Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 13 Tháng 10 2013 20:11

Sóng gió truyền thông

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sóng gió truyền thông

Đức Bênêđictô XVI từng điêu đứng vì bài diễn văn tại Regensburg, làm dậy sóng trong ngành truyền thông toàn cầu. Đức Phanxicô hiện nay cũng phải đối diện với nhiều lời chỉ trích sau khi ngài trả lời phỏng vấn báo La Civiltà Cattolica.

Điều đáng nói ở đây là những sóng gió không đến từ chính nội dung bài phỏng vấn cho bằng từ cách hành xử của giới truyền thông.

Đây là bài phỏng vấn quy mô và công phu nhất từ trước tới nay. La Civiltà Cattolica cộng tác với nhiều tờ báo khác của dòng Tên trên toàn thế giới như America, Thingking Faith… để thực hiện cuộc phỏng vấn. Ban biên tập của những tờ báo trên gửi các câu hỏi về cho linh mục Antonio Spadaro, S.J., Tổng biên tập tờ La Civiltà Cattolica, để vị này đúc kết lại và thực hiện cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha. Cha Antonio đã được gặp Đức Phanxicô 3 lần tại Casa Santa Marta để tiến hành cuộc phỏng vấn.

Bài trả lời phỏng vấn này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, nhiều giới trên thế giới, kể cả những người ngoài Công giáo. Thật thế, qua bài phỏng vấn, người ta biết được nhiều điều liên quan đến kinh nghiệm thiêng liêng và mục vụ, phương pháp làm việc và quản trị, cũng như quan điểm mục vụ của Đức Thánh Cha về một số vấn đề nhạy cảm.

Thế nhưng điều đáng tiếc là bài phỏng vấn cũng gây ra những phản ứng tiêu cực, không phải vì chính nội dung nhưng vì cách hành xử của ngành truyền thông. Ví dụ, The Guardian, một tờ báo lớn ở Luân Đôn, đã viết: “Trong cuộc phỏng vấn nhạy cảm nhất, Đức giáo hoàng (Phanxicô) đã cố thay đổi toàn bộ hướng đi của Công giáo hiện nay”. Chỉ cần đọc những dòng này, người ta có cảm tưởng vị giáo hoàng hiện tại đang muốn làm cuộc cách mạng về tín lý, phụng vụ cũng như đời sống của Hội Thánh Công giáo. Nhiều tờ báo và các phương tiện truyền thông khác cũng giật những cái tít giật gân và giới thiệu những bài viết theo chiều hướng trên. Những bài báo này đã gây hoang mang nơi nhiều anh chị em tín hữu, khiến đời sống đức tin của họ bị dao động và gây chia rẽ trong cộng đoàn.

Không lạ gì khi nhiều vị lãnh đạo tinh thần phải lên tiếng. Gần với Việt Nam nhất, có Đức hồng y Tagle, Tổng giám mục Manila, Philippines, mới đây đã phát biểu: “Tôi không hiểu tại sao người ta, nhất là ngành truyền thông đại chúng, lại làm cho cuộc phỏng vấn, vốn bình thường và không nói bất cứ điều gì mới mẻ về mặt giáo thuyết…, nay trở thành đề tài gây tranh cãi như thế”. Đang khi cuộc phỏng vấn nói về những đề tài như sự khiêm tốn, nhu cầu sống cộng đoàn, sự phân định và cải cách trong Hội Thánh, thì hầu hết các bài tường thuật và phê bình trên các phương tiện truyền thông lại chỉ tập trung vào chuyện phá thai, hôn nhân đồng tính, ly dị, ngừa thai, và vai trò phụ nữ trong việc lãnh đạo Hội Thánh.

Xảy ra những chuyện như thế là vì người ta rút một câu văn, một lời phát biểu, ra khỏi bối cảnh và văn mạch, rồi tập trung vào đó: “Cách diễn tả trong một cuộc phỏng vấn không giống như trong một thông điệp. Do đó người ta dễ rút một vài câu hỏi văn mạch và đưa lên trang nhất với ý đồ xấu”. Massino Introvigne, nhà xã hội học tôn giáo, tác giả chính của bộ Bách khoa từ điển về các tôn giáo, đã phát biểu như thế. Đây là trò “ma giáo” quen thuộc của ngành truyền thông đến nỗi một giám mục Việt Nam gọi là “chuyện thường ngày ở huyện”!

Đã thế thì tốt nhất là phải tìm đọc toàn bộ bài phỏng vấn hoặc bài giảng, diễn văn, hơn là chỉ nghe theo những gì người khác nói. Đức Tổng giám mục Chaput, Philadelphia, kể lại một câu chuyện có thật. Khi báo chí đưa ra những tin tức giật gân về bài phỏng vấn Đức Phanxicô, nhiều tín hữu hoang mang, không ít người trách móc Đức giáo hoàng vì “tội” dám thay đổi giáo lý Hội Thánh. Lắng nghe những phản ứng tiêu cực trên, trong một Thánh Lễ, vị linh mục chủ sự đề nghị những ai trong cộng đoàn đã trực tiếp đọc toàn văn bài trả lời phỏng vấn của Đức Thánh Cha, chỉ có 5 hoặc 6 cánh tay giơ lên! Đó là vấn đề: chỉ nghe người ta nói (và lại trình bày với ý đồ xấu) chứ bản thân không trực tiếp đọc và tìm hiểu.

Cũng ở đây, xin bày tỏ niềm vui khi thấy xuất hiện Bản dịch Việt ngữ chính thức của Dòng Tên Việt Nam “Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô”. Hi vọng với bản dịch trung thực và đầy đủ này, nhiều người Công giáo Việt Nam có thể đọc trực tiếp những suy tư của Đức Thánh Cha và rút được nhiều bài học bổ ích cho đời sống đức tin của chính mình cũng như của Hội Thánh, hơn là sa vào những bình phẩm xu thời và thiếu căn cứ.

Ở đây cũng hàm chứa lời nhắn gửi về sự trung thực với những ai làm công tác truyền thông công giáo, để công tác truyền thông thật sự góp phần vào sứ vụ Phúc âm hóa trong thế giới truyền thông ngày nay.

(HTT, WHĐ 2-10-2013)

Read 1591 times Last modified on Thứ hai, 14 Tháng 10 2013 19:54