Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 08 Tháng 5 2016 10:02

Đừng xao xuyến

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đừng xao xuyến

Khi đọc Tin Mừng, tôi thấy Chúa Giêsu hiện diện giữa các môn đệ, vừa như một người Thầy, vừa như một người Cha. Như một người Thầy, Chúa huấn luyện các ông và cho các ông được chia sẻ sứ vụ rao giảng của Người. Như một người Cha, Chúa quan tâm chăm sóc và luôn động viên nâng đỡ khi các ông gặp lo âu. “Đừng xao xuyến!”, “Đừng sợ!”, đó là những lời Chúa dùng để trấn an các ông trong lúc sợ hãi ưu phiền. Là người tín hữu, những lời này giúp tôi tìm được bình an và nghị lực để vững vàng vươn lên trong cuộc sống.

Giữa những lo âu xáo trộn của cuộc đời, nhiều khi tôi thấy dường như Thiên Chúa vắng bóng. Những vấn nạn về sự dữ, bất công và đau khổ luôn bủa vây xung quanh tôi. Chúa ở đâu khi biết bao sự dữ xảy đến với dân lành và người vô tội. Làm sao lý giải được một Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn và hay thương xót, khi mà đau khổ, nước mắt luôn đi liền với kiếp sống con người? Chính trong những giây phút này, Chúa nói với tôi: “Lòng các con đừng xao xuyến!”. Chúa soi sáng cho tôi hiểu biết ý nghĩa và giá trị của khổ đau, để tôi biết đón nhận và thánh hoá chúng. Chúa Giêsu cũng tỏ cho tôi biết, Người đang hiện diện nơi những anh chị em đang đau khổ và cơ bần, để rồi ai giúp đỡ họ là giúp đỡ Chúa. Người muốn dùng tôi như cánh tay nối dài của Người để lau khô giọt lệ nơi khoé mắt người cô thế cô thân. Người cũng khẳng định với tôi, trong hành trình cuộc đời, những người đau khổ không bước đi trong cô đơn vô vọng, vì có Chúa đang vác thập giá với họ và thêm sức cho họ. Câu chuyện “dấu chân trên cát” nhắc nhớ tôi sự hiện diện kỳ diệu đầy yêu thương của Chúa. Chúa yêu tôi và Chúa bồng bế tôi trên cánh tay của Người, để không còn sự dữ nào làm tôi ngã gục.

Đối diện với sự chết, là một bi kịch của kiếp người, có những khi tôi băn khoăn về đích điểm của cuộc đời và về hạnh phúc tương lai. Chúa khẳng định với tôi: “Lòng các con đừng xao xuyến… Thầy đi để dọn chỗ cho các con” (Ga 14,1-2). Chúa Giêsu như một người tiền trạm, đi bước trước để chuẩn bị nơi ở chu đáo cho những người thân. Qua những lời này, Người tỏ cho các môn đệ thấy, họ không bị bỏ rơi. Họ sẽ được ở với Chúa và được đồng hưởng vinh quang với Người, vì đã dấn thân tiếp bước theo Người. Chúa cũng đã hứa với các ông: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người đó” (Ga 12,26). Chúa Giêsu là Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người. Người từ trời mà xuống và giờ đây Người lại về trời. Đức Giêsu như một chiếc thang nối trời với đất để nhờ chiếc thang đó, tôi đang từng bước tiến về trời cao. Lời trấn an của Chúa “lòng các con đừng xao xuyến” cũng nhắc nhở tôi rằng trên trời, tôi có Đức Maria, các thánh và những người thân của tôi đã sống thánh thiện và đã an nghỉ trong Chúa. Họ đang chờ đợi tôi và luôn cầu bầu cho tôi. Đối với người tin Chúa, Quê Trời mới là quê thật, cuộc sống trần thế chỉ là cuộc lữ hành. Cuộc lữ hành nào cũng có lúc khởi đầu và hồi kết thúc. Mọi lữ khách đều phải trải qua những thử thách gian nan. Sự gian khó mệt nhọc của cuộc lữ hành cũng là thước đo của lòng trung thành và kiên gan bền chí.

Chúa Giêsu đã đến trần gian để thực hành thánh ý Chúa Cha. Khi hoàn tất công cuộc cứu chuộc con người, Chúa trao cho các môn đệ tiếp tục sứ mạng của Người, trong đó có tôi, với tư cách là Kitô hữu. Khi thực thi sứ mạng Chúa trao, tôi thường lo sợ trước những khó khăn và thiếu can đảm làm chứng nhân cho Chúa. Đôi khi tôi bị cám dỗ nghĩ rằng Chúa đã về trời xa vời vợi, nên việc loan báo Tin Mừng không có hiệu quả. Những lúc ấy, Chúa nói với tôi: “Đừng sợ, Thầy ra đi và Thầy sẽ trở lại với các con” (Ga 14,28). Chúa sẽ trở lại, điều quả quyết này giúp tôi có thêm nghị lực trong sứ mạng tông đồ. Chúa sẽ trở lại, có nghĩa là tôi giống như người quản lý được Chúa trao coi sóc tài sản của Người, để khi Người trở lại, thấy tôi vẫn trung thành với nhiệm vụ được trao và vẫn một niềm cậy trông yêu mến. Chắc chắn lúc đó tôi sẽ được hưởng phần thưởng cao quý Chúa đã hứa cho những tôi tớ trung thành. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến sự chăm sóc mà ông chủ dành cho những đầy tớ tận tâm, xem ra có vẻ quá mức và ngược đời: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12, 37). Quả thật, đây là niềm hạnh phúc lớn lao của những người tôi tớ trung thành.

Chúa Giêsu đã chịu khổ nạn và đã sống lại từ cõi chết. Người vẫn đang hiện diện cách huyền nhiệm trong Giáo Hội. Sự hiện diện của Người làm nên sức mạnh của những cộng đoàn Đức tin và nối kết mọi tín hữu trong tình hiệp nhất. Tuy vậy, nhiều khi tôi cảm thấy lao đao trên đường đời vì vấp phải khổ đau và thập giá. Có những lúc tôi mong chọn Chúa Giêsu mà lại khước từ thập giá của Người. Những lúc đó, Chúa nói với tôi: “Sao anh em lại hoảng hốt ngờ vực, Thầy đây, cứ rờ mà xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24,39). Khi nói những câu này, Chúa đã cho các môn đệ xem các dấu đinh ở tay và cạnh sườn Người. Các dấu đinh vừa là bằng chứng cho thấy người đang nói với các ông chính là Đấng Kitô, vừa khẳng định với các ông rằng, sẽ chẳng có vinh quang cho những ai khước từ thập giá. Chiêm ngắm vết thương của Chúa, tôi được Chúa nhắc bảo nhận ra tình yêu thương của Người. Người đang hiện diện thực sự trong Giáo Hội, không phải như một bóng ma huyền ảo, nhưng như nguồn sống giúp Giáo Hội được lớn lên và trường tồn. Chúa đã về trời, nhưng vẫn hiện diện trong Giáo Hội như lời Người đã hứa: “Này đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Tin vào sự hiện diện của Chúa sẽ giúp tôi có đủ can đảm để thi hành sứ mạng tông đồ, làm chứng nhân cho Chúa giữa lòng thế gian.

Cuộc đời này là một đại dương bao la mà mỗi người đang nỗ lực cố gắng để vượt qua. Đức tin nói với tôi rằng, trong cuộc vượt biển này, có Chúa đồng hành với tôi. Vào một đêm tối, các môn đệ đã gặp bão táp nổi lên và các ông hoảng sợ kinh hoàng. Chúa Giêsu đã đi trên mặt biển đến với họ và Người bảo các ông: “Thầy đây mà, đừng sợ!” (Ga 6, 20). Với sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa, sóng yên biển lặng và thuyền các môn đệ cập bến bình an. Tin Mừng Nhất Lãm cũng kể với chúng ta về một trận cuồng phong trên biển hồ Galiliêa. Sóng lớn ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Chính lúc các môn đệ đang khiếp đảm kinh hoàng, Chúa đã đe sóng và biển, làm cho bão tố dừng lại và biển lặng như tờ (Mt 8,23-27; Mc 4,35-41; Lc 8,22-25). Biển như một con quái vật hung dữ, bị thuần phục trước quyền năng của Chúa. Trong hành trình vượt biển đời, Chúa luôn ở bên cạnh tôi, dù có lúc tôi tưởng chừng như Người đang ngủ. Ý thức sự hiện diện đầy quyền năng và yêu thương của Chúa sẽ giúp tôi an tâm và can đảm đối diện với sóng cả ba đào.

Thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng, trong ngày đăng quang năm 1978, đã ngỏ lời với toàn thế giới: “Đừng sợ, hãy mở cửa lòng đón Đức Kitô”. Lời trấn an của Chúa: “Đừng sợ!” đã giúp vị Giáo hoàng người Ba Lan gặp gỡ mọi nền văn hoá, mọi ý thức hệ chính trị và đưa Giáo Hội Công giáo sang một trang sử mới, đạt được những thành quả ngoạn mục trong suốt một phần tư thế kỷ. Ngài đã có công đưa Đức Giêsu đến với thế giới và đưa thế giới về với Đức Kitô.

Lời mời gọi “Đừng sợ” của sứ thần Gabrien đã giúp Trinh nữ Maria an tâm và mở rộng tấm lòng đón nhận Ngôi Lời nhập thể (x. Lc 1,30). Lời khuyên “Đừng ngại” cũng đã giúp Giuse hết hoang mang, gạt bỏ mọi đàm tiếu, sẵn lòng đón nhận Trinh nữ Maria về nhà mình (x. Mt 1,20). Hôm nay, Chúa cũng đang nói với tôi những lời khích lệ đầy yêu thương đó. Lắng nghe những lời này trong niềm tin yêu phó thác, chắc chắn tôi sẽ gặp được niềm vui và an bình. Bởi lẽ tôi tin chắc rằng, Chúa luôn muốn cho tôi những điều tốt lành. Một khi không còn xao xuyến và sợ hãi, tôi có thể giúp anh chị em tôi vững tin vào Chúa, trở nên những người nghĩa thiết của Người trong gia đình nhân loại.


Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Read 1237 times Last modified on Thứ tư, 11 Tháng 5 2016 05:47