Tiếng là hối cải, nhưng không biết hối lỗi, làm sao có thể cải thiện đời sống?
Nếu “không thánh nhân nào lại không có quá khứ, cũng như chẳng tội nhân nào mà không có tương lai”, thì ăn năn sám hối đã trở thành địa chỉ hội ngộ đổi đời. Nói theo kiểu đong đưa của thánh Augustinô, ăn năn sám hối là điểm gặp gỡ giữa sự khốn cùng của tội lỗi con người với sự khôn cùng của tình yêu Thiên Chúa, giữa nỗi miseria của nhân loại với lòng misericordia của Thiên Chúa luôn sẵn sàng cứu độ.
Trong thực tế mục vụ Mùa Chay, món “ăn năn sám hối” được gặp thấy nơi tòa Giải Tội vốn là Bí tích của lòng thương xót, để nghe vẳng bên tai lời dịu dàng của Chúa Giêsu dành cho ông Giakêu năm nào: “Hôm nay Ta muốn ở lại nhà ông” (Lc 19,5); và “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ” (Lc 19,9).
3. Món thứ ba: Ăn ngay ở lành
Hai món “ăn chay cầu nguyện” và “ăn năn sám hối” chỉ có thể phát huy tác dụng khi được phối hợp chặt chẽ với món “ăn ngay ở lành”, vốn là thực phẩm đời thường của bất cứ ai, nhưng lại là món ăn đạo giáo chẳng sai chút nào. Thực ra, trong “ăn năn sám hối” đã hàm chứa quyết định “dốc lòng chừa cải”, nhưng chính khi thực thi đổi đời bằng việc ăn ngay ở lành trước mặt Thiên Chúa và trước mắt loài người, tín hữu mới đi đến cùng trong những thực hành đạo đức Mùa Chay, Mùa Chay có xức tro trên đầu tỏ lòng sám hối và cũng có xức dầu thơm xây dựng nếp sống mới giữa cộng đoàn. Đây không phải là thứ “tùy chọn” theo kiểu chọn thêm tính năng nơi các điện thoại di động hay gia giảm phụ tùng cho các đời xe, có thì sang hơn mà không có cũng chẳng kém cạnh gì. Ngược lại, “ăn ngay ở lành” phải được xem như món ăn chính “nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người” (x. Đỗ Trung Quân, Quê Hương).
Trong thường nghiệm, người ta sống không bằng những gì mình ăn vào, mà bằng những gì mình tiêu hóa được; trong cuộc sống đức tin, người ta cũng chỉ minh chứng được sức khỏe tâm hồn khi thực hiện những nét đổi đời cụ thể như canh tân đời sống, hay đổi tính hạnh, định hướng lại cách cư xử cho mới đẹp hơn, tốt lành hơn, sáng trong hơn, thánh đức hơn… Có mấy lần người Giuđêa đến nhận phép Rửa, Gioan Tẩy Giả đã khuyên họ rất rõ rằng: “Hãy làm việc lành cho xứng với lòng sám hối” (Mt 3,8). Thiết nghĩ đó cũng chính là định hướng cho món ăn thứ ba ở đây.
Về mặt xã hội, “ăn ngay ở lành” là phẩm chất của một cuộc sống ngay thẳng, chẳng những không xâm phạm gì đến quyền lợi của bất cứ ai, vì biết trọng lẽ công bình; mà còn hiền lành trong cách cư xử, sẵn sàng thực thi bác ái liên đới với mọi kẻ xung quanh. Vì thế, ăn chay cũng đồng nghĩa với ăn ngay ở lành, nếu không, thà “ăn mặn nói ngay” còn hơn! Về mặt tôn giáo, “ăn ngay ở lành” còn là một chứng tá đức tin của những con người biết lấy đời sống trong sáng ngay lành của mình để chứng minh cho những người khác về sự hiện diện của một Thiên Chúa tốt lành đã thương kêu gọi mọi người đến với tình thương cứu độ. Ăn ngay ở lành, theo nghĩa này, đã bỏ xa quy định “ăn chay kiêng thịt” để trình làng cả một biến tấu “kiêng ăn” kể ra không xiết: kiêng ăn gian ăn tham, ăn quỵt ăn bẩn, ăn trộm ăn cắp…
Với món “ăn ngay ở lành”, đạo không còn bị đóng khung trong khuôn viên nhà thờ nữa, mà đã thực sự mở ra với đời cho thênh thang sánh bước về nguồn cứu độ. Cùng trong ý tưởng ấy, có lạc quan lắm không khi nghĩ rằng: một người nếu thiện tâm ăn ngay ở lành mong ơn cứu độ, sẽ có những điều thuận lợi để gặp được chính Chúa đúng thời đúng lúc, như cụ Simêon (Lc 2,25-32)?
Tóm lại, Mùa Chay mà chỉ nói chuyện ăn uống thì coi chừng bị quở “chước mốc, ma quỷ cám dỗ”, nhưng đề cập tới ba món đặc sản Phúc Âm quả cũng rất nên. Của đáng tội, chỉ tại ngôn ngữ Việt Nam phong phú quá không thể không móc nối ghi nhận. Song nói đi cũng cần nói lại. Ba kiểu nói đều có chữ “ăn” thật đấy, nhưng không ăn bằng miệng mà ăn bằng lòng! Ba món ăn nhưng chỉ một tấm lòng chân thành của người tín hữu tìm về trong Mùa Chay trước tấm lòng yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa, để quyết tâm xây dựng một cuộc sống mới. Cuộc sống ấy dù không khác với cuộc sống này nhưng theo một tinh thần khác, tinh thần của Phúc Âm.
Khi ăn khẩu vị sẽ đến. Cầu chúc mọi người khi nhấm nháp những món ăn trên sẽ cảm nghiệm được khẩu vị thánh đức. Và lòng hẹn lòng:
Ăn chay cầu nguyện đêm ngày,
Ăn năn sám hối giải bày tâm can,
Ăn ngay hợp với ở lành.
Mùa Chay ba món thực hành từ nay.
ĐGM Vũ Duy Thống (trích trong cuốn “Từng Bước Một Thôi”)
Nguồn: http://gpphanthiet.com