“Thật là ngốc!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật khó để tưởng tượng Chúa Giêsu gọi ai đó là ngốc, nhưng “Thật là ngốc!”, chính xác là những gì Ngài đã nói với người Pharisêu trong Tin Mừng hôm nay! Tại sao? Vì Ngài thấy, ở người biệt phái này, lề luật ‘thay vì giải thoát, nó trói buộc’, và trở nên chiếc bẫy mà kẻ thi hành nó rơi vào!
Tin Mừng tường thuật việc một biệt phái mời Chúa Giêsu dùng bữa; chủ nhà trách Ngài không rửa tay. Nhân cơ hội này, Ngài nói cho người ấy biết, ông đã hiểu sai lề luật. Lề luật bảo vệ và giải thoát để con người thờ phượng cách đúng đắn, giải thoát nó khỏi nô lệ các thần ngoại và tội lỗi; thế nhưng, một khi lề luật tự nó trở thành mục đích, bị cắt xén và tách rời khỏi Đấng mà lẽ ra nó con người hướng về, thì nó trở nên chiếc bẫy. Cũng thế, ngày nay, Giáo Hội Công Giáo có đủ luật lệ, tập tục và quy định khiến cả những Pharisêu khắt khe nhất cũng phải tự hào. Thế nhưng, nguy hiểm ở chỗ, Kitô hữu có thể rơi vào một trong hai cạm bẫy. Trước tiên, chúng ta tuân theo lề luật một cách mãnh liệt đến nỗi không còn nhìn thấy Đấng mà nó bảo vệ và hướng về. Chúng ta không để trái tim và tâm trí mình được giáo dục và hình thành bởi nó; nó được tuân giữ một cách mù quáng; và ‘thay vì giải thoát, nó trói buộc’; nghĩa là chỉ làm sạch bên ngoài chiếc cốc và dừng lại ở đó, mà không tiếp tục nhìn thấy tình yêu vốn đang thanh tẩy và thánh hoá bên trong.
Cạm bẫy thứ hai, chúng ta có thể rơi vào một thái cực khác. Đó là dễ dãi với bản thân khi cho rằng, “Nếu trái tim tôi đặt đúng chỗ, tôi không cần phải lo lắng về tất cả những quy tắc này và những điều tương tự!”. Với một thái độ lỏng lẻo, chúng ta cho phép mình coi nhẹ những lề luật mà thực sự, nó sẽ giải thoát chúng ta. “Tôi biết hôm nay là Chúa Nhật, tôi phải đi lễ; nhưng đó là kỳ nghỉ! Chỉ Chúa mới biết tôi là người tốt!”. Vậy mà, chính trong Thánh Lễ Chúa Nhật, chúng ta nhận được những ân sủng cần thiết để trở thành “người tốt” đó!
Phaolô cũng đã tố cáo thái độ biệt phái này một cách mạnh mẽ trong thư Rôma hôm nay. Ngài gọi họ là “Những con người cầm giữ chân lý của Thiên Chúa trong đường tà”. Và thật thú vị, lời lẽ của Phaolô còn quyết liệt hơn cả Chúa Giêsu, “Họ đã lầm lạc trong những hư tưởng của họ, tâm trạng ngu muội của họ đã ra mù tối. Họ tự khoe là khôn ngoan, nhưng đã hoá ra điên dại!”.
Thế kỷ 18, thế giới biết đến Jean-Jacques Rousseau, một triết gia người Pháp, với lối sống hợm hĩnh của ông. Sự lừa dối được nhìn thấy một cách sinh động suốt đời ông. Ông tuyên bố, “Trước ngai Thiên Chúa, nào ai dám nói, ‘Tôi tốt hơn Rousseau!’”. Trước khi chết, ông tự hào, “Ôi hạnh phúc! Một người không có lý do gì để hối hận hay tự trách mình!”. Sau đó, ông cầu nguyện, “Lạy Chúa, tôi trả lại linh hồn trong sáng cho Ngài như khi nó xuất phát từ Ngài; hãy để nó chung phần hạnh phúc với Ngài!”. Trong các tác phẩm, ông chủ trương ngoại tình và tự tử; và hơn 20 năm sống trong sự phô trương, hầu hết những đứa con của ông được sinh ra ngoài giá thú và lớn lên từ nhà trẻ mồ côi. Ông được biết đến như một người xấu tính, bội bạc, đạo đức giả và báng bổ!
Anh Chị em,
“Thật là ngốc!”. Hẳn Chúa Giêsu cũng sẽ nói với Jean-Jacques Rousseau như thế. Không ai trong chúng ta muốn nghe những lời này. Tuy nhiên, hãy thử lắng nghe, đừng để mình cảm thấy bị xúc phạm! Đó là những lời yêu thương thiết thực của Chúa Giêsu. Hãy khiêm tốn cho phép mình hưởng lợi từ những lời quở trách thực lòng này. Chúa Giêsu muốn chúng ta làm sạch chiếc cốc tâm hồn mình từ bên trong, đó là biến đổi nội tâm hoàn toàn. Hãy để những lời này tiết lộ cho chúng ta những gì cần đổi thay. Có thể đó là lòng kiêu hãnh vốn đã làm chệch hướng các thực hành nội tâm và cách giữ luật Chúa nơi chúng ta, ‘thay vì giải thoát, nó trói buộc’ chúng ta, trói buộc tha nhân; có lẽ nó đã khiến chúng ta mù quáng hoặc quá dễ dãi trước những tội lỗi cần phải thú nhận. Hãy nghe cho được những lời này, và mắt tâm hồn chúng ta sẽ mở ra với những gì cần biến đổi. Đừng ngoảnh mặt làm ngơ; hãy cởi mở, khiêm tốn và lắng nghe! Nhờ đó, với những người công chính, chúng ta có thể cùng “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa” như lời Thánh Vịnh đáp ca!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin giúp con dám để Chúa quở trách, hầu con biết sống luật Chúa. Bấy giờ, ‘thay vì trói buộc, nó sẽ giải thoát con’, hướng con đến chỗ thờ phượng Chúa một cách tinh tuyền”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)